Chuyến đi đáng nhớ của giáo sư Carl

LAN ANH 27/01/2013 04:01 GMT+7

TTCT - Ở tuổi 73, giáo sư của Đại học Colorado (Mỹ) Carl Edwin Bartecchi đã một mình áp tải 42,8 tấn thiết bị y tế gồm nhiều máy thở, máy siêu âm, giường bệnh nhân, máy đo huyết áp treo tường, ghế cấp cứu… trị giá 1 triệu USD đến Việt Nam.

Máy siêu âm do đích thân GS Carl áp tải từ Mỹ đang được sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Quang Thế

Toàn bộ số thiết bị này được chuyên chở trên một máy bay Boeing 747-400 từ Mỹ, do đích thân giáo sư (GS) Carl áp tải.

Hành trình trải nghiệm

Chỉ một ngày sau khi những thiết bị y tế vừa chuyển đến được sắp xếp yên vị trong các phòng bệnh nhân và khu điều trị, ngay chiều tối 17-10-2012, GS Carl đã rời Việt Nam. Chiếc máy bay rất dài hai tầng với hai viên phi công đã rời đi hai ngày trước đó, vị giáo sư già về Mỹ bằng chuyến bay thương mại. Nhưng ông chỉ tạm biệt Việt Nam hai tuần và đã quay lại vào đầu tháng 11, cùng với bảy bác sĩ nhi khoa ở Trung tâm Y tế Mayo Hoa Kỳ để đào tạo cho bác sĩ nhi khoa Việt Nam.

Không có vẻ gì là một người đã quá tuổi thất thập bởi vóc người rất mảnh và thẳng, dấu ấn của quá trình rèn luyện sức khỏe bền bỉ chỉ bằng cách đi bộ hằng ngày. GS Carl cho hay ông đến Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1966-1967, nhiệm vụ là nhân viên y tế trong đội cứu thương trên máy bay trực thăng. Trở về Mỹ, ký ức đau buồn những năm chiến tranh luôn thôi thúc ông trở lại mảnh đất này. Năm 1997, lần đầu tiên sau chiến tranh, GS Carl trở lại mảnh đất đầy những kỷ niệm trai trẻ.

“Tôi đã đi khắp TP.HCM, Huế rồi Hà Nội. May mắn và cơ duyên đã giúp tôi gặp gỡ một người tuyệt vời là GS Vũ Văn Đính (người sáng lập khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai - PV). Chúng tôi đã có một tình bạn thắm thiết và từ đó đến nay, tôi đã đến Việt Nam đều đặn hai lần/năm để giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ trẻ” - GS Carl chia sẻ.

15 năm với hơn 30 chuyến đi đều đặn, nhưng chuyến đi tới Việt Nam tháng 10-2012 để áp tải hơn 42 tấn thiết bị y tế là chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời của GS Carl. “Lần đầu tiên tôi có một trải nghiệm đáng nhớ, ngoài hai phi công, tôi là hành khách duy nhất trên chiếc máy bay rất dài, hai tầng, không âm nhạc, không phim. Tôi ngồi sau hai phi công để ngắm những khung trời nối tiếp lúc nào cũng rất xanh” - GS Carl kể về trải nghiệm đáng nhớ của mình.

Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, số thiết bị y tế do GS Carl chuyển đến lần này đã được chở trên 26 xe container từ sân bay về Bạch Mai. Điều đặc biệt, theo PGS Khoa, là những người đóng gói số thiết bị đã làm việc tuyệt vời, không có bất kỳ thiết bị nào bị móp méo sau chặng đường dài. “Cả sân bệnh viện chúng tôi chật kín, phải hết nguyên một đêm số thiết bị này mới được sắp xếp xong về các khoa phòng” - ông Khoa nói.

Và điều đặc biệt hơn, theo ông Khoa, là ngoài hiệu quả tuyệt vời trong chăm sóc người bệnh, số thiết bị này còn giúp người bệnh có cảm giác không lo lắng về bệnh tật do hình thức thiết kế thiết bị rất hiện đại và tiện nghi, Việt Nam hầu như chưa có loại thiết bị tương tự. “Thử tưởng tượng xem một người bệnh ngồi truyền dịch trên ghế sôpha, trước mặt là tivi, họ sẽ thoải mái hơn nhiều” - PGS Khoa nói.

GS Carl Edwin Bartecchi (giữa) cùng hai bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và thiết bị y tế vừa chuyển đến bệnh viện - Ảnh: Thế Anh

Đam mê làm việc tốt

Để có lô thiết bị này, GS Carl đã chờ nhiều năm, khi một bệnh viện ở Mỹ xây mới và đã tặng lại toàn bộ thiết bị bên trong của cơ sở hiện hành cho ông chuyển đến Việt Nam. Có những thiết bị cũ, có thứ còn mới, nhưng tất cả đều còn rất tốt, kể cả về thẩm mỹ. Trước chuyến đi đáng nhớ này, GS Carl đã nhiều lần tặng thiết bị y tế cho Bạch Mai.

GS Vũ Văn Đính, người bạn Việt Nam của ông, nhớ lại: “Năm 1997, lúc ấy bệnh viện thiếu thốn đủ thứ, nhất là những trang thiết bị hiện đại. Gặp Carl và biết được thịnh tình của ông ấy, tôi đề xuất cần ngay một số máy thở, ông ấy về Mỹ đã tìm máy thở, đóng gói và chuyển bằng tàu thủy đến. Sau đấy, chúng tôi cần thêm một số máy thở, giường bệnh nhân, các thiết bị theo dõi…, ông đều đáp ứng”.

Tuy nhiên, đó là những lô hàng nhỏ, còn lô hàng 42,8 tấn lần này thì không dễ dàng. Vận chuyển đến Việt Nam thế nào là cả một bài toán khó giải, nhất là với một người lớn tuổi và chi phí vận chuyển, thuê máy bay đã mất khoảng 350.000 USD. GS Carl và những người bạn đã mất tròn một tháng để tìm sự hỗ trợ. “Tôi đã thuyết phục các đối tác rằng Việt Nam rất cần số thiết bị y tế này để phục vụ người dân, hãy giảm giá cho tôi, và quả thật chúng tôi đã được giảm giá rất nhiều” - ông cho biết.

“Đam mê của tôi là làm việc gì tốt cho người khác, khi có tuổi, mơ ước ấy càng lớn hơn. Khi đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ trẻ, tôi thấy họ tiếp thu rất tốt và đó là một sự khích lệ để tôi tiếp tục các chương trình mới” - GS Carl tâm sự.

Thật bất ngờ trước nghĩa cử của ông bởi ở Mỹ, ngoài vị trí giáo sư của Đại học Colorado, ông còn đang làm việc ở vị trí bác sĩ của một bệnh viện và tham gia khám bệnh tình nguyện tại một phòng khám cho người nhập cư và vô gia cư ở California. Gặp vị giáo sư năng nổ này, ít ai nghĩ rằng ông đã qua tuổi 70 khi luôn đi đây đó làm việc không ngừng.

GS Carl (phải) cùng đồng nghiệp bên thiết bị y tế mới được ông áp tải đến Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Thế Anh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận