Chính quyền đô thị và câu hỏi bỏ ngỏ

NGUYÊN LÂM 01/10/2013 00:09 GMT+7

TTCT - TP.HCM đang lắng nghe ý kiến về việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Vẫn còn nhiều câu hỏi để ngỏ từ góc độ người thụ đắc công cuộc cải cách này...

Thí điểm chính quyền đô thị: Phải chấp nhận “vượt rào”

Phóng to
Điều mà người dân cần từ việc cải cách rất cụ thể: nhanh chóng, tiện lợi và thân thiện (ảnh chụp tại UBND quận Tân Phú, TP.HCM)

Dân cần sự cụ thể

Trước hết, ưu thế của mô hình này so với mô hình hiện đang tồn tại là gì, lợi ích mang lại có đáng để áp dụng hay không so với những chi phí dự kiến sẽ bỏ ra? Mặc dù đã được giải thích nhưng các ưu thế của nó mà công chúng được biết vẫn dừng ở những câu chữ chung chung như: khắc phục sự cồng kềnh, tránh trùng lắp, giảm đầu mối... Người dân cần biết cụ thể hơn những con số, bằng chứng, lập luận, tính toán cặn kẽ mối tương quan giữa lợi ích và chi phí đối với từng khía cạnh của mô hình này.

Tiếp theo, sự kiểm soát quyền lực, giải trình trong mô hình được đề xuất sẽ ra sao đối với từng cấp, từng cơ quan trong mô hình. Đây là một vấn đề không thể bỏ qua khi thiết kế tương quan quyền lực trong bất kỳ môi trường nào để tránh sự lạm dụng quyền lực. Nhất là trong mô hình mới này, các cơ quan hành chính sẽ có sự tự chủ lớn hơn, đồng nghĩa với rủi ro lạm quyền nhiều hơn. Hơn nữa, hiện Việt Nam đang sửa đổi Hiến pháp với một trong những định hướng lớn là kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực.

Nhìn vào sơ đồ tổ chức chính quyền đô thị thành phố có thể nhận thấy HĐND thành phố, HĐND bốn thành phố vệ tinh, HĐND xã, thị trấn sẽ giám sát UBND của các cấp tương ứng. Tuy nhiên, ở các đơn vị hành chính khác của thành phố mà không có HĐND, không rõ ai sẽ giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính tại đó?

HĐND cấp trên khó có thể với tới giám sát hoạt động của các cơ quan đó, còn cơ quan hành chính cấp trên lại là cùng hệ thống hành chính, việc kiểm tra cũng không thể thay thế sự giám sát khách quan từ bên ngoài. Có thể là cơ quan hành chính cấp trên phải chịu trách nhiệm và giải trình trước HĐND cùng cấp về hoạt động của cơ quan hành chính cấp dưới do mình bổ nhiệm. Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì liệu nó có thay thế sự giám sát trực tiếp của HĐND cùng cấp hay không?

“Nhanh” không phải “nhạy”

Một câu hỏi rất quan trọng đang được bàn luận nhiều về mô hình này, đó là sự tham gia, tiếng nói của người dân như thế nào? Người dân được lợi gì? Đúc kết thực tiễn trên thế giới, các chuyên gia cho rằng bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân, hướng tới quyền lợi của người dân là một trong những yếu tố của một nền quản trị đô thị tốt. Trong khi đó, theo mô hình chính quyền đô thị của TP.HCM, dường như đang thiếu bóng dáng của cư dân thành phố.

Cơ quan hành chính có thể đưa ra quyết định nhanh hơn, nhưng làm sao để xuống với dân nhanh hơn, chưa nói đến tốt hơn. Bởi nó hoàn toàn có thể nằm kẹt ở ngăn kéo của ai đó mà lại không có cơ quan quyền lực cùng cấp nhắc nhở, đốc thúc. Hơn nữa, với cơ chế cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm cấp dưới, có khả năng cao là cấp dưới sẽ “nghe” cấp trên, tiếng nói của người dân liệu sẽ vang vọng đến đâu, có trọng lượng gì không?

Trong trường hợp đó, “nhanh” hơn không có nghĩa “nhạy” hơn - tức là phản ứng kịp thời và hiệu quả trước những nhu cầu, nguyện vọng của người dân và các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

Mô hình chính quyền đô thị không chỉ có hình dáng chính quyền với những quyền hạn, nhiệm vụ, dịch vụ cần cung cấp, mà cần đặt trong khung cảnh rộng hơn của nền quản trị địa phương ở đô thị hướng tới bảo đảm cuộc sống và tự do của cư dân đô thị, khoảng không gian dân chủ để người dân tham gia việc công, đối thoại với chính quyền, sự phát triển bền vững của đô thị, chất lượng cuộc sống của cư dân.

Đó là một nền quản trị phản ứng nhanh nhạy với những mối quan tâm, ưu tiên của người dân; làm việc tốt hơn với chi phí ít tốn kém hơn; và giải trình minh bạch trước công chúng, xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận