TTCT - Với quốc lực tăng cường, biến động trong đời sống quốc tế luôn là thời cơ chiến lược đối với Trung Quốc. Hơn 10 năm trước, vào lúc chính quyền George Bush say sưa lao vào chiến trận, lôi kéo nước Mỹ sa vào nỗ lực chống khủng bố toàn cầu, ông Hồ Cẩm Đào vừa lên dẫn đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư đã xác định 20 năm tiếp theo là “thời cơ chiến lược” để Trung Quốc tăng tốc phát triển toàn diện. Phóng to Ảnh: Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng Chỉ riêng cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ tiêu tốn 1.700 tỉ USD, thêm vào đó là 490 tỉ USD hỗ trợ các cựu binh. Đi vay để làm chiến tranh, nước Mỹ trở thành con nợ của thế giới, riêng Trung Quốc nắm giữ 20,8% trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong khi đó, 10 năm tham gia WTO, Trung Quốc rút ngắn được bốn bậc khoảng cách sức mạnh so với Mỹ, tăng trưởng kinh tế chiếm 22% tăng trưởng kinh tế thế giới (Mỹ chỉ chiếm 17%). Theo tốc độ ấy, đến năm 2030 (hoặc sớm hơn), GDP của Trung Quốc sẽ chiếm 20% GDP toàn thế giới (Mỹ chỉ còn 15%). Khả năng quân sự của Trung Quốc cũng đạt bước tiến đáng kể tại biển gần, trên không, vũ trụ và không gian mạng. Từ năm 1978-1987, chi phí quân sự bình quân hằng năm của Trung Quốc tăng 3,5%; từ 1988-1997 tăng 14,5%; từ 1998-2007 tăng 15,9%. Hiện Trung Quốc đã trở thành quốc gia có chi phí quân sự lớn thứ hai thế giới, lớn hơn tất cả các nước châu Á cộng lại. Còn chi phí quốc phòng của Mỹ năm 2013 giảm từ 4,7% xuống 3% so với các năm trước, nghĩa là trở lại ngang mức trước chiến tranh Afghanistan (2001). Chủ trương “xoay trục” của Washington Chính quyền Obama nhiệm kỳ II đã chuyển trọng tâm hoạt động vào khôi phục kinh tế nên Mỹ buộc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng hòa dịu. Chuyến thăm châu Âu và Trung Đông là cuộc xuất ngoại đầu tiên của tân Ngoại trưởng John Kerry. Châu Âu tuy suy yếu về kinh tế nhưng vẫn là một thành lũy của NATO. Trong chuyến đi này, cuộc gặp gỡ với ngoại trưởng Nga tại Vienna mới là quan trọng, trong đó việc Mỹ quyết định cắt giảm hệ thống tên lửa phòng thủ đặt tại Đông Âu là để đáp ứng đòi hỏi tiên quyết của Nga trong việc cải thiện quan hệ, nhằm tạo đòn bẩy cho những điều chỉnh chiến lược ở một hướng quan trọng nhất, đó là châu Á - Thái Bình Dương. Ông Tập Cận Bình cũng chọn Nga cho chuyến xuất ngoại đầu tiên nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga trước dòng chảy của các biến đổi toàn cầu mà chính quyền Obama vẫn là một tác nhân quan trọng. Về mặt lịch sử cũng như địa - chính trị, Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương. Tại đây, Mỹ có các lợi ích thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển lâu dài của chính mình. Vào những năm 2008-2010, nếu Mỹ không chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á trong cái gọi là “chính sách xoay trục”, nhiều khả năng Mỹ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ở khu vực quan trọng này. Ba mục tiêu chủ yếu của chủ trương “xoay trục” gồm: duy trì nguyên trạng vai trò chủ đạo của Mỹ; tham gia sự phát triển kinh tế năng động của châu Á - Thái Bình Dương để phục hồi kinh tế Mỹ, cũng như tham gia các cơ chế như ARF, EAS; kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trước hết về quân sự, trọng tâm là hải quân, dù sự kiềm chế vẫn mang tính phòng ngừa. Trong bốn năm qua, Mỹ đã gõ tất cả các cánh cửa, kể cả những nơi nửa thế kỷ qua các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ chưa đặt chân tới (Mông Cổ, Lào, Myanmar, các đảo quốc nam Thái Bình Dương). Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của Ngoại trưởng Hillary Clinton và các bộ trưởng quốc phòng Robert Gates và Leon Panetta, Mỹ đã củng cố liên minh, thiết lập đối tác mới, tạo ra liên kết quân sự kiểu mới, thiết lập sự hiện diện quân sự tại một số địa bàn trọng điểm. “Mỹ là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có đồng minh rộng khắp, không có tham vọng lãnh thổ” (Hillary Clinton). Về kinh tế, Mỹ tìm cách gây trở ngại cho việc thành lập FTA Trung - Nhật - Hàn; thúc đẩy Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, 16 vòng) và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Á… Chủ trương trở lại châu Á đã đạt được một số thành tựu lâu dài làm cơ sở ổn định cho những điều chỉnh sắp tới. Trong khi đó, những thách thức từ phía Trung Quốc đối với lợi ích Mỹ tại khu vực chỉ có tăng chứ không giảm. Luận thuyết của Trung Quốc vẫn là “nước mạnh ắt sẽ bá quyền”. Trung Quốc cần hòa dịu quan hệ với Mỹ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra mục tiêu tập trung xây dựng “xã hội khá giả” và thực hiện giấc mơ “đại phục hưng”, trong đó trọng tâm của ban lãnh đạo mới là những vấn đề đối nội: bong bóng kinh tế tiềm tàng, ô nhiễm môi trường, phân cực giàu nghèo, bất mãn xã hội và tình trạng tham nhũng... Họ vẫn chưa thoát ly hẳn chủ trương “giấu mình chờ thời” và muốn hòa hoãn quan hệ với Mỹ để tiếp tục củng cố thực lực và tập trung giải quyết những vấn đề trong nước. Ban lãnh đạo mới dựa nhiều hơn vào quân đội và quân đội sẽ có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề đối ngoại, trong đó có tranh chấp biển đảo. Đối với các nước trong khu vực, Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, từng bước đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, áp dụng chia rẽ và chế ngự bằng các cơ chế song phương. Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy lợi thế sân nhà và ưu thế kinh tế, thực hiện “ngoại giao tín dụng”, dùng các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực để thúc đẩy việc xây dựng trật tự kinh tế khu vực do Trung Quốc chủ đạo. Trung Quốc rất muốn nâng cao sức mạnh mềm, cử nhân viên y tế và giáo viên ra nước ngoài phục vụ, tiếp nhận lưu học sinh, xây dựng hàng trăm học viện Khổng Tử… Tuy nhiên, sức mạnh mềm cần văn hóa cường quốc và tầm cao đạo đức. Việc một nhà hàng ở trung tâm Bắc Kinh đăng biển kỳ thị chủng tộc “cấm người, cấm chó” thể hiện sự thiếu hụt văn hóa này. Để hòa dịu, Trung Quốc sẽ thỏa mãn một số yêu cầu của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và tiền tệ, tạo điều kiện hình thành “cơ chế lãnh đạo kép” để giải quyết các vấn đề song phương và đa phương ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 11-3, Thomas Donilon, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực này sẽ không bị giảm bởi những khó khăn tài chính, Mỹ tiếp tục điều chuyển 60% hạm đội hải quân đến khu vực này vào năm 2020. Đồng thời ông Donilon cho biết quan hệ Trung - Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược “tái cân bằng” châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ hai, nghĩa là Trung Quốc từ đối tượng trở thành nội hàm của chính sách châu Á mới. Về biển Đông, ngày 12-3 trong cuộc gặp với quốc vương Brunei thăm Washington, Tổng thống Obama đã yêu cầu các quốc gia liên quan tới tranh chấp lãnh hải “cần tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế” nhằm tránh xảy ra xung đột. Hội nghị thượng đỉnh EAS năm nay tại Brunei sẽ tập trung thảo luận về vấn đề năng lượng, mở rộng thương mại và vấn đề tranh chấp biển đảo. Mỹ sẽ không rút lui khỏi biển Đông mà sẽ điều chỉnh sắc thái, thận trọng hơn, phản ứng theo từng vụ việc. Thực tiễn từng cho thấy những xung đột cục bộ trên bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, biển Đông vẫn chứa đựng các yếu tố khó lường đối với cả Trung Quốc lẫn Mỹ, cùng với chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản và Trung Quốc có thể làm chệch hướng quan hệ giữa hai nước này và ảnh hưởng đến “đại cục”. Ngoài ra, việc Nhật Bản tìm cách đảo ngược suy thoái kinh tế, đẩy mạnh tái vũ trang, Nga và Ấn Độ đều tích cực “hướng Đông” có thể tác động đến thế cân bằng chiến lược tại khu vực quan trọng này của thế giới. Tags: Trung QuốcMỹKhủng bố toàn cầuTS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 11/01/2025 1483 từ
Thủ tướng có chỉ đạo mới về sắp xếp bộ máy thuộc Bộ Quốc phòng, Công an, Thanh tra NGỌC AN 13/01/2025 Đối với sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp các đơn vị, cơ quan theo kết luận, chủ trương, định hướng.
Chính phủ: Tiếp tục triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã NGỌC AN 13/01/2025 Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ đã khai quang điểm nhãn lân sư rồng, bắt đầu những ngày vui bất tận HOÀI PHƯƠNG 13/01/2025 Đông đảo nghệ sĩ, các bạn trẻ diện áo dài tham dự lễ khai mạc và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại Lễ hội Tết Việt 2025.
Một số lĩnh vực chuyển về cho Bộ Công an quản lý NGỌC AN 13/01/2025 Cùng với Tổng công ty Viễn thông MobiFone thì nhiều lĩnh vực quản lý vốn thuộc bộ ngành khác sẽ được chuyển về Bộ Công an quản lý.