Chọi gà ở phố

TRẦN ANH (HÀ NỘI) 20/05/2010 08:05 GMT+7

TTCT - Một nhóm người đang rôm rả xúm lại một góc công viên trong thành phố. Không phải một cuộc cờ đang bí thế cần sự hậu ủng để bứt phá. Không phải là một người nặn tò he thạo việc nhanh tay đông khách. Mà là những hiệp đấu của những chú gà chọi trọc lông, da tía, cựa cao.

Phóng to
Ảnh: Google.com

Đôi mắt của những võ sĩ gà vô cảm, tia thẳng vào đối phương và bao cú đá cựa, mổ đầu liên tiếp vào nhau. Hoàn toàn muốn gây thương tích cho nhau và giành về mình thế thắng. Nhanh nhẹn ra đòn về phía đối phương. Lầm lì và dai dẳng đỡ đòn.

Đôi gà làm sao biết nói. Chúng là đồ chơi bằng xương thịt của những người đàn ông đang phì phèo thuốc lá và miệng thuộc lòng ngôn ngữ xưng hô không liên quan đến tên tuổi. Họ chia phe đứng ngoài vòng tròn, chứng kiến hai con vật đấu đá. Thỉnh thoảng, bàn tay chủ sở hữu lại can thiệp bằng cách vuốt ve vết đau hoặc chỉnh lại tư thế cho đồ chơi.

Trong đám tụ tập ấy không thấy phụ nữ. Xuất hiện thêm mấy đứa trẻ con hiếu kỳ, chăm chăm theo dõi. Đôi khi thấy sợ, đôi khi hả hê như tiếng cười của người lớn. Có ông bố bỏ quên cảm giác của đứa con trai để hào hứng cùng thú vui.

“Bố ơi, tại sao hai chú gà lại đánh nhau?”. Người bố lặng thinh. “Bố ơi, hai chú gà được nuôi lớn để đánh nhau chảy máu đầu kia à?”. Người bố lặng thinh, bế con mình rời khỏi đám đông. Ông tìm lời giải thích.

Nhật ký, nếu sự việc này tiếp diễn ở đâu đó, ai sẽ thay chú bé đặt ra một câu hỏi nhỏ cho một bài học cần thiết như cách nghĩ của con trẻ?

...Thương

Nhật ký thân mến,

Tôi vừa đi đám ma một người hàng xóm.

Lễ tang thật giản dị, giản dị từ nghi thức đến trang phục vì gia đình nghèo quá.

Chị được xốc nách đi sau quan tài của chồng. Tiếng khóc của chị như xoáy vào tim mọi người.

Chị Mai thương chồng, cả xóm ai cũng biết. Chị lo từng miếng ăn, giấc ngủ khi chồng chạy xe ôm. Khi chồng mắc bệnh ung thư gan, chị lặn lội cùng chồng qua từng bệnh viện, lo từng viên thuốc cho chồng, không một lời than van. Cả xóm thương phụ tiền với chị để lo cho anh.

Anh mất, mọi người đều nói: “Cho Mai nó đỡ”.

Hôm nay, đi ngang nhà, thấy chị ngồi hiu hắt, ôm con chó trong lòng. Thấy chị cô đơn, đau đớn...

Đợi vài ngày nữa tôi sẽ nói với chị lời nhắn cuối của anh: “Chị nói với Mai giùm em là nhớ đi chữa cái đầu gối. Mấy bữa rày đi cà nhắc chắc đau lắm”.

Thương cả hai vợ chồng!

Chuyện dưới chân khách sạn

Nhật ký thân mến!

Một anh chàng chừng 20 tuổi phải “bò” qua đường bằng hai tay. Hình ảnh ấy có lẽ sẽ làm mọi người nhói đau. Nhưng với tôi, nó còn ám ảnh mãi trong tâm trí khi chứng kiến nước mắt rơi trên khuôn mặt chàng trai ấy.

Trưa, Sài Gòn nắng như đổ lửa. Một chàng trai khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, tay cầm tập vé số ngồi nghỉ bên vỉa hè ngay sát một khách sạn sang trọng. Người bảo vệ khách sạn tiến lại phía anh: “Anh làm ơn đi chỗ khác, đây không phải là chỗ cho anh ngồi”. “Tôi ngồi nghỉ bên đường mắc mớ gì đến anh?”. “Người không ra người, ngồi đây khách nước ngoài qua lại nhiều, khách sạn chúng tôi bị ảnh hưởng” - người bảo vệ to tiếng. “Mày còn nói nữa tao đập cái cửa kính này” - chàng trai bất ngờ hét lên, khuôn mặt đỏ bừng, giơ một cục gạch lên hù dọa, đôi mắt như tóe lửa. Người bảo vệ lùi lại. Cánh tay chàng trai từ từ buông thõng xuống, khuôn mặt méo xệch. Nỗi tuyệt vọng ngập đầy trong đôi mắt. Và... nước mắt ngân ngấn. Anh rời chỗ đó, qua đường với hai tay và khuôn mặt giàn giụa nước mắt.

Chiếc xe rác lên dốc

Trời Hà Nội bất chợt đổ mưa tầm tã. Những chiếc xe lao vun vút, những người đi bộ cũng rảo bước, không ai chú ý đến một phụ nữ đang oằn lưng đẩy chiếc xe rác cao ngất chầm chậm từng bước lên dốc. Được chừng 1/3 đường, cô phải bấm môi, cúi thấp người hơn nhưng vẫn không nhích thêm được chút nào. Bỗng dưng bàn tay cô nhẹ bẫng đi, chiếc xe rác mạnh mẽ trèo dốc. Cô ngước mắt nhìn sang, một cậu học trò còn đang mặc chiếc áo trắng, nhoẻn miệng cười nói: “Để cháu giúp cô”. Chiếc xe qua dốc, cô lao công nắm lấy tay cậu học trò ríu rít cảm ơn. Cậu học trò thoáng chút ngượng ngùng nói không có chi đâu cô rồi chạy vụt đi. Được mấy bước chân, cậu bất chợt ngoái đầu lại, nhìn cô rồi hét lớn: “Cô ơi, bố mẹ cháu cũng là lao công cô ạ”. Cô gật gật đầu, rồi lại cắm cúi đẩy xe.

TTCT cảm ơn các bạn: Ngô Võ Ngọc Hương, Ngọc Châu, Trần Anh, Trí Hà, Diệu Lý, Dân Hùng, Quý Ngọc... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận