TTCT - Đó đây đã có lời kêu gọi giao hàng xanh, bền vững hơn, và lý tưởng nhất là tiến tới xây dựng luật giao hàng "sạch". Một góc kho hàng của Amazon ở Baltimore, Maryland, Mỹ ngày 30-4-2019. Ảnh: REUTERS Cuối năm là mùa bận rộn của hệ thống xử lý đơn hàng và giao nhận của các sàn thương mại điện tử và công ty logistics. "Dặm cuối" trong quy trình mua sắm trực tuyến - tức chuyến xe đưa shipper đến cửa nhà ta cùng gói hàng ta mong đợi mãi - đang gây áp lực cho các đô thị lẫn Trái đất nói chung với chuyện kẹt xe và khí thải carbon tăng cao.Bán lẻ qua thương mại điện tử toàn cầu dự kiến sẽ vượt 8.000 tỉ USD năm 2027, tăng 39% so với năm 2023. Đó đây đã có lời kêu gọi giao hàng xanh, bền vững hơn, và lý tưởng nhất là tiến tới xây dựng luật giao hàng "sạch".Kiếp nạn sống gần kho hàngSự phổ biến của thương mại điện tử đã làm tăng đáng kể số phương tiện giao hàng trên đường. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) dự kiến đến năm 2030, số xe giao hàng chặng cuối trên toàn cầu sẽ tăng 61%, chiếm 54% lượng khí thải của ngành vận tải và 13% tổng lượng khí thải của một thành phố điển hình. Nhiều xe góp phần làm tăng tình trạng ùn tắc giao thông và thiếu bãi đỗ.Ở Dublin, Ireland, tình trạng kẹt xe đã tăng từ 45% lên 66%. Ở Milan, Ý, kẹt xe tăng từ 30% lên 45% từ 2018 đến 2023. Tại các thành phố đang phát triển nhanh như Bengaluru, Ấn Độ, kẹt xe có thể làm tốc độ giao hàng chặng cuối tăng thêm 7 phút cho quãng đường 10km vào năm 2030.Nhiều xe hơn cũng tạo ra nhiều khí thải carbon hơn, tác động xấu đến chất lượng không khí ở đô thị và sức khỏe cộng đồng, góp phần làm giảm tuổi thọ và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân.Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hồi tháng 7, những cộng đồng dân cư sống ở phía cuối chiều gió, gần các nhà kho lớn phải trải qua tình trạng ô nhiễm cao hơn do hoạt động giao hàng. Trong vòng 8km tính từ các kho hàng lớn, mức độ nitơ dioxide (NO2) - một chất gây ô nhiễm có liên quan đến các bệnh hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp và thậm chí là bệnh mãn tính như phổi - tăng gần 20%. Gaige Kerr, tác giả chính của nghiên cứu, giảng viên về môi trường và bệnh nghề nghiệp tại Đại học George Washington, cho biết 20% nghe có vẻ không nhiều nhưng mức tăng này đồng nghĩa với đảo ngược thành quả cải thiện chất lượng không khí có được nhờ đạo luật không khí sạch của Mỹ trong nhiều năm.Giao hàng bằng xe đạp là một cách để cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối bền vững. Ảnh: fluentcommerce.comMặc dù mối liên hệ giữa giao thông và ô nhiễm là khá rõ ràng, nghiên cứu của nhóm Gaige là nỗ lực đầu tiên chứng minh người sống gần các kho hàng lớn gặp tình trạng ô nhiễm cao hơn trung bình. Theo nhóm nghiên cứu, ít đề tài có thể do thương mại điện tử hiện đại mới bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Một lý do khác khiến tình trạng ô nhiễm cục bộ này bị bỏ qua là do NO2 tiêu tan khá nhanh trong khí quyển (nồng độ NO2 giảm xuống rõ rệt khi cách nhà kho từ 16 đến 24km theo hướng gió).Trước đây, các nhà khoa học dựa vào máy theo dõi ô nhiễm để nghiên cứu chất lượng không khí. Có khoảng 500 máy đo rải rác trên khắp nước Mỹ đo NO2. Nhưng do không được bố trí đều giữa các khu vực, các chỉ số đo được không thể hiện được toàn bộ mức phơi nhiễm NO2. Trong nghiên cứu này, nhóm của Gaige sử dụng vệ tinh để đo nồng độ NO2 từ không gian (NO2 khá dễ nhận ra từ không gian) nhờ một công cụ mới ra mắt năm 2018. Họ khớp bản đồ dữ liệu từ vệ tinh với vị trí của gần 150.000 kho hàng lớn ở Mỹ và có thể so sánh mức độ NO2 giữa các khu phố.Theo nhóm nghiên cứu, NO2 không phải là chất gây ô nhiễm duy nhất liên quan đến giao thông. Xe tải nặng cũng tạo ra muội than và các hạt vật chất ô nhiễm làm giảm chất lượng không khí cục bộ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, đau tim và tử vong sớm ở các khu dân cư xung quanh, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 64 tuổi nên tình trạng ô nhiễm gần các kho hàng là rất đáng cảnh báo."Các công ty thương mại điện tử lớn nên trở thành những người hàng xóm tốt và ngừng gây ô nhiễm không khí đến các cộng đồng. Chuyển sang xe tải điện không chỉ sẽ ngay lập tức giảm ô nhiễm không khí mà còn giúp thúc đẩy điện khí hóa trong thương mại điện tử" - Rachel Spector, luật sư cấp cao của tổ chức môi trường phi lợi nhuận Earthjustice, kêu gọi.Trách nhiệm của người muaNgười tiêu dùng hầu như không nghĩ đến tác động môi trường của giao hàng nhưng thực tế cần một hệ thống logistics khổng lồ để vận chuyển hàng hóa từ A đến B. Năm 2020, hoạt động giao hàng và trả lại sản phẩm chiếm 37% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Ước tính tại 100 thành phố lớn trên thế giới, đến năm 2030 số lượng xe tải giao hàng sẽ tăng 36%, đạt xấp xỉ 7,2 triệu chiếc. Điều này không chỉ dẫn đến việc tăng thêm khoảng 6 triệu tấn khí thải CO2 mà còn làm tăng 21% số lần đi lại do các phương tiện sẽ mất nhiều thời gian hơn để di chuyển do kẹt xe nhiều hơn.Nhưng các sàn thương mại điện tử đang trong một cuộc đua không khoan nhượng để tối ưu hóa giao hàng. Theo nghiên cứu của WEF năm 2020, tỉ lệ khách yêu cầu giao hàng trong ngày hay giao ngay đã tăng lần lượt 36% và 17% mỗi năm. Hai lựa chọn này, đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc và chiếm hơn 10% tổng số lượng bưu kiện được giao mỗi ngày, trung bình là gần 3 triệu đơn ở xứ tỉ dân.Một nghiên cứu khác do Trung tâm vận tải & logistics thuộc Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT), Mỹ thực hiện cho thấy mua sắm truyền thống tạo ra lượng khí thải carbon gấp hai lần so với mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với giao hàng tiêu chuẩn. Thương mại điện tử góp phần khiến không khí ô nhiễm hơn và các bãi rác ngày càng chật chột - Ảnh: Getty ImagesKhi người tiêu dùng chọn giao hàng nhanh, lượng phát thải của mua sắm trực tuyến vượt xa lượng phát thải của mua sắm trực tiếp. Lý do là vì để đảm bảo thời hạn vận chuyển, các công ty buộc phải cho các xe tải chở chỉ đầy một nửa rời kho. Nhiều xe tham gia giao thông hơn và do đó phát thải tạo ra cũng nhiều hơn.Hoàn hàng cũng là vấn đề. Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ cho phép khách hàng trả hàng miễn phí. Tỉ lệ hoàn đơn, đặc biệt với hàng thời trang, lên đến hơn 30%. Nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng cũng cho thấy 79% muốn được miễn phí hoàn hàng và 92% trong số họ có khả năng sẽ mua lại nếu mặt hàng đã mua được hoàn dễ dàng. Chính những số liệu này đã khuyến khích các công ty miễn phí phí vận chuyển và hoàn hàng để giữ khách.Các nhóm môi trường vẫn thường xuyên cảnh báo rằng các lễ hội mua sắm trực tuyến đang khiến hành tinh chúng ta trả giá đắt. Bao bì đóng gói liên quan đến lượng khí thải CO2 lớn trong quá trình sản xuất nhựa và tràn ngập các bãi chôn lấp. Nhóm bảo tồn rừng Canopy ước tính 3 tỉ cây bị khai thác hằng năm để sản xuất 241 triệu tấn thùng carton.Trong số 86 triệu tấn bao bì nhựa được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm, chưa đến 14% được tái chế. Thương mại điện tử có lợi thế to lớn nhưng cũng có tác động môi trường to lớn. Trong vấn đề này, mặc dù các tập đoàn lớn luôn bị xem là bên chịu trách nhiệm chính, người tiêu dùng cũng không vô can.Do đó, nỗ lực để trở nên bền vững hơn của các công ty là không đủ mà người tiêu dùng cũng cần thay đổi. Theo một nghiên cứu năm 2023 thực hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ, 60% người mua hàng trực tuyến quan tâm đến vận chuyển không tạo ra phát thải carbon. Một tỉ lệ tương đương người được hỏi cho biết sẽ chọn ghép đơn với các đơn hàng trực tuyến và 56% người được khảo sát muốn bên bán đề xuất phương án giao hàng bền vững nhất. Luật giao hàng sạchTheo WEF, khi thương mại điện tử phát triển, các thành phố phải thích ứng và có các giải pháp đổi mới sáng tạo có tính bền vững để quản lý tác động của nó, giúp đô thị trở thành nơi tuyệt vời để sống và kinh doanh.Ở Mỹ, bang New York sắp tới đây có thể sẽ thông qua Đạo luật giao hàng sạch (Clean Deliveries Act). Theo đó, luật yêu cầu các kho hàng có diện tích từ 4.645m2 trở lên của các sàn thương mại điện tử phải có báo cáo đánh giá lượng khí thải. Chủ kho hàng phải giảm ô nhiễm bằng cách sử dụng xe điện và hạ tầng sạc điện, có hệ thống tấm năng lượng mặt trời và/hoặc pin và phải tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường cho các cộng đồng gần nơi có nhà kho. Chủ kho phải báo cáo đầy đủ về lưu lượng xe tải ra vào và có các biện pháp giảm thiểu khí thải.Nghiên cứu cho thấy cải tiến công nghệ kho bãi có thể giảm thời gian xếp dỡ trung bình xuống 23%, đồng thời giảm 12 tấn phát thải CO2 mỗi năm từ việc xe đỡ phải chạy vòng vòng và hoặc chạy không tải trong lúc chờ xếp dỡ hàng. Trong tương lai, nếu các công ty không chủ động thay thế đội xe tải chở hàng thành xe điện, các bang ở Mỹ có thể đưa ra tiêu chuẩn động cơ cao hơn để buộc xe tải diesel phải "sạch hơn". Tháng 10 vừa qua, Amazon tuyên bố hoàn thành cam kết loại bỏ hoàn toàn "gối khí" (air pillow) - các gói nilon chống sốc đệm bên trong gói hàng tại các trung tâm xử lý đơn hàng của hãng ở thị trường Bắc Mỹ. Đây là một sự thay đổi đáng hoan nghênh của Amazon sau nhiều năm bị các nhóm môi trường chỉ trích vì góp phần tạo ra tình trạng ô nhiễm rác nhựa tràn lan ngoài đại dương. Các gối khí này làm bằng màng nhựa, được đánh giá là thứ ô nhiễm nhựa "chết chóc nhất" đối với động vật ở đại dương. Trước đó, năm 2022, công ty đã thay các gói nilon chống sốc và túi giao hàng dùng một lần bằng giấy và bìa cứng ở châu Âu và bỏ bao bì màng nhựa tại Ấn Độ năm 2020. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Thương mại điện tửGiao hàngMua sắm trực tuyếnLượng khí thải carbonTác động môi trường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".