Chán cũng cần đúng cách

YÊN LAM 24/02/2020 18:02 GMT+7

TTCT - Trong đời sống ta dường như có quá nhiều thứ giải trí và để bận tâm, ít khi nào có giây phút để chiêm nghiệm cái sự chán. Nếu có thì ta cũng lại cắm cúi vào điện thoại, lướt lướt, rồi lại chán. Nhưng nếu “chán đúng cách”, ta sẽ thu được cho mình nhiều điều thú vị.

Ảnh: Wired
Ảnh: Wired

Nếu sự chán lại là một trải nghiệm có ý nghĩa, thứ có thể khiến ta “nhập” vào trạng thái suy nghĩ thông suốt và sáng tạo hơn thì sao? Trong bài viết “Chán cũng có thể tốt cho ta - nếu biết làm đúng cách”, tạp chí Time dẫn kết quả nghiên cứu đăng trên tập san Academy of Management Discoveries, rằng sự chán có thể kích thích sáng tạo và năng suất của ta.

Các nhà nghiên cứu cho một nhóm tình nguyện viên làm một hoạt động nhạt nhẽo buồn tẻ (phân loại đậu theo màu), và một nhóm khác làm trò cần suy nghĩ hơn một chút (thủ công), rồi yêu cầu cả hai nhóm tham gia một thử thách buộc phải động não: nghĩ ra lý do biện minh cho sự đi trễ hay ho nhất. Kết quả là nhóm đầu tiên, dù phải trải qua sự chán trước khi bước vào thử thách, lại đưa ra các ý tưởng tốt hơn - về cả số lượng lẫn tính sáng tạo - so với nhóm còn lại.

Trước đó hồi năm 2017, theo tờ Wired, cũng có một thí nghiệm tương tự. Một nhóm tình nguyện viên khi hoàn thành tác vụ nhàm chán là chép lại các số điện thoại từ danh bạ ra giấy được yêu cầu cùng với nhóm không bị “làm chán” trước tham gia thử thách chung (nghĩ ra công dụng cho hai chiếc cốc), và cuối cùng lại đưa ra các câu trả lời sáng tạo hơn nhóm kia.

Sandi Mann, giảng viên tâm lý Đại học Central Lancashire (Anh), là một trong những người cổ vũ nhiệt thành nhất cho ý tưởng hãy yêu sự nhàm chán. Mann, tác giả cuốn sách Vì sao sự chán lại tốt, cho rằng chán là khi “ta tìm kiếm sự kích thích thần kinh nhưng không được thỏa mãn”, và khi ta không tìm thấy kích thích đó, tâm trí sẽ làm thay ta. Nhưng điều quan trọng là phải để tâm trí “lang thang và mơ mộng”. Hãy bỏ đói nó rồi tâm trí sẽ tự khắc đi săn, và chiến lợi phẩm mang về là sự sáng tạo.

Cùng quan điểm, Teresa Bolton, chuyên gia tâm lý nhi đồng người Anh, cho rằng những người không để tâm trí lang thang vô định sẽ không thể phát triển óc sáng tạo, và biết đón nhận. Bolton cho rằng cứ để con trẻ “được” chán, để nuôi dưỡng “kích thích nội tại” có thể thúc đẩy tính sáng tạo bên trong chúng. Rõ ràng trẻ con luôn tự nghĩ ra trò vui cho mình, tận dụng những thứ sẵn có trong nhà, mỗi khi chúng... chán, không còn gì để chơi.

Nhưng ví dụ này chỉ đúng với điều kiện trẻ không tìm đến TV hay smartphone khi buồn chán. Đó cũng là cách để có thể “chán đúng cách”, theo chuyên gia Mann: hãy làm những việc không đòi hỏi tập trung nhiều và để tâm trí tự lang thang, không nhờ đến sự dẫn dắt của âm nhạc hay sự kích thích nào. Điều quan trọng là phải “rút phích cắm”, tức tránh xa smartphone, thứ mà Mann cho rằng “hủy hoại khả năng được chán của ta mà cũng không thực sự khiến ta được giải trí”. “Chúng ta cố gắng quẹt quẹt lướt lướt trên smartphone để xua cơn chán đi, nhưng thật ra làm thế là khiến ta dễ bị chán hơn, vì khi đã cầm điện thoại lên rồi thì tâm trí ta không còn có thể lang thang nữa” - Mann khuyên.

Hãy trang bị cho mình cách đón nhận chán nản, phòng khi hữu sự. Chẳng hạn đâu có ai ngờ có ngày chẳng dám ra ngoài nhiều vì sợ dịch bệnh, hay những đứa trẻ dẫu ghét trường chán lớp đến mấy cũng không ngờ có ngày được ở nhà dài dài, nhưng không phải đến trường mà cũng chẳng được đi đâu. Mà cũng không cần chờ đến khi ta ở trong tình huống éo le đó mới có thể thực hành “yêu sự chán”. Như tờ Time khuyên: “Lần tới khi đang trong cửa hàng tạp hóa, trong một buổi họp tẻ nhạt hay cần giết thời gian trong phòng chờ, hãy cưỡng lại ham muốn cầm điện thoại lên và lướt. Bạn sẽ thấy chán, và não, tâm trạng và hiệu quả làm việc của bạn sẽ cải thiện”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận