Chọc nhầm thủ thư

PHAN BẢO 21/09/2024 05:04 GMT+7

TTCT - Khi một thủ thư ở Mỹ lên tiếng phản đối chuyện kiểm duyệt và cấm sách, nhiều người muốn cô im lặng. Trái với mong muốn đó, tiếng nói của cô ngày càng lan tỏa.

Chọc nhầm thủ thư - Ảnh 1.

Khu vực đọc sách LGBTQA+ tại Thư viện công cộng Orlando. Ảnh: CAROLYN COLE / LOS ANGELES TIMES

Hai năm qua, Amanda Jones liên tục xuất hiện trên báo chí quốc tế, không phải vì hai giải thưởng trên, mà vì dám đứng lên bảo vệ quyền tự do đọc.

Người giáo viên kiêm quản thủ thư viện tại một trường cấp II ở bang Louisiana này cho thế giới thấy thủ thư không dễ bắt nạt, nhất là liên quan tới sách và việc đọc.

Bị đe dọa vì dám lên tiếng

Dù chỉ là thủ thư trường học, ngày ngày Amanda Jones phải mang theo một khẩu súng lục khi đi trên đường vắng và kề thêm một khẩu súng ngắn dưới gầm giường trước khi đi ngủ.

Đây là cách Jones phòng vệ sau khi liên tục nhận được những lời đe dọa vì lên tiếng phản đối việc cấm sách về LGBTQ+ trong trường học. Cô bị bêu rếu là một kẻ ấu dâm, kẻ dụ dỗ, kẻ "ủng hộ dạy quan hệ tình dục qua đường hậu môn cho trẻ em 11 tuổi".

Trước biến cố, Jones đã là một thủ thư giỏi - cô được trao danh hiệu Thủ thư học đường Louisiana năm 2020 và Thủ thư học đường năm 2021 của tạp chí School Library Journal. Khi bị kéo vào cuộc chiến nhân danh văn hóa đọc và phải gánh chịu từng đó lời lăng mạ, Jones vẫn vượt qua. 

Nhưng cô không âm thầm chịu đựng. Cuối tháng 8 vừa rồi, Jones cho xuất bản quyển hồi ký That Librarian: The Fight Against Book Banning in America (tạm dịch: Người thủ thư ấy: Cuộc chiến chống lại lệnh cấm sách ở Mỹ) để bày tỏ nỗi ấm ức trong lòng.

Trong hồi ký, Jones kể mọi chuyện bắt đầu từ cuộc họp hội đồng quản trị giáo xứ Livingston ngày 19-7-2022. Khi đó, cô lên tiếng phản đối việc kiểm duyệt sách trong thư viện công cộng, lập luận rằng các tựa sách bị cấm chỉ nói về nhóm thiểu số và thành viên cộng đồng LGBTQ+, hoặc sách về sức khỏe tình dục và quyền sinh sản. 

"Không một bộ phận nào trong cộng đồng được phép quyết định những gì mà phần còn lại được phép tiếp cận hay không" - Jones dõng dạc nêu quan điểm.

Cô lo ngại loại bỏ sách về LGBTQ+ có thể gây hại cho trẻ em và thanh thiếu niên đang tìm hiểu bản dạng của mình. Thế rồi một loạt đe dọa nổ ra ngay lập tức. Jones bị gọi bằng những cái tên như "kẻ bệnh hoạn, con lợn, đồ rác rưởi". 

Theo tờ Los Angesles Times, một trong những kẻ đe dọa thậm chí uy hiếp tính mạng cô như sau: "Cứ tiếp tục phong trào LGBT của mày đối với con cái chúng tao đi rồi tụi tao sẽ tiễn mày xuống mồ sớm thôi... Mày không trốn được đâu. Tụi tao biết mày làm việc + sống ở đâu... Mày ở trong tầm ngắm của bọn tao rồi".

Tất cả những áp lực này khiến cô không khỏi bức xúc: "Tất cả những gì tôi làm là đưa ra lời bình luận về kiểm duyệt sách tại thư viện công cộng của giáo xứ, chứ chưa bao giờ đề cập đến thư viện trường học của mình, nhưng mọi người phản ứng như thể tôi đang phát tạp chí khiêu dâm Hustler tại trường của tôi".

Jones rơi vào trầm cảm. Cô khóc nhiều đến nỗi mắt sưng húp, cô bị hoảng loạn và huyết áp tăng vọt. Cô phải thăm khám bác sĩ trị liệu và xin nghỉ ở trường một học kỳ.

Tức nước vỡ bờ

Từng đọc Judy Blume - một trong những tác giả bị cấm nhiều nhất ở Mỹ - trên con đường phong ba tìm ra bản ngã thời tuổi trẻ, Jones xem sách là nơi ẩn náu và là bản đồ cho những ai muốn đồng cảm và thấu hiểu những người khác.

Đến thời con gái cô, hơn 4.200 đầu sách bị kiểm duyệt vào năm 2023, tăng 65% so với năm trước, theo Hiệp hội Thư viện Mỹ. Những tựa sách bị "soi" nhiều nhất là sách về chủng tộc và tình dục.

Theo Los Angeles Times, những người trút phẫn nộ lên Jones gồm có Michael Lunsford, giám đốc điều hành của Tổ chức Citizens for a New Louisiana và Ryan Thames, người điều hành trang blog Bayou State of Mind trên Facebook. Những tổ chức này tìm cách cấm sách về một số chủ đề nhất định trong thư viện trường học và gây sức ép lên các quan chức địa phương.

Jones đã đệ đơn kiện dân sự chống lại Lunsford và Thames. Tuy nhiên, vụ kiện bị bác bỏ. Thẩm phán phán quyết rằng những tuyên bố về Jones trên mạng là ý kiến chứ không phải phỉ báng.

Phía Lunsford khẳng định vụ kiện thật vô nghĩa, cũng như phủ nhận làm tổn thương Jones. Ông khẳng định trọng tâm mục tiêu mà tổ chức của ông hướng đến là ngăn chặn các thư viện trên toàn tiểu bang cho phép trẻ em tiếp cận tài liệu khiêu dâm.

Những tựa sách mà tổ chức của Lunsford phản đối bao gồm Dating and Sex: A Guide for the 21st Century Teen Boy (Hẹn hò và tình dục: Hướng dẫn dành cho thiếu niên thế kỷ 21) và Let's Talk About It (Hãy nói về chuyện ấy) - sách hướng dẫn giáo dục giới tính dành cho thanh thiếu niên, nhắm vào độc giả ở độ tuổi trung học và có hình ảnh minh họa về tình dục.

Theo báo The New York Times, Lunsford đã tiếp tục đăng các bình luận tiêu cực và video về Jones. Ông thậm chí đưa địa chỉ nhà của cô lên màn hình trong một video trên YouTube.

Chọc nhầm thủ thư - Ảnh 2.

Ảnh: Bloomsbury

Không đầu hàng, Jones bắt đầu viết hồi ký "Người thủ thư ấy" để trút nỗi lo lắng lẫn cơn giận của mình. Tiêu đề chương "Địa ngục không có cơn thịnh nộ nào giống như của một thủ thư bị khinh miệt" đã nói lên tất cả. 

Có ý ám chỉ đến bộ đôi Lunsford - Thames, Jones cho biết: "Tôi đã rất tức giận khi viết. Chính hành động của họ đã khiến tôi phải làm thế này. Tôi biết họ sẽ đọc hồi ký và nghe bản sách nói. Đây là cách tôi nói quan điểm của mình cho họ biết".

Dù phẫn nộ, Jones vẫn giữ được khiếu hài hước của mình trong quyển hồi ký để làm dịu đi những lời khó đọc. Đáp lại những lời buộc tội rằng cô và nhiều thủ thư, giáo viên khác đang nhồi nhét cho trẻ em những quan điểm sai lệch về tự do đọc, cô viết: "Nếu tôi có khả năng nhồi nhét bọn trẻ, tôi sẽ nhồi nhét rằng chúng phải tử tế với nhau, trả sách thư viện đúng hạn và ngừng bỏ những miếng gà rán từ căng tin vào hộp trả sách".

Tiếng nói không lẻ loi

Mẹ ruột Jones ban đầu khó chấp nhận cuốn sách của con gái mình. Vậy mà, miệng nói cứng rằng chẳng thể đọc nổi hết quyển sách, cuối cùng bà cũng không bỏ sót chữ nào và còn thể hiện niềm tự hào về cô con gái.

Jones cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey nhắc đến cô trong bài phát biểu tại Giải thưởng Sách quốc gia năm 2023: "Amanda Jones bắt đầu nhận được những lời đe dọa giết người, tất cả chỉ vì cô đã đấu tranh cho quyền được đọc của chúng ta". 

Những lời động viên như "Hãy mạnh mẽ lên chị, "Chị là một chiến binh dũng cảm!", hay "Rất nhiều trẻ em cần những người như chị để giúp chúng tìm thấy người anh hùng bên trong chính mình…" cứ thế ùa về. Những tác giả có sách bị cấm như Nikki Grimes, Jodi Picoult và Ellen Oh cũng ca ngợi hồi ký của Jones.

Dẫu vậy, trên khắp nước Mỹ vẫn có nhiều thủ thư bị tấn công như Jones. Một người ở bang Michigan nhận được những cuộc gọi điện thoại lăng mạ và bị bêu tên là ấu dâm trên biển báo dán quanh thị trấn của cô. Suzette Baker, một thủ thư ở quận Llano, bang Texas, bị cho thôi việc năm 2022 vì không chịu cất xó quyển Critical Race Theory (Lý thuyết chủng tộc quan trọng).

Vì vậy, bên cạnh đồng sáng lập hai nhóm hỗ trợ thư viện địa phương là Livingston Parish Library Alliance và Louisiana Citizens Against Censorship, Jones cũng lập một nhóm trên Facebook hỗ trợ những thủ thư bị quấy rối và đe dọa.

Chọc nhầm thủ thư - Ảnh 3.

Ở Florida (Mỹ), thầy giáo Adam Tritt có sáng kiến lập kệ sách dã chiến gồm những quyển sách bị đề nghị cấm, và đặt nó tại cửa hàng kem trong chuỗi Ben & Jerry's. Ảnh: Steven Chubbuck/NPR

Jones không đơn độc trong cuộc chiến này. Theo tạp chí Ed. của Đại học Havard, nhiều thủ thư và người ủng hộ thư viện đang tích cực tham gia vào các cuộc chiến pháp lý và vận động công khai để bảo vệ quyền tự do trí tuệ, cũng như chống lại kiểm duyệt sách.

Điển hình ở hạt Escambia, bang Florida, Tổ chức PEN America, Nhà xuất bản Penguin Random House và các bên liên quan đã đệ đơn kiện liên bang vì xóa những cuốn sách liên quan đến LGBTQ+ hoặc không phải của người da trắng.

Ở bang Arkansas, Liên minh thủ thư và người bán sách kiện luật tiểu bang cấm cung cấp sách có chủ đề LGBTQ+ cho trẻ vị thành niên. Kết quả, một thẩm phán liên bang đã tạm ngừng thực thi luật này vì vi hiến. Ở hạt Llano, bang Texas, bảy người kiện hội đồng thư viện hạn chế sách. Thẩm phán đã ra lệnh tạm thời phục hồi những quyển sách bị hạn chế.

Hiệp hội Thư viện Mỹ cũng khởi xướng sáng kiến "Đoàn kết chống lại lệnh cấm sách", qua đó cung cấp công cụ và hướng dẫn vận động tại hội đồng thư viện địa phương và trường học.

Một năm học mới lại bắt đầu, Jones cũng đã quay lại trường. Dù vẫn bị chỉ trỏ và thầm thì sau lưng, đến nỗi không dám đi siêu thị mà phải đặt mua giao hàng tận nơi, thậm chí bị vài người thân và bạn bè cạch mặt, Jones đang chuẩn bị cho một chuyến quảng bá sách toàn quốc.

Cuộc chiến của Jones và các thủ thư vẫn chưa ngã ngũ. Trả lời câu hỏi phỏng vấn của tạp chí People về thông điệp muốn truyền tải qua cuốn sách của mình, Jones cho biết cô hy vọng mọi người nhận ra tầm quan trọng của thư viện. 

Nếu thư viện bị hạn chế năng lực, mọi người sẽ mất đi một trung tâm cộng đồng, nơi cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu miễn phí. Cô kêu gọi mọi người lên tiếng để bảo vệ các thư viện.

Chọc nhầm thủ thư - Ảnh 3.

Thomas Morton, một thương nhân Anh đến Mỹ vào năm 1624, đã xung đột với những người định cư ngoan đạo theo Thanh giáo ở bang Massachusetts. Morton lập khu định cư của riêng mình và dựng cột maypole (cột có kết đèn, hoa, dựng lên để mọi người nhảy múa xung quanh) để tiệc tùng, điều mà những người Thanh giáo ghét.

Sau khi bị đuổi cổ khỏi Massachusetts, ông đã viết và xuất bản quyển New English Canaan nhằm chỉ trích người Thanh giáo. Tất nhiên, cuốn sách của ông bị cấm, khiến nó trở thành một trong những cuốn sách đầu tiên bị cấm ở Mỹ. Dù người Thanh giáo nỗ lực xóa bỏ ảnh hưởng của Morton, di sản của ông vẫn còn ở thành phố Quincy, Massachusetts.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận