Châu Âu: Xu hướng vũ khí sau hai năm chiến tranh

HỮU NGHỊ 29/06/2024 14:21 GMT+7

TTCT - Triển lãm vũ khí châu Âu hai năm một lần Eurosatory tuần rồi không chỉ là sự kiện trưng bày vũ khí lớn nhất thế giới, mà còn là một loạt hội thảo về những quan ngại mới mẻ trên chiến trường sau hơn hai năm chiến tranh Ukraine.

Chiếc UAV trinh sát Black Hornet nằm gọn trong lòng bàn tay và có giá 190.000 USD. Ảnh: RFE/RL

Chiếc UAV trinh sát Black Hornet nằm gọn trong lòng bàn tay và có giá 190.000 USD. Ảnh: RFE/RL

Sau khi cuộc chiến bùng nổ, châu Âu đã phải đảo ngược chính sách "cổ tức hòa bình" - sau chiến tranh lạnh, hầu hết các nước cắt giảm chi tiêu quốc phòng và sản xuất công nghiệp liên quan. 

Nhưng giờ là lúc "nhảy vọt về phía trước", theo lời ông Josep Borrell Fontelles, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, trong một bài viết đăng trên EEAS, website của EU.

"Nhảy vọt về phía trước"

Tất nhiên, để "nhảy vọt về phía trước", phải có tiền. Mãi tới kỳ Eurosatory này, mới có tin "Phần lớn các nước NATO sẽ đạt mốc 2% GDP dành cho quốc phòng trong năm nay". 

Tổng chi tiêu của các nước NATO trong năm 2024 là 1.500 tỉ USD, cao hơn 12% so với 2023 (1.300 tỉ USD) và tăng gần 200 tỉ USD. Tuy nhiên, vẫn có 8 nước sẽ không đạt mục tiêu này trong năm 2024: Bỉ, Canada, Croatia, Ý, Luxemburg, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha.

Hơn nữa, ngay cả có ngân sách rồi thì tiếp theo phải làm gì? Vấn đề không chỉ là mua vũ khí, mà còn là nhận diện và định hướng khả năng sử dụng. Các hội thảo trong khuôn khổ Eurosatory phản ánh những trăn trở này. 

Tony Skinner, nguyên chủ biên Janes Defense, nêu bật vấn đề của châu Âu bây giờ: 

"Cuộc xung đột Ukraine đang buộc các quân đội phải lựa chọn chiến lược giữa tăng cường năng lực trước mắt bằng các giải pháp đã được chứng minh hay đầu tư vào phát triển các hệ thống thế hệ kế tiếp".

Thực tế này được giám đốc Eurosatory Charles Beaudouin mô tả trong họp báo khai mạc: 

"Năm 2018, không có UAV (máy bay không người lái) vũ trang ở các gian trưng bày Eurosatory. Đó là điều cấm kỵ ở châu Âu. Nhưng do chiến tranh, điều cấm kỵ này đã không còn và giờ đây quý vị có thể tìm thấy UAV vũ trang hoạt động trên biển và trên bộ. Trong bốn năm qua, chúng ta đã thấy sự khác biệt rất lớn".

Song châu Âu, cho dù có hợp nhất trong EU và NATO, vẫn chỉ gồm những nhánh công nghiệp quốc phòng đơn lẻ, như có thể thấy qua hình ảnh các chiến đấu cơ Rafale (của Pháp), Typhoon (chủ yếu là Anh) hay Gripen (Thụy Điển). 

Bởi thế, ở Eurosatory 2024, Emmanuel Levacher, CEO hãng xe bọc thép Arquus (Pháp), mô tả thực trạng trong lĩnh vực của mình: 

"Thị trường xe bọc thép hạng nhẹ và trung ở châu Âu có quá nhiều bên tham gia, cần phải hợp nhất do lẽ một số công ty hiện thiếu quy mô cần thiết để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển".

Ông nêu giải pháp: "Châu Âu cần mua chung xe bọc thép để gắn kết ngành công nghiệp này với các chương trình quốc gia khác nhau có quy mô quá nhỏ, nhằm tạo ra khối lượng sản xuất cao và tính kinh tế". 

Xe bọc thép của Arquus

Xe bọc thép của Arquus

Bằng cớ là Hoa Kỳ có những hợp đồng mua vũ khí lớn hơn gấp 10-20 lần. Ông Levacher than là phải, tổng doanh thu của hãng Arquus năm 2023 chỉ là 600 triệu euro, nên quỹ R&D cũng chỉ 20 triệu euro (may có thêm 30 triệu euro trợ cấp từ Chính phủ Pháp). 

Ông Levacher đề xuất châu Âu có thể trợ giúp bằng cách đồng bộ hóa và điều chỉnh các chương trình R&D, cho phép các công ty "học cách hợp tác và xây dựng niềm tin, rồi dần dần chúng ta có thể cùng tham gia một số chương trình chung".

Việc Pháp và Đức vẫn cứ loay hoay chưa khởi sự được chương trình "hệ thống chiến đấu trên bộ" (MGCS), tức xe tăng chiến đấu chủ lực Pháp - Đức, theo ông Levacher, là "bằng chứng cho thấy việc điều chỉnh yêu cầu của các nước châu Âu khác nhau khó đến mức nào". 

Dự án này được ký kết từ năm 2017 nhằm thay thế xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 (Đức) và Leclerc (Pháp).

Xe tăng Pháp - Đức mới sẽ được phát triển và sản xuất bởi KNDS - công ty cổ phần liên doanh thành lập vào năm 2015 bởi nhà sản xuất vũ khí KMW của Đức và công ty quốc phòng Nexter Systems của Pháp (nhưng có trụ sở ở Hà Lan). 

Đến năm 2019, Đức bổ sung Công ty Rheinmetall bất chấp căng thẳng giữa Paris và Berlin, vốn trước đó đã thỏa thuận sẽ phân chia đồng đều cổ phần. 

Cuối cùng, một thỏa thuận đã đạt được: Nexter, KMW và Rheinmetall mỗi bên lo 1/3 chương trình, với đảm bảo Nexter sẽ sản xuất 50% hệ thống như thỏa thuận ban đầu, trong khi nửa còn lại được chia sẻ giữa hai hãng Đức. 

Cãi nhau chí chóe, để rồi đợt xe tăng đầu tiên dự kiến sẽ lăn bánh dời lại đến tận năm... 2035 (Janes Defense 15-6-2018)!

Ông Levacher chua chát: 

"Ngành công nghiệp xe bọc thép phân tán của châu Âu phải đối mặt với sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, với các công ty từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Israel và Nam Phi có giá rất cạnh tranh; nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cũng là thành viên NATO, nên các công ty của họ cung cấp sản phẩm rất sát về mặt khái niệm và theo quy định của EU".

Những lĩnh vực chủ yếu ở Eurosatory

CEO của Eurosatory, tướng hồi hưu Beaudouin, liệt kê và giải thích một số lĩnh vực chủ chốt được trưng bày bởi 2.000 nhà cung cấp cho khoảng 32.000 khách chuyên nghiệp đăng ký tham quan.

1. Các UAV cỡ nhỏ đã trở nên phổ biến trên chiến trường Ukraine khẳng định "ưu thế vượt trội", từ dạng nano đến siêu nhỏ và mini. "Ngày nay, các UAV nhỏ vẫn không thể bị ngăn cản, khiến chiến trường trở nên minh bạch". 

Theo ông Beaudouin, UAV chiến thuật lớn và có sức bền ở độ cao trung bình như Reaper của Hãng General Atomics (Mỹ) và Patroller của Hãng Safran (Pháp) đang "gặp vấn đề thực sự" trong các kiểu xung đột mới, vì dễ bị phát hiện, chậm chạp, không được trang bị vũ khí tự vệ và quá đắt tiền. 

Ở Eurosatory 2024, nổi bật là UAV chiến thuật bền bỉ và UAV tàng hình có thể hoạt động gần trận chiến.

Theo ông Beaudouin, sự dè dặt với UAV tấn công đã biến mất: nếu ở Eurosatory 2018 không có một UAV vũ trang nào, và triển lãm năm 2022 có khoảng một nửa UAV được trang bị vũ khí thì năm nay "tất cả mọi người đã chuyển sang UAV sử dụng bom, đạn tự sát".

Hệ thống chống drone Epirus Leonidas của Mỹ. Ảnh: c4isrnet.com

Hệ thống chống drone Epirus Leonidas của Mỹ. Ảnh: c4isrnet.com

2. Phòng không cơ động. Ngoài hệ thống phòng không mặt đất chuyên dụng để bảo vệ các khu vực rộng lớn, vốn thường đắt đỏ và số lượng ít, tại Eurosatory năm nay còn có các hệ thống phòng không chống máy bay không người lái (CUAS) có thể lắp trên xe chở quân bọc thép, xe chiến đấu bộ binh, và xe hỗ trợ các loại để cung cấp khả năng phòng không tầm gần. 

Một ví dụ là phiên bản súng phòng không RapidFire do KNDS (liên doanh Pháp - Đức) và Thales (Pháp) phát triển, gắn trên xe tải.

Các hệ thống này đắt khách bởi mối đe dọa từ trên không trong chiến trường hiện đại khiến các quân đội "cực kỳ dễ tổn thương". 

Đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, binh lính phương Tây phải nhìn lên bầu trời để dò các mối nguy có thể ập xuống, ông Beaudouin nhấn mạnh. Từ đó, nhu cầu về hệ thống hoạt động sát cánh với binh sĩ và phòng không tự động ở cấp tiểu đội tăng mạnh.

Một số công ty cũng trưng bày hệ thống CUAS hỗ trợ AI mới hoặc cải tiến, như bệ phóng Black Hornet của Teledyne Flir (Mỹ) - loại UAV quân sự siêu nhỏ hiện có trong biên chế nhiều nước thành viên NATO lẫn Ấn Độ, Úc, Nam Phi, Ukraine... 

Black Hornet có kích thước chỉ 16x2,5cm, tức nằm gọn trong bàn tay, và chỉ nặng 18g tính cả pin. 

Loại UAV chuyên dụng này giúp bộ binh quan sát tình hình khu vực qua camera truyền video và hình ảnh tĩnh với 3 camera: một nhìn về phía trước, một hướng xuống và một hướng xuống 45 độ. 

Tổ hợp Black Hornet gồm hai chiếc, sạc đạt 90% pin trong 20-25 phút, khi một chiếc cần sạc, chiếc còn lại sẽ được triển khai, để quá trình vận hành không gián đoạn, với tốc độ tối đa 21km/h. 

Đáng nói nhất, Black Hornet được phát triển với hợp đồng trị giá chỉ 31,3 triệu USD cho 160 chiếc, tức chỉ 195.000 USD/chiếc.

Hệ thống pháo Caesar của Pháp. Ảnh: Wikipedia

Hệ thống pháo Caesar của Pháp. Ảnh: Wikipedia

3. Tác xạ xa và chính xác. Vào các đêm 30 và 31-5 vừa rồi, lần đầu tiên quân Ukraine đã thực hiện một loạt cuộc tấn công tổng hợp vào Crimea và Krasnodar bằng tên lửa đạn đạo ATACMS, tên lửa hành trình Neptune và UAV tấn công trên không và trên biển. 

Các cuộc tấn công gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng cảng ở eo biển Kerch, bao gồm bến dầu tại cảng Kavkaz và các chuyến phà bổ sung cho cầu Crimea cũng như lưới điện trên đất liền.

Thực tế mới mẻ này nhấn mạnh vai trò chủ chốt của pháo binh trên chiến trường Ukraine. Nên không lạ khi đại bác và pháo tên lửa là chủ đề chính tại Eurosatory 2024, với ít nhất 10 nhà sản xuất trưng bày các hệ thống khác nhau.

Pháo binh hiện đại cần tầm bắn xa, cơ động để đối phó với mối đe dọa UAV, và nhất là phải ngày càng chính xác, như được minh họa bằng các hệ thống Caesar (Pháp), Excalibur và Himars (Mỹ), hay Katana của KNDS.■

Trong thực tế, công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ còn hùng mạnh trên thị trường thế giới hơn cả những tán thán của ông Levacher.

Lấy ví dụ, Aselsan là công ty quốc phòng lớn thứ 47 trên thế giới xét doanh thu vào năm 2023, theo danh sách Top 100 của Defense News.

Xe tăng M60TM được Aselsan hiện đại hóa. Ảnh: Wikipedia

Xe tăng M60TM được Aselsan hiện đại hóa. Ảnh: Wikipedia

Hãng này vừa lập kỷ lục xuất khẩu vào năm 2023 với các hợp đồng mới trị giá 601 triệu USD cho 30 quốc gia khác nhau.

CEO Ahmet Akyol tự hào phát biểu về tính đa dạng sản phẩm của hãng:

"Aselsan nổi bật với các hệ thống dành cho hải quân ở khu vực Thái Bình Dương, trong khi ở Nam Mỹ là dự án hiện đại hóa xe tăng cho Chile. Chúng tôi mong muốn mở rộng hiện diện ở Trung Đông bằng các giải pháp trong lĩnh vực phòng không".

"Chúng tôi cũng tự hào chứng minh sức mạnh kỹ thuật bằng các hệ thống cung cấp cho Đông Âu hợp tác với các nhà sản xuất nền tảng khác của Thổ Nhĩ Kỳ".

Giờ là lúc Aselsan được quyền chọn thị trường:

"Chúng tôi đang chọn lọc các quốc gia mục tiêu theo khu vực ưu tiên. Chúng tôi đã xác định Saudi Arabia, Qatar và UAE ở Trung Đông; Malaysia, Indonesia và Philippines ở khu vực Thái Bình Dương; các nước Bắc Phi, đặc biệt là Ai Cập và Algeria ở châu Phi; và các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Romania, là đầu mối".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận