Chuyển đổi số trong y tế: Tuy xa mà gần

THANH HÀ 15/03/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Những lợi ích của chuyển đổi số trong y tế là rõ ràng và lớn lao, nhưng cần một cú hích lớn hơn nữa để thực sự trở thành một tiến trình có định hướng và dung nạp cho tất cả.

Giữa tháng 3-2020, khi đang lái xe, anh T.V.C, 32 tuổi, ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, bỗng nhiên thấy đau ngực, khó thở nghiêm trọng. 

Ảnh: Workday Blog

Anh được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả với chẩn đoán tràn khí màng phổi phải, rồi được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nơi anh được phẫu thuật và cho xuất viện.

Nhưng hai ngày sau khi ra viện, người bệnh đột ngột thấy khó thở trở lại và được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, phát hiện tràn khí khoang màng phổi phải, xẹp phổi phải thụ động, tràn khí dưới da. 

Thông thường với một ca bệnh khẩn cấp và phức tạp thế này, nếu tiếp tục chuyển người bệnh về các bệnh viện tuyến trên nữa ở Hà Nội, rủi ro sẽ là rất lớn.

Cuộc phẫu thuật thứ hai, do đó, phải được tiến hành ngay tại Quảng Ninh. Nhưng lần này có một khác biệt quyết định: ca phẫu thuật có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trực tiếp qua hệ thống y tế từ xa telemedicine để hỗ trợ các đồng nghiệp ở Quảng Ninh. 

Theo Bệnh viện Việt Đức, trực tiếp chỉ đạo cuộc phẫu thuật có PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, giám đốc Trung tâm tim mạch và lồng ngực; TS.BS Lưu Quang Thùy, phó giám đốc Trung tâm gây mê và hồi sức ngoại khoa; TS Lê Việt Khánh, phó trưởng Khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa.

Các bác sĩ ngồi ở Hà Nội đã góp phần quyết định vào việc cứu sống một bệnh nhân ở Quảng Ninh. Những trường hợp may mắn như của anh C. còn là hi hữu, nhưng nếu công cuộc chuyển đổi số được thực hiện triệt để ở các bệnh viện nói riêng và hệ thống y tế Việt Nam nói chung, hi vọng sẽ có ngày đó là chuyện bình thường.

Công nghệ telemedicine nhắc ở trên thực ra chỉ là một phần nhỏ của cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đang diễn ra. Hệ thống này không chỉ giúp bác sĩ hỗ trợ phẫu thuật từ xa, như trong trường hợp của anh C., mà còn được kỳ vọng là nền tảng dữ liệu, mạng lưới kết nối, và cả một hệ sinh thái bao trùm nền y tế. 

Từ đó, bác sĩ và bệnh viện có trong tay đầy đủ thông tin về bệnh sử, kết quả thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán chức năng, hình ảnh... của một bệnh nhân, các bệnh viện được kết nối với nhau và với người bệnh tốt hơn, thông tin giữa các bên trong hệ thống sẽ được luân chuyển dễ dàng.

Một khi kết nối đủ lớn, với một nền tảng dữ liệu đủ rộng, và tài nguyên chung được số hóa triệt để từ thiết bị, chuyên gia, thông tin... thì việc chẩn đoán hình ảnh, tư vấn khám bệnh, và hội chẩn, tất cả đều có thể cá nhân hóa. 

Chuyển đổi số y tế cũng không dừng lại ở chuyên môn y khoa. Nhờ chuyển đổi số, hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS - Hospital Information System) để quản trị nhân sự, hành chính, tài chính, theo dõi bệnh nhân nội, ngoại trú thông qua bệnh án điện tử, theo dõi sau điều trị, thậm chí là dữ liệu phục vụ nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ, tác dụng của thuốc, y tế cộng đồng... sẽ hiệu quả hơn nhiều, với những lợi ích lớn lao: giảm chi phí, kiểm soát địa bàn, giảm tải cho bệnh viện, hỗ trợ công tác y tế dự báo, dự phòng tối ưu...

Việt Nam là một nước mạnh dạn áp dụng và đã có nhiều nỗ lực trong công tác chẩn đoán và điều trị từ xa. Không phải ngẫu nhiên mà ca phẫu thuật với anh C. nói trên có sự tham gia của Bệnh viện Việt Đức. 

Từ giai đoạn 2003 - 2007, đây đã là bệnh viện trọng tâm trong dự án “Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức” của Bộ Y tế, lúc đó có mục đích cấp cứu người bệnh kịp thời, giảm bớt tình trạng quá tải ở tuyến trung ương.

Với sự phát triển của kết nối Internet ngày nay, việc truyền dẫn cáp quang để kết nối trực tiếp giữa thiết bị mổ nội soi hoặc camera quay từ phòng mổ của bệnh viện vệ tinh đến trung tâm đã là chuyện trong tầm tay.

Tất nhiên, như mọi vấn đề y tế khác, các tiêu chuẩn kỹ thuật là cực kỳ nghiêm ngặt. Những cuộc phẫu thuật từ xa kiểu này phải bảo đảm chất lượng đường truyền 100%, không cho phép có sai sót: đường truyền tốc độ cao, tiêu chuẩn dự phòng một - một (mọi thiết bị sử dụng đều có một thiết bị dự phòng)...

Vấn đề lớn hơn, tất nhiên, là xây dựng hệ thống dữ liệu và chuyển đổi số đồng bộ một cách có hệ thống. 

Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia 2020 diễn ra cuối tháng 12-2020 nêu ra một con số đáng suy ngẫm: hiện có trạm y tế xã phải theo dõi tới 78 quyển sổ khác nhau, xã ít nhất cũng trên 30 quyển, khiến mỗi ngày cán bộ y tế mất 75% thời gian để ghi chép, chỉ có 25% thời gian cho công việc chuyên môn.

Khảo sát thực tế của chúng tôi với cán bộ ở một trạm y tế xã tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn gần đây cho thấy họ phải dành nhiều thời gian ghi sổ và làm đủ kiểu báo cáo - về tiêm chủng, dinh dưỡng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm..., vì thế nhân sự trạm 7 người nhưng phải dành riêng một người chỉ để làm những công việc sổ sách.

Với khoảng 10.600 trạm y tế xã trên cả nước, sự lãng phí nguồn lực đó là khổng lồ, mà mọi chính sách chuyển đổi số sẽ không thể bỏ qua.

Then chốt ở đây, như với mọi vấn đề khác, vẫn là nguồn nhân lực. 

Thực tế hiện đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách y tế chủ yếu là tự đào tạo, nghề dạy nghề. Việc thu hút nhân sự giỏi về công nghệ cho ngành y tế là rất khó khăn, đặc biệt là ở các bệnh viện công lập. 

Chính sách về thúc đẩy chuyển đổi số trong y tế về cơ bản đã rộng mở, hạ tầng số hóa và “phổ cập công nghệ” ở Việt Nam cũng được đánh giá cao so với trình độ phát triển chung, cho nên nhân lực sẽ là vấn đề quyết định để đưa được sự tiện dụng công nghệ trong nhiều mặt đời sống hiện giờ vào lĩnh vực then chốt y tế.■

Cú hích… COVID

Dịch bệnh COVID-19, trong khi gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, cũng có những tác động tích cực ngoài mong đợi. 

Có thể coi đó như một cú hích, một cơ hội, để cả hệ thống y tế và các nhà cung cấp giải pháp công nghệ cùng đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số - khi sự thay đổi không còn là một lựa chọn nữa, mà là bắt buộc. 

Các ứng dụng nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa của các hãng viễn thông và công nghệ Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT phối hợp với Bộ Y tế cũng được nhìn nhận không chỉ là giải pháp cấp bách đối phó dịch bệnh, mà sẽ được triển khai lâu dài.

Một ví dụ, tháng 9-2020, nền tảng khám chữa bệnh từ xa của Viettel Telehealth chính thức khai trương, kết nối tới 1.000 điểm cầu trong cả nước.

 Một bệnh nhân bị cao huyết áp, tim mạch và tiểu đường mãn tính ở xã Quảng Trạch (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã không thể tin nổi khi được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực tiếp tư vấn qua nền tảng này. 

Đến nay Telehealth đã kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến trung ương, bao gồm 4 bệnh viện hạng đặc biệt.

Nền tảng V20

Mới đây nhất, cùng Mạng kết nối y tế Việt Nam và Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 đã được VNPT và Viettel phối hợp cùng Bộ Y tế chính thức đưa vào hoạt động. 

Là một bộ dữ liệu lớn áp dụng các công nghệ điện toán đám mây, V20 được trông đợi sẽ tối ưu hóa công việc của các cán bộ tại trạm y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời dữ liệu tại các trạm y tế sẽ được liên thông, hỗ trợ báo cáo thống kê chính xác, đồng nhất và nhanh chóng cho tất cả các cấp quản lý trong ngành y.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với kinh nghiệm nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định các doanh nghiệp công nghệ Việt “hoàn toàn có thể cung cấp hạ tầng cũng như các giải pháp, ứng dụng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của ngành y tế. Nhờ vậy mà chi phí đầu tư của các cơ sở y tế, các địa phương sẽ không hề tốn kém như nhiều ý kiến e ngại. Và càng triển khai với quy mô rộng, chi phí, giá thành sẽ càng giảm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận