Chương mới nào cho Uzbekistan?

DUY VĂN 15/09/2016 00:09 GMT+7

TTCT - “Uzbekistan mở ra một chương mới trong lịch sử đất nước…”, “…Một tổn thất lớn lao cho nhân dân Uzbekistan…”. Những trích đoạn này trong các bức điện chia buồn tương ứng của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin phần nào nói lên vai trò tranh cãi của cố tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, vừa qua đời ngày 2-9.

Ông Islam Karimov đã duy trì được một đất nước Uzbekistan ổn định -Washington Post
Ông Islam Karimov đã duy trì được một đất nước Uzbekistan ổn định -Washington Post


Đánh giá của truyền thông hai phía cũng trái ngược như thế, từ “một nhà độc tài kinh điển” (trên Sky.com), hay “cơn ác mộng ở Tashkent” (của The Times) đến “chúng ta đã mất ông” (Gazeta.ru).

Không chỉ vì Karimov là một trong những nhà lãnh đạo cuối cùng thời Xô viết (ông Karimov nắm quyền Uzbekistan suốt 27 năm, từ thời Uzbekistan còn là một nước cộng hòa Xô viết), mà còn vì vị trí địa chính trị quan trọng của đất nước Hồi giáo này: Uzbekistan có 31 triệu dân, lớn nhất trong 5 nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, có biên giới với 4 nước còn lại (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan) và cả với Afghanistan ở phía nam.

Chính vì cùng nỗi lo Taliban ở Afghanistan mà ông Karimov đã chấp nhận yêu cầu của tổng thống George W. Bush cho Hoa Kỳ sử dụng căn cứ không quân Karshi-Khanabad trong cuộc chiến của Mỹ ở đây từ năm 2001.

Độc lập hay cô lập?

Quan hệ Hoa Kỳ - Uzbekistan tiếp tục ấm áp vài năm sau đó. Washington viện trợ 500 triệu USD chỉ trong năm 2004 cho chính quyền Karimov, bất chấp những cáo buộc về tình trạng thiếu dân chủ ở Tashkent.

Nhưng đến năm 2005, khi ông Karimov dùng bạo lực giải quyết vụ “gây rối” ở Adjani khiến 187 người thiệt mạng, theo con số chính thức - một vụ việc phức tạp - bạo loạn bùng phát do những người nổi dậy tấn công nhà tù ở Adjani hòng giải thoát các doanh nhân và những người ủng hộ nhà đối lập Hồi giáo Akram Yuldashev, mà Tashkent gọi là những kẻ Hồi giáo cực đoan, trong khi phương Tây coi là “phe đối lập”, giống kiểu các cuộc cách mạng màu đang diễn ra ở Ukraine, Kyrgyzstan và Gruzia khi đó.

Mâu thuẫn gia tăng và Hoa Kỳ bị yêu cầu rời căn cứ Karshi-Khanabad, các tổ chức phi chính phủ bị đóng cửa. Nhưng Mỹ vẫn phải ve vãn Tashkent bởi đến năm 2014, Uzbekistan vẫn còn là điểm trung chuyển quân đội và vũ khí của Mỹ sang Afghanistan.

Trong cả hai chuyến thăm của các bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton (2011) và John Kerry (2015), họ cũng đã không nhắc gì tới “dân chủ, nhân quyền” ở Uzbekistan.

Với Nga, ông Karimov cũng là một đối tác phức tạp không kém. Một số nhà bình luận Nga cho rằng Uzbekistan “tự cô lập” trước nỗ lực của Matxcơva hình thành một liên minh an ninh ở Trung Á.

Bất đồng lớn nhất giữa Matxcơva và Tashkent là chính sách đối với Afghanistan. Ông Putin chủ trương một vai trò lớn hơn cho Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Afghanistan, còn ông Karimov cho rằng SCO không nên dính dáng vào Afghanistan mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề kinh tế.

Năm 2012, Uzbekistan lần thứ hai rút khỏi khối quân sự do Nga đứng đầu - Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và đến trước khi qua đời, ông Karimov vẫn chưa tỏ ý muốn quay trở lại (Uzbekistan từng là thành viên sáng lập CSTO năm 1992, rút lui lần thứ nhất năm 1998, trở lại năm 2006, rồi lại rời CSTO 6 năm sau).

Thế nhưng, như đa số báo Nga thừa nhận, ông Karimov dẫu sao vẫn là một “người cũ” của thời Liên Xô, ít nhiều họ gắn bó với nước Nga, trong khi thế hệ lãnh đạo kế cận “sẽ không có được mối liên hệ văn hóa, tinh thần này”.

Trong suốt gần ba thập niên nắm quyền, ông Karimov thực hiện chính sách pha trộn giữa chủ nghĩa Hồi giáo, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy; về đối ngoại là chính sách “đa vectơ”, theo politrussia.com, lợi dụng mâu thuẫn Nga - Mỹ. Khi thì ông mở cửa căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ, nhưng lúc cần sự ủng hộ của Nga thì đóng cửa căn cứ; khi thì ông gia nhập các liên minh kinh tế (Cộng đồng kinh tế Á - Âu), an ninh do Nga chủ xướng, nhưng khi lại rút ra...

Một thực tế là dưới sự lãnh đạo của ông Karimov, GDP của Uzbekistan đã tăng gấp 5 lần: 66,7 tỉ USD năm 2015 so với 13,7 tỉ USD năm 1991, khi vừa độc lập.

Dân số cũng đã tăng 1,53 lần, điều hiếm có ở các nước Liên Xô cũ, kể từ năm 1992, với người Nga đông thứ ba, chiếm 2,7% dân số, tương đương 1,2 triệu người (người Uzbek: 82,9%, người Tajik: 4,8%). So với một số nước cộng hòa Xô viết cũ đã trải qua “cách mạng màu” như Ukraine, Gruzia..., ông Karimov đã duy trì được một quốc gia Hồi giáo Uzbekistan thế tục và bình ổn.

Ông ra đi đúng vào lúc tình hình khu vực đang chuyển biến mạnh mẽ với sự nổi lên của Trung Quốc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Trung Á.

Bài bình luận trên Gazeta.ru ngày 30-8, ngay sau khi tin ông Karimov bị đột quỵ, thừa nhận: “Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ đã tăng, theo IMF, từ 1,8 tỉ USD năm 2000 lên 50 tỉ USD năm 2013.

Và nhiều năm qua đã vượt kim ngạch thương mại với Nga. Đầu tư của Trung Quốc vào các nước này cũng tăng hơn 10 lần so với đầu tư của Nga”, và kết luận “nếu các nước Trung Á này tránh được cảnh bất ổn thì họ, nhiều khả năng, cũng sẽ rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Gánh nặng kế nhiệm

Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi ông Karimov qua đời mà Uzbekistan vẫn chưa rõ người kế nhiệm, đặt nước này vào một số nguy cơ.

Thứ nhất là khả năng xảy ra cuộc thanh trừng giành giật quyền kiểm soát đất nước giữa các dòng tộc. Dưới thời ông Karimov, một sự dàn xếp được tất cả các bên chấp nhận được bảo đảm, nhưng giờ ông đã qua đời, điều đó không còn chắc chắn.

Hiện Uzbekistan có bảy dòng tộc đang điều hành đất nước nhưng ba năm gần đây, giữa hai dòng tộc lớn là Samarkand và Fergana bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, theo RIA Novosti.

Thứ hai là sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan xoay quanh hạt nhân Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, vốn từ thập niên 1990 đã có liên hệ với Afghanistan.

Phong trào này từng thất bại ở Uzbekistan, nhưng không biến mất mà vẫn hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan. Một số tay súng còn gia nhập Taliban hay IS. Trong chân không quyền lực, họ có thể sẽ lăm le trở lại.

Thứ ba là một nguy cơ lâu đời với những quốc gia vừa và nhỏ ở các vị trí chiến lược: trở thành cuộc chiến địa chính trị giữa các nước lớn Mỹ, Nga và Trung Quốc. Washington quan tâm tới Uzbekistan với vai trò địa bàn chiến lược ở Trung Á.

Bắc Kinh coi Uzbekistan là mắt xích trọng yếu trong dự án “Con đường tơ lụa” mới. Với Nga, chuyên gia chính trị Sergey Mikheyev cho biết Uzbekistan là nước có quân đội mạnh nhất ở Trung Á, bởi một số lý do khách quan: thời chiến tranh Afghanistan, Uzbekistan là nơi các binh đoàn Xô viết đồn trú, là hành lang vận chuyển quân đội, khí tài.

Khi Liên Xô rút quân vẫn còn để lại những sân bay, trung tâm huấn luyện binh sĩ, các cơ sở quân sự lớn. Với mật độ dân số dày đặc hơn, dễ thấy một bất ổn dù nhỏ ở Uzbekistan có thể đánh động cả vùng Trung Á, vốn vẫn là khu vực ảnh hưởng nền tảng của Nga.

Đến nay, một số nhân vật có khả năng thay thế ông Karimov đã được “điểm danh”: giám đốc Cơ quan an ninh Uzbekistan Rustam Inoyatov, Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev và Phó thủ tướng Rustam Azimov. Inoyatov từng là một cựu sĩ quan KGB hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao ở Afghanistan, sau đó lãnh đạo an ninh Uzbekistan từ năm 1995 đến nay.

Mirziyoyev, cùng dòng tộc Samarkand với ông Karimov, được cho là người có kinh nghiệm điều hành do đã làm thủ tướng từ năm 2003. Việc ông Mirziyoyev lên nắm quyền có thể bảo đảm ít xáo trộn nhất và là sự kế tục phần nào đường lối của ông Karimov, và theo Sputnik, ông Mirziyoyev là người ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Matxcơva.

Phó thủ tướng Azimov thuộc dòng tộc uy tín Tashkent, tốt nghiệp thạc sĩ Oxford và là một trong những chuyên gia tài chính, kinh tế cao cấp của Uzbekistan, có quan hệ rộng rãi với các tổ chức và định chế quốc tế, được đánh giá là “thân phương Tây”. ■

Vốn là kỹ sư cơ khí, Islam Karimov bắt đầu sự nghiệp chính trị ở Ủy ban Kế hoạch nhà nước Uzbekistan năm 1966. Sau 20 năm, ông trở thành chủ tịch ủy ban này, kiêm phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Cộng hòa Xô viết Uzbekistan.

Vào thời điểm đó, so với toàn Liên Xô, GDP và thu nhập bình quân đầu người của Uzbekistan gần như thấp nhất. Karimov trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Uzbekistan năm 1989. Trong báo cáo tại Đại hội đảng lần thứ 22, ông tuyên bố để giải quyết những vấn đề của đất nước, Uzbekistan cần độc lập kinh tế và củng cố chủ quyền quốc gia.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông Karimov tiếp tục con đường công nghiệp hóa nền kinh tế, chấm dứt nhiều chương trình phúc lợi xã hội. Ngay từ năm 1993, vào lúc các cộng hòa độc lập khác đang mải chia sẻ những di sản kinh tế Liên Xô, ông Karimov đã ký thỏa thuận với các nhà sản xuất xe hơi Hàn Quốc.

Năm 1996, Nhà máy Asaka xuất xưởng những chiếc xe đầu tiên. Đầu tư nước ngoài vào Uzbekistan, nếu so với láng giềng Kazakhstan, còn khá khiêm tốn, nhưng ở Uzbekistan cũng đã nhanh chóng xuất hiện các tên tuổi tư bản hàng đầu thế giới như GM, Texaco, MAN, Isuzu, Mitsubishi, LG, Samsung, CNJPC...

Dưới thời Karimov, tiếng Nga được sử dụng ít dần ở Uzbekistan, các cán bộ Liên Xô cũ dần bị thay thế một cách êm thắm bằng đội ngũ địa phương.

Không có những khẩu hiệu chống đối hay bài Nga ở cấp độ quốc gia, nhưng giai đoạn Uzbekistan thuộc Liên Xô không được đánh giá tích cực, và các đội du kích basmachi hoạt động vào thập niên 1920 chống chính quyền Cách mạng Tháng Mười Nga được tuyên bố là “phong trào giải phóng dân tộc”.

Cũng dưới thời Karimov, Uzbekistan dù có 90% dân theo Hồi giáo vẫn tiếp tục được lãnh đạo theo tinh thần thế tục, thông qua sự ủng hộ của những dòng tộc lớn nhất đất nước. (Nguồn: Lenta, RBK)

Ông Karimov kết hôn với người vợ đầu Natalya Petrovna Kuchmi năm 1964 và có một con trai (Petr) trước khi ly dị. Vợ sau của ông là Tatyana Akbarovna Karimova, ông cưới bà năm 1967. Bà là một người Tajik gốc Nga. Họ có hai con gái.

Theo truyền thống Hồi giáo, những người con gái này khó có thể kế thừa ông. Con gái lớn của ông Karimov, Gulnara Karimova, từng là đại sứ Uzbekistan ở Tây Ban Nha, năm 2013 bị điều tra do sai phạm tài chính ở 10 nước và đang bị quản thúc tại gia ở London.

Con gái út của ông, Lola Karimova-Tillyaeva, hiện đang là đại diện thường trực của Uzbekistan tại UNESCO. Bà tuyên bố không quan tâm chính trị. Theo một sửa đổi năm 2010 trong Hiến pháp Uzbekistan, quyền tổng thống hiện nay là Chủ tịch Thượng viện Nigmatilla Yuldashev, người phải tổ chức bầu cử trong vòng ba tháng.

Tuy nhiên, theo truyền thống Xô viết, người kế nhiệm một nguyên thủ vừa qua đời thường là trưởng ban tang lễ, và ở Uzbekistan, trưởng ban tang lễ của Tổng thống Islam Karimov là Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận