TTCT - Đây là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh. Chó có thể chẩn đoán ung thư, và độ chính xác có thể còn cao hơn cả những phương pháp hiện đại. Phóng to Chó Labrador - Ảnh: wordpress.com Ung thư ruột là một trong những bệnh đáng quan tâm, vì tần số xuất hiện ngày càng tăng và có thể giảm tuổi thọ của bệnh nhân. Xác suất sống sau khi chẩn đoán tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư. Theo nghiên cứu ở Mỹ, nếu ung thư ở giai đoạn 1, xác suất sống sau năm năm có thể cao hơn 90%, nhưng nếu ở giai đoạn 3 thì xác suất sống sót sau năm năm chỉ 20-30%. Hàm ý của những con số này là nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị sớm, có thể cứu sống nhiều bệnh nhân. Ngửi... ung thư Phương pháp tầm soát ung thư ruột là xét nghiệm máu trong phân (còn gọi là fecal occult blood test hay FOBT). Phương pháp này thường áp dụng cho cá nhân trên 50 tuổi, với mục đích chính là xem có máu đỏ thẫm hoặc đỏ tươi trong hoặc trên phân. Tuy nhiên, một nhược điểm của phương pháp này là độ chính xác không cao. Theo thống kê, cứ 100 người mắc bệnh ung thư ruột, FOBT chỉ phát hiện được 30 hay cao lắm là 60 người. Trong nỗ lực tìm một phương pháp tầm soát tốt hơn, các nhà nghiên cứu quay sang... chó. Với giả thuyết của các nhà nghiên cứu người Anh đưa ra là chó có thể ngửi ung thư, các nhà nghiên cứu Nhật đã thực hiện một nghiên cứu để thẩm định khả năng phát hiện ung thư của chó. Khởi đầu các nhà nghiên cứu huấn luyện một chú chó 8 tuổi thuộc giống chó Labrador để ngửi hơi thở của bệnh nhân ung thư và ngửi phân. Thời gian huấn luyện kéo dài đến ba năm (2003-2005). Sau đó, họ chọn 33 bệnh nhân ung thư ruột già và trực tràng, và 132 người không mắc bệnh ung thư. Mỗi cá nhân yêu cầu thở và các nhà nghiên cứu “thu lại” khoảng 100-200ml hơi thở trong một bọc plastic chuyên dụng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn lấy phân của bệnh nhân để chó xét nghiệm. Nếu chó ngửi đúng ung thư thì được thưởng một suất ăn và ngồi xuống trước mẫu; còn nếu không phải ung thư thì chó bỏ đi (và dĩ nhiên là cũng có phần thưởng một suất ăn!). Kết quả nghiên cứu thật triển vọng. Trong số 33 bệnh nhân, chó phát hiện đúng 30 bệnh nhân, hay nói theo ngôn ngữ y khoa là độ nhạy 91%. Trong số 132 người không mắc bệnh, chó “chẩn đoán” không bệnh chính xác đến 99% (còn gọi là độ đặc hiệu). Khi cho chó ngửi phân, độ nhạy cao đến 97% và độ đặc hiệu cũng 99%. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp FOBT cho thấy độ nhạy là 70% và độ đặc hiệu là 85%. Kết quả trên được công bố trên tập san Gut vào cuối tháng 1-2011. Chính xác hơn máy X-quang Kết quả nghiên cứu trên đặt ra nhiều câu hỏi và giả thuyết. Như đề cập trên, ý tưởng dùng chó trong việc phát hiện ung thư không phải mới. Ngoài công trình nghiên cứu ở Anh vào năm 2001 dùng chó để phát hiện ung thư, các nhà nghiên cứu Mỹ đi thêm một bước với một nghiên cứu quy mô hơn, cẩn thận hơn: dùng chó chẩn đoán ung thư vú. Kết quả: chó có thể phát hiện chính xác 98% ca bệnh! Đối với ung thư phổi, kết quả nghiên cứu này cho thấy rõ ràng là chó có thể chẩn đoán ung thư cao hơn ung thư vú và chính xác hơn máy X-quang. Tại sao chó có khả năng phát hiện ung thư chỉ qua ngửi hơi thở hay ngửi phân? Cho đến nay, không ai biết được câu trả lời chính xác. Nhưng các chuyên gia ung thư học tin rằng các bướu ung thư có thể phát sinh mùi đặc trưng qua hơi thở, da và phân. Như vậy, kết quả này đưa đường chỉ lối cho giới nghiên cứu tìm cách phát triển một phương pháp nào đó, có thể là hóa học, để phát hiện các đặc tính của hơi thở và qua đó chẩn đoán ung thư. Hiện nay, chúng ta chưa có các phương tiện để phân tích mùi như thế, nhưng chó có thể làm được. Nên nhớ rằng mũi của chó rất nhạy, nhạy hơn mũi người cả vạn lần! Kết quả trên và nhiều kết quả trước đó có thể là bằng chứng để dùng chó chẩn đoán ung thư? Câu trả lời là chưa. Cho dù chó có thể chẩn đoán chính xác hơn các phương tiện y khoa, chó vẫn chưa được sử dụng đại trà trong chẩn đoán và tầm soát ung thư. Lý do đơn giản là chi phí huấn luyện chó rất đắt tiền và rất lâu. Ngoài ra, vì tuổi thọ và lão hóa, mỗi chú chó chỉ có thể làm công tác xét nghiệm 10 năm chứ không lâu hơn được. Tuy nhiên, nếu một xét nghiệm FOBT tốn 1.000 hay 2.000 USD thì lợi ích trong việc dùng chó để phát hiện ung thư cần phải được nghiên cứu và phân tích thêm. Thật ra, chỉ cần vài tính toán đơn giản, tôi nghĩ kết quả phân tích như thế sẽ cho thấy dùng chó có hiệu quả kinh tế hơn là dùng các thiết bị hiện đại!
Đại gia Nguyễn Cao Trí chi tiền để ‘bẻ lái’ kết luận thanh tra, thâu tóm dự án Đại Ninh ra sao? GIANG NAM 03/11/2024 “Tôi kiến nghị thu hồi được thì sẽ tháo gỡ cho gia hạn phục hồi dự án được”, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nói với Nguyễn Cao Trí.
Bà Harris vượt lên tại bang Iowa, nơi ông Trump từng thắng dễ dàng DUY LINH 03/11/2024 Thăm dò cử tri trước bầu cử tại bang Iowa cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump, khi nhóm cử tri nữ có xu hướng nghiêng về Đảng Dân chủ.
Đừng để nợ thuế nhỏ, bị truy thu to ÁNH HỒNG 03/11/2024 Nhiều người có các khoản thu nhập vãng lai nhỏ nhận thông báo yêu cầu kê khai thuế bổ sung và truy thu, phạt, tính tiền chậm nộp số tiền khủng.
Dịch vụ thám tử tư 'chui': Biến tướng, loạn giá YẾN TRINH 03/11/2024 Dịch vụ thám tử tư “chui” hiện nay hoạt động gần như công khai, vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập phản ánh mặt trái của nghề đang ăn nên làm ra này.