Chơi đẹp hai chữ doanh nhân

PHÚC TIẾN 14/10/2007 15:10 GMT+7

TTCT - Doanh nhân là một từ mới phổ biến trong mười năm trở lại đây. Nhìn lại lịch sử Việt Nam thì thấy doanh nhân trước đó có nhiều tên gọi, phản ánh những cách nhìn cao thấp khác nhau.

Khoảng mười năm trở lại đây, không rõ từ lúc nào người điều hành “doanh nghiệp tư nhân” và “doanh nghiệp quốc doanh” đều được gọi chung là doanh nhân. Cụm từ “doanh nhân Việt Nam” được chính thức hóa và vinh danh bởi Nhà nước qua quyết định tổ chức hằng năm Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10!

Ảnh: dribble.com

 

Vậy đó, sau nhiều nỗi truân chuyên, cuối cùng đã có một từ ngữ phản ánh khá đúng và đầy đủ tính chất hoạt động của những người chọn kinh doanh là nghề nghiệp và cũng là phương tiện đóng góp cho xã hội!

Hai chữ doanh nhân đã và đang tự hào đi vào từ điển, đi vào luật lệ và quan trọng hơn nữa là đi vào giới trẻ Việt Nam như một nghề nghiệp - một lối sống mới đầy hấp dẫn và thử thách. 

Chắc hẳn hai chữ doanh nhân không phải để gọi những người có tiền mà là những người biết làm ra tiền thông qua khám phá cung - cầu của thị trường. 

Đồng tiền do họ làm ra khó nhọc bao nhiêu thì cũng tạo ra nguồn lợi đa dạng cho xã hội bấy nhiêu như thuế, công ăn việc làm, của cải xã hội, tiện nghi cuộc sống, ý tưởng và giải pháp, đóng góp từ thiện... 

Doanh nhân đã và đang tạo ra giá trị nhân văn của thương trường và kinh tế, vượt qua giá trị thuần túy của đồng bạc. Hai chữ doanh nhân đẹp như vậy, có ý nghĩa lịch sử như vậy, chắc chắn phải được những người trong cuộc giữ gìn trước nhất. 

Và cho dù được gọi bằng từ ngữ gì đi nữa thì những người làm kinh doanh, ngay từ khi còn trẻ phải minh chứng họ hoàn toàn không phải là một loại “trọc phú”, “trưởng giả học làm sang”, những “công tử Bạc Liêu”, những người vô cảm trước những nỗi bất công, những người ỷ thế tiền bạc để giẫm đạp lên luật lệ và nhân phẩm của người khác! 

Khó lắm nhưng phải chơi đẹp như thế, mới xứng hai chữ doanh nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận