TTCT - John Barnett từng làm việc với vai trò chốt chặn cuối cùng về an toàn cho Boeing trong hơn ba thập kỷ, và rồi quyết định không bao giờ bước chân lên cái máy bay nào nữa. Barnett vẫn còn giữ thẻ nhân viên khi còn làm cho Boeing.John Barnett là "người tố giác" mạnh mẽ các vấn đề của Boeing, rồi mất bất ngờ giữa cơn khủng hoảng của nhà sản xuất máy bay này. Barnett (1962-2024) đã làm việc cho Boeing 32 năm, trước khi về hưu năm 2017. Trong 7 năm cuối sự nghiệp, ông giữ vị trí giám đốc kiểm soát chất lượng tại nhà máy của hãng ở North Charleston, bang South Carolina, phụ trách dòng 787 Dreamliner. Dù lên chức, đó cũng là khởi đầu cho kết cục buồn của một kỹ sư hết lòng yêu Boeing, để rồi thất vọng tột cùng khi đó không còn là Boeing như ông từng biết.Ngày 9-3-2024, Barnett được phát hiện đã chết trong một chiếc xe đậu bên ngoài một khách sạn ở Charleston. Nguyên nhân tử vong là "vết thương tự gây ra bằng súng", theo giới chức địa phương.Trong một phỏng vấn mới hồi tháng 1, Barnett nói ông không còn đi máy bay nữa, sau tất cả những gì đã chứng kiến trong thời gian làm việc ở Boeing. "Thật buồn. Nó làm tim tôi tan vỡ. Tôi yêu Boeing. Tôi yêu những gì Boeing đã từng đại diện cho" - ông nói. Barnett đã khởi kiện Boeing vì có hành động trả thù sau khi ông tố cáo một loạt vấn đề về chất lượng và an toàn của hãng.Theo tạp chí The American Prospect, Barnett là một trong những người "còn nhớ cách làm máy bay" đúng nghĩa, vốn ngày càng vắng bóng ở Boeing. Một phần của khủng hoảng Boeing là thông tin cho rằng nhà sản xuất máy bay này đã gạt nhiều kỹ sư ra khỏi các vị trí quản lý cao cấp, hành vi bị nhiều chuyên gia hàng không và cựu nhân viên Boeing chỉ trích, theo CNBC.Trong mắt đồng nghiệp, Barnett - biệt danh Swampy (đầm lầy) - là một kỹ sư tài năng, một cấp trên tử tế, sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho người khác. Nhưng những vị chóp bu ở Boeing xem ông là một cái gai.Trong số các sếp này có một người đặc biệt, cứ chăm chăm tìm cách hạ nhục Barret, chế nhạo khi ông đóng góp ý kiến trong các cuộc họp hằng tuần, giao người giám sát ông, tung tin đồn ông không cư xử tử tế với người khác, kỷ luật ông vì "dám" dùng email để liên lạc và hối thúc sửa chữa các lỗi ông phát hiện, theo Maureen Tkacik, biên tập viên điều tra của The American Prospect.Trong bài viết đúng 20 ngày Barnett mất, Tkacik cho rằng "Swampy" đã sa lầy trong một tổ chức luôn muốn "đập đi xây lại" (unlearn) toàn bộ những gì đã học được trong suốt 90 năm bước lên đỉnh cao của ngành sản xuất toàn cầu. Như nhiều tổ chức theo chủ nghĩa tân tự do khác, Boeing đã bị một lý thuyết mới đầy quyến rũ về "thế nào là kiến thức" làm cho mê hoặc. Về cơ bản, khái niệm kiến thức giờ được quy giản thành sự kết hợp giữa sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại và dữ liệu; "tư duy", "hiểu biết" và "lý luận phức tạp" của những kỹ sư giỏi nghề giàu kinh nghiệm không còn đáng đầu tư nữa.Năm 2005, Jim McNerney rời tập đoàn đa ngành 3M về giữ chức CEO Boeing. McNerney cho rằng phong cách quản lý ở công ty cũ "quá đề cao kinh nghiệm và hạ thấp tài lãnh đạo", và giải pháp của ông là cho các "cựu binh" nghỉ hưu sớm.Khi về Boeing, McNerney gọi những người quan tâm quá nhiều đến tính an toàn và chất lượng của máy bay mà chả để ý gì tới giá cổ phiếu là "những kẻ khốn nạn có tài" và khuyến khích cấp dưới đẩy họ khỏi công ty.Theo Tkacik, mới đầu McNerney - giữ ghế CEO từ tháng 6-2005 đến tháng 7-2015 - không cho bất kỳ "kẻ khốn nạn có tài" nào tham gia dự án 787 Dreamliner, thay vào đó là thuê ngoài hầu hết các khâu thiết kế kỹ thuật và phát triển. McNerney hứa hẹn với các nhà đầu tư khi đó cách làm này sẽ tiết kiệm tiền, nhưng rốt cuộc là kế hoạch này "đốt" thêm 50 tỉ USD ngoài dự kiến và chậm tiến độ 3 năm rưỡi.Cuối năm 2011, khi Cục Hàng không liên bang (FAA) cho phép Boeing giao những chiếc 787 đầu tiên, một trong những đồng nghiệp cũ của Swampy nói các tay chân thân tín của McNerney bắt đầu hành hạ và tìm cách đuổi "bất kỳ ai có kinh nghiệm". Một trong những đồng nghiệp thân cận nhất của Swampy, Bill Seitz, đã bị giáng chức; một kỹ sư kiểm soát chất lượng tên John Woods bị sa thải vì yêu cầu các thanh tra viên ghi chép kỹ lưỡng lỗi và quá trình sửa chữa liên quan tới vật liệu composite.Năm 2009, Boeing chuyển một số nhân sự cấp quản lý từ trụ sở Washington về Charleston để đào tạo kỹ sư. Giờ thì họ rụng như sung. Trong nhóm từ Washington về tất nhiên có Swampy. Thứ khiến ông bất bình nhất là "sáng kiến" buộc các thanh tra giám sát chất lượng như ông phải chuyển 90% nội dung kiểm tra cho chính các thợ máy mà mình phải để mắt tới - nghĩa là để công nhân tự giám sát chất lượng công việc của họ. Điều này tất nhiên tiết kiệm hàng triệu đô la cho hãng, song hàng ngàn giám sát kỹ thuật sẽ mất việc.Swampy biết điều này vi phạm quy định của FAA. Ông đứng trước thế lưỡng nan: nói ra để mất việc hay im lặng và phạm luật? Cuối cùng ông vẫn âm thầm ghi chép lại mọi thứ "có vấn đề". Trong một bài báo của The New York Times năm 2019, Barnett và nhiều cựu nhân viên Boeing lên tiếng nêu hết "các vấn đề sản xuất kém chất lượng" tại Boeing, khẳng định mình đã bị sa thải vì lên tiếng về các vấn đề này.Chẳng hạn, Barnett nói ông đã phát hiện mảnh vụn titan bám vào các bó dây dẫn và hộp điện nằm giữa lớp sàn trong khoang máy bay và tấm trần khoang hàng hóa, có nguy cơ gây chập điện. Những mảnh vụn này là phế phẩm của quá trình bắt vít vào đai ốc. Cần nhắc lại, năm 2013 FAA từng yêu cầu tất cả máy bay 787 ở Mỹ phải "nằm đất" để điều tra, sau khi xảy ra hai sự cố pin lithium-ion gây ra hỏa hoạn trên dòng máy bay này.Trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau, Barnett khẳng định đã liên tục giục các sếp ở Boeing phải làm sạch chỗ vụn titan đó đi, nhưng họ đều từ chối và điều ông sang bộ phận khác trong nhà máy sản xuất.Barnett cũng cho biết đã viết báo cáo chỉ ra 75 trong số 300 mặt nạ dưỡng khí dự kiến lắp đặt trên máy bay không hề bơm được oxy, lên danh sách gồm 300 khiếm khuyết trên thân những chiếc máy bay dự kiến giao hàng, và phát hiện hơn 400 linh kiện không đủ chuẩn "bốc hơi" khỏi kho chứa. Ông cho rằng có lẽ chỗ linh kiện đó có thể đã được lắp luôn cho máy bay xuất xưởng. Tất cả đều không có tài liệu ghi chép và ông hoàn toàn không biết gì."Với vai trò quản lý chất lượng ở Boeing, anh phải là chốt chặn phòng thủ cuối cùng trước khi khiếm khuyết lọt ra ngoài. Và tôi chưa bao giờ thấy một chiếc máy bay nào xuất xưởng Charleston mà tôi dám ký tên và khẳng định nó an toàn và đủ tiêu chuẩn bay".Dù đã về hưu được gần 10 năm, đến năm 2024 này, Barnett lại phải lên tiếng, khi vấn đề an toàn của Boeing lại thành tâm điểm sau sự cố của Alaska Airlines. "Trong những năm qua, chất lượng của Boeing thụt lùi đều đặn… Đây không phải là vấn đề của 737, mà là của cả Boeing" - ông nói với The New York Times, và nhấn mạnh Boeing phải "quay lại những gì cơ bản nhất… về làm máy bay từ gốc". Tìm người "sửa chữa" BoeingCalhoun nói với Đài CNBC hôm 26-3 rằng quyết định từ chức "100%" là của ông và ông sẽ tham gia vào quá trình tìm kiếm người kế nhiệm mình. "Chúng tôi cần ai đó sửa chữa Boeing. Rõ ràng là họ cần một sự thay đổi" - CNBC dẫn lời giám đốc điều hành một hãng hàng không lớn (đề nghị không nêu tên) sau thông báo thay đổi dàn lãnh đạo của Boeing.Các đối tác của Boeing cho biết họ muốn những người tiếp theo được chọn để dẫn dắt công ty này có sự nhạy bén trong sản xuất, năng lực chuyên môn trong lĩnh vực hàng không vốn được quy định chặt chẽ và có đặc thù kỹ thuật cao, và có lẽ khó khăn nhất là khả năng tập hợp nhân viên của Boeing và đảm bảo một văn hóa doanh nghiệp đề cao tính an toàn, nhất quán và đổi mới."Đây sẽ là một chiếc ghế đầy thách thức để tìm người ngồi vào. Bạn sẽ cần một người có nhiều năng lượng và sự cam kết. Bạn không muốn một người sẽ rời đi trong hai năm. Bạn muốn một người ở đầu tàu càng lâu càng tốt" - CNBC dẫn lời John Plueger, CEO của Air Lease, một công ty chuyên mua máy bay và cho các hãng hàng không thuê lại.Calhoun cho biết ông muốn tìm một người biết cách quản lý một mô hình kinh doanh lớn và có chu kỳ kéo dài như Boeing. "Đó không chỉ là sản xuất máy bay, mà còn là phát triển mẫu máy bay tiếp theo" - Calhoun giải thích.HOA KIM Tags: Hãng hàng khôngMô hình kinh doanhMáy bay BoeingBarnettĐi máy bay
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.