Chuyện "táo" và "hoa"

TỊNH ANH 08/11/2022 15:47 GMT+7

TTCT - Những lý do rất khác nhau đã và đang khiến hai gã khổng lồ công nghệ tính toán lại các chiến lược kinh doanh liên quan đến Trung Quốc.

Chuyện táo và hoa - Ảnh 1.

"Quả táo cắn dở" Apple muốn tìm thị trường mới để sản xuất và bán các thiết bị di động, còn Huawei (Hoa Vi) tìm lối đi mới sau khi mảng kinh doanh di động gần như sụp đổ vì các lệnh trừng phạt liên quan đến việc nhập khẩu chip và công nghệ.

Vì đại dịch, "táo" tìm đất mới

Hai thập niên vừa qua là khoảng thời gian làm ăn rực rỡ thần kỳ của Apple: doanh số tăng 70 lần, giá cổ phiếu tăng 600 lần và trị giá thị trường 2,4 ngàn tỉ USD. Một phần của sự thịnh vượng này đến từ việc đặt cược lớn vào Trung Quốc, theo nhận định của tờ The Economist.

Apple tận dụng các nhà máy Trung Quốc, nơi hơn 90% sản phẩm của hãng xuất xưởng, và thu hút người dùng đại lục - những người có năm đóng góp tới 1/4 tổng doanh thu cho nhà sản xuất iPhone.

Trên lưng các sản phẩm Apple đều có dòng chữ "Thiết kế bởi Apple ở California", nhưng thiết bị của hãng được lắp ráp theo chuỗi cung ứng trải dài từ bang Amazonas (Brazil) đến tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Tâm điểm của chuỗi cung ứng này là Trung Quốc, nơi 150 trong số các nhà cung cấp lớn nhất của Apple đặt cơ sở sản xuất.

Tim Cook từng là giám đốc vận hành của Apple ở Trung Quốc, trước khi lên chức CEO vào năm 2011. Ông luôn giữ mối quan hệ tốt với chính quyền Bắc Kinh, tuân thủ các yêu cầu gỡ app hay yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung Quốc trong nước. Nhưng đã có nhiều thay đổi.

CEO Apple, người từng thường xuyên đến Trung Quốc, đã không xuất hiện ở đại lục từ năm 2019 và đang bận rộn tìm kiếm các đối tác mới. Năm 2017, Apple có 18 nhà cung ứng lớn ở Ấn Độ và Việt Nam; con số này tăng gấp đôi lên 37 vào năm ngoái. Tháng 9 vừa qua, Apple tuyên bố đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở quốc gia Nam Á thay vì chỉ các đời cũ như trước đó.

Trong một báo cáo hồi tháng 9-2022, Ngân hàng JPMorgan dự báo Apple sẽ dời khoảng 5% sản lượng iPhone 14 sang Ấn Độ - vốn là thị trường smartphone lớn thứ nhì thế giới xét theo lượng máy được giao, chỉ sau Trung Quốc. JPMorgan cũng ước tính khoảng 25% các dòng sản phẩm của Apple, gồm Mac, iPad, Apple Watch và AirPods, có thể được sản xuất bên ngoài Trung Quốc đến năm 2025 (tỉ lệ hiện tại là 5%).

Chuyện táo và hoa - Ảnh 2.

Một cửa hàng đại lý của Apple ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

"COVID-19, chi phí và địa chính trị đang thúc đẩy nhà sản xuất iPhone sản xuất và bán các thiết bị của mình ở nơi khác" - The Economist nói về các thay đổi từ phía Apple. Về nguyên nhân dịch bệnh, dịch SARS cách đây 2 thập niên đã làm tê liệt các chuỗi cung ứng, khiến ngành dệt may phải tăng cường hoạt động bên ngoài ở Trung Quốc. "SARS đã khiến mọi thứ rõ ràng với tất cả những ai đang làm ăn ở Trung Quốc rằng họ cần một chiến lược Trung Quốc+1" - Dominic Scriven, chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, nhận định.

COVID-19 đã cho các hãng công nghệ bài học tương tự. Các đợt phong tỏa vì dịch bệnh ở Thượng Hải vào mùa xuân khiến một nhà máy của Quanta - công ty Đài Loan được cho là sản xuất hầu hết các MacBook của Apple, phải tạm thời đóng cửa. Tránh các xáo trộn như thế là "động lực chính" cho các bước chuyển đổi trong chuỗi cung ứng của Apple, theo Gokul Hariharan - giám đốc điều hành JPMorgan Chase.

Về chuyện chi phí, tiền công cơ bản ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong một thập niên qua. Đến 2020, một công nhân sản xuất Trung Quốc thường kiếm được 531 USD/tháng, gấp đôi công nhân ở Ấn (265 USD) hay Việt Nam (250 USD), theo khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO). Các địa điểm sản xuất mới cũng có thể là nguồn khách hàng tiềm năng mới cho Apple. Hồi tháng 7, "Quả táo" công bố doanh thu ở Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi trong quý trước đó mà chủ yếu nhờ doanh số bán iPhone.

Cuối cùng, về lý do địa chính trị, căng thẳng Mỹ - Trung với các động thái dồn dập từ Mỹ như việc ban hành đạo luật CHIPS and Science Act và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip cao cấp và công nghệ sang Trung Quốc, khiến Apple khó xử khi tiếp tục làm ăn ở Trung Quốc.

Do trừng phạt, "hoa" nghĩ cách xoay

Đến 2020, thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu của Huawei là 30%, gần bằng cả Ericsson và Nokia cộng lại. Cũng trong năm đó, gã khổng lồ Trung Quốc vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tính theo số lượng máy xuất xưởng. Từ tháng 4 đến tháng 6-2020, Huawei tung ra 55,8 triệu thiết bị, so với 53,7 triệu máy của hãng Hàn Quốc.

Nhưng từ chỗ đang trên đà bước vào nhóm các công ty lớn nhất thế giới, Huawei lại trở thành công ty gây tranh cãi nhất hành tinh vì hàng loạt đòn tấn công, trải qua hai đời tổng thống từ Mỹ, với cáo buộc: Huawei là hiểm họa an ninh quốc gia với Mỹ vì có liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc. Các cáo buộc này chưa bao giờ được chứng minh nhưng gây ảnh hưởng tàn phá to lớn với Huawei.

Sau nhiều năm tăng trưởng không ngừng, doanh thu của Huawei đã giảm gần 30% trong năm 2021 từ mức đỉnh gần 140 tỉ USD vào năm trước. Khi các quốc gia trên toàn cầu triển khai 5G, một trong các mảng kinh doanh chính của Huawei, thị phần của công ty Trung Quốc dự báo sẽ giảm, còn mảng kinh doanh điện thoại di động quốc tế của họ gần như đã chết, theo một số người trong ngành.

Nhưng hoa héo rũ không có nghĩa là nó sẽ chết hẳn. Ông chủ Huawei, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Nhậm Chính Phi tin chắc như thế. Ông Nhậm tất nhiên đã có những kế hoạch lớn để xoay chuyển tình hình. 

Chuyện táo và hoa - Ảnh 3.

Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tại trụ sở công ty ở Thâm Quyến năm 2019. Ảnh: REUTERS

Trong một thông báo nội bộ bị rò rỉ hồi tháng 8, ông Nhậm "vẽ nên một bức tranh ảm đạm về một thế giới đang đi vào suy thoái kinh tế" và "kêu gọi nhân viên tập trung vào sự sống còn của công ty và từ bỏ những suy nghĩ viển vông", theo South China Morning Post. Tờ này dẫn nguồn từ tờ Đệ Nhất Tài Kinh của Trung Quốc, và có các nguồn riêng xác thực nội dung thông báo trên, dù Huawei không đưa ra bình luận.

Theo The Economist, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thông báo của ông Nhậm không thể hiện sự tuyệt vọng mà là một cách "vực dậy tinh thần chiến sĩ", kêu gọi mọi người phải cố gắng hơn nữa để hiện thực hóa các kế hoạch mới của ông: chuyển đổi công ty từ chỗ chỉ tập trung vào một số sản phẩm viễn thông cốt lõi sang trở thành nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ cho nhiều ngành khác nhau, từ sản xuất ô tô đến kinh doanh nông sản.

Các kế hoạch này không nằm trên giấy. Từ khi bị cấm dùng hệ điều hành Android, Huawei đã bán được 300 triệu thiết bị, bao gồm máy tính xách tay, thiết bị wearables và đồ gia dụng thông minh, chạy trên hệ điều hành "nhà làm" Harmony. Trong nông nghiệp, Huawei đã chế tạo các cảm biến theo dõi tình trạng đất trồng để giúp nông dân tinh chỉnh hệ thống tưới tiêu và cắt giảm lượng phân bón.

Khi không còn bán được smartphone, Huawei chuyển sang bán xe, thông qua hợp tác với Seres, một nhà sản xuất xe điện do Trung Quốc sở hữu có trụ sở tại California. Huawei tuyên bố đã bán được hơn 7.200 chiếc AITO M5 chỉ trong tháng 7 năm nay. 

Trong công nghiệp ô tô, Huawei còn là nhà cung cấp phần mềm và thiết bị điện tử lớn cho các nhà sản xuất xe hơi, và hợp tác với các doanh nghiệp này để chế tạo các hệ thống thông minh, chẳng hạn quản lý năng lượng cho xe điện.

Chuyện táo và hoa - Ảnh 4.

Xe thể thao chạy điện Aito M5 là sản phẩm hợp tác giữa Huawei và Seres. Ảnh: rprna.com

Huawei cũng đang xây dựng các trung tâm dữ liệu và kinh doanh điện toán đám mây trên khắp thế giới. Trước mắt, thị trường nội địa khá tiềm năng với nhu cầu nâng cấp hệ thống để cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến hơn của chính quyền cấp tỉnh và thành phố, cùng với phong trào chuyển đổi số mạnh mẽ của các công ty nhà nước.

Nhiều công ty Trung Quốc có kế hoạch dừng sử dụng đám mây của hãng Mỹ Oracle và yêu cầu các công ty trong nước xây dựng hệ thống dữ liệu thay thế, và Huawei đã chớp lấy thời cơ. 

Doanh số từ mảng doanh nghiệp của hãng tăng 28% lên 55 tỉ tệ (7,6 tỉ USD) trong nửa đầu 2022, trái ngược với sự tuột dốc của mảng thiết bị. Chỉ trong vài năm, Huawei đã trở thành nhà cung cấp hạ tầng đám mây lớn thứ hai trong nước, sau Alibaba, và thứ 5 thế giới, theo Hãng nghiên cứu thị trường Gartner.

Tương lai để ngỏ

Trước mọi thách thức của riêng Huawei và dự báo ảm đạm của tình hình toàn cầu, Nhậm Chính Phi vẫn không nao núng. Theo đánh giá của những người thạo tin, Huawei trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay giống như một "cụm các công ty start-up với ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) dồi dào". 

Huawei thường chi đến 20% doanh thu hằng năm cho R&D, tương tự mức của Meta (công ty mẹ Facebook) và gần gấp đôi Alphabet (công ty mẹ Google). Trong một thập niên qua, Huawei đã chi đến 122 tỉ USD cho R&D, và Chủ tịch Nhậm đang có trong tay 10 vạn kỹ sư tài năng và sáng tạo.

Song về lâu dài sẽ có thách thức, ngay cả tại các thị trường đang đón nhận sản phẩm và dịch vụ của hãng như châu Phi, Mỹ Latin, Trung Đông và Đông Nam Á. Đa số hạ tầng công nghệ thông tin trên thế giới chạy phần mềm của Microsoft, một công ty Mỹ, còn hệ điều hành và cơ sở dữ liệu của Huawei dùng hệ thống mã mở Linux. Khó khăn ở đây là tính tương thích của việc cài phần mềm của Huawei lên các hệ thống đang xài toàn đồ Mỹ, như hệ điều hành Windows và các phần mềm của Oracle.

Tóm lại, duy trì sự hiện diện ở thị trường nước ngoài là thách thức lớn hơn so với trong nước; thay thế các công ty Mỹ ở Trung Quốc là một chuyện, song để làm như vậy ở nước ngoài là chuyện khác. Và đâu ai biết sắp tới phía Mỹ sẽ còn làm gì khiến Huawei vất vả hơn, nhất là khi kho chip dự trữ đã cạn?

Với những gì đang diễn ra, việc Apple đặt cược vào các thị trường thay thế là hoàn toàn dễ hiểu, còn Huawei đã trở thành một case study sống động về việc các đòn trừng phạt của Mỹ hiệu quả đến đâu, và các công ty Trung Quốc sẽ thích ứng với những thách thức mới như thế nào. 

Trước mắt, sau những động thái chuyển đổi đầu tiên, cả "Táo" và "Hoa" đều đã công bố các con số lạc quan. Ngày 27-10, Huawei cho biết đà sụt giảm doanh thu mảng kinh doanh thiết bị đã chậm lại trong 9 tháng đầu năm 2022. Tổng doanh thu tăng khoảng 6,5% trong quý 3, cùng kỳ năm ngoái. Cùng ngày, Apple công bố kết quả tài chính cho quý tài chính thứ 4 (tính đến 24-9) với doanh thu đạt 90,1 tỉ USD, tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã bao gồm doanh số bán iPhone 14 trong 2 tuần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận