Chuyện giới tính đi vào chính trị

NGUYỄN VŨ 10/05/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Số lượng trẻ tại Mỹ tự nhận là đồng tính, song tính hay chuyển giới tăng vọt trong 10 năm qua.

 Gia đình Jefrey Younger  (Ảnh: Daily Mail)

 Câu chuyện gia đình Jeffrey Younger là một minh họa rõ nét nhất cho cuộc xung đột văn hóa ở Mỹ liên quan đến vấn đề giới tính, đang ngày càng lan rộng và căng thẳng. 

Đứa con trai nay tròn 9 tuổi của họ bỗng muốn mặc quần áo nữ, để tóc dài, chơi búp bê. Bà vợ, là một bác sĩ nhi khoa, chiều theo ý con trong khi ông bố phản đối, bắt con mặc đồ con trai, cắt tóc ngắn, giữ nguyên tên khai sinh... Đỉnh điểm xung đột bùng nổ khi bà vợ dẫn con đến dịch vụ y khoa cho con sử dụng các liệu pháp chuyển giới như uống hormone để tăng nữ tính. Hai vợ chồng xung đột, ly hôn, kiện nhau ra tòa để giành quyền nuôi con - đồng nghĩa với ai có quyền quyết định tương lai là nam hay nữ của con mình.

Chuyển giới khi đã trưởng thành là chuyện khá bình thường vì đây là quyết định cá nhân, không ai can thiệp. Nhưng giả thử đứa con mới năm, bảy tuổi một hôm đòi chuyển từ con trai sang con gái hay ngược lại thì các gia đình phải ứng xử thế nào? Cha mẹ bất đồng ý kiến, vai trò phân xử của nhà nước ra sao? Hay giả thử cha mẹ muốn chuyển giới cho con, nhà nước có nên can thiệp hay không để ngăn ngừa khả năng trẻ em bị lạm dụng theo phong trào?

Sở dĩ nói “theo phong trào” là bởi số lượng trẻ tại Mỹ tự nhận là đồng tính, song tính hay chuyển giới tăng vọt trong 10 năm qua. Theo Gallup, đến 21% thế hệ Z (tức sinh từ năm 1997 đến 2003) tự nhận mình thuộc giới LGBT. Tỉ lệ này đối với thế hệ millennial (sinh từ năm 1981 đến 1996) là 10%; còn thế hệ X sinh trước đó chỉ là 3 - 4%.

Riêng với chuyện chuyển giới, từ thế hệ sinh ra trong thập niên 1950, 1960 đến thế hệ Z, số người chuyển giới tăng đến 20 lần, một mức tăng gây kinh ngạc.

 
 

 Có thể phân tích con số thống kê này theo nhiều cách và tùy theo từng góc nhìn, người ta sẽ có những phản ứng khác nhau. Rất có thể ngày nay có nhiều người tự nhận là đồng tính hay chuyển giới hơn trước vì xã hội cởi mở hơn, họ không còn lo sợ bị phân biệt đối xử như ngày xưa. Cũng có thể giới trẻ ngày nay muốn trải nghiệm, muốn khác thế hệ trước nên tự nhận mình thuộc giới LGBT, nhất là song tính nhưng khi trưởng thành lại quay về đúng với giới tính thật của họ. Cách nhìn thứ ba cho rằng bởi các thể chế xã hội như giáo dục, y khoa, mạng xã hội khuyến khích cộng đồng LGBT nên xác định lại giới tính của mình trở thành phong trào - giới trẻ không chỉ muốn thử nghiệm mà còn chịu áp lực của cộng đồng tự khai là LGBT cho hợp với xu hướng.

Điều đáng nói là giới cấp tiến thường có cách nhìn thứ nhất nên chủ trương cho trẻ biểu hiện giới tính mong muốn ngay từ lúc còn nhỏ, nếu gia đình không tạo môi trường thuận lợi thì nhà trường, thầy cô giáo phải hỗ trợ trẻ, kể cả áp dụng các liệu pháp y khoa. Ngược lại giới bảo thủ thường nhìn vấn đề theo cách thứ ba nên chủ trương nhà nước phải can thiệp, chấm dứt tác động của nhà trường, ra luật để bảo vệ trẻ theo cách nhìn của họ. Mọi chuyện cứ để trẻ trưởng thành rồi tự quyết định.

Từ đó chúng ta mới hiểu vì sao bang Florida thông qua sắc luật “Don’t Say Gay” (đừng nói đồng tính), cấm đem chuyện xu hướng tình dục hay bản sắc giới tính ra bàn hay dạy cho trẻ từ mẫu giáo đến lớp 3; các lớp lớn hơn thì hạn chế nếu nội dung đem ra bàn là không phù hợp với lứa tuổi. Từ đó chúng ta mới hiểu vì sao giới cấp tiến phản đối luật “Don’t Say Gay” dữ dội trong khi giới bảo thủ tìm cách thông qua các đạo luật tương tự ở các tiểu bang khác.

Quay trở lại gia đình Jeffrey Younger, câu chuyện xung đột quan điểm giữa chồng và vợ cuối cùng dẫn đến một sắc lệnh của thống đốc bang Texas, đòi điều tra các bố mẹ nào tìm cách điều trị y khoa cho con họ để chuyển giới. Sau đó đến lượt Idaho rồi Alabama thông qua luật kết tội hình sự bất kỳ ai cung cấp điều trị y khoa cho trẻ chuyển giới. Lập luận của các bang là cho trẻ sử dụng các liệu pháp y khoa để chuyển giới có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, đồng thời có thể gây ra những hậu quả không thể đảo ngược; chẳng hạn có thể gây loãng xương hay gây vô sinh nên sau này trẻ đổi ý cũng đã muộn.

Ngược lại, những người ủng hộ chuyện chuyển giới và các trung tâm y tế cung cấp dịch vụ cho rằng điều trị khẳng định giới tính cho trẻ, có thể bao gồm uống thuốc chặn quá trình dậy thì hay bổ sung hormone, có thể giúp trẻ cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm rủi ro tự tử. Hiện nay rõ ràng khoa học chưa lý giải hiện tượng tăng đột ngột số lượng người chuyển giới là do nguyên nhân nào trong ba cách nhìn nói trên nên không thể khẳng định ai đúng ai sai. Chỉ có điều trẻ em là lứa tuổi còn quá nhỏ, không thể tự quyết định nên cần được bảo vệ khỏi các sự can thiệp mang tính nguy hại cho sức khỏe.

Bà vợ gia đình Younger cuối cùng được tòa trao quyền nuôi con, kể cả quyền quyết định kiểu tóc cho con nhưng không được cung cấp cho con các loại thuốc ngăn dậy thì, hormone hay phẫu thuật nếu không có lệnh của tòa án. Ông chồng vẫn tiếp tục lên tiếng phản đối ở các diễn đàn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận