Chống cự đồng đô la Mỹ

NGUYỄN VŨ 21/04/2023 03:49 GMT+7

TTCT - Mỹ đang hưởng một đặc quyền to lớn với đồng đô la vì nước này vay cả trong lẫn ngoài nước đều bằng đô la Mỹ, không sợ biến động tỉ giá, không lo vỡ nợ vì thiếu tiền cứ in thêm thôi.

Ảnh: Asia Times

Ảnh: Asia Times

Đặc quyền này còn thể hiện ở chỗ Mỹ dùng đồng đô la để trả tiền nhập hàng nên muốn nhập bao nhiêu cũng được, thâm hụt thương mại bao nhiêu cũng không lo, trong khi các nước khác phải lo xuất khẩu mới có ngoại tệ để nhập khẩu. 

Các nước sử dụng đô la Mỹ làm dự trữ ngoại hối, dùng trong ngoại thương hay đầu tư nước ngoài, kể cả giới tội phạm cũng chuộng đô la làm phương tiện thanh toán, nên Mỹ in bao nhiêu tiền là thế giới tiêu thụ bấy nhiêu, không lo ế.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lạm dụng đặc quyền này, gây khó khăn cho các nước khác, kể cả xuất khẩu lạm phát, nâng lãi suất tạo sức ép lên tỉ giá. Mỹ thậm chí còn "vũ khí hóa" đồng đô la, đóng băng dự trữ ngoại hối bằng đô la của bất kỳ nước nào, vào bất cứ khi nào Mỹ muốn.

Vì thế các nước đang phản ứng, tìm cách hóa giải sức mạnh đồng đô la bằng một đồng tiền thanh toán hay phương thức dự trữ khác để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, từ đó có thể đẩy tương lai đô la Mỹ vào chỗ bất định.

Liên tục các nỗ lực thoát thân

Gần đây nhất là tuyên bố của Brazil và Trung Quốc thực hiện giao dịch thương mại song phương, trong đó hai bên trao đổi trực tiếp từ nhân dân tệ qua real và ngược lại thay vì qua trung gian đô la Mỹ như trước giờ. 

Hiện nay thương mại giữa Brazil và Trung Quốc lên đến 150 tỉ đô la mỗi năm; Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành bạn hàng lớn nhất của Brazil từ năm 2009. Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận mua bán không dùng đô la Mỹ với nhiều nước lớn khác như Nga, Pakistan và Saudi Arabia.

Hay trong một động thái khác, các nước BRICS (nhóm các cường quốc mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang tích cực bàn bạc khả năng xây dựng đồng tiền chung. Đồng tiền mới có thể được hỗ trợ bởi một rổ hàng hóa, bao gồm vàng và các kim loại hiếm, đất hiếm.

Riêng Nga, vốn đã nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh từ lâu, càng thêm quyết tâm sau khi bị các nước phương Tây cấm vận. Hiện nhân dân tệ là ngoại tệ được mua bán nhiều nhất ở Nga kể từ tháng 2-2023, đồng tiền của Trung Quốc vượt đô la Mỹ về khối lượng giao dịch hằng tháng. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ, giao thương thanh toán bằng rúp và nhân dân tệ tăng gấp 8 lần.

Một sự kiện khác cũng đáng chú ý trong xu hướng "giải đô la hóa" (de-dollarization): Saudi Arabia đồng ý bán dầu cho Trung Quốc lấy nhân dân tệ. Lâu nay Saudi là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và chỉ nhận thanh toán bằng đô la Mỹ, nên việc họ chấp nhận nhân dân tệ là bước ngoặt lớn. 

Ở đây phải mở ngoặc là đô la Mỹ nhiều lúc được gọi là đô la dầu mỏ (petrodollar), do Mỹ dàn xếp với các nước như Saudi dùng đô la làm phương tiện thanh toán đã mấy chục năm nay. Các nước muốn mua xăng dầu phải tìm mọi cách để có đô la Mỹ, kể cả xuất khẩu nguyên liệu, vay mượn và chịu sức ép lên tỉ giá. 

Các nước bán dầu thu đô la về, lại đem đi mua trái phiếu chính phủ Mỹ để bảo toàn đồng tiền. Đây chính là cách Mỹ duy trì nguồn tài trợ cho mọi chi tiêu của họ. Giả dụ các nước xuất khẩu dầu đồng ý bán dầu thanh toán bằng đồng tiền khác, sự thống trị của petrodollar sẽ bị đe dọa.

Cuối tháng 3 vừa rồi, Tổng công ty Dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC đã mua 65.000 tấn khí hóa lỏng (LNG) từ UAE thanh toán bằng nhân dân tệ, thông qua Hãng TotalEnergies của Pháp. 

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc từng nỗ lực xây dựng một hệ thống tiền tệ đa cực để giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ. Nếu các nước đồng ý giao thương với nhau bằng đồng tiền khác, Trung Quốc có thể giảm dự trữ ngoại hối bằng đô la Mỹ và quốc tế hóa nhân dân tệ, giúp nước này đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Trước đó, tại diễn đàn Davos, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, Mohammed Al-Jadaan gây ngạc nhiên khi tuyên bố nước này sẵn sàng bán dầu bằng ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ - động thái chưa từng có 48 năm qua.

Trong khi đó, các nước ASEAN cũng bày tỏ quan tâm với việc sử dụng đồng nội tệ trong giao thương nội khối. Trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN vào cuối tháng 3, một đề tài được thảo luận liên quan đến việc giảm phụ thuộc vào cả đô la Mỹ, euro, yen Nhật và bảng Anh để tiến tới sử dụng nội tệ trong Kế hoạch thanh toán nội tệ, dự kiến sẽ là hệ thống thanh toán điện tử xuyên biên giới trong khu vực. 

Trung Quốc và Malaysia tuyên bố để ngỏ khả năng thảo luận để thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á nhằm giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ. Ngân hàng Trung ương Malaysia cũng đang nghiên cứu cơ chế thanh toán thương mại dùng các đồng tiền nội tệ.

Ấn Độ gần đây cũng đẩy mạnh nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền nước họ, gián tiếp thúc đẩy xu hướng "giải đô la hóa". Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Sunil Barthwal cho biết sẽ sử dụng đồng rupee để mua bán với các nước đang thiếu hụt đô la Mỹ; riêng với Malaysia, hai bên tuyên bố từ bỏ cách giao thương qua trung gian đô la Mỹ và từ nay sẽ nhận thanh toán bằng đồng rupee của Ấn Độ. 

Trước đó, Ấn Độ đã buôn bán sử dụng đồng rupee với các nước Nga, Mauritius, Iran và Sri Lanka. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng cho phép 18 nước mở tài khoản đặc biệt (SVRA) để thanh toán bằng đồng rupee.

Nhưng vòng kềm tỏa đã ăn sâu

Xu hướng muốn dùng một đồng tiền khác thay cho đô la Mỹ đã hiện diện nhiều năm qua, nhưng mấy tuần qua liên tục rộ lên những nỗ lực và sự kiện mới. Các nước không ít thì nhiều đều lo ngại khi thấy dự trữ ngoại hối của họ bằng đô la Mỹ có thể bị Mỹ đóng băng dễ dàng như với Nga. 

Mỹ cũng có thể dùng các công cụ như cơ sở hạ tầng thanh toán Swift (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) để loại một nước khỏi hệ thống chi trả bằng đô la Mỹ. Ngân hàng nào bị cắt khỏi Swift sẽ không còn chuyển tiền được, còn quốc gia sẽ không còn khả năng thanh toán xuất nhập khẩu. Không nước nào muốn phải làm con tin như vậy.

Tình thế càng gay cấn khi Mỹ liên tục nâng lãi suất, tức làm đồng tiền nước họ lên giá, đẩy đồng tiền các nước mất giá, gây lạm phát bùng nổ khắp nơi. Mặc dù chuyện Mỹ nâng lãi suất là để đối phó lạm phát trong nước, nhưng qua đó họ gián tiếp xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới, nhiều nước bị đẩy vào thế khó nhưng không làm gì được. 

Chắc chắn tìm lối thoát bằng cách giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ là chiến lược nước nào cũng nhắm đến. Từ đó mới thấy xu hướng "giải đô la hóa" lan ra từ Trung Đông sang châu Mỹ Latin, kể cả Đông Á và Nam Á, là chuyện dễ hiểu. Các vụ sụp đổ ngân hàng như Silicon Valley Bank càng củng cố suy nghĩ này, nhất là trong bối cảnh Mỹ sắp phải bàn chuyện nâng trần nợ công.

Tuy nhiên, vị thế đồng đô la Mỹ không dễ một sớm một chiều suy suyển ngay được, chủ yếu do không có đồng tiền nào đủ mạnh để thay thế. Tài khoản vốn của nhân dân tệ vẫn đang bị hạn chế, nên khó trở thành chất xúc tác cho ngoại thương. Đô la Mỹ có tính thanh khoản cao nhờ thị trường tài chính Mỹ ổn định. Đó là lý do vì sao kinh tế nước Mỹ tuy chỉ chiếm 25% toàn bộ kinh tế thế giới, nhưng đến gần 60% dự trữ ngoại hối và 70% giao thương xuyên biên giới toàn cầu là bằng đô la Mỹ. Dù tỉ lệ dự trữ có giảm, từ 65,46% đầu năm 2016 còn 59,79% cuối năm 2022, đồng tiền dự trữ đứng thứ nhì là euro vẫn chỉ chiếm 19,7%, nhân dân tệ còn ít hơn, chỉ 2,8%.

Hơn nữa, xu hướng "giải đô la hóa" đi kèm nhiều thách thức, nhất là với các nước có đồng tiền yếu. Thị trường tiền tệ của họ có thể sẽ trở nên rối loạn, giá cả lên xuống bất thường, hệ thống tài chính toàn cầu đối diện nhiều bất ổn nếu tách rời hẳn đô la Mỹ.

Có lẽ bình luận của tờ Financial Times là đúng thực tế hơn cả. Tờ này cho rằng dù đô la Mỹ chưa dễ thay thế, mọi người nên chuẩn bị cho một thế giới "đồng tiền đa cực" sẽ xuất hiện trong những năm tới, như đề xuất của Jim O'Neill - cựu kinh tế trưởng của Goldman Sachs, người khai sinh ra từ BRICS. 

Ông cho rằng "đô la Mỹ đang đóng vai trò quá chi phối trong tài chính toàn cầu" nên các thị trường mới nổi cần giảm rủi ro phụ thuộc vào nó. Trong khi đó, dù có giảm, Mỹ vẫn tiếp tục hưởng đặc quyền đô la thêm một thời gian nữa, chưa biết là bao lâu. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận