Chống gian lận thi cử và cải cách tuyển sinh: Các trường đại học hãy nhận trách nhiệm về mình!

PHẠM THỊ LY 13/05/2019 17:05 GMT+7

Nhìn lại vụ gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử xảy ra năm qua, có một nguyên nhân ít được chú ý, đó là vai trò của các trường đại học.

Tuyệt đại đa số các trường ĐH coi điểm thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT) là yếu tố duy nhất để tuyển sinh. Điều này đã kích thích gian lận nảy sinh. Đã đến lúc các trường phải tự nhận lãnh trách nhiệm tuyển sinh về mình thay vì bám víu vào kỳ thi đó và gây thêm những áp lực lớn cho cả xã hội.

Và cũng chính sóng gió thi cử vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc tổ chức đánh giá kết quả giáo dục độc lập với các trường và các địa phương, một việc thường do các trung tâm khảo thí độc lập thực hiện ở các nước.

Đã có rất nhiều ý kiến về việc cần có những trung tâm như thế để tổ chức đánh giá năng lực/kết quả đào tạo của thí sinh nhiều lần trong năm. Các trường có thể tham khảo kết quả này trong việc xét tuyển. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho tất cả các bên: học sinh có thể thi nhiều lần để thử sức và cải thiện kết quả, vì vậy không chịu áp lực thi đậu hay thi rớt; Nhà nước không cần tốn ngân sách để tổ chức; các trường cũng không cần phải bỏ ra kinh phí (rất lớn nếu muốn tổ chức thi, ra đề, đánh giá cho thật nghiêm túc).

Ai cũng thấy phương án này tốt hơn nhiều so với việc thi chung trước đây, hoặc “2 trong 1” như ba năm vừa qua, hoặc từng trường tổ chức thi riêng.

Vấn đề là, làm thế nào để tiêu cực không chuyển từ nơi này sang nơi khác? Nói cách khác, làm thế nào để những trung tâm khảo thí như thế thực sự độc lập và cho ta những kết quả đáng tin cậy?

Ảnh: pinterest.com
Ảnh: pinterest.com

Điều gì bảo đảm sự tin cậy?

Khảo thí/đánh giá/đo lường chất lượng giáo dục là một ngành chuyên môn sâu cần được nghiên cứu cẩn thận và đào tạo bài bản. Bộ đề thi cần phải trải qua nhiều bước thử nghiệm trước khi đem ra dùng, để đảm bảo đo được chính xác những thứ cần đo. Đã có đề xuất Nhà nước nên đầu tư xây dựng những trung tâm khảo thí như vậy, vì tầm quan trọng của việc khảo thí, và cũng vì Nhà nước có nguồn lực lớn về tài chính và con người.

Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là những trung tâm khảo thí do Nhà nước hay tư nhân thành lập không xảy ra những tiêu cực tương tự như đã xảy ra với kỳ thi TNPT năm nay. Quy trình tổ chức tất nhiên là quan trọng, nhưng quy trình nào cũng do con người thực hiện, vì thế quan trọng hơn cả là những cơ chế vận hành và động lực nội tại của các bên.

Muốn có những kết quả đáng tin cậy thì điều kiện cần là năng lực chuyên nghiệp của đội ngũ làm chuyên môn, điều kiện đủ là tính chất “độc lập” của quá trình tổ chức thực hiện khảo thí. Điều kiện cần không khó đáp ứng, vì kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức khảo thí không ít, người giỏi ở Việt Nam hiện nay cũng không hiếm, trong đó có nhiều người được đào tạo bài bản về đo lường giáo dục.

Điều kiện đủ thì khó hơn. “Độc lập” ở đây được hiểu là không chịu ảnh hưởng, không bị sự can thiệp ở bên ngoài làm sai lệch kết quả, bất kể là sự can thiệp ấy đến từ đâu, dưới hình thức nào, và động cơ gì.

Dù là công hay tư, dù là ai đứng ra tổ chức thực hiện, thì cũng cần tránh hai tình huống sau đây: (1) Độc quyền tổ chức; (2) Độc chiếm vai trò làm thước đo xét tuyển. Chỉ cần tránh hai trường hợp này cũng đã loại bỏ được khá nhiều động lực tiêu cực. Có nhiều lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn cho người dùng dịch vụ. Một số tổ chức khác nhau cùng tổ chức thi đánh giá năng lực sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chi phí, chất lượng, và tạo ra động lực giữ gìn uy tín cho các tổ chức này.

Nhà nước hay tư nhân?

Với một thị trường ít nhất là hai triệu khách hàng mỗi năm, Nhà nước không cần phải bao cấp. Trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, Nhà nước chỉ cần quy định những chính sách về minh bạch thông tin của các tổ chức này (bao gồm báo cáo kiểm toán) và xử lý nghiêm những trường hợp gian lận (nếu có) là đủ.

Các tổ chức khảo thí sẽ đứng trước bài toán uy tín, chất lượng, giá cả, cũng tương tự như các trung tâm kiểm định ôtô chuyển thành dịch vụ công tự hạch toán, và có nhiều trung tâm khác nhau để lựa chọn.

Các tổ chức khảo thí này thu phí dịch vụ của thí sinh (để đánh giá năng lực của họ), nhưng lại phải phục vụ cho lợi ích của các trường ĐH (tuyển được thí sinh có năng lực tốt). Các trung tâm khảo thí muốn thu hút được nhiều thí sinh đăng ký thi phải chiếm được lòng tin của các trường, tức là kết quả thi phải phản ánh đúng năng lực của thí sinh. Những lợi ích khác nhau của các bên khác nhau chính là lực hút/đẩy từ nhiều phía tạo ra sự cân bằng trong hoạt động của các trung tâm này.

Nhìn như vậy thì một tổ chức khảo thí như vậy có thể là công hoặc tư, nhưng dù công hay tư cũng đều phải dựa trên cùng một nguyên tắc: không độc quyền và phải minh bạch thông tin.

 

Không độc chiếm như một thước đo duy nhất

Kết quả của các kỳ thi này nên được dùng như một trong các tiêu chí xét tuyển ĐH. Vì Luật giáo dục ĐH đã quy định quyền tự chủ tuyển sinh của các trường, nếu có trường chỉ dựa trên kết quả kỳ thi này thì đó là quyết định cần được tôn trọng. Tuy vậy, những tiêu chí tuyển sinh của một trường ĐH cũng nói lên nhiều điều về uy tín và chất lượng của trường đó. Quy luật bất thành văn là trường càng uy tín thì đầu vào càng khó. Vì thế có nhiều bảng xếp hạng ĐH đã coi tỉ lệ trúng tuyển trên tổng số hồ sơ nộp vào là một thước đo quan trọng.

Ngoài điểm thi do các trung tâm khảo thí cung cấp, các trường có thể kết hợp xét hồ sơ, học bạ, bài tự luận, phỏng vấn, video tự trình bày..., kể cả xét thành tích thể thao, nghệ thuật hay hoạt động cộng đồng như các nước đã làm. Tất cả quy trình và tiêu chí xét tuyển phải được nêu công khai. Nếu có nhiều yếu tố để xét tuyển thì vai trò của điểm thi không còn quá quan trọng. Như vậy mới là hợp lý, bởi có nhiều yếu tố mà một bài thi viết dù thiết kế tốt đến đâu cũng không thể đo hết được.

Sẽ có người nói rằng các trường bây giờ chỉ mong có người học, cho nên không cần phải phức tạp thế, thậm chí chỉ cần xét học bạ cho có, miễn học sinh đóng tiền học là được rồi. Chấp nhận đầu tư tư nhân cho khu vực giáo dục tức là công nhận bản chất thị trường của nó. Đã là thị trường thì có hàng tốt hàng kém, giá cao giá thấp. Giáo dục ĐH cũng không ngoài bức tranh này. Một trong những vai trò quan trọng của Nhà nước trong thị trường này là tạo ra luật chơi để bảo đảm sự minh bạch, công bằng giữa các bên.

Nhà nước phải bảo vệ lợi ích của người học (vì lợi ích của người học chính là lợi ích của xã hội tương lai) nhưng không phải bằng cách cấp ngân sách cho các cuộc thi hay can thiệp vào từng phòng thi, mà là bảo đảm một cơ chế tạo ra trách nhiệm giải trình của các bên.

Nhìn lại vụ tiêu cực thi cử năm qua, có một nguyên nhân ít được chú ý, đó là vai trò của các trường ĐH. Tuyệt đại đa số các trường ĐH coi điểm thi TNPT là yếu tố duy nhất để tuyển sinh, kể cả các trường uy tín hay có triển vọng việc làm, thu nhập cao. Điều này đã kích thích gian lận nảy sinh. Nếu các trường thực sự coi trọng chất lượng đầu vào, không phụ thuộc vào điểm thi TNPT (vốn là thứ nhà trường không thể kiểm soát về chất lượng của đề thi và của việc chấm thi; cũng không phản ánh đầy đủ những yếu tố nhà trường nên dựa vào để tuyển chọn người phù hợp), mà chủ động đa dạng hóa phương thức tuyển, thì họ đã có thể có kết quả tốt hơn.

Điều này một lần nữa cho thấy, các trường lên tiếng đòi quyền tự chủ, nhưng đến khi đã được trao đầy đủ quyền tự chủ trong tuyển sinh thì nhiều trường vẫn không sử dụng quyền tự chủ đã có để thay đổi cách làm, vẫn cứ lối cũ mà đi.■

Thực ra, trung tâm khảo thí độc lập trên thực tế đã “có mặt” ở Việt Nam dưới hình thức “mềm” nhưng rơi vào tay nước ngoài. Đó là trường hợp các cuộc thi lấy bằng SAT, IELTS, TOEFL, và các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã chấp nhận bằng này thay cho các bằng cấp do những tổ chức trong nước tổ chức như chứng chỉ quốc gia A, B, C...

Một điểm cũng đáng lưu ý là các trường nước ngoài chỉ chấp nhận minh chứng về điểm SAT, IELTS, TOEFL do chính các tổ chức này gửi trực tiếp đến trường theo yêu cầu của thí sinh. Điều này làm giảm khả năng giả mạo, và đó là cách các tổ chức này bảo vệ uy tín và giá trị bằng cấp của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận