Chỉnh sửa gene vật nuôi, thịt này nuốt có xuôi?

LÊ MY 05/01/2022 19:05 GMT+7

TTCT - Mâm thịt của tương lai sẽ có gì? Trong những hướng nghiên cứu mà giới khoa học dày công theo đuổi bấy lâu nay, thịt lấy từ vật nuôi chỉnh sửa gene là giải pháp gây nhiều tranh cãi dù nó được trao cho một mục đích tốt đẹp: tăng phúc lợi động vật và tốt cho môi trường.

 
 Ảnh: Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Mỗi năm, hàng triệu con gà bị tiêu hủy sống vì nhiễm virus cúm gia cầm. Vắc xin ngừa cúm gia cầm tuy đã có nhưng vẫn chưa thể bảo vệ hoàn toàn những đàn gà khỏe mạnh, chưa kể virus có thể đột biến và kháng vắc xin. Còn một nguy cơ đáng sợ hơn: virus cúm gia cầm có thể lây sang người và gây thêm ít nhất một đại dịch.

Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu một giải pháp lâu bền hơn: chỉnh sửa ADN của gia cầm để ngăn virus bám vào tế bào và nhân bản, lợi gà mà cũng lợi người. Nhưng ta có lăn tăn gì khi biết đĩa gà chiên nước mắm thơm lừng trước mặt làm từ gia cầm chỉnh sửa gene? Trước mắt, cộng đồng khoa học và giới làm luật đã có nhiều băn khoăn.

Thuận tự nhiên không?

“Chỉnh sửa gene” (gene editing) thường được gộp chung nhóm với “biến đổi gene” (genetic modification, GM) - một công nghệ vốn đã gây ồn ào và chia rẽ từ những năm 1990. Ở Mỹ chẳng hạn, hầu hết đậu nành và ngô được canh tác là hàng GM để tối đa hóa sản lượng. Nhưng với Liên minh châu Âu (EU), cây trồng lẫn vật nuôi GM hầu như không có “đất sống” vì những quy định nghiêm ngặt do lo ngại những ảnh hưởng ngoài ý muốn lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Giờ đây, một số nhóm vận động nói rằng chỉnh sửa gene cũng tiềm ẩn những rủi ro tương tự. Tổ chức Greenpeace đã lên tiếng cảnh báo hồi đầu năm 2021: Việc sử dụng các công nghệ chỉnh sửa gene “rất có thể sẽ biến cả thiên nhiên và bản thân chúng ta (thông qua thực phẩm chúng ta ăn) thành một màn thí nghiệm kỹ thuật gene khổng lồ với những hệ quả chưa biết được và có khi chẳng thể nào đảo ngược”.

Trong kỹ thuật GM, gene từ sinh vật này sẽ được chuyển sang sinh vật khác theo ý đồ của người nghiên cứu. Ví dụ ở loại ngô “Bt” có khả năng tự kháng côn trùng nhờ được cấy vật chất di truyền của loài vi khuẩn Bacillus thuringiensis vào tế bào ở giai đoạn phôi.

Trong khi đó, chỉnh sửa gene hoạt động trong khuôn khổ bộ gene của sinh vật, không vay mượn bên ngoài. Kỹ thuật mới này cho phép các nhà khoa học thêm, bớt hoặc thay đổi ADN của sinh vật ở những vị trí họ mong muốn. “Ngôi sao” của chỉnh sửa gene là công cụ CRISPR được phát triển vào năm 2012 (hai “mẹ đẻ” của nó đã nhận giải Nobel hóa học năm 2020). Có thể xem CRISPR như một cây kéo ở cấp độ phân tử dùng để cắt tỉa ADN.

Những người ủng hộ khẳng định rằng công nghệ chỉnh sửa gene chỉ là một phiên bản chính xác hơn của quá trình lai tạo, chọn lọc động vật truyền thống. Nói một cách dễ hiểu: biết đâu các nhà chăn nuôi truyền thống cũng có thể lai tạo giống gà miễn nhiễm với cúm, nhưng họ sẽ cần rất rất nhiều thời gian và may mắn. Trong khi đó, với “cây kéo” CRISPR, các nhà khoa học có thể đánh giá kết quả ngay trong phòng thí nghiệm, nếu khả quan thì mới tiến hành trên gia cầm sống.

Tách bạch 2 công nghệ “chỉnh sửa” và “biến đổi” gene có vai trò quan trọng trong việc mở đường cho việc nghiên cứu chỉnh sửa gene vật nuôi. Quan điểm không xếp “vật nuôi chỉnh sửa gene” vào nhóm “sinh vật biến đổi gene” đồng nghĩa với việc gỡ bỏ các quy định vốn dành cho công nghệ GM khỏi các dự án về chỉnh sửa gene. Một số quốc gia như Mỹ, Úc và Nhật Bản đã chọn hướng tiếp cận tương đối “dễ chịu” này. Trong khi đó, theo luật của EU, các “sinh vật chỉnh sửa gene” được đối xử như các sinh vật GM truyền thống và phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt hơn.

Khi còn trong cảnh “đồng sàng dị mộng” tiền Brexit năm 2019, Thủ tướng Boris Johnson đã hứa sẽ “giải phóng lĩnh vực sinh học phi thường của Vương quốc Anh khỏi các điều luật chống biến đổi gene” của EU. Hậu Brexit, tháng 9-2021 Chính phủ Anh tuyên bố sẽ soạn ra các điều luật mở đường cho một số hoạt động chỉnh sửa gene trong chăn nuôi.

 
 Các nhà khoa học tham vọng tạo ra giống gà miễn nhiễm trước cúm gia cầm bằng chỉnh sửa gene. Ảnh: Shutterstock

Ý tốt của một loài ăn thịt

Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cho rằng chỉnh sửa gene làm giảm “mối bận tâm về mặt đạo đức hoặc sinh học” nhiều hơn kỹ thuật GM, và tăng “sự tôn trọng các quy luật của thiên nhiên”. Phe ủng hộ còn tin rằng việc chỉnh sửa gene có thể giải quyết một số vấn đề lớn trong việc tiêu thụ thịt và chăn nuôi hiện nay: thực phẩm lành mạnh hơn, nhu cầu sử dụng kháng sinh thấp hơn và phúc lợi động vật tốt hơn. Lại lấy lũ gà làm ví dụ. Một khi thế giới “chỉnh sửa” thành công những giống gà khỏe mạnh, người chăn nuôi sẽ vứt bớt những nỗi lo dịch bệnh triền miên và sẽ không cần “tắm” cả trại gà trong thuốc kháng sinh như hiện nay. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có những quầy thịt “sạch” và an toàn hơn, không còn bận tâm về dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt gà nữa. Ở một góc nhìn rộng hơn, chúng ta có thể hy vọng giải quyết được vấn đề kháng kháng sinh ở người và vật nuôi, và giảm các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Nhưng chuyện “phúc lợi động vật tốt hơn”, theo nghĩa chỉnh sửa gene để chúng không đau khổ khi bị giết mổ, thì hơi khó xử. Gia cầm thời nay đã khác xa những loài mà tổ tiên chúng ta lấy thịt. Mô hình chăn nuôi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã ra sức lai tạo và chọn lọc những đặc điểm “dễ kiếm tiền” ở vật nuôi nhưng khiến chúng khốn khổ hơn. Tỉ như phần lớn gà công nghiệp đang tăng trọng nhanh đến mức khung xương của chúng không thể chống đỡ, thành thử chúng có chân cũng chẳng thể đi lại… Sẽ ra sao nếu những con gà công nghiệp tạm gọi là “thừa cân” đó được “lập trình” để không còn cảm nhận cặp chân yếu ớt?

Một ví dụ khác là các trang trại bò sữa thường phải cắt bỏ sừng bò để dễ dàng quản lý gia súc (mà việc này với bò chẳng dễ chịu gì đâu). Cho đến nay, thật khó để lai tạo giống bò không sừng theo cách truyền thống, nhưng chỉnh sửa gene thì khả thi hơn. Có ý tưởng kinh khủng như tạo ra những con vật mù hoặc điếc bẩm sinh, để chúng đỡ bị phiền hà bởi chuồng trại ồn ào và đông đúc.

Và có một thực tế “xấu xí” trong chăn nuôi: các con đực/trống non thường sẽ sớm bị tiêu hủy hay nghiền nát vì chúng chẳng thể đẻ trứng hay tạo sữa… Hồi đầu tháng trước, nhóm nghiên cứu từ ĐH Kent (Anh) và Viện Francis Crick công bố họ đã sử dụng CRISPR để tạo ra những lứa chuột “đơn giới” - toàn con cái hoặc toàn con đực, với hiệu quả 100%. Thành tựu này hứa hẹn có thể chấm dứt các cuộc “thảm sát” nói trên.

Với động vật GM, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt cá hồi AquAdvantage biến đổi gene (nhằm khiến cá tăng trưởng nhanh hơn). Các cơ quan quản lý nước này dự kiến sẽ là những người đầu tiên chấp thuận việc nhân giống vật nuôi thay thế gene, để chúng có khả năng chống lại hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS).Đến nay, chưa có sản phẩm thịt “chỉnh sửa gene” nào lưu hành trên thị trường, ở bất kỳ đâu trên thế giới. Có thể những trải nghiệm với COVID - rằng dịch bệnh rất kinh khủng và khoa học có thể giải quyết những vấn đề khó khăn - sẽ góp phần thay đổi cách người ta nhìn vào công nghệ này.

Theo Yehuda Elram, người đứng đầu Công ty khởi nghiệp EggXYt của Israel, cho đến khi thế giới đồng loạt hài lòng với một loại protein thay thế thịt, chúng ta chỉ còn cách cải thiện cách tiêu thụ protein truyền thống. Công ty này cũng đang nghiên cứu chỉnh sửa gene ở gà nhằm chống lại virus cúm gia cầm.

Ý tưởng “chỉnh sửa gene vật nuôi để chúng bớt đau khổ” nhận được vô số ý kiến trái chiều. Nhưng có một chân lý: thế giới đang làm đau hay gây stress cho hàng tỉ động vật mỗi năm, trong các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá và cả côn trùng. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, mỗi năm có khoảng 50 tỉ con gà bị làm thịt và con số này sẽ tiếp tục tăng. Nếu chúng ta có thể “chỉnh sửa chúng” để giảm nhẹ đau đớn và căng thẳng, đó sẽ là một cải tiến lớn so với hiện tại.

Tuy nhiên, đó cũng sẽ là một tuyên bố ngầm rằng việc chăn nuôi của loài người đang quá sức tồi tệ, đến mức những thay đổi “đầy khuyết điểm” cũng có thể được xem là cải tiến. Mặt khác, có ý kiến rằng phúc lợi động vật sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn bởi động vật được chỉnh sửa gene sẽ ngày càng hành xử và được đối xử như những món đồ vô tri, vô cảm... Phải chăng lối sống của loài người mới thật sự cần được chỉnh sửa?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận