Chọn người lo việc nước

NGUYỄN ĐỨC LAM 14/03/2016 17:03 GMT+7

TTCT - Quốc hội khóa XIII chuẩn bị bước vào kỳ họp cuối cùng để kết thúc nhiệm kỳ làm việc. Có thể nhìn lại chính nhiệm kỳ này và đúc kết thêm một lần nữa từ những nhiệm kỳ trước của Quốc hội để thấy có rất nhiều điểm cần thay đổi, để cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới thật sự là một cuộc thực hành của dân chủ và tiến bộ.

ww
 

Trong nhiều phiên họp Quốc hội, có thể nhận thấy thực tế khi thảo luận về pháp luật hình sự hoặc chuyên đề giám sát liên quan đến hình sự, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ngành công an quyết liệt bảo vệ các quy định tạo thuận lợi cho hoạt động điều tra, khởi tố, mặc dù nguy cơ cao làm tổn hại quyền con người.

Tương tự, có những trường hợp ĐBQH ngành y tế, giáo dục bảo vệ lợi ích của ngành mình mà hầu như quên những vấn đề của cử tri. Đặc biệt, đại biểu đến từ địa phương nào thường cố lên tiếng về quyền lợi của địa phương đó mà không đặt trong bức tranh chung các lợi ích của toàn thể quốc gia.

Điều này chủ yếu do cách thức bầu cử hiện nay, khi các đại biểu được lựa chọn theo một cơ cấu đại diện theo ngành. Vì vậy, băn khoăn của người dân vẫn còn đó: liệu đã chọn đúng những người đại diện vào Quốc hội?

Tiêu chí và cơ cấu

Muốn chọn đúng người vào Quốc hội, HĐND, cử tri cần có những tiêu chí rõ ràng. Luật hiện hành cũng như phát biểu của nhiều vị lãnh đạo đã đề cập một vài tiêu chí, nhưng rất nhiều điều khoản là mông lung, khó định hình.

Chẳng hạn, thế nào là “người không có tham vọng quyền lực” - một ước lượng rất dễ thành cảm tính, hoặc gây khó cho cử tri, hoặc tạo một cớ dễ dàng cho người đi bầu gạch tên khi “ghét cái mặt” ai đó.

Hoặc một trong những tiêu chí nữa hay được nhắc đến khi bàn về việc lựa chọn ĐBQH, đại biểu HĐND là sự “gần dân” cũng mơ hồ không kém, bởi không rõ rồi sẽ cần dựa trên những gì để đánh giá việc thực hiện tiêu chí này.

ĐBQH, đại biểu HĐND là người được bầu ra để lo việc của quốc gia. Bầu cử là dịp cho “toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà...”. Tài và đức sẽ được cụ thể hóa trên danh mục cụ thể về năng lực, sự tâm huyết, thời gian, sức khỏe, mối quan hệ... mà bất cứ ứng cử viên nào cũng phải đáp ứng, không có bất cứ ngoại lệ nào.

“Mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu” - câu nói này giờ đã trở nên phổ biến trong công chúng.

Với cách phân bổ đã “thành khuôn” như từng thấy, theo đó sẽ có số lượng cụ thể đại biểu cho từng khu vực (khối các cơ quan Đảng, từ Chính phủ, các cơ quan hành chính, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn thể, doanh nghiệp, các giới trí thức, phụ nữ, trẻ, người dân tộc ít người), hàng chục năm nay, mỗi kỳ bầu cử là một lần bận rộn xếp người theo khuôn cho đủ.

Thế mới có chuyện như một cựu ĐBQH vốn là giáo sư ngành xã hội kể chuyện ông biết chắc mình sẽ trúng cử khi nhìn vào cơ cấu phải có một trí thức ngành xã hội, còn ứng cử viên khác cùng khu vực bầu cử là trí thức ngành tự nhiên.

Cơ cấu như vậy có ưu điểm là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự ổn định và... dễ đoán. Nhưng nhìn vào cơ cấu, người ta hầu như không thấy bóng dáng đại diện của các nhóm cử tri với những lợi ích khác nhau, mà là các khối cơ quan, tổ chức liên quan đến hệ thống chính trị. Vì vậy mà, với cơ cấu kỳ bầu cử lần này, một đại biểu dự hội nghị hiệp thương của MTTQ đã phải hỏi: “Ngoài việc tăng 15 đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước, các cơ cấu còn lại vẫn giữ nguyên, không có đổi mới gì. Như vậy có thực hiện được chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị không?”.

Cũng do cơ cấu theo khối, theo ngành như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi người dân thấy ĐBQH phát biểu bảo vệ cho lợi ích của ngành, của cơ quan, hoặc chịu áp lực phải làm như thế như những câu chuyện đã nêu.

Một thách thức khác của cơ cấu đã được nhiều người chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục được, đó là làm sao để cơ cấu đi kèm với chất lượng đại biểu. ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân từng kể vừa chân ướt chân ráo vào nghị trường đã phải làm hai việc quá lớn: quyết định về nhân sự cao nhất của đất nước, quyết định chương trình lập pháp cả nhiệm kỳ.

Nhưng hai việc đó đều được hoàn thành với tỉ lệ phiếu đồng ý rất cao (gần 100%) bởi lẽ, theo ông, mọi việc đều đã được sắp xếp trước. Quốc hội chỉ việc thông qua, như là một thiết chế để chính thức hóa, thể chế hóa các quyết định của Đảng.

Bao giờ có nghề dân biểu?

 - Năm 1946, tự ứng cử được thực hiện trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- Tháng 4-1992, Quốc hội khóa VIII thông qua Luật bầu cử ĐBQH, trong đó quy định công dân có quyền tự ứng cử ĐBQH và quy định cụ thể về tiêu chuẩn ĐBQH.

- Quốc hội khóa X có 11 người tự ứng cử.

- Quốc hội khóa XI có 67 người tự ứng cử.

- Tới Quốc hội khóa XII, sau hội nghị hiệp thương lần hai, số người tự ứng cử lên tới 223 người (TP.HCM có số người tự ứng cử đông nhất - 101 người; Hà Nội có 53 người).

- Quốc hội khóa XIII, số người tự ứng cử là 83, sau hiệp thương còn 15 người đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức, 4 người trúng cử (0,8%), nhiều nhất từ trước tới nay.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chánh văn phòng Bộ Y tế gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế thành phố báo cáo và giải trình thông tin do bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu về đấu thầu thuốc, nhập khẩu thuốc.

Chuyện gây chú ý ở chỗ bà Lan vừa là phó giám đốc Sở Y tế thành phố vừa là ĐBQH, nhưng lại phát biểu trên cương vị ĐBQH trong một phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Trường hợp này một lần nữa cho thấy những vấn đề bất cập trong vị thế của ĐBQH kiêm nhiệm hiện nay.

Từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, một ĐBQH từng phát biểu: ĐBQH là cán bộ, công chức, viên chức rất nhiều, chắc không dưới 2/3; mà đã là như thế thì trên nói dưới phải nghe.

Từ đây, một trong những hệ lụy lớn nhất do vị thế công chức gây ra là sự e dè trong công việc của đại biểu, “cấp dưới thì làm sao giám sát cấp trên”, hạn chế động lực đại diện cho cử tri. Nếu ĐBQH ứng xử như công chức thì không thể nào có Quốc hội tranh luận...

Chính vì thế mới có chuyện như một vị nói: “Được làm đại biểu khó thật, nhưng làm đại biểu không khó”. Hoặc như theo lời kể của ông Vũ Đức Khiển, một vị khác từng biện bạch: “Chúng tôi làm ĐBQH mà làm tay trái thì làm thế thôi”. Thế nhưng trong cơ cấu lần này không thấy giảm đại biểu trong cơ quan hành chính, nắm các chức vụ chính quyền quá nhiều.

Trong tòa nhà Quốc hội Nhật Bản và khuôn viên Nhà Bảo tàng quốc hội nước này, người ta dựng tượng ông Yukio Ozaki, nghị sĩ Nhật cao tuổi nhất, làm hạ nghị sĩ lâu nhất từ trước tới nay, suốt 25 nhiệm kỳ liên tục đến lúc mất năm 96 tuổi, lập kỷ lục thế giới về số năm, số nhiệm kỳ làm nghị sĩ.

Ông được coi là biểu tượng cho tinh thần nghị viện Nhật Bản. Cũng trong tòa nhà Quốc hội Nhật Bản còn có tượng một nghị sĩ khác theo đuổi nghề này liên tục hơn 50 năm. Thực tế này không hiếm ở Nhật Bản cũng như nhiều nước khác, khi không ít vị “trưởng lão” làm nghị sĩ hàng chục năm.

Còn tại Pháp, một người đã làm nghị sĩ đến khi mất, con trai ông tiếp tục nghiệp cha tại cùng một khu vực bầu cử đến nay đã bảy nhiệm kỳ. Đây không phải là “tham quyền cố vị”, mà họ coi nghị sĩ như một nghề, thậm chí là cái nghiệp đeo đuổi và khi cử tri vẫn còn tin tưởng bầu, họ vẫn tiếp tục làm bổn phận.

Trong khi đó ở Việt Nam, hầu hết ĐBQH chỉ làm một nhiệm kỳ 5 năm rồi tạm biệt Quốc hội, số đại biểu tái cử ít. Đây được coi là một điểm bất hợp lý, vì những người vừa bắt đầu quen với tính chất công việc ở Quốc hội thì đã phải rời nhiệm sở, 2/3 người mới vào lại phải học cách làm đại biểu từ đầu. Điều này dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, lãng phí tri thức nghị trường.

Chính vì vậy trong đợt bầu cử lần này, việc tăng cơ hội cho các ĐBQH tái cử là một giải pháp cần thiết để tăng chất lượng đại biểu khóa mới. Cần tăng số lượng ĐBQH tái cử để tận dụng, tích lũy chất xám, kỹ năng của các ĐBQH đó.

Tự ứng cử

Năm 1946, khi nói đến cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói giản dị: “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử”.

70 năm trước, việc tự ứng cử đã diễn ra hoàn toàn tự do với thủ tục rất đơn giản, người nào nộp đơn ra ứng cử thì đến UBND nơi cư trú để xác nhận và được đưa ngay vào danh sách người ứng cử. Đây là một bài học quý giá của chính chúng ta, nên được áp dụng trong lần bầu cử này.

Cần khuyến khích những người tự ứng cử và thể hiện trong cơ cấu để các địa phương chủ động thực hiện, khuyến khích không khí dân chủ. Tự ứng cử chứng tỏ tính dân chủ trong bầu cử, tạo điều kiện cho cử tri có nhiều lựa chọn hơn để cân nhắc bầu ra những người ưu tú.

Tự ứng cử cũng khích lệ tinh thần công dân, lo việc nước trong công chúng. Sinh thời, bác sĩ Tôn Thất Tùng từng lấy làm lạ cho thái độ lãnh đạm của một số trí thức đối với tổng tuyển cử: “Làm như việc của nước mình như việc của nước nào ấy”.

Dù tự thừa nhận từ trước ông vẫn ở yên trong địa hạt chuyên môn, không tham dự gì vào đời sống chính trị nhưng ông đã thấy: “Có bổn phận phải ra ứng cử để có thể giúp ích đôi chút bằng công việc chuyên môn của tôi và muốn phản đối thái độ hờ hững, lạnh lùng của bọn trí thức nói trên”.

Lòng dân

Không phải ngẫu nhiên mà phát biểu “Họp Quốc hội không nên là hội nghị đảng viên mở rộng” (Tuổi Trẻ ngày 16-2) của ông Lù Văn Que - chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của MTTQ VN, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN - tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XIV thu hút sự chú ý và hưởng ứng lớn như vậy trong xã hội.

Lòng dân đáp trả bằng những ý nguyện rõ ràng: “Phải dùng từ “không được” khi Quốc hội phải đại biểu cho tiếng nói toàn dân!”, “Hiến pháp quy định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”, vậy hãy làm cho đúng”. “Hi vọng những ý kiến như của ông Lù Văn Que được tiếp thu để Quốc hội thật sự hoạt động hiệu quả, đưa ra quyết sách đúng đắn cho quốc gia, dân tộc”.

“Bác Lù Văn Que nói nghe thật chí phải, mèn ơi, cần lắm những phát biểu hợp lòng dân như thế!”. Phát biểu giản dị này hợp lòng dân bởi nó đủ khái quát cho mong muốn cơ bản nhất của họ về một Quốc hội thật sự có tính đại diện rộng rãi. ■

-

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận