Chống trầm cảm, đơ luôn cảm xúc

HỒNG VÂN 10/02/2023 05:44 GMT+7

TTCT - Trong hơn 30 năm qua, thuốc trầm cảm được bệnh nhân và bác sĩ ca ngợi vì giúp nhanh chóng cải thiện tâm trạng ủ rũ và hầu như không có nhược điểm. Song vấn đề là "hầu hết những người đang dùng thuốc chống trầm cảm thật ra không cần chúng".

Uống thuốc chống trầm cảm không còn là phương pháp điều trị được chỉ định đầu tiên với các trường hợp bị trầm cảm nhẹ.

Uống thuốc chống trầm cảm không còn là phương pháp điều trị được chỉ định đầu tiên với các trường hợp bị trầm cảm nhẹ.

Năm 1987, Mỹ cấp phép cho Prozac, loại thuốc đầu tiên trong các thuốc chống trầm cảm sau này trên thị trường. Prozac và những người anh em họ hàng của nó trong nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) nhanh chóng được đón nhận.

Ly hôn, mất người thân, gặp vấn đề trong công việc - một viên thuốc chống trầm cảm mỗi ngày là sự buồn chán "đăng xuất" khỏi tâm hồn. Nhiều người thậm chí còn uống thuốc chống trầm cảm thường xuyên. Theo The Economist, ở các nước phương Tây hiện nay, tỉ lệ dùng thuốc ở đâu đó giữa 1 trong 7 người và 1 trong 10 người.

Tuy nhiên, hào quang của thuốc chống trầm cảm SSRI đã suy tàn. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc không hiệu quả như chúng ta tưởng vì các công ty dược thường công bố kết quả thử nghiệm thuốc một cách có chọn lọc. Những kết quả không tốt lắm bị né tránh. Gần đây, các nhà khoa học độc lập đã phân tích kết quả của tất cả các thử nghiệm được trình lên cơ quan quản lý thuốc của Mỹ từ năm 1979 đến 2016. Họ thấy rằng thuốc chống trầm cảm chỉ có lợi ích đáng kể ở 15% bệnh nhân.

Ngoài ra, hai nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc chống trầm cảm có thể khiến người dùng bị "đơ" về cảm xúc và có vai trò trong việc làm tăng tình trạng kháng kháng sinh - một thách thức về y tế toàn cầu.

Thuốc chống trầm cảm Prozac. Ảnh: Getty Images

Thuốc chống trầm cảm Prozac. Ảnh: Getty Images

Không buồn không vui

Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Neuropsychopharmacology ngày 23-1, các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến hiện nay đang khiến người dùng bị "thờ ơ" về mặt cảm xúc.

Các nhà nghiên cứu đã đề nghị 66 tình nguyện viên khỏe mạnh uống Escitalopram - một loại thuốc chống trầm cảm phổ biến để so sánh tác động với nhóm uống giả dược. Các tình nguyện viên uống thuốc trong ít nhất 21 ngày trước khi tham gia nhiều bài kiểm tra nhận thức. Kết quả, trong hầu hết các bài kiểm tra, kể cả kiểm tra đánh giá khả năng tập trung và trí nhớ, thuốc SSRI không gây ra bất cứ tác động tiêu cực đến nhận thức người dùng.

Tuy nhiên, trong bài kiểm tra mà các tình nguyện viên cần phản ứng lại sau các kết quả tốt hoặc xấu, những người uống thuốc SSRI lại ít có phản ứng hơn. Cụ thể, các tình nguyện viên sẽ phải chọn một trong hai lựa chọn là A hoặc B trên màn hình. Chọn A sẽ có xác xuất 4/5 cơ hội trúng thưởng. Chọn B có xác xuất trúng thưởng là 1/5. Sau một vài lượt, người tham gia nắm được quy luật và có xu hướng chọn A. Sau đó, quy luật bị thay đổi, tình nguyện viên phải tìm ra quy luật mới. Trung bình, nhóm SSRI phản ứng chậm hơn rõ ràng với sự thay đổi này.

Những người uống Escitalopram cũng cho biết họ khó đạt cực khoái khi quan hệ tình dục - một tác dụng phụ phổ biến từng được nhiều người dùng thuốc phản ánh. "Mặc dù thuốc giúp xoa dịu một số nỗi đau tinh thần của người bị trầm cảm, thật không may, thuốc cũng lấy đi một số niềm vui của họ" - tác giả nghiên cứu, giáo sư Barbara Sahakian (Đại học Cambridge), nhận định. Theo bà Sahakian, nghiên cứu này giúp cung cấp thêm thông tin cho bệnh nhân - họ có thể lựa chọn các hình thức điều trị khác, đặc biệt nếu không bị bệnh nặng, để tránh bị "đơ" cảm xúc.

Trước đây, một số bệnh nhân đã báo cáo rằng họ cảm thấy bị trơ về mặt cảm xúc hoặc không cảm thấy hứng thú với mọi thứ sau khi uống Escitalopram. Một nghiên cứu cho thấy tình trạng này xảy ra với 40-60% người dùng thuốc. Thời điểm đó, các nhà nghiên cứu chưa rõ liệu đây là tác dụng phụ của thuốc hay của bệnh trầm cảm. Nghiên cứu mới đã trả lời câu hỏi này.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc chống trầm cảm quá lâu: ảnh hưởng tình dục, lên cân, giảm cảm giác tích cực, phụ thuộc vào thuốc, "đơ" cảm xúc. Nguồn: VeryWell

Tác dụng phụ khi dùng thuốc chống trầm cảm quá lâu: ảnh hưởng tình dục, lên cân, giảm cảm giác tích cực, phụ thuộc vào thuốc, "đơ" cảm xúc. Nguồn: VeryWell

Gây kháng kháng sinh

Sự xuất hiện của các bệnh do vi khuẩn kháng kháng sinh thường được cho là do lạm dụng thuốc kháng sinh ở người và gia súc. Tuy nhiên, theo tạp chí Nature ngày 24-1, các nhà khoa học đã ghi nhận và đang làm rõ khả năng thuốc chống trầm cảm cũng gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

Trên toàn cầu, kháng kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Ước tính có khoảng 1,2 triệu người chết do hậu quả trực tiếp của tình trạng này năm 2019 và con số này sẽ còn tăng lên.

Nhà nghiên cứu Jianhua Guo của Trung tâm công nghệ sinh học nước và môi trường Đại học Queensland (Brisbane, Úc) đang theo dõi cách thuốc chống trầm cảm gây ra tình trạng kháng thuốc trên vi khuẩn được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Guo có ý tưởng tìm hiểu tác động của các loại thuốc không phải kháng sinh với tình trạng kháng kháng sinh từ năm 2014, sau khi phát hiện có nhiều gene kháng kháng sinh trong các mẫu nước thải sinh hoạt hơn là trong các mẫu nước thải bệnh viện, nơi mức độ sử dụng kháng sinh cao hơn.

Nhóm nghiên cứu của Guo cũng như các nhóm khác thấy rằng thuốc chống trầm cảm - một trong những loại thuốc được kê đơn rộng rãi nhất trên thế giới - làm chết hoặc kìm hãm sự phát triển của một số vi khuẩn. Guo cho rằng thuốc đã kích hoạt các cơ chế bảo vệ tế bào - một cơ chế giúp vi khuẩn có khả năng sinh tồn tốt hơn trong các điều trị kháng sinh tiếp theo.

Trong một bài báo năm 2018, nhóm của Guo chứng minh vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) trở nên kháng nhiều loại kháng sinh sau khi tiếp xúc với fluoxetine3 (tên thương mại chính là Prozac).

Kiran Patil - chuyên gia nghiên cứu các tương tác hóa học của hệ vi sinh vật làm việc tại Đại học Cambridge, Anh - cho biết trong năm năm qua, ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng các loại thuốc không phải kháng sinh nhắm đến tế bào người có ảnh hưởng đến vi khuẩn và góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn.

Lisa Maier, chuyên gia nghiên cứu sự tương tác giữa thuốc và hệ vi sinh vật thuộc Đại học Tübingen (Đức) cho rằng để hiểu cách thuốc chống trầm cảm thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh, các nhà nghiên cứu cần xác định thuốc nhắm đến phân tử nào ở vi khuẩn và đánh giá tác động của thuốc với loại vi khuẩn có liên quan.

Cả Patil và Maier đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập bằng chứng nhằm đánh giá tác động của thuốc chống trầm cảm với tình trạng kháng thuốc, chẳng hạn liệu thuốc chống trầm cảm có thúc đẩy sự tích tụ của vi khuẩn kháng kháng sinh, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh ở người, động vật hoặc môi trường hay không.

Nhóm nghiên cứu của Guo đang nghiên cứu hệ vi sinh vật của chuột đã được cho uống thuốc chống trầm cảm. Dữ liệu ban đầu - chưa được công bố - cho thấy các loại thuốc này có thể thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của chuột và thúc đẩy quá trình chuyển đổi gene giữa chúng.

Tuy nhiên, dù là gây thờ ơ về cảm xúc hay góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh, các chuyên gia cảnh báo người bệnh không nên ngừng thuốc chống trầm cảm mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. "Nếu bạn bị trầm cảm, căn bệnh cần được ưu tiên điều trị, các vấn đề khác là yếu tố phụ" - Maier nói.■

Để ngừng thuốc an toàn

Theo The Economist, rất nhiều người không thực sự cần uống thuốc chống trầm cảm đang uống loại thuốc này thường xuyên bằng cách mua theo các toa thuốc cũ. Họ cần được hỗ trợ để ngừng thuốc. Thuốc chống trầm cảm không phải không có tác dụng phụ. Tác dụng phụ của thuốc gồm rối loạn chức năng tình dục (nhiều người mô tả là "mất cảm giác"), thờ ơ, tê liệt cảm xúc, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ em nếu sản phụ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Ở người lớn tuổi, các tác dụng phụ có thể là đột quỵ, té ngã, co giật, các vấn đề về tim và chảy máu sau phẫu thuật. Đây là những đe dọa về sức khỏe nghiêm trọng khi người uống thuốc thường xuyên già đi.

Các bác sĩ ít khi thảo luận về việc ngừng dùng thuốc với bệnh nhân vì ngại quyết định này có thể khiến các triệu chứng trầm cảm quay trở lại. Nhưng thật ra, nhiều người có thể ngừng thuốc an toàn. Ngay cả ở những người uống thuốc trầm cảm lâu dài, một thử nghiệm gần đây ở Anh cho thấy 44% bệnh nhân có thể ngừng thuốc an toàn. Với những trường hợp trầm cảm nhẹ hơn, tỉ lệ thành công có thể còn cao hơn.

Dĩ nhiên, cần chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ việc ngừng thuốc mà cụ thể là có hướng dẫn cho bác sĩ quy trình ngừng thuốc cho bệnh nhân. Các công ty bảo hiểm và bệnh viện cần mở đường cho các nỗ lực giúp người trầm cảm muốn ngừng thuốc hoặc giảm dần liều lượng để tránh các tác dụng phụ khi ngừng thuốc. Chẳng hạn, bệnh nhân giảm liều lượng dần dần với sự theo dõi của bác sĩ.

Một cách làm phổ biến đã được áp dụng: với các trường hợp bị trầm cảm nhẹ, bác sĩ khuyến khích bệnh nhân tự nỗ lực và ưu tiên các phương pháp trị liệu thay đổi hành vi như chăm tập thể dục và ngủ đủ giấc thay vì chỉ địch thuốc chống trầm cảm. Đối với tình trạng kiệt sức vì công việc, nghỉ ốm cũng được xem là phương thuốc. Uống thuốc chống trầm cảm chỉ dành cho người bệnh trầm cảm nặng.

Theo The Economist, các nỗ lực này lúc đầu có thể tốn kém hơn so với việc tái sử dụng toa thuốc cũ. Nhưng về lâu dài, lợi ích là rõ ràng vì với rất nhiều người, chi phí để điều trị vấn đề do tác dụng phụ của thuốc sẽ chồng chất theo thời gian. Đó là chưa kể việc uống thuốc lấy đi niềm vui bình thường của hàng triệu người trong khi uống thuốc không mang lại nhiều lợi ích cho họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận