Chính sách Mỹ có mua được bằng ngoại tệ?

CAM LY 24/09/2014 08:09 GMT+7

TTCT - “Quả bom” thông tin vừa được Thời Báo New York (NYT) tung ra trên trang nhất vào ngày 7-9 gần như trả lời “có” cho câu hỏi trên.

Ông Strobe Talbott, chủ tịch Viện Brookings, cho rằng bài báo của Thời Báo New York đã lược bỏ thông tin, xuyên tạc sự thật - Ảnh: brookings.edu
Ông Strobe Talbott, chủ tịch Viện Brookings, cho rằng bài báo của Thời Báo New York đã lược bỏ thông tin, xuyên tạc sự thật - Ảnh: brookings.edu

Trong khi đó, với Viện Brookings, một trong những cơ quan nghiên cứu chính sách uy tín hàng đầu nước Mỹ bị nêu tên trong bài của NYT, câu trả lời là “tuyệt nhiên không”. Cuộc chiến giữa hai định chế thông tin này - một truyền thông và một hàn lâm - đang làm nóng lại mối quan tâm của công chúng Mỹ về quan hệ giữa ngoại tệ, nghiên cứu học thuật và chính sách đối ngoại của Washington.

Theo NYT, Bộ Ngoại giao Na Uy vào tháng 5-2014 đã ký kết với Trung tâm Phát triển toàn cầu một thỏa ước trị giá 5 triệu USD. Theo thỏa ước này, Trung tâm Phát triển toàn cầu trở thành đối tác của Bộ Ngoại giao Na Uy, và sẽ thay mặt cơ quan nước ngoài này tìm cách tác động đến các quan chức cấp cao của Nhà Trắng.

Điều đáng nói là Trung tâm Phát triển toàn cầu hoàn toàn không phải là một văn phòng vận động hành lang chuyên nghiệp đóng ở vùng đầu não chính sách Mỹ. Là một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington D.C., Trung tâm Phát triển toàn cầu được coi là một trong những địa chỉ cung cấp các kết quả phân tích chính sách độc lập có uy tín cao trong giới hoạch định chính sách Mỹ.

Theo điều tra riêng của NYT, trong những năm gần đây, hàng chục think tank - tổ chức nghiên cứu chính sách độc lập - có tiếng tăm tại Washington D.C. đã nhận những khoản tiền tài trợ khổng lồ trị giá hàng chục ngàn USD từ các nguồn ngoài nước. Đổi lại, các tổ chức này đưa ra những kiến nghị có lợi cho nhà tài trợ của họ trong quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ Mỹ. 

NYT bình luận rằng sự đổi chác này thực chất đã biến các think tank từng được coi là độc lập trở thành “cánh tay lực lưỡng nối dài” của chính phủ các nước. Điều đáng nói hơn nữa là từ đó, chuẩn mực về tự do trí tuệ của nước Mỹ đã lung lay, và tính chính trực hàn lâm vốn là niềm tự hào của giới trí thức Mỹ đã không còn đáng tin cậy nữa.

Không chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”?

Trên lý thuyết, các think tank khi muốn đăng ký là cơ quan hoạt động phi lợi nhuận buộc phải tránh xa mọi hoạt động mang tính cổ động chính trị theo luật miễn trừ thuế, đồng nghĩa với việc hoàn toàn bị cấm tham gia vận động hành lang. Trên thực tế, theo tờ Boston Hoàn Cầu, không ít think tank trắng trợn vi phạm quy định này.

Đây không phải là lần đầu tiên giới truyền thông Mỹ chạm đến vấn đề tính chính trực hàn lâm trong các tổ chức nghiên cứu phi chính phủ và phi lợi nhuận tại Mỹ.

Năm 2013, nhật báo Boston Hoàn Cầu (Boston Globe) đã có bài viết chỉ trích việc các tổ chức nghiên cứu tự nhận là trung lập và độc lập đã kéo bè kéo cánh theo hai đảng chính trong chính trường nước Mỹ, thậm chí đóng vai trò “loa phường” kêu gọi người dân trong nước ủng hộ một trong hai đảng này trong các mùa tranh cử.

Một số cơ quan nghiên cứu - như Trung tâm Tiến bộ Mỹ, Trung tâm Chính sách lưỡng đảng... - thậm chí thiết lập những văn phòng “chân rết” vận động hành lang, với nguồn kinh phí lên đến hàng triệu USD hằng năm, hoạt động ráo riết bên lề các cuộc họp trên Đồi Capitol. 

Ngoài việc đánh động về tính chính trực hàn lâm đang bị xói mòn nghiêm trọng, giới truyền thông Mỹ còn đặt câu hỏi về hoạt động liên đới của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Giới hoạch định chính sách cho đến nay vẫn đặt quá nhiều niềm tin vào các tổ chức nghiên cứu, gần như “khoán trắng” cho các think tank này khi muốn tiếp cận một lĩnh vực chính sách nào đó.

Trưởng phòng điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ Robert Work cho rằng: “Chính phủ (Mỹ) không có thời gian và nguồn lực để suy nghĩ dài hơi, (cho nên) họ thường yêu cầu chúng tôi suy nghĩ giùm cho họ”.

Trường hợp của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel được tờ Boston Hoàn Cầu đưa ra như một điển hình đáng lo ngại về xu hướng liên đới này.

Khi đảm nhận vai trò chủ tịch của think tank mang tên Hội đồng Đại Tây Dương trong nhiệm kỳ 2009-2013, ông Hagel đã từng bị chỉ trích mạnh mẽ khi một điều tra độc lập cho thấy trong thời gian ông tại nhiệm ở Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức phi lợi nhuận này đã thu được gấp đôi kinh phí hoạt động từ nhiều nguồn tài trợ “có vấn đề” tại Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập, thậm chí có cả các công ty dầu mỏ thuộc nhà nước Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ!

Đặc biệt, vào tháng 6-2013, khi ông Chuck Hagel đến Singapore để trình bày với cử tọa là các nhà hoạch định chính sách quốc phòng châu Á về đề xuất đầu tư vào các hoạt động hợp tác quốc phòng khu vực này, hầu như không ai biết xuất xứ gốc bài phát biểu của ông Hagel đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). CSIS, cũng như Viện Brookings, là cơ quan nghiên cứu được giới hoạch định chính sách Mỹ tin cẩn, cũng là cơ quan có nhiều nguồn tài trợ từ ngoài nước Mỹ.

Theo điều tra riêng của tờ Boston Hoàn Cầu, bài phát biểu của ông Hagel là do học giả chuyên nghiên cứu châu Á tại CSIS, ông Ernest Bower, soạn thảo. Đáng lưu ý, ông Bower cũng là giám đốc điều hành công ty tư vấn doanh nghiệp mang tên Bower Group Asia, hoạt động tại chín quốc gia châu Á.

Khi phóng viên Boston Hoàn Cầu tiếp cận Bower, ông này từ chối tiết lộ danh sách khách hàng của công ty mình với lý do bí mật kinh doanh. Văn phòng của ông Chuck Hagel sau đó thừa nhận đã không biết về công ty tư vấn doanh nghiệp của Bower khi mời nhân vật này soạn thảo phát biểu chính sách.

Ken Silverstein, tác giả báo cáo gây chấn động “Chi tiền để chơi trò think tank: Tham nhũng định chế và ngành công nghiệp ý tưởng” (Pay to play think tanks: Institutional corruption and the industry of ideas) phát hành tháng 6-2014, đã công khai các chương trình “lại quả” mà những think tank và các nhà tài trợ thỏa thuận với nhau - từ những ưu tiên trong chính sách quan hệ song phương đến các chính sách thân thiện với những công ty kinh doanh toàn cầu.

Silverstein, biên tập của tạp chí Harper, cho biết trong nhiều trường hợp ông điều tra được, ranh giới giữa chuyên viên nghiên cứu chính sách và nhân viên vận động hành lang hầu như bị xóa nhòa.

Tương tự, việc chuyên viên nghiên cứu Mỹ tham gia tư vấn (và được trả tiền) ở các tập đoàn kinh tế nước ngoài đã trở thành “chuyện thường ngày” trong hoạt động của các think tank Mỹ.

Brookings phản bác, dư luận xôn xao

Ngay trong ngày NYT đăng bài điều tra, Viện Brookings đã chính thức đăng đàn phản bác toàn bộ nội dung và kết luận của NYT. Brookings khẳng định viện này tuyệt nhiên không phải là “tay chân” của bất kỳ chính phủ nước ngoài nào.

Viện Brookings khẳng định: “Những nghiên cứu của viện chúng tôi không bị điều khiển hoặc kiểm soát bởi bất kỳ nhà tài trợ hoặc cơ quan thứ ba nào. Brookings không đại diện cho bất kỳ cơ quan nào ngoài chính nó”.

(Được thành lập từ năm 1916, Viện Brookings hiện có 200 học giả và 700 nguồn tài trợ. Chỉ trong năm 2013, viện đã thực hiện đến 400 dự án nghiên cứu dựa trên các nguồn tài trợ).

Chủ tịch Viện Brookings Strobe Talbott cũng chính thức gửi thư ngỏ cá nhân để phản bác bài điều tra của NYT. Ông Talbott nói bài báo của NYT đã lược bỏ thông tin, xuyên tạc sự thật và mắc nhiều lỗi sai, dẫn đến đưa ra kết luận sai lầm về tính chất hoạt động của Brookings.

Theo ông Talbott: “NYT cáo buộc chúng tôi (và chín tổ chức nghiên cứu khác) buôn bán ảnh hưởng. Chúng tôi chỉ bán sách do nhà xuất bản của Brookings in ấn. Chúng tôi chẳng bán buôn bất kỳ ảnh hưởng nào, dù cho trong nước hay ngoài nước... Chúng tôi nhận các nguồn tài trợ nghiên cứu với thỏa thuận rằng các nhà tài trợ này hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu độc lập của chúng tôi”.

Theo Viện Brookings, phóng viên Eric Lipton của NYT đã làm việc với những thành viên điều hành của Brookings và nhiều chuyên viên nghiên cứu khu vực. Brookings đã cung cấp đầy đủ thông tin nội bộ về hoạt động và nguồn tài trợ cho NYT. Tuy nhiên, NYT chỉ tập trung điều tra về nguồn tài trợ từ hai chính phủ Na Uy và Qatar. 

Ông Talbott cũng khẳng định NYT đã cố tình “đánh lận con đen”, dựa trên một nguồn tin cá nhân từ Trung tâm Doha của Brookings tại Qatar, xuyên tạc rằng Chính phủ Qatar tài trợ cho Brookings để đổi lấy việc Brookings “ỉm” đi những nghiên cứu chính sách có tính chỉ trích chính phủ nước này. 

NYT cho biết trưởng phòng điều hành Trung tâm Phát triển toàn cầu Todd Moss, khi đối diện với những chứng cứ mà phóng viên điều tra của NYT đưa ra về việc trung tâm này sẽ tiến hành vận động hành lang cho Chính phủ Na Uy tại Quốc hội Mỹ, đã thốt lên: “Chết chửa! Chúng tôi sẽ phải làm việc với luật sư về vụ này!”.

Sau đó, ngày 13-9, Trung tâm Phát triển toàn cầu ra thông cáo báo chí khẳng định các nghiên cứu chính sách của tổ chức này chưa từng và sẽ không bao giờ chịu ảnh hưởng bởi các nguồn tài trợ, và cho biết trung tâm sẽ làm việc với luật sư tư vấn độc lập về vụ việc này. Các think tank khác trong “danh sách đen” của NYT đến thời điểm này chưa đưa ra phản hồi chính thức đối với kết quả điều tra của phóng viên. 

Cuộc chiến giữa cơ quan truyền thông NYT và các think tank đã bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà làm luật nước Mỹ.

Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Frank Wolf, trong lá thư gửi cho Viện Brookings tuần qua, thẳng thắn chỉ rõ: “Khi một nhân viên vận động hành lang đến gõ cửa phòng các chính khách, ai cũng biết người đó đại diện cho một khách hàng hoặc một chính phủ ngoài nước và theo luật thì người này buộc phải công khai điều đó. Trong khi đó, các think tank được nhìn nhận khác, được coi là nguồn thông tin độc lập, và những ý kiến đề xuất của think tank được coi là vì quyền lợi của đất nước chứ không phải quyền lợi riêng (của think tank đó)”.

Luật sư chuyên ngành chính trị Cleta Mitchell của Công ty luật Foley&Lardner tại Washington, sau khi xem xét văn bản thỏa thuận giữa Chính phủ Na Uy và Viện Brookings, cũng nhận xét: “Rõ ràng là đã có những kế hoạch cụ thể để định hướng dư luận và chính sách của Mỹ”.

Nguồn tin của nhật báo Washington Post ngày 13-9 cho biết có thông tin về việc Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra vụ việc do tờ NYT công bố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận