TTCT - Ở vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Chile hôm chủ nhật 19-12, ứng cử viên cánh tả 35 tuổi Gabriel Boric đã đánh bại người đứng đầu ở vòng một là chính khách hàng đầu của phe bảo thủ José Antonio Kast - người hâm mộ nhà độc tài quá cố Augusto Pinochet. Ba ngày trước, Lucía Hiriart, góa phụ của ông Pinochet, qua đời ở tuổi 99, như một điềm báo trước sự cáo chung của phái độc tài Pinochet, vốn đã ám ảnh nền chính trị Chile nửa thế kỷ qua. Một ngày sau vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, ngày 20-12 Hãng tin Nam Đại Tây Dương Mercopress vội vã loan tin: “Dân biểu thủ lĩnh cánh tả Gabriel Boric (35 tuổi) đã đánh bại người đứng đầu vòng một, ứng cử viên của phe bảo thủ José Antonio Kast... Sau hơn 90% số phiếu được kiểm, Boric dẫn trước với 56% so với 44% của Kast”.Tổng thống đắc cử của Chile Gabriel Boric. Ảnh: Gzero Media Kết quả bỏ phiếu “ấn tượng”Như mọi cuộc bầu cử tổng thống gồm hai vòng, vòng hai không chỉ là cuộc tỉ thí “tay đôi” giữa hai ứng viên nhiều phiếu nhất ở vòng một (nếu không ứng viên nào chiếm đa số quá bán), mà còn là cuộc tập hợp lực lượng trên cả nước. Ở vòng một hôm 21-11, 7 ứng cử viên đã ra tranh ghế tổng thống, có nhiệm kỳ 4 năm và không được tiếp tục tranh cử ngay sau đó mà phải đợi 4 năm sau nữa, nhằm hạn chế sự lạm quyền đến mức tối đa. Hai ông Kast (cực hữu bảo thủ) và Boric (cánh tả cấp tiến) dẫn đầu vòng một lần lượt với 27,91% và 25,82% số phiếu.Đây là lần đầu tiên dưới Hiến pháp hiện hành (1980), cả hai ứng cử viên vòng hai đều không đến từ một trong hai “liên minh lịch sử” của nền chính trị Chile, ông Kast thuộc Đảng Cộng hòa, còn ông Boric thuộc Đảng Xã hội đồng qui. Ở vòng hai hôm 19-12, số cử tri tham gia bỏ phiếu đông hơn vòng một tới 1 triệu người (hơn 8,2 triệu so với hơn 7,1 triệu), cao nhất ở Chile kể từ năm 2012, khi bỏ phiếu không còn là bắt buộc.Khoảng cách 1 triệu phiếu của ông Boric là hết sức thuyết phục, bởi lẽ nếu ở vòng hai, hai ứng cử viên thu hút thêm hơn 1 triệu cử tri đi bầu, thì riêng ông Boric đã giành thêm được 1 triệu phiếu, chỉ chừa cho đối thủ Kast con số lẻ. Khoảng cách đó càng ấn tượng khi biết rằng ở Chile, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một ứng cử viên cánh tả giành được nhiều phiếu bầu như thế.Trẻ, đỏ, ChileThắng lợi của thủ lĩnh 35 tuổi Boric cũng là thắng lợi của thế hệ “trẻ, đỏ, Chile” vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21. Đây không phải là thắng lợi một sớm, một chiều của người sinh viên luật mà vào cuối năm 2011 đã xếp bút nghiên, bỏ ngang việc học hành để xuống đường tranh đấu cùng cả ngàn sinh viên khác, đòi hỏi một “nền giáo dục chất lượng cao, miễn phí cho mọi người”.Boric chưa bao giờ tốt nghiệp luật. Thay vào đó, anh giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Chile năm 2013, và làm dân biểu Hạ viện hai nhiệm kỳ, trở thành một trong những dân biểu đầu tiên đến từ bên ngoài hai liên minh truyền thống của Chile. Một là liên minh Thống nhất vì nền độc lập (Concertación) tập hợp các đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, Xã hội, Dân chủ xã hội cấp tiến và Dân chủ. Hai là liên minh Cùng nhau chúng ta sẽ làm được nhiều hơn (Juntos Podemos Más) liên kết Đảng Cộng sản và các đảng nhân văn và sinh thái.Sự dấn thân đó là con đường mà vào đầu thập niên 1970, ở cao điểm Chiến tranh lạnh, thế hệ trẻ Chile đã bước đi cùng thủ lĩnh “Mác-xít” Salvador Allende tới khi ông tổng thống này bỏ mạng trong một vụ “tự sát” nhiều tranh cãi sau cuộc đảo chính hôm 11-9-1973. Ông Allende bị lật đổ là do dám chủ trương và thực hiện quốc hữu hóa nhiều tài sản tư nhân, bao gồm của các công ty Mỹ tại Chile, tức “tấn công trực diện” vào chủ nghĩa tư bản.Lớp sinh viên tranh đấu mới của năm 2011, trong đó có Boric, nổi lên sau khi chế độ độc tài Pinochet, người đã lật đổ Allende, sụp đổ năm 1988. Cuộc trưng cầu ý dân ngày 5-10-1988 buộc Pinochet, cầm quyền từ năm 1973 tới 1988, phải từ chức. Thế hệ Boric và các đồng chí không còn phải sống trong chế độ độc tài toàn trị, nhưng vẫn cả quyết rằng ngay cả tình trạng mà họ cho là “độc tài hạn chế” của Chile hiện đại cũng không thể chấp nhận được.Họ có những yêu cầu xã hội - chính trị cao hơn các thế hệ đàn anh. Họ đòi giáo dục miễn phí, song Chính phủ Sebastián Piñera (cầm quyền 2010-2014 và 2018 tới nay) bác bỏ, cho rằng giáo dục miễn phí không hiệu quả về mặt kinh tế. Các sinh viên đề xuất quốc hữu hóa mỏ đồng lấy tiền tài trợ cho cải cách giáo dục và nhận được sự hậu thuẫn từ các thợ mỏ, hình thành một liên minh “công nhân - trí thức” với khẩu hiệu “CobreXeducación” (lấy đồng trả cho giáo dục).Một bộ phận lớn giới trẻ khước từ tư duy “lợi nhuận bằng mọi giá” để chọn một tầm nhìn tập thể, bền vững, hướng tới hạnh phúc của thế hệ tương lai. Họ thể hiện điều đó bằng những ví dụ hết sức vi mô: Xe buýt ở Santiago được người biểu tình sơn lại dưới dạng các công thức toán học, “- lucro, + educationación”, nghĩa là “trừ bớt lợi nhuận, cộng thêm cho giáo dục”.Cội rễ của tranh đấu, như ở mọi xã hội, là tình trạng bất bình đẳng. Giới sinh viên tin rằng bất bình đẳng là hệ quả của mô hình kinh tế siêu tự do, kể cả trong giáo dục. Là thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) từ năm 2010 và là quốc gia phát triển nhất ở Nam Mỹ, song Chile cũng là nước bất bình đẳng nhất trong OECD và đứng hạng 4/34 nước về tỉ lệ dân số nghèo.Trong bối cảnh đó, mô hình giáo dục do chính quyền quân đội nghĩ ra lại ủng hộ các đại học tư và áp mức học phí cắt cổ với các đại học công lập, từ 450 - 680 USD mỗi tháng, so với mức lương trung bình của người Chile chỉ là 1.000 USD/tháng. Ở đất nước có di sản độc tài và tân tự do lâu đời, các luận điểm kinh tế thay thế của giới trẻ, như quan tâm hơn tới sinh thái hay cộng đồng, dễ hiểu là tạo ra xung đột gay gắt. Ví dụ, các đồng chí của tổng thống đắc cử Boric đã phản ứng dữ dội trước những dự án như thủy điện HidroAysén, dự kiến sẽ triển khai ở một trong những vùng hoang sơ nhất đất nước. Rốt cuộc, dự án bị đình chỉ vào năm 2012.Người sinh viên luật Boric đã lớn lên cùng sự chuyển mình của giới sinh viên tranh đấu và xã hội Chile, sống vì và cho những yêu cầu của xã hội với chất “trẻ” sôi sục, màu “đỏ” đầy nhiệt huyết của xu hướng mác-xít vốn vẫn luôn thịnh hành ở Nam Mỹ, và bản sắc Chile tìm kiếm công bằng xã hội. Bài ca El pueblo unido jamás será vencido (Trong tình đoàn kết, nhân dân là bất khả chiến bại) đã cất lên sôi nổi từ thế hệ này sang thế hệ khác như một lời hiệu triệu đồng lòng mạnh mẽ. Sinh viên Chile xuống đường năm 2019. Ảnh: AFP Bốn năm trào PiñeraBoric trải qua 4 năm đặc biệt sôi sục trong nhiệm kỳ sau của Tổng thống Piñera. Gần đây nhất là phong trào phản kháng bùng lên tháng 10-2019, từ những cuộc phản đối tăng giá vé metro trở thành một phong trào quần chúng rộng khắp, rồi xuống đường đòi soạn lại định hướng và mô hình kinh tế xã hội cho đất nước.Gần một tháng sau khi các cuộc biểu tình nổ ra, liên minh của Tổng thống bảo thủ Piñera và các đảng đối lập chính đạt được thỏa thuận lịch sử về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi Hiến pháp, ấn định vào ngày 26-4-2020. Nhưng vì dịch COVID, nên phải dời tới ngày 25-10-2020.Lý do là Hiến pháp 1980 được soạn dưới chế độ độc tài Pinochet, trong bối cảnh đàn áp chính trị dã man, và được phê chuẩn qua một cuộc trưng cầu dân ý gian lận. Bản Hiến pháp đấy đã tồn tại 40 năm, trải qua 3 lần chỉnh sửa trong thập niên 1990, năm 2000 rồi thì 2005 với một số điều khoản vô lý bị bãi bỏ, tỉ như bầu các thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ mãn đời (trong đó có Pinochet).Boric còn tham gia làn sóng xuống đường vì phẫn nộ với những “băng hoại đạo đức” của đương kim Tổng thống Piñera sau khi hồ sơ Pandora khui ra nhiều xung đột lợi ích của ông này trong việc bán tống bán tháo công ty mỏ Dominga hồi năm 2010 trong nhiệm kỳ đầu 2010-2014. Theo tờ Reporterre thì: “Tổng thống mãn nhiệm Sebastian Piñera, 71 tuổi, một trong những người giàu nhất nước, suýt thì không thể kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và ghi tên mình vào sử sách với tư cách tổng thống Chile đầu tiên bị luận tội. Thượng viện, nơi phe đối lập chiếm đa số, đã cứu ông ta hôm thứ ba 16-11 khi từ chối yêu cầu luận tội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, vốn đã được Hạ viện phê chuẩn”.Không như thời Allende và Pinochet, khi Mỹ chắc chắn đã nhúng tay sâu vào nền chính trị Chile, việc nước này chìm trong bất ổn suốt từ năm 2019 tới giờ hoàn toàn có thể giải thích từ những nguyên nhân bên trong: 1. Chính phủ Piñera khiến khoảng cách giàu nghèo ở Chile nghiêm trọng hơn. 2. Bản thân ông Piñera đã “nhúng chàm”, khiến sự chán ngán gia tăng và làm nảy sinh bất ổn. 3. Chính vì vậy mà người dân Chile đã chọn lá phiếu “thay đổi” gửi gắm nơi ứng cử viên Boric, hầu tiến tới sửa tận gốc bản Hiến pháp 1980.Có thể tổng kết bằng đoạn báo Anh The Guardian 20-12 viết về tổng thống đắc cử Boric: “Không giống những ngày còn sôi sục nảy lửa trong các cuộc tuần hành, Boric bây giờ đã chải chuốt gọn gàng, khiêm tốn và nghiêm nghị - trong khi thường mặc một chiếc áo khoác lịch lãm che đi những hình xăm của mình..." "Ông đã cam kết tản quyền Nhà nước Chile, thực hiện một nhà nước phúc lợi, tăng chi tiêu công và luôn tính tới phụ nữ cũng như các dân tộc bản địa..." "Nhưng mục tiêu cuối cùng của Boric là giải phóng đất nước khỏi sự ràng buộc của chế độ độc tài của Pinochet. 4 năm tới sẽ chứng kiến quá trình này bắt đầu, khi thế hệ sinh viên 2011 do Boric lãnh đạo đảm nhận một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trước đây”. Các nghị sĩ thượng viện đã bỏ phiếu “bảo vệ” tổng thống Piñera hầu hết thuộc dư đảng của Pinochet. Cùng ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Chile còn bầu 27/50 ghế Thượng viện (nhiệm kỳ 8 năm), toàn thể 155 dân biểu Hạ viện (4 năm), và toàn thể 302 nghị viên hội đồng tỉnh (3 năm), với hy vọng “thay máu” các cơ quan dân cử.Bà quả phụ Lucía HiriartChính trong bầu không khí sôi sục từ năm 2019 mà cái chết của bà quả phụ Pinochet, nhũ danh Hiriart, đã mang lại sự nhẹ nhõm cho nhiều người Chile, dù từ lâu rồi nguyên đệ nhất phu nhân của đất nước thời “những năm sắt đá” khiến hơn 3.000 người mất tích không còn tham gia đời sống công cộng do tuổi tác và sức khỏe.Bà Hiriart được cho là người có ảnh hưởng mạnh mẽ trong chính phủ quân sự của chồng. Người ta thậm chí cho rằng Pinochet rất sợ bà bởi tính cách mạnh mẽ, áp đặt, và thất thường của bà. Trớ trêu thay, Pinochet qua đời vào đúng ngày sinh nhật của bà 10-12-2006. Bà Hiriart được cho là người đã thuyết phục Pinochet tham gia cuộc đảo chính tháng 9-1973 lật đổ Tổng thống Salvador Allende, khi viên tướng Pinochet thậm chí không thuộc phe âm mưu đảo chính.Nhà báo Alejandra Matus từng nhận xét: “Sẽ không có Pinochet nếu không có Lucía Hiriart”. Cái chết của bà Hiriart thoạt đầu tưởng có lợi cho ứng viên phe bảo thủ José Antonio Kast, một người ủng hộ Pinochet. Song, Mercopress 17-12 cũng cảnh báo bà Hiriart ra đi có thể làm tan biến sự ủng còn lại cho Kast. Có vẻ như cái chết của quả phụ Pinochet cuối cùng đã trở thành những lá phiếu cho ứng viên 35 tuổi Boric. Tags: Nam MỹChileXã hội chủ nghĩaCánh tảGabriel BoricPinochet
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.