Châu Âu trong làn sóng cực đoan

DU LONG 08/12/2024 09:25 GMT+7

TTCT - Chuyện bạo lực bên ngoài sân cỏ không xa lạ gì ở Hà Lan. Song vụ bạo động hôm 8-11 trước trận đấu giữa đội Maccabi Tel Aviv của Israel và đội Ajax Amstersdam chủ nhà không đơn giản là chuyện bóng đá, mà phản ánh tình hình cực đoan ở châu Âu.

Châu Âu trong làn sóng cực đoan - Ảnh 1.

Biểu tình của hai phe ủng hộ Palestine và Israel ở Hà Lan. Ảnh: Reuters

Fan người Israel của đội Maccabi đã bị đấm đá và tấn công bằng pháo bông ở trung tâm thủ đô Amsterdam, Thị trưởng Femke Halsema, đại diện cảnh sát và Bộ Tư pháp Hà Lan, cho biết trong một tuyên bố chung rằng bạo lực đã "vượt quá mọi ranh giới". 

Đây không chỉ là cuộc đụng độ giữa fan của hai đội, mà là một thí dụ điển hình cho những rắc rối nghiêm trọng mà một số nước châu Âu đang phải đối mặt trước xu hướng cực đoan mang màu sắc tôn giáo.

Hà Lan đối phó bạo lực

Ngay sau vụ đụng độ dẫn đến 62 người bị bắt, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof đã phiền trách trên X: 

"Những cuộc tấn công bài Do Thái hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hiện tại, ở thủ đô đã yên tĩnh... Tôi giữ liên lạc chặt chẽ với tất cả mọi người có liên quan. Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Israel, ông (Benjamin) Netanyahu nhấn mạnh thủ phạm sẽ bị truy tìm và truy tố".

Thế nhưng, nếu ông Schoof có ông Netanyahu để "làm việc" và nhận được lời hứa truy tìm những công dân Israel liên quan trong vụ này, thì ngược ông lại không có ai để nói chuyện về những người Palestine can dự trong vụ bạo lực hôm 8-11 đó. 

Trước ngày diễn ra trận đấu, vì e ngại rủi ro an ninh, bà Halsema đã ra lệnh cho dời một cuộc biểu tình của những người ủng hộ Palestine, dự kiến diễn ra cạnh sân vận động Johan Cruijff, sân nhà của Ajax, sang một khu vực khác. 

Song, quyết định này đã không ngăn được vụ đụng độ khiến cảnh sát chống bạo động phải nhiều lần can thiệp để hộ tống các fan của đội Israel về khách sạn, sau khi họ bị tấn công và hành hung trong đêm.

Thị trưởng Halsema cho biết vụ tấn công là do "các nhóm bài Do Thái chuyên tấn công nhanh rồi bỏ trốn" thực hiện. Bà tóm tắt nội vụ: "Những tên tội phạm bài Do Thái này đã tấn công du khách đến thành phố của chúng tôi, hành hung họ rồi bỏ chạy, thoát khỏi sự hiện diện của đông đảo cảnh sát", bản tin của đài Đức DW 8-11 cho biết.

Cũng theo DW, Raz Amir, nhà báo đưa tin về đội banh Maccabi, đã đăng trên X lời kể ông nghe được từ các fan có mặt, theo đó vụ tấn công đã được phối hợp trước.

"Những kẻ tấn công đã có thông tin chính xác về nơi cần đợi các fan của đội Maccabi, và khi xác định được đó là người Israel, họ đã lao vào ngay, thủ sẵn dao và gậy bóng chày". 

Có thể thấy qua các chi tiết trên rằng đây là sự cố có chủ đích tấn công người Israel từ Tel Aviv đi theo đội banh của họ, chớ không phải nhắm vào người (gốc) Do Thái đang sinh sống ở Hà Lan.

DW cho biết thêm trước trận đấu một ngày, đã nổ ra đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ Palestine và cảnh sát Hà Lan ngay từ sáng sớm 7-11. Bởi thế, sau hai ngày chống trả bạo loạn, Thị trưởng Halsema phản ứng không tiếc lời: "Vụ bạo lực bùng phát này đối với fan của Israel là không thể chấp nhận được và không thể bào chữa bằng bất kỳ cách nào".

Đáng nói hơn, biến cố này thuộc về làn sóng bạo lực rộng hơn ở châu Âu, thậm chí có thể nói là chưa từng thấy, sau vụ Israel tấn công Dải Gaza ngày cuối năm 2023. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cùng ngày cũng lên án: 

"Tôi phẫn nộ vì các cuộc tấn công đê hèn đêm qua nhắm vào các công dân Israel ở Amsterdam. Tôi lên án mạnh mẽ những hành động không thể chấp nhận được này. Chủ nghĩa bài Do Thái hoàn toàn không có chỗ đứng ở châu Âu".

Châu Âu trong làn sóng cực đoan - Ảnh 2.

Biểu tình ủng hộ Palestine ở London. Ảnh: Reuters

Bạo động hôm 8-11 đã buộc Chính phủ Hà Lan phải có biện pháp triệt để. Qua thứ hai 11-11, chính phủ nước này thông báo các biện pháp kiểm soát biên giới mới nhằm giải quyết việc "di cư bất hợp pháp và buôn người" sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9-12. 

Hiến binh Hà Lan sẽ tiến hành kiểm tra quyết liệt trong vòng sáu tháng, Bộ trưởng Bộ Người tị nạn Marjolein Faber xác nhận với NL Times 11-11.

Cũng theo NL Times, mặc dù số liệu chính thức về người xin tị nạn đã giảm mạnh trong những tháng gần đây ở Hà Lan, song nhóm những người xin tị nạn có hành vi bạo lực đã khiến chính phủ nước này phải đưa ra biện pháp kiểm soát biên giới, dù "theo quy tắc của Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên chỉ có thể tái áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời trong tình huống khẩn cấp hoặc không lường trước được". 

Chính bởi quy định này, Bộ trưởng Faber cho biết Amsterdam đã nhanh chóng thông báo cho láng giềng Bỉ và các quốc gia EU khác về quyết định này, tuân thủ thời hạn thông báo bắt buộc là bốn tuần trước khi thực hiện biện pháp kiểm soát biên giới. 

Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm kiểm tra tại sân bay sẽ chỉ nhắm vào các chuyến có nguy cơ cao để hạn chế tác động đến hoạt động đi lại và thương mại thường lệ.

Đức chống trả bạo lực và nhập cư

Tại Đức, chính phủ đã siết chặt an ninh kể từ sau vụ một người cầm dao đâm nhiều người tham gia "Lễ hội Đa dạng" tổ chức hôm 23-8, nhân đại lễ hội kỷ niệm 650 năm thành lập thành phố Solingen ở miền tây nước Đức. 

Châu Âu trong làn sóng cực đoan - Ảnh 3.

Nhóm cánh hữu Đức PEGIDA biểu tình với biểu ngữ: "Chống tôn giáo cuồng tín và mọi hình thức chủ nghĩa cực đoan - Đoàn kết nói không với bạo lực" trong cuộc tuần hành ở Dresden, Đức. Ảnh: DPA

Ba người đã thiệt mạng trong vụ tấn công, tám người khác bị thương, trong đó có năm người bị thương nặng. Nhật báo Pháp Le Figaro 25-8 cho biết theo cảnh sát địa phương, nghi phạm chính là công dân Syria, được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thừa nhận, và đã ra đầu thú. 

Lệnh bắt giữ "Issa Al H., quốc tịch Syria", nghi phạm của vụ tấn công, với cáo buộc "giết người" và "cố ý giết người" và "nghi vấn mạnh mẽ là thành viên của một nhóm khủng bố ở nước ngoài" đã được ban bố, theo văn phòng công tố liên bang Đức ở Karlsruhe.

6 ngày sau vụ việc, tức hôm 29-8, Chính phủ Đức thắt chặt luật mang theo dao các loại cũng như giảm bớt quyền lợi cho một số người xin tị nạn, theo đài Europe No.1. 

Cũng theo đài này, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố trong cuộc họp báo ở Berlin: "Vụ tấn công ở Solingen khiến chúng tôi vô cùng sốc và (…) chính phủ đang phản ứng lại bằng các biện pháp cứng rắn hơn". 

Vụ thảm sát khiến ba đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz - Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) - phải nhanh chóng đưa ra một chính sách an ninh và nhập cư siết chặt hơn trước, nếu không muốn thấy đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) thắng thế trong trong cuộc bầu cử ở Saxony và Thuringia.

Bộ Nội vụ Đức chính thức công bố lệnh cấm mang vũ khí có lưỡi, nhất là trong các cuộc tụ họp đông người như lễ hội, hội chợ, trên phương tiện giao thông đường dài (xe lửa và xe buýt). 

Bộ Nội vụ còn bãi bỏ trợ cấp cho người xin tị nạn đã vào một quốc gia EU khác trước khi đến Đức, đặc biệt là "nhanh chóng trục xuất những tội phạm nguy hiểm về Afghanistan và Syria", Bộ trưởng Faeser nhấn mạnh.

Không phân biệt chế độ

Khủng bố Hồi giáo không chỉ tấn công châu Âu phía tây mà cả nước Nga. Vụ tấn công do nhóm "IS ở Khorasan" thực hiện hôm 22-3-2024 tại một phòng hòa nhạc ở Matxcơva khiến 143 người chết, đã nhắc nhở chính quyền Nga về mối đe dọa Hồi giáo cực đoan ở nước này kể từ cuộc chiến Afghanistan và chiến tranh Chechnya.

Gần đây hơn, Trung tâm Thông tin khủng bố và tình báo Meir Amit của Israel giới thiệu bài của tạp chí al-Nabā' của IS: "Hôm 29-8-2024, tạp chí hằng tuần của IS số 458 đã xuất bản bài xã luận tựa đề "Thánh chiến ở châu Âu". 

Châu Âu trong làn sóng cực đoan - Ảnh 4.

Tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 24-3 ở Matxcơva. Ảnh: Reuters

Bài báo viết: "Các cuộc biểu tình và tuần hành ở châu Âu chống lại các chính phủ phương Tây ủng hộ Israel là không hiệu quả. 

Phương thức hành động hiệu quả nhất là thực hiện các cuộc tấn công "sói đơn độc" thánh chiến vào người Do Thái và Kitô giáo, đặc biệt là để ủng hộ những người Hồi giáo không có khả năng tiến hành thánh chiến ở Palestine".

Bài báo nêu rõ tính "đại đồng" của thánh chiến Hồi giáo: 

"Các cuộc tấn công ở Đức và Nga là để trả thù cho những tổn hại mà người Hồi giáo phải gánh chịu ở Palestine, Iraq, Syria, Bosnia và những nơi khác, và chứng minh rằng người Hồi giáo đoàn kết và quyết tâm trả thù cho những người huynh đệ cùng tôn giáo mà không có bất kỳ sự khác biệt nào về quốc gia hay các vấn đề khác". 

Bài báo kết thúc bằng chỉ thị cụ thể: "Người Do Thái và Kitô giáo ở châu Âu có thể bị tấn công bằng những vũ khí đơn giản như dao và búa, vì nhân viên an ninh địa phương thấy khó xác định và điều tra loại tấn công đó".■

Bộ Nội vụ Đức từ cả năm qua, sau vụ bùng nổ xung đột hôm 7-10-2023 giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, đã tăng cường phòng chống khủng bố. "Đất nước chúng ta nằm trong tầm ngắm của các tổ chức thánh chiến", Bộ trưởng Faeser từng cảnh báo.

Chuyện này ở Đức cũng không mới mẻ. Ngày 19-12-2016, một vụ tấn công bằng xe tải húc vào khu chợ Giáng sinh ở trung tâm Berlin do IS nhận trách nhiệm khiến 13 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương.

Hai năm sau, vụ tấn công vào chợ Giáng sinh ở Strasbourg ngày 11-12-2018 khiến 5 người chết và 11 người bị thương. Kẻ khủng bố Cherif Chekatt, người Pháp gốc Algeria, đã bị cảnh sát bắn chết hai ngày sau đó. Tờ Le Figaro gọi Cherif Chekatt là "tên côn đồ rơi vô chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận