Chiếc visa và ngành công nghiệp còn "khói"

TÙNG NGUYỄN 04/01/2023 06:38 GMT+7

Du lịch Việt Nam năm 2022 không đạt được mục tiêu thu hút lượt khách như kỳ vọng. Câu chuyện miễn visa và thái độ phục vụ du khách từ trong đến ngoài nước có vẻ cũ nhưng không hẳn là thừa.

Miễn visa: bỏ con săn sắt, bắt con cá rô

Cách đây chừng mười năm, my….visa.com là đơn vị kinh doanh dịch vụ làm visa vào Việt Nam. Xuất phát từ ý tưởng và kinh nghiệm quảng bá online của một anh chàng IT, thời kỳ đỉnh cao trang web này có lúc nhân được cả ngàn yêu cầu làm visa mỗi ngày, trở thành con gà đẻ trứng vàng cho ông chủ trẻ.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến mỗi khi chào bán sản phẩm của mình đều đưa my…visa.com ra như là hình mẫu của sự thành công, với doanh số thanh toán lên tới cả trăm ngàn đô la Mỹ mỗi tháng.

Chiếc visa và ngành công nghiệp còn khói - Ảnh 1.

Khách du lịch không muốn thủ tục nhập cảnh phức tạp làm hỏng chuyến đi. Ảnh: Quang Định

Nhưng nay khách hàng vào my…visa.com sẽ nhìn thấy sự "khiêm tốn" hơn trong quảng bá và giới thiệu dịch vụ. Trải qua nhiều thăng trầm (đỉnh điểm là lần bị khuyến cáo việc vi phạm các quy định về quản lý xuất nhập cảnh của Nhà nước), người điều hành rút ra nhiều kinh nghiệm trong xu thế hiện tại.

Câu chuyện visa và phí dịch vụ visa luôn là đề tài bất tận trong các bàn tròn doanh nghiệp lữ hành đóng góp ý kiến cho Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hầu hết tranh luận tập trung vào đề xuất miễn giảm visa cho một số thị trường gửi khách trọng điểm cũng như kéo dài thời gian lưu trú. Các đề nghị này rất hợp lý và cần cân nhắc để triển khai sớm.

Thử tưởng tượng một năm có khoảng 10 triệu khách du lịch cần visa vào Việt Nam, thì Nhà nước sẽ thu được 250 triệu USD (hơn 5.910 tỉ đồng). Đây không phải là một con số lớn, đặc biệt là so với các giá trị gia tăng và chi tiêu của du khách khi đã nhập cảnh vào Việt Nam. Miễn visa trong trường hợp này chỉ là "bỏ con săn sắt bắt con cá rô".

Con người quan trọng nhất

Miễn giảm visa dù rất ý nghĩa nhưng quan trọng hơn là thái độ ứng xử và các dịch vụ công liên quan, mà ở đây Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng như đơn vị xuất nhập cảnh tại sân bay, đóng vai trò chủ đạo.

Khách du lịch tới Việt Nam có hai cách để xin visa, đó là từ đại sứ quán hoặc tại các cửa khẩu quốc tế. Việc xin visa tại các đại sứ quán Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Hãy thử lấy ví dụ nước Mỹ với hơn 50 tiểu bang mà quá nửa có quy mô dân số và sức mua bằng một quốc gia châu Âu.

Các nhà điều hành tour đóng tại các bang này phải gom hộ chiếu của khách từ khắp nơi, đóng hộp gửi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC hoặc lãnh sự quán tại San Francisco, chờ đợi để nhận visa rồi gửi trả lại từng khách hàng.

Quy trình này có thể lên tới vài tuần. Nhiều nơi yêu cầu người của công ty lữ hành phải trực tiếp có mặt nộp hồ sơ làm visa buộc họ phải vượt cả trăm ngàn cây số mới làm được thủ tục.

Điều đáng ngạc nhiên là dù vất vả nhưng khá nhiều người vẫn lựa chọn cách lấy visa tại đại sứ quán vì họ muốn chắc chắn tất cả du khách có visa trước giờ bay.

Chiếc visa và ngành công nghiệp còn khói - Ảnh 2.

Visa dễ dàng, thủ tục nhập cảnh thân thiện sẽ khiến du khách có ấn tượng đẹp và chi tiêu mạnh tay. Trong ảnh: du khách chờ lấy hành lý tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc thuyết phục họ sử dụng các phương pháp lấy visa khác nhanh gọn hơn tỏ ra không hiệu quả khi nhiều công ty du lịch nước ngoài vẫn lo cơ quan quản lý Việt Nam có thể từ chối cấp visa tại cửa khẩu vì bất kể lý do gì.

Nhiều người nhầm tưởng đại sứ quán sau khi tiếp nhận hồ sơ xin visa sẽ trực tiếp gửi về Cục Quản lý xuất nhập cảnh để duyệt danh sách. Thực tế hầu hết visa du lịch có thời hạn dưới một tháng phải được một công ty lữ hành quốc tế tiếp nhận và trình danh sách lên cục xin xét duyệt.

Trong quy trình này, đại sứ quán cũng chỉ là một đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ thông thường. Ở Việt Nam hiện khá nhiều công ty du lịch làm dịch vụ visa, đa phần là những đơn vị tới từ các tỉnh hạn chế về tài nguyên du lịch.

Trong thị trường cạnh tranh và nhu cầu du lịch ngày một giảm sút, các đơn vị lữ hành cố gắng xoay xở từng đồng từ rổ lợi nhuận của mình nhằm đưa ra mức giá hấp dẫn hơn. Việc các doanh nghiệp lữ hành phải trả từ 50-100 USD chi phí liên quan tới visa (nhiều khi chiếm 10-20% chi phí cho cả chuyến đi) nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát, rất có thể làm hỏng nỗ lực kiếm lợi nhuận.

Tổng cục Du lịch chỉ dừng lại ở mức trao đổi mà chưa thể đưa ra giải pháp hữu hiệu. Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế bấu vào một phao cứu sinh: visa cửa khẩu.

Nay ở Bangkok, ngày mai bẻ cung đi Việt Nam, được không?

Visa cửa khẩu khác với các loại hình visa khác ở chỗ: du khách nhận tem và dấu visa tại cửa khẩu nhập cảnh thay vì phải tới sứ quán. Khách du lịch vẫn phải nộp hồ sơ xin xét duyệt từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh chứ không phải cứ tới cửa khẩu Việt Nam là được cấp visa theo thông lệ quốc tế.

Các công ty du lịch, trang web, sách hướng dẫn luôn nhắc nhở du khách về vấn đề này nhưng vẫn còn nhiều người nhầm lẫn, vẫn còn một số khách tới sân bay phải cầu cứu dịch vụ làm visa khẩn cấp.

Lợi thế của visa cửa khẩu là chi phí thấp, các công ty du lịch chỉ thu từ 5-7 USD cho mỗi khách du lịch với thời gian từ 1-2 ngày. Nhưng ở đây chi phí không phải là vấn đề. Hãy tưởng tượng có hàng ngàn hàng vạn du khách đang đổ tới Thái Lan hoặc Singapore. Do biến động xã hội hoặc nhu cầu bất chợt, họ muốn bẻ cung đi thăm Việt Nam.

Sự hào hứng của du khách phải nén lại ít nhất vài ngày để có visa có thể làm cho họ mất hứng và bỏ cuộc. Khách du lịch chỉ muốn buổi tối hôm trước còn ngồi với nhau ở quán bar trên đường Khao Sản (Bangkok) mới có ý định đến Việt Nam thì hôm sau có thể cụng ly chan chát ở phố tây Phạm Ngũ Lão (TP.HCM) hay Tạ Hiện (Hà Nội).

Cải thiện dịch vụ hành chính công có thể là một giải pháp hữu hiệu. Đáng mừng là sau thời gian dịch bệnh, hệ thống xin và duyệt visa trực tuyến đã được triển khai và có nhiều tiến bộ vượt bậc. Số lượng khách xin thị thực điện tử tăng lên nhanh chóng và hầu hết được cấp theo đúng quy định là ba ngày.

Một lựa chọn khác cũng đáng cân nhắc là Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thể ủy quyền cho bên thứ ba làm dịch vụ visa cho khách. Nếu khách du lịch lên Google, search từ khóa visa Vietnam, được chỉ tới trang web của cục, làm thủ tục khai báo và rồi 3-5 tiếng sau, sẽ nhận được xét duyệt nhân sự vào hòm thư điện tử. Du khách luôn sẵn sàng trả thêm 20 - 30 USD cho một gói dịch vụ tiện lợi, thay bằng việc phải hồi hộp chờ đợi 3-5 ngày.

Thực tế dịch vụ này đã phát triển tại một số nước phương Tây có truyền thống khắt khe về xét duyệt nhập cảnh. Gần đây công dân Việt Nam khi xin visa đi Úc, Anh và một số nước châu Âu sẽ được hướng dẫn tới đơn vị có tên là VFS Global để làm thủ tục, một số nước (chẳng hạn như Anh) có hẳn gói duyệt nhanh, duyệt khẩn cấp.

Tất nhiên việc duyệt hồ sơ vẫn do nhân viên phụ trách xuất nhập cảnh của quốc gia đó đảm nhiệm, nhưng toàn bộ công việc hành chính giấy tờ đã được outsource cho VFS Global. Cảm giác được đón tiếp chu đáo, nhẹ nhàng, nhiệt tình giúp đỡ, được khuyến cáo chuẩn xác, không phải đi lại nhiều lần… sẽ là ấn tượng rất tốt đẹp trong mắt du khách về đất nước mà mình sắp tới.

Xúc tiến, quảng bá điểm đến chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nguồn ngân sách hạn hẹp, cách chi tiêu không đúng trọng tâm và hiệu quả là nguyên nhân được mổ xẻ nhiều. Nhưng du lịch, cuối cùng là một ngành kinh doanh dịch vụ đòi hỏi sự xắn tay của toàn dân. Từ đại sứ quán, quầy thủ tục nhập cảnh, các hành xử của nhân viên công quyền, chính là những hình ảnh đầu tiên tiếp thị về đất nước Việt Nam trong mắt du khách.

Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đang ngày đêm tìm mọi cách mang tới niềm vui cho khách, để họ thoải mái chi tiêu những đồng tiền cuối cùng trong ví vào các sản phẩm du lịch địa phương. Nếu những phút đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, du khách bị cảm giác khó chịu, ngờ vực thì những lo lắng, căng thẳng đó sẽ ám ảnh và đi theo họ suốt hành trình khiến họ khắt khe, dễ nổi nóng và bớt phóng khoáng trong chi tiêu. ■

Cạnh tranh điểm đến: nhiều rào cản

Cạnh tranh điểm đến giờ đây nổi lên là thách thức với Việt Nam. Người viết bài này đã từng dẫn dắt đội bán hàng đi bỏ thầu một số gói tour MICE (hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng) cho những nhóm từ 300-500 khách. Tỉ lệ thành công thường không cao, ngoài việc ít đường bay thẳng, thì các yếu tố như chi phí dịch vụ đắt đỏ, thủ tục hành chính rườm rà, sự xa lạ và ít hiểu biết về Việt Nam, là các rào cản chính dẫn tới việc khách hàng vẫn quyết định lựa chọn các điểm đến dù cũ kỹ nhưng đảm bảo tính an toàn và ổn định về dịch vụ như Thái lan, Malaysia. Giá trị lớn nhất của Việt Nam, một điểm đến mới lạ, có lẽ chưa đủ tính hấp dẫn để thuyết phục khách hàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận