Chờ nhật thực

HỒ ANH THÁI 17/08/2009 06:08 GMT+7

TTCT - 1. Hôm nay tôi là một chàng trai già, gần bốn mươi tuổi. Đương nhiên tôi không thể sống đến năm 2132. Tức là phải hơn một trăm hai mươi năm nữa mới lại có một ngày nhật thực toàn phần như hôm nay. Tôi dậy khá sớm vì điều quan trọng đó, dù nhật thực hay không chẳng ảnh hưởng gì tới tôi cả.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương
TTCT - 1. Hôm nay tôi là một chàng trai già, gần bốn mươi tuổi. Đương nhiên tôi không thể sống đến năm 2132. Tức là phải hơn một trăm hai mươi năm nữa mới lại có một ngày nhật thực toàn phần như hôm nay. Tôi dậy khá sớm vì điều quan trọng đó, dù nhật thực hay không chẳng ảnh hưởng gì tới tôi cả.

Cũng chẳng có thay đổi tí ti nào đến ai. Nhưng tin nhật thực mấy bữa nay khiến tôi bồn chồn, ngủ không yên giấc, bồn chồn đến nỗi không sờ được vào công việc gì nữa. Lúc nào Hoa cũng ẩn hiện trước mắt tôi.

Em ơi, nhật thực toàn phần đây này!

Trước ngày Hoa mất, năm đó là dịp nhật thực hình vành khuyên. Tôi còn nhớ em náo nức thế nào, quyết tâm xem cho được cái hình vành khuyên ám ảnh kia. Tôi chiều em, bỏ dở bài báo, pha cho em một chậu nước với mực xanh, thả cái gương soi vào đáy chậu, rồi cằn nhằn:

- Cứ như nhật thực cuối cùng trong đời không bằng. Làm sao hôm nay em nhất định phải thấy nó? Em có biết mỗi năm hai ba lần cái thứ vành khuyên vớ vẩn ấy xuất hiện không? Có khi còn nhật thực toàn phần nữa kia.

Em ngẩn ra. Đôi mắt mười chín tuổi trông ngơ ngác tội nghiệp, đôi mắt khiến tôi không nỡ bực thêm với em.

- Toàn phần? Em biết rồi, nghĩa là mặt trời biến mất... A, không phải, nghĩa là sẽ có một mặt trời đen tuyền lơ lửng trên không... Chao ôi, giá em được một lần nhìn thấy thế nhỉ!

Tôi bỏ mặc em ngoài bancông, đi vào với bài báo “Bãi đá cổ bí ẩn”.

Không ngờ đúng là lần nhật thực cuối cùng của em. Hai tháng sau em đột ngột ra đi vì bị ong vò vẽ đốt khi vào rừng Cát Bà, trong lần cùng các bạn dã ngoại vẽ phong cảnh. Người ta tìm được em nhưng đã không cứu kịp.

Về cái chết kỳ lạ xảy ra, tôi không tin do ong vò vẽ, mặc dù em nằm bất động ngay bên dưới tán cổ thụ, cạnh một tổ ong đang bay xớn xác. Làm sao một vài nốt ong châm trên cánh tay em lại là nguyên nhân để em phải chấm dứt cuộc sống trên thế gian này? Dù tất cả kết luận khám nghiệm đều nói với tôi điều vô lý đó, nhưng tôi không bao giờ hết hoài nghi.

Kỷ niệm lần nhật thực vành khuyên năm ấy khiến tôi mãi xót xa. Tại sao tôi lại cằn nhằn em vào dịp đầu tiên, cuối cùng và duy nhất em được nhìn nhật thực hình vành khuyên?

Tôi chưa bao giờ cầm đến cây cọ với sơn dầu, nhưng một hôm tôi nổi máu vẽ nốt bức tranh Mặt trời đen mà em mới phác thảo. Vừa vẽ vừa lặng lẽ khóc. Nhớ hôm đặt nét bút đầu tiên cho bức tranh, em thì thầm bên tai tôi:

- Em sẽ hoàn thiện bức tranh Mặt trời đen thật tuyệt, rồi anh sẽ thấy. Để em đi Cát Bà đã.

Tôi đặt tên bức tranh Mặt trời đen trinh trắng. Cây lá rực lửa, bầu trời mây rực lửa và một mặt trời đen chết lặng chênh chếch. Đôi cò trắng chuẩn bị bay lên từ bãi sậy hoang vắng cũng như chấp chới ánh lửa.

Hai chữ trinh trắng tôi dành cho em. Cho đến lúc chết em vẫn còn là một trinh nữ. Tôi đã giữ đúng lời hứa hẹn với mẹ em, dành tất cả chờ ngày hôn lễ, sau khi em tốt nghiệp. Em không biết một lời hứa thiêng liêng bí mật đã gắn bó chúng ta khiến tôi say mê em hơn, lúc nào cũng như chàng Đông-ki-sốt tôn thờ tuyệt đối thần tượng nàng Đuyn-xi-nê cao quý. Khác một chút là có thêm nỗi chết nhịn chết thèm trần tục luôn bị kìm nén.

Nhiều lúc không giữ được mình, tôi sắp vượt qua cái ngưỡng cho phép, em chỉ im lặng chấp nhận nếu điều đó xảy ra. Nhưng em run rẩy, lo sợ, nỗi sợ của một con thú nhỏ sắp bị tiêu diệt với những giọt nước mắt rơm rớm lặng lẽ. Tôi lập tức tỉnh lại ngay. Tôi ôm chặt em, ấp úng xin em tha lỗi. Sau những phút bồng bột đó, em yêu chiều tôi hơn với cả sự biết ơn. Và tôi hiểu cái giá của sự trinh trắng thật cao quý mà cũng thật ngớ ngẩn.

Một phần vì tôi bị ràng buộc bởi lời hứa hẹn. Điều này chính em cũng không biết.

Từ hiện tượng nhật thực hiếm hoi mới đây, nhà văn đã xâu chuỗi một câu chuyện tình qua nhiều kiếp, ở hai phương trời khác nhau, biết đâu sẽ còn hẹn về vào một lần nhật thực khác, qua cả trăm năm nữa. Yếu tố huyền ảo được sử dụng nhằm tôn lên những nét hiện thực và lịch sử.

Trước ngày nhật thực, nhà văn Đoàn Lê đã hẹn bạn bè cùng về chứng kiến sự kiện này tại căn nhà của bà, dưới chân một hòn núi nhỏ cạnh bãi biển Đồ Sơn. Rộn ràng lắm. Người về được, người không, để rồi bây giờ mới biết bà đã viết được một truyện ngắn về nhật thực.

Đoàn Lê sinh năm 1943 ở Hải Phòng, khởi nghiệp bằng nghề diễn viên điện ảnh, cùng khóa với Trà Giang, Lâm Tới, Minh Đức, Thụy Vân... rồi chuyển sang viết kịch bản phim, làm đạo diễn, vẽ tranh - một cô Kiều cầm kỳ thi họa giữa khóa bạn bè nghệ sĩ. Tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989 và sách của bà đã được dịch in ở Mỹ, Thụy Điển. Tiểu thuyết mang tính tự truyện của Đoàn Lê, Đường lên trời, cũng sắp ra mắt. Nếu không đọc mấy dòng tiểu sử, chỉ đọc truyện ngắn này chắc bạn sẽ hình dung đây là một cây bút nữ mới ở độ tuổi U-30 mà thôi.

2. Một lần em đưa tôi về thăm mẹ em, một vị sư thầy trên ngôi chùa ở vùng Hương Sơn. Bà trước vốn là cô giáo cấp hai, góa bụa từ lúc em mới hai tuổi. Để tránh mọi sự săn đón phiền nhiễu, bà mang cái nhan sắc còn khá đậm đà lên nương nhờ cửa Phật nhiều năm nay. Tôi với bà có một cuộc nói chuyện riêng, diện “tuyệt mật” trong mùi hương trầm tỏa ra từ ban thờ Tam bảo.

- Bác hiểu cháu với Hoa quen biết rồi yêu nhau đã gần năm nay. Bác trân trọng tình cảm của cháu. Bác chỉ có mỗi mình em, bác xin trao gửi cháu, như bác đã chấp nhận cháu là con cái trong nhà. Cháu gần ba mươi, khá từng trải, nhưng em Hoa còn nhỏ quá, lại đang học hành dở dang, bác muôn lần trông cậy cháu che chở cho em được nguyên vẹn trong trắng tới ngày hai cháu thành hôn. Kẻo hai bên gia đình nội ngoại mỉa mai bác bỏ mặc con cái, không dạy dỗ, rằng bác xuất thân đầu đường xó chợ, nay bám lấy cửa thiền, trốn tránh trách nhiệm... Nhục lắm cháu ơi! Xin giời Phật xá tội cho bác.

Sư thầy lặng lẽ khóc. Tôi cầm hai tay bà, trịnh trọng thề rằng tôi sẽ làm như lời mình hứa. Giữa mùi hương phảng phất, tôi cảm thấy mình đang thề trước cả mười phương chư Phật.

Lạ thế, từ hôm đó trong cách cư xử với Hoa tôi thấy trào tràn tình cảm gắn bó ruột thịt, nâng niu hơn. Em là một báu vật tôi phải gìn giữ. Có lẽ vì thế em càng đẹp, càng quyến rũ trong mắt tôi.

Tôi mất em đã gần mười năm. Mười năm tôi chả nhớ mình sống như thế nào. Một vài cô gái có đến, nhưng họ thấy chán sự tẻ nhạt của tôi, lại lẳng lặng bỏ đi... Vâng, cứ cho đấy do lỗi mình kém may mắn...

Mặt trời đen trinh trắng của tôi! Tôi sắp sẵn một chậu nước mực xanh, thả cái gương dưới đáy chậu rồi thắp một nén hương trên bàn thờ em, khấn xin em đúng tám giờ mười phút hãy về xem nhật thực toàn phần. Tôi tin rằng nhất định em sẽ về, sẽ báo hiệu cho tôi biết sự có mặt của em bên tôi, đúng giây phút nhật thực quan trọng.

Mùi hương khiến tôi mơ màng, chợt nhớ đến những bức ảnh vừa được một anh bạn cung cấp về ngôi mộ cổ ở Quảng Thành, làng Phú Lương A trong dịp đi Huế tuần trước. Tôi cầm tập ảnh, lấy kính lúp săm soi từng tấm một, cốt để cho lòng bình tĩnh đôi chút.

Những tấm ảnh chụp đã lâu với cái máy hạng bét của anh bạn tôi, dù vậy tôi vẫn thấy rành rành hình hài một người con gái. Lớp tơ lụa gấm vóc phủ kín thân thể gọn gàng. Cạnh người con gái có một thanh kiếm đặt nằm dọc bên mình.

Người con gái là ai? Nghe đâu sau này khảo cổ xác định cô gái trong độ tuổi hai mươi tới hai lăm. Bằng vào thanh kiếm và một khâu nhẫn quý còn sót trên đốt tay với những gấm vóc hài thêu, người ta khẳng định cô gái vốn xuất thân từ tầng lớp quý tộc phong kiến. Ngôi mộ có niên đại cách đây khoảng bảy trăm năm, nghĩa là trùng khớp thời gian công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm Chế Mân.

Có thể đây chính là người nữ tướng vô danh đến nay vẫn được thờ trong một ngôi đền cũng trên đất Quảng Điền, có độ tuổi ngoài hai mươi như người trong ngôi mộ cổ này chăng?

Nàng là ai? Tôi bần thần trước tấm ảnh rõ nét nhất, chụp trước khi cái xác phân rã nhanh chóng do có không khí tràn vào. Mặt nàng trái xoan, chắc chắn vậy, mái tóc dài vấn cao, đuôi gà rủ xuống ngực... Tôi hình dung nàng là nữ tướng nước Việt, con gái một vị võ quan theo đòi kiếm pháp từ tấm bé. Nàng mang sứ mạng đi theo bảo vệ cho vị công chúa cành vàng lá ngọc. Cuộc hôn nhân ấy thực chất để thắt chặt mối bang giao giữa hai quốc gia Việt - Chiêm. Và đất Việt nhận hai châu Ô, châu Rí làm sính lễ.

Chao ôi, sáu tháng sau vua Chiêm đột ngột chết. Công chúa Huyền Trân phải bước lên giàn hỏa theo chồng như tục lệ. Quá thương con, vua nhà Trần lập mưu cho Trần Khắc Chung đi cứu công chúa về.

Tại sao vua lại cử Khắc Chung? Chàng võ tướng bấy lâu đau đớn chôn chặt mối tình với Huyền Trân, giờ được đi cứu người tình thì dù chết cũng sẵn sàng... Vua nhà Trần hẳn không thể không biết mối tình oan trái giữa hai người.

May sao cuộc chạy trốn thành công. Châu đã về hợp phố. Đấy là chuyện dài dài của cặp tình nhân vương giả.

Nhưng người nữ tướng theo hầu Huyền Trân phải tự vẫn chết. Nàng không thể theo công chúa cùng trốn. Nàng ở lại làm con tin. Khi biết chắc công chúa đã xuống thuyền chạy thoát, người nữ tướng vừa hoàn thành sứ mạng liền đâm xuyên lưỡi gươm vào trái tim mình để tránh bị tra khảo, trả thù...

Có lần tôi đã tới chùa Dầu tại Ninh Bình, nơi sau này Huyền Trân công chúa quy y. Chắc chắn bà thường cầu nguyện cho người con gái tội nghiệp.

Tôi tưởng tượng cả một câu chuyện đầu đuôi như thế trong lúc đầu óc lạc vào mấy tấm ảnh.

Và tôi tin chắc linh hồn các trinh nữ hẳn có một nơi trú ngụ riêng, đầy hương hoa thanh khiết trên chín tầng trời... Có phải thế không hỡi các linh hồn trinh nữ? Mây trắng bao phủ chung quanh, trăng xanh lơ và một mặt trời đen tít xa. Đặc biệt phảng phất mùi hương mẫu đơn trắng, dịu dàng nhưng ngọt ngào tỏa khắp...

3. Chàng mơ mộng quá hỡi hoàng tử của em! Khi em tự vẫn trong cung điện vắng vẻ vì tất cả mọi người đều tới dự lễ tang đức vua Jaya Simvahaman, em chỉ ao ước duy nhất lúc ấy được gặp chàng trong giây lát để nói lời vĩnh biệt.

Công chúa Huyền Trân chắc đã kịp xuống thuyền ra khơi với người tình bấy lâu trong mộng. Em cầu chúc cho nữ chúa của em được yên bình trong vòng tay nồng nàn của chàng võ tướng Trần Khắc Chung. Sau này người sẽ thắp cho em nén hương trầm, đưa linh hồn em nương nhờ cửa Phật như người đã hứa. Cũng mong đừng ai bợn chút áy náy gì cho em cả. Em tình nguyện ở lại để đánh lạc hướng chú ý của hoàng tộc Chiêm Thành. Giờ sứ mạng đã xong, em xin được thanh thản vĩnh biệt tất cả.

Nhưng em không thể không cảm thấy có lỗi trước tấm tình chàng tha thiết. Nhờ công chúa Huyền Trân, người ân nhân cao quý đã bí mật tác thành cho đôi ta, giúp em gặp chàng đêm ấy trong vườn cấm. Và em biết ơn chàng khôn cùng khi chàng giữ cho sự trinh trắng trọn vẹn nơi em, chờ xin vua cha cho phép đôi ta đảnh lễ trước thần Visnu trong ngày hợp hôn. Tuy thế đêm ấy nhờ ánh trăng vằng vặc tràn trề trên tấm thân cường tráng của chàng, khi chàng ngả mình dưới gốc mẫu đơn ngát hương, em đã kinh ngạc biết bao lúc bất chợt nhìn thấy những nốt chấm son đỏ thẫm trên ngực chàng.

- Đã có ai nói rằng ngực chàng chứa cả một vòm sao không, nói đúng hơn là chứa trọn cả chòm sao Đại Hùng đây này?

- Chưa hề có ai nhận ra điều đó. Nàng là người đầu tiên. Ngay cả mẫu hậu cũng chỉ biết đấy là những nốt ruồi đỏ trên ngực ta mà thôi.

- Vậy từ nay em xin gọi hoàng tử là chòm sao Đại Hùng của em nhé!

Ôi sung sướng biết bao. Em thầm thì bên tai chàng rằng em đã ôm trọn trong vòng tay mình cả một chòm sao Đại Hùng!

Than ôi em còn chưa hết ngây ngất vì hạnh phúc thì hai ngày sau tai họa đã ập xuống kinh thành. Đức vua cha chàng đột ngột quy tiên. Rồi em rụng rời biết được sau đó nữ chúa Huyền Trân của em, người vợ mới cưới, sẽ phải lên giàn hỏa thủ tiết cùng chồng.

Làm thế nào đây? Em cuống quýt mấy lần van ngăn Huyền Trân khi người tuyệt vọng định gieo mình xuống giếng ngọc. Em đã mật báo tình hình khẩn cấp về triều đình nước Việt. Cần phải chờ tin tức hồi âm. Từng phút lòng em lửa đốt. Chàng lại không một lần tới nơi hò hẹn. Em không dám trách, bởi em biết lúc này một hiếu tử như chàng nhất định phải túc trực bên linh cữu vua cha.

May sao đoàn sứ thần nước Việt vừa tới kịp viếng tang. Kế hoạch cứu công chúa Huyền Trân đã được hoạch định. Cũng là ngày giàn hỏa thiêu chuẩn bị đón công chúa thực hiện nghĩa vụ làm vợ.

Công chúa nói rằng trước khi nàng lên giàn hỏa, theo tục lệ nước Việt nàng cần lập đàn tràng trên bờ biển, hướng về phương bắc lạy vọng cha mẹ, vương triều, tổ tiên cho phải đạo. Không ai dám cản ngăn công chúa. Và nàng lập tức được hộ tống xuống thuyền, trốn chạy ra khơi.

Em không để người ta kịp bắt giữ tra hỏi. Với thanh kiếm báu vua ban, em ra đi trong sự nuối tiếc mối tình dang dở với chàng. Ngoài công chúa Huyền Trân ra, em còn ai thân thiết gắn bó hơn chàng nữa? Chính chàng là người đã che chở, bảo vệ em giữ gìn được tấm thân trong sạch khỏi bị những kẻ quyền quý trong triều đình xâm hại. Em ngàn lần tạ ơn chàng. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, em nguyền rằng kiếp sau xin trời đất cho em được đền đáp...

Và chúng ta đã lần mò tìm nhau trong nhiều kiếp, chàng biết không? Cảm động vì sự thủy chung, giời đất lại cho chúng ta gặp nhau, dưới hình hài hôm nay. Em cũng là Hoa. Như ngày xưa, em vẫn chỉ được hưởng dương đến năm mười chín tuổi, em mượn những con ong làm duyên cớ ra đi. Xin chàng đừng thương tiếc một kiếp trinh nữ bạc phận. Duyên số em với chàng là thế, chòm sao Đại Hùng của em ạ. Để rồi chúng ta khao khát mãi trong vòng luân hồi nhân gian...

- Hoa ơi, Hoa!

Tôi giật mình khi bóng dáng em lùi ra cửa bancông tan biến dưới lớp bụi mờ. Tại sao tôi dễ dàng ngủ gục trên những tấm ảnh như thế? Và sao giấc mơ rõ nét đến vậy?

Giờ này nhật thực toàn phần chưa? Chợt nhớ, tôi luống cuống nhào ra bancông nhìn vào chậu nước mực xanh. Ôi, vâng, nằm trong tấm gương một mặt trời đen với vòng sáng lan tỏa chung quanh tuyệt đẹp. Tự nhiên tôi muốn khóc nức lên. Năm 2132 một mặt trời đen như thế này sẽ xuất hiện. Liệu hơn một trăm hai mươi năm nữa tôi với em đã kịp sang một kiếp luân hồi mới để... chờ nhật thực?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận