Chặng đường 20 năm

MINH THÙY 26/11/2008 18:11 GMT+7

TTCT - “Ai cũng là một ngôi sao sáng. Chỉ có những kẻ không biết đọc bầu trời mà thôi”. Câu nói này của Gandhi được một học sinh nghèo ở ngoại ô Paris (Pháp) dẫn lại khi nói về chương trình “Vào một trường đại học danh giá, tại sao không phải là tôi?”, một chương trình nhằm tạo ra cơ hội bình đẳng cho các học sinh nghèo học giỏi ngoại ô thủ đô nước Pháp.

Phóng to

“Chúng tôi làm việc này như ăn cơm hằng ngày. Chỉ muốn giúp học trò nghèo có tương lai tốt hơn” - ông bà Dương Quang Thiện

TTCT - “Ai cũng là một ngôi sao sáng. Chỉ có những kẻ không biết đọc bầu trời mà thôi”. Câu nói này của Gandhi được một học sinh nghèo ở ngoại ô Paris (Pháp) dẫn lại khi nói về chương trình “Vào một trường đại học danh giá, tại sao không phải là tôi?”, một chương trình nhằm tạo ra cơ hội bình đẳng cho các học sinh nghèo học giỏi ngoại ô thủ đô nước Pháp.

Trong 20 năm, qua chương trình “Vì ngày mai phát triển”, cùng với báo Tuổi Trẻ, có biết bao con người hảo tâm đã chăm chỉ, cần mẫn “đọc” bầu trời. 20 năm, chương trình ấy đã giúp thay đổi nhiều số phận học trò nghèo để họ chuyền tay nhau ngọn lửa lạc quan, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Hãy chia sẻ một vài tâm sự trong số hàng chục ngàn bạn trẻ ngày ấy, bây giờ...

Như cơm ăn hằng ngày

Ông bà Dương Quang Thiện đã tham gia đóng góp cho chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ liên tục suốt 20 năm qua. Gặp ông tại nhà, ông nói rằng không thích nói gì về mình cả, cũng không muốn ai cảm ơn mình. Việc ông làm là do ông thấy muốn làm thì làm và cứ làm đều đặn mỗi ngày như ăn cơm vậy, chẳng có gì phải kể.

Ông bà đã bước qua tuổi 75, sống giản dị, tiết kiệm tất cả những gì có thể để dành cho chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Ông kể: “Bà đầm (vợ ông là người Thụy Sĩ) nói rằng sống hoang phí là có tội vì xung quanh mình còn rất nhiều người khốn khó. Bà rất thích ăn trái cây nhưng không bao giờ ăn trái cây ngoại, chỉ ăn trái cây nội để tiết kiệm. Quần áo của ông bà mặc cũng do bà tự may lấy”.

Khi chúng tôi đến, bà đang bệnh, đi lại khó khăn. Dù ở tuổi 75 nhưng ông vẫn tự mình chăm sóc, chích thuốc cho bà hằng ngày. Đưa tôi xem những cuốn sách “tự học net” dày trên 600 trang in trở lên, ông hồ hởi: “Đây là xêri thứ hai. Mỗi năm bán nó ông được lời khoảng 200 triệu đồng, lại bỏ vô giúp học trò nghèo. Nhiều năm qua, khi đã về già ông dành toàn bộ thời gian để viết sách. Ông tự viết, tự in và tự phát hành. Sách ông viết được nhiều trường dùng làm giáo trình dạy học, còn SV ngành công nghệ thông tin coi đó như một bảo bối và truyền tai nhau trên mạng. Ông khoe: “Có nhiều SV đã mượn cuốn sách đó đi photo”. Có lẽ với ông, bán được sách là có tiền giúp học trò nghèo, nhưng việc SV lấy sách của ông đi photo để học thay vì phải mua cũng là cách để ông chia sẻ khó khăn với họ. Ông kể chuyện này với tôi bằng nét mặt đầy cảm thông của một người bao dung và nhân hậu.

23-11-2008: ngày họp mặt

Thật bất ngờ quá khi mình được biết về buổi họp mặt của gia đình “Vì ngày mai phát triển” vào ngày 23-11. Càng bất ngờ hơn khi được biết chị Ánh Hồng, một đồng nghiệp cùng phòng, cùng công ty với mình, đã cùng mình nhận học bổng của gia đình lần thứ 16.

Mình hiện là luật sư nội bộ của Công ty Unilever. Hơn 10 năm đã qua, mình vẫn mong một ngày có dịp gặp lại và cảm ơn gia đình đã tiếp cho mình động lực sống và nỗ lực vươn lên để mình có được ngày hôm nay.

Mình và chị Ánh Hồng rất mong được gặp mặt lại tất cả thành viên của gia đình vào ngày 23-11-2008.

Hoa nở không chọn đất

Tôi nhận được học bổng “Vì ngày mai phát triển” vào năm thứ 4 đại học, giai đoạn tập trung làm luận văn tốt nghiệp.

Tôi là con út trong một gia đình nghèo, đông con ở Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hai anh lớn của tôi phải nghỉ học đi bán vé số, ba em nhỏ hơn được đi học nhưng cũng phải phụ việc làm ruộng. Từ ngày còn nhỏ, tôi đã thấu hiểu gia cảnh mình: nồi cơm đầy khoai sắn, quần áo phải đi xin... Tôi chỉ còn một cách học thật giỏi. Tôi nhớ mãi các thầy cô Trường Quang Trung đã cho tôi học phụ đạo mà không lấy học phí, các anh tôi tha phương cầu thực để lo cho tôi được đến trường. Tôi cố gắng và luôn là học sinh đứng đầu khối.

15 tuổi, tôi đỗ vào lớp chuyên toán của ĐH Khoa học Huế, bắt đầu những ngày xa gia đình. Cơm ký túc xá không đủ no, nhiều buổi tôi ngồi thừ giữa sân trường với bụng đói cồn cào, chỉ muốn quay về nhà nhưng nghĩ đến tương lai, đến cảnh nghèo, tôi ở lại.

Rồi tôi đỗ vào ngành xây dựng ĐH Bách khoa và ĐH Kiến trúc TP.HCM. Niềm vui ập đến cùng nỗi lo. Các anh và mẹ vay mượn, gom góp được 800.000 đồng (so với các khoản phải đóng cho trường là 1,5 triệu). Tôi đi, bắt đầu những ngày vừa đi học vừa dạy thêm, nhận bản vẽ xây dựng về vẽ, vay ngân hàng đóng tiền học. Đến năm thứ 4 tôi vẫn chưa có máy vi tính.

Thế rồi khoản học bổng “Vì ngày mai phát triển” đến với tôi cùng với các học bổng khác của trường, tiền các anh gom góp gửi cho, tiền làm thêm... tôi đã mua được máy vi tính.

Trong lễ phát học bổng, tôi nhớ một mạnh thường quân đã nói với chúng tôi: “Hoa nở không chọn đất”. Cũng tại đó, tôi được gặp nhiều bạn khác có cuộc đời khổ hơn tôi hàng trăm lần. Tôi đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của xã hội, thấy cần phải sống có trách nhiệm hơn.

Hiện tôi đang tu nghiệp ở nước ngoài, có điều kiện tốt để học tập và nghiên cứu nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Mỗi lần gặp khó, tôi thường nghĩ về những ngày đã qua, về sự giúp đỡ của xã hội để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình mà phấn đấu. Tôi phải hoàn thành tốt công việc để sau này trở về đào tạo lớp đàn em. Tôi tự hứa sẽ phải tiếp tục giúp đỡ những sinh viên nghèo như tôi ngày ấy.

Gửi những người đã tổ chức và tài trợ cho chương trình “Vì ngày mai phát triển”, các vị hãy yên tâm rằng chúng tôi không phụ tấm lòng của mọi người. Các em tôi trong đại gia đình “Vì ngày mai phát triển”, các em hãy cố gắng, tương lai đang chờ các em và hãy xứng đáng với những gì các em đã nhận được.

Tôi đã được tiếp sức

Tôi là thành viên của gia đình “Vì ngày mai phát triển” qua học bổng “Tiếp sức đến trường”, chương trình thứ 196 của báo Tuổi Trẻ.

Hiện nay tôi đã là sinh viên năm 3 chuyên ngành ngôn ngữ học, khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

Khi viết thư này cũng chính là lúc tôi đang tìm về với cảm xúc lâng lâng lúc nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”. Tôi nhớ như in kỷ niệm lúc tôi và các bạn tân sinh viên được nhận học bổng ở ký túc xá ĐHQG được xe của báo Tuổi Trẻ đến đón. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ngồi lên chiếc “xe con”, mà ở lúc còn ở quê mỗi lần thấy “xe con” cho dù đang ăn cơm tôi cũng chạy ra nhìn cho bằng được. Cảm giác lúc đó thấy tự hào làm sao!

Rồi không chỉ dừng lại ở đó, đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ được các anh chị hướng dẫn tận tình, trao thẻ... và một anh (chắc là phóng viên) dẫn vào thang máy (đây cũng lại là lần đầu tiên trong đời đi thang máy), tôi run sợ, hồi hộp và rồi lên đến lầu 9 tôi “say thang máy” chí tử luôn. Nhưng ngay sau đó là những lời hỏi thăm, động viên... của các cô chú trong ban tổ chức, các mạnh thường quân, tôi quên mất cái “say”.

Hạnh phúc hơn, thân tình hơn nữa khi buổi lễ trao học bổng diễn ra và kết thúc là bữa cơm trưa thân mật của đại gia đình “Vì ngày mai phát triển”. Ấm áp lắm thay! Đọng lại trong tôi là tình cảm yêu thương của mọi người, tuyệt vời lắm Tuổi Trẻ ạ. Có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm đó, sẽ mãi theo tôi. Động lực cho tôi những lúc vấp ngã, những lúc thất bại tạm thời chính là gia đình “Vì ngày mai phát triển”.

Thật sự được nhận học bổng, được trở thành một trong những thành viên của gia đình “Vì ngày mai phát triển” là niềm hạnh phúc lớn với tôi. Ngày đó nếu không có học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ thì đã không có tôi của ngày hôm nay.

Tôi của ngày hôm nay là một cô sinh viên năng động, hoạt động Đoàn - Hội sôi nổi, là niềm tự hào của gia đình và hơn hết tôi đã xứng đáng với suất học bổng năm ấy. Tôi đã luôn nỗ lực trong học tập, hoạt động...

Không chỉ dừng lại ở đó. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để có thể khi ra trường sẽ đóng góp được một phần trong quỹ học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

Tôi sẽ thực hiện được.

Sự cổ vũ

Vào năm học 2000-2001 tôi may mắn nhận được học bổng của chương trình Vì ngày mai phát triển sau kỳ thi vào khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi tìm thêm được một số suất học bổng khác của Chính phủ Pháp để tiếp tục việc học tập của mình. Hiện tại tôi đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý tại Trường ĐH Paris 6. Công việc dự kiến sau này sẽ là một hợp đồng làm việc tạm thời thuộc lĩnh vực nghiên cứu tại Trường ĐH Nanyang (NTU), Singapore.

Xin trân trọng cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tạo điều kiện cho các thế hệ SV phát triển. Chương trình Vì ngày mai phát triển là một sự cổ vũ tinh thần to lớn đối với những SV có hoàn cảnh khó khăn, giúp chúng tôi có thêm nhiều động lực để học tốt, làm tốt và trở thành một công dân có ích cho nước nhà.

20 năm chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ

Trong 20 năm (1988-2008) báo Tuổi Trẻ đã thực hiện được trên 226 chương trình “Vì ngày mai phát triển” với kinh phí hơn 139 tỉ đồng, tập trung vào ba nội dung:

- Học bổng: trao học bổng cho trên 15.953 SVHS khắp cả nước với các chương trình lớn như: học bổng “Học trò giỏi hiếu thảo”, “Tiếp sức đến trường”, “Chung một ước mơ”, “Vượt khó - học giỏi”, “Vươn lên tầm cao” (giúp SV học tiếng Anh)...; học bổng cho HS gia đình nạn nhân chất độc da cam, chương trình “Đưa trẻ em từ bãi rác đến trường”; học bổng - giải thưởng Đặng Thùy Trâm (dành cho SVHS y tế và cán bộ y tế vùng sâu vùng xa)... Ngoài ra có những chương trình “Vì ngày mai phát triển” đặc biệt như vá sứt môi - hở hàm ếch, phẫu thuật xơ hóa cơ Delta... cho hơn 3.800 HS, thanh thiếu niên, “Sách nói cho HSSV mù”...

- Xây dựng trường lớp, nhà lưu trú: đã xây 200 phòng học ở vùng sâu vùng xa và nhà lưu trú cho HS miền núi ở nhiều tỉnh thành.

- Trợ vốn cho giáo viên: chương trình đã trợ vốn cho 3.035 giáo viên vùng khó khăn ở tám tỉnh thành (TP.HCM, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Nông, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi) với tổng số tiền 4,719 tỉ đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận