"Chừng nào bạn còn tò mò, tuổi tác chẳng có ý nghĩa gì"

LÊ QUANG 07/05/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Jochen Dieckmann sinh năm 1959, sống nửa cuộc đời với công việc sau tay lái xe tải để chu du thiên hạ, nửa kia trong lĩnh vực báo chí và quan hệ công chúng. Anh vừa chào độc giả Việt Nam với Nước Đức từ Z về A - cuốn sách của một người Đức nhìn về chính đất nước mình.

Jochen Dieckmann

 

Anh đã viết một vài cuốn sách, nhưng có lẽ lần đầu tiên anh đang cầm một tác phẩm của chính mình mà anh không hiểu một từ nào. Anh đang nghĩ gì vậy?

Chắc anh ám chỉ hai cuốn sách đầu tiên của tôi, tôi rất tiếc vì chúng không được dịch sang các ngôn ngữ khác. Bởi tôi chắc rằng sẽ có những người ở các quốc gia khác quan tâm đến chúng. Bây giờ tôi đang cầm trên tay một cuốn sách mà tôi không hiểu một chữ nào ngoài tên tôi trên bìa. Có hai cách để thay đổi tình trạng này: hoặc cuốn sách sẽ thành công đến mức nó sẽ được dịch sang một thứ tiếng mà tôi cũng nói được, hoặc tôi phải học tiếng Việt, hoặc cả hai. Tôi vẫn chưa ngã ngũ.

Anh đã chu du thế giới và chép lại các trải nghiệm dọc đường, nhưng Việt Nam cho đến bây giờ chưa lọt vào danh sách...

Tôi học được cả thảy hai nghề: Tôi lái xe tải đường dài trong nửa cuộc đời làm việc của mình và luôn đi những quãng đường xa nhất có thể. Từ Morocco đến Scandinavia, từ Scotland đến Ankara, từ Kiev đến Sicily. Trong những năm còn lại, tôi đã làm việc với tư cách là một nhà báo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến một thời điểm nào đó, tôi thấy sẽ có lý khi kết hợp hai mảng này, và tôi viết một cuốn sách về những năm tháng trên đường. Tôi đã viết nó như một cuốn nhật ký: Hãy leo lên xe và trải nghiệm châu Âu từ vô lăng xe tải. Tựa cuốn sách là Cuối tháng mới được ngủ.

Vào thời điểm đó, không có điều khoản nào trong luật giao thông mà tôi không thỉnh thoảng vi phạm. Hôm nay, nếu còn cầm lái, tôi sẽ không làm điều đó nữa, hiện tại ở châu Âu có một tư duy về an ninh lớn hơn nhiều. Nhưng 30 năm trước mọi người đều lái xe quá lâu, quá nhanh, quá trọng tải và vân vân. Thật không may, ngày nay không còn có các chuyến xe tải đường dài với mức lương Tây Âu mà chỉ có mức lương thấp hơn nhiều, như ta thường thấy ở Belarus và Ukraine.

Ngoài ra, quãng đường đã không còn đủ xa với tôi, tôi muốn lái xe xa hơn nữa. Trong nhiều năm, tôi luôn bị ám ảnh bởi ý định muốn lái xe từ Đức đến Trung Quốc bằng ôtô để thăm thú Con đường tơ lụa ngày xưa. Tôi đã đến Trung Quốc vài lần trước đây, muốn tự mình lái xe đến đó và đã biến giấc mơ này thành hiện thực vào năm 2019. Sau 7.000km qua Trung Quốc với chiếc xe cắm trại 28 tuổi đời, tôi còn vượt sang Lào và Campuchia. Ở đó, tôi tặng lại chiếc xe cho một tổ chức phi chính phủ chuyên tổ chức các trường học và chăm sóc trẻ em cực nghèo. Tôi đã định sang tiếp Việt Nam trong chuyến đi ấy, thậm chí đã nộp đơn xin và được cấp thị thực nhập cảnh, nhưng sau đó tôi mới phát hiện ra rằng rất tiếc là không thể vào Việt Nam bằng ôtô riêng và thế là hành trình bị chấm dứt ở đó.

Tôi đã viết cuốn sách thứ hai về chuyến đi này: Viễn Đông trên làn đường vượt. Thật không may, đó là một thất bại vì nó được phát hành vào ngày 1-4-2020. Vài ngày trước đó, nước Đức phát lệnh phong tỏa để chống dịch Corona, bao gồm cả việc đóng cửa tất cả các hiệu sách. Trong thế giới xuất bản có một quy luật tính nhẩm: Nếu một cuốn sách không bán được trong 6 tháng đầu tiên, nó sẽ rơi vào thùng rác, không may là các hiệu sách đã bị đóng cửa đúng 6 tháng. Nhưng điều đó không có gì là bi kịch, tôi đã có chuyến đi tuyệt vời, tôi biết cuốn sách rất thú vị và tôi khỏe mạnh quay về nhà, đó mới là điều quan trọng nhất.

Khác với Nước Đức từ A đến Z do một người Việt viết, cuốn Nước Đức từ Z về A do một người Đức kể ra. Và một người như vậy thường nhìn thấy ở đất nước của mình nhiều hơn một khách du lịch “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng đôi khi ít hơn bởi họ bỏ lỡ một số điều mà chỉ người ngoài cuộc mới thấy giá trị. Tôi đoán thế có đúng không?

Quả thực tôi thấy miêu tả một đất nước xa lạ dễ dàng hơn đất nước mình. Mặc dù điều này luôn tiềm ẩn rủi ro rằng bạn không biết tất tật về đất nước đó, nhưng mặt khác, một số khía cạnh sẽ đáng chú ý hơn nhiều khi chúng xa lạ trong mắt bạn. Tôi tin rằng tôi chỉ có thể nhìn thấy nước Đức rõ hơn kể từ khi tôi ở các quốc gia khác trong một thời gian dài. Nó cũng là một phần của kỹ năng nghề nghiệp nhà báo để hình dung những gì có thể khiến người đối diện quan tâm. Một điều kiện tiên quyết khác để báo cáo về một quốc gia là kiến thức về quốc gia mà báo cáo này sau đó được xuất bản. Về mặt này tôi chỉ có thể viện dẫn chút kiến thức nửa vời của mình, qua tiếp xúc với các bạn Việt Nam ở Đức, và những hiểu biết của tôi về mấy nước láng giềng.

Khi bạn nghĩ về đất nước quê hương, chắc chắn những khía cạnh ít hay ho hơn cũng sẽ được đề cập. Người châu Á thường có sự ức chế nhất định về mặt tinh thần trong vấn đề này, họ không muốn phô ra các mặt xấu xa. Người Đức có thế không?

Ở đây có một sự khác biệt rõ ràng. Một số người Đức lại lấy làm khoái trá khi nói xấu đất nước mình. Có người không ưa cái này, người khác ghét cái kia, nhưng điều quan trọng nhất là họ rất khoái khi có dịp than vãn, mắng mỏ và phàn nàn. Nhưng điều này cũng có nghĩa là mọi người thường thậm chí không nhận thức được họ đang sống tốt ra sao, họ có những điều tích cực nào trong cuộc sống và đất nước của họ. Bạn chỉ có thể học cách trân trọng một số thứ khi bạn không có hoặc không còn chúng nữa. Một ví dụ: Nếu bạn phải gõ cửa quan để nộp đơn xin xỏ gì đó, điều đó thật khó chịu. Có lẽ trên thế giới ở đâu cũng thế. Ở Đức, bạn thường phải chấp nhận chờ đợi, quan chức kém thân thiện, ngôn ngữ khó hiểu, đôi khi bạn phải đấu tranh để giành được quyền của mình. Nhưng đồng thời, kết quả luôn là một điều gì đó rất tích cực mà nhiều người Đức thậm chí không nhận thức được: họ có cơ hội để khiếu nại bất kỳ quyết định nào từ cơ quan chức trách. Và nếu đơn khiếu nại bị bác, bạn có thể kiện ra tòa, thậm chí qua nhiều cấp. Nếu bạn có lý, bạn sẽ nhận được lẽ phải vào một lúc nào đó - sự an toàn pháp lý này là một tài sản quý giá mà người Đức thường không ngộ ra.

Cái hay nhất của nước Đức có lẽ là sự đa dạng của phong cảnh trong một không gian tương đối nhỏ. Nhưng hầu như không người Đức nào đưa ra câu trả lời này nếu bạn hỏi họ về ý kiến của họ về nước Đức. Điều đầu tiên mọi người thường nghĩ đến là chính trị, hoặc có thể là bóng đá và thời tiết.

Bìa sách

 

Anh đã trải nghiệm trọn vẹn các xáo động trước khi nước Đức tái thống nhất và cả sau khi thống nhất ở Đông và Tây Đức. Điều gì đã thay đổi đáng kể?

Tôi thuộc về một số ít người Tây Đức thường xuyên đến Đông Đức trước năm 1989. Tôi thấy điều đó rất thú vị, và cũng chính vì thế mà tôi có thể quan sát chính xác người dân của hai quốc gia này ít nhiệt tình đến với nhau sau năm 1989 ra sao. Tất cả đã và đang là con đường một chiều, cá lớn nuốt cá bé. Ngoài mũi tên màu xanh lá cây khi rẽ phải, không có gì được áp dụng từ Đông Đức cũ trong nước Đức mới. Cho đến ngày nay, nhiều người Đông Đức đã di cư sang phương Tây hoặc làm việc ở phương Tây từ thứ hai đến thứ sáu và chỉ ở nhà vào cuối tuần. Hồi 1989, cựu thủ tướng Đức Willy Brandt đã nói: “Những gì thuộc về nhau, bây giờ sẽ hội tụ lại với nhau”. 

Hơn 30 năm sau, quá trình này còn lâu mới kết thúc. Trước năm 1989, công dân Đông Đức biết nhiều về cuộc sống hàng ngày ở Tây Đức hơn là ngược lại. Người Tây Đức chỉ đơn giản là không quan tâm, điều đó nằm ngoài nhận thức của họ. Mặt khác, không ít người Đông Đức thường có hình dung sai về phương Tây, họ tưởng bên kia biên giới là tiền nằm ngoài phố, chỉ cần cúi xuống nhặt. Hồi đó ở Đông Đức, khi tôi muốn làm giảm bớt những kỳ vọng này đi một chút, tôi phải nghe lời trách cứ: “Anh đừng tước bỏ ước mơ của chúng tôi”. Vào thời điểm đó họ mù tịt, và ngày nay nhìn lại thì tiếc rằng họ thường thiếu khả năng tự phê. Đây là một trong những lý do cho sự trỗi dậy của các chính đảng thiên hữu.

Có một điều phổ biến ở Đức, cả Đông lẫn Tây: họ thường coi Đức và châu Âu là cái rốn của vũ trụ và quá ít quan tâm đến những gì đang xảy ra ở các nước khác trên thế giới. Ở Đức, sự khác biệt về tâm lý ở một quốc gia từng bị chia cắt có thể nhận thấy không chỉ ở người Đức mà còn ở người Việt Nam sống ở Đức. Cộng đồng người Việt Nam tại Đức bị chia rẽ sâu sắc thành hai phe. Nhiều người miền Nam sống ở khu vực xung quanh Frankfurt, và nhiều người từ miền Bắc ở Berlin. Thường thì những nhóm này không ưa nhau, ngay cả giữa những người thuộc thế hệ sinh ra ở Đức. Có lẽ người Đức và người Việt Nam có thể và nên học hỏi thêm nhiều điều từ nhau.

Người Việt Nam có câu “Lá rụng về cội” - khi sức trẻ và năng lượng giảm sút, ngay cả một người ưa chu du thiên hạ cũng muốn quay về cố hương. Xét cho thực tế, đâu là nơi anh muốn sống khi về hưu?

Tôi mới biết trước đây vài tuần rằng đơn xin lương hưu của tôi đã được chấp thuận. Ở Đức, đàn ông phải làm việc cho đến năm 67 tuổi, nhưng vì lý do sức khỏe nên tôi có thể nghỉ ngơi sớm hơn một chút. Tôi phải làm quen với tình cảnh này đã, thành thật mà nói, tôi vẫn chưa biết cuộc sống tương lai của mình sẽ diễn ra như thế nào. Tôi không coi đó là một vấn đề, mà là một thách thức vui vẻ. Tôi muốn phản biện lại thành ngữ trên của người Việt bằng một câu nói của diễn viên Burt Lancaster: “Chừng nào bạn còn tò mò, tuổi tác chẳng có ý nghĩa gì”. Tôi vẫn chưa biết sau này tôi muốn nghỉ hưu ở đâu, bởi vì tôi không hề nghĩ gì về chuyện đó. Bây giờ tôi mong muốn được khám phá Việt Nam một chút đã.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận