Cô gái vàng thể thao Việt Nam Nguyễn Thị Oanh: "Khi mệt mỏi, tôi đi sơn móng"

KHƯƠNG XUÂN (THỰC HIỆN) 08/03/2023 05:01 GMT+7

TTCT - Cô gái vàng của thể thao VN Nguyễn Thị Oanh chia sẻ về những nỗ lực trên đường chạy và cuộc sống đời thường của một VĐV đỉnh cao.

"Tập luyện vất vả và những áp lực trước giải đấu thường khiến tôi bị mất ngủ. Để giải tỏa căng thẳng, tôi thích đi làm đẹp bằng cách sơn cho mình một bộ móng mới" - Nguyễn Thị Oanh, VĐV tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam năm 2022, trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy... Ảnh: Minh Đức

Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy... Ảnh: Minh Đức

Vô đối trên đường chạy, nhưng khi trút bỏ bộ trang phục thể thao, Oanh là cô gái dễ thương, ấm áp, thích được chăm sóc bản thân, làm đẹp và đi mua sắm cùng bạn bè.

Vượt qua bệnh tật…

Mở hàng năm 2023 bằng tấm HCV 1.500m tại Giải điền kinh vô địch châu Á trong nhà, mục tiêu từ nay đến hết năm 2023 của Oanh là gì?

- Hiện tôi vẫn đang tập luyện chăm chỉ tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) để chuẩn bị cho SEA Games 32 vào tháng 5 tại Campuchia và Asiad 19 vào cuối tháng 9 ở Trung Quốc. Trước đó, tôi từng giành 3 HCV tại SEA Games 31 (1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật) và 1 HCĐ Asiad cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật. Mục tiêu của tôi là bảo vệ thành quả của mình tại SEA Games 32, đổi màu huy chương Asiad 19.

Giành vé tham dự Olympic là mơ ước đối với bất cứ VĐV thể thao nào. Dù vậy, chuẩn để tham dự Olympic rất cao so với thành tích mà tôi đang có tại đấu trường SEA Games.

Trước SEA Games 2019, nhiều người hâm mộ thấy Oanh vừa tập luyện vừa tranh thủ bán hàng online để trang trải cuộc sống. Công việc kinh doanh của bạn hiện ra sao?

- Những năm trước tôi bán hàng online giày, quần áo thể thao. Tôi làm chung với một người bạn. Thời gian gần đây tôi không trực tiếp bán nữa vì quá bận tập luyện, khi có khách hàng hỏi thì tôi chuyển để cho bạn tôi bán và tư vấn. 

Ở đội tuyển quốc gia dù được trang bị giày, quần áo, thuốc bổ nhưng chưa thể đáp ứng được đủ nhu cầu của VĐV. Việc kinh doanh online giúp tôi có thêm một nguồn thu để trang trải cuộc sống và phục vụ cho việc tập luyện thể thao. 

Có tiền, tôi có thể mua những đôi giày phù hợp với chân của mình để tập luyện. Tôi cũng tự mua thêm thuốc bổ để tăng cường sức khỏe, hồi phục tốt hơn sau mỗi buổi tập mệt mỏi.

Năm 2014 khi đang tập luyện Oanh phải rời đội vì bị bệnh thận, bạn nghĩ có ngày mình trở lại và vươn lên vị trí số 1 của thể thao VN?

- Ngày mới đi tuyển làm VĐV điền kinh thì tôi bị chê bé quá không tập được. Năm 2014, khi tôi đang tập luyện thì phát hiện bị bệnh thận, phải rời đội để chữa bệnh. Lúc đó, tôi bị sưng phù hết từ cổ đến mặt. 

Tôi không được ăn dầu mỡ, không ăn gia vị mặn nên bị thiếu i ốt dẫn đến teo cơ. Bị bệnh khiến tôi trầm cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người. Đi ra ngoài tôi thường phải đeo khẩu trang vì không muốn ai để ý, giao tiếp với mình. Đây là giai đoạn khó khăn nhất đời tôi.

Vậy nhưng sau 6 tháng điều trị, cơ thể tôi dần hồi phục, thấy mình vẫn còn đam mê với điền kinh nên tôi tập luyện trở lại. 

Lúc tập lại, cơ thể yếu, cơ bắp không còn như xưa nên rất mệt mỏi, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Lúc khỏi bệnh đi tập lại, tôi chỉ mong mình có thể trở về được trạng thái của thời điểm năm 2014 chứ không nghĩ mình có được như hôm nay.

Hiện giờ Oanh vẫn thường xuyên bị mất ngủ?

- Khi tập nặng, cơ thể mệt mỏi, đau nhức nên tôi ngủ không sâu giấc. Gần đến các giải đấu, áp lực về thành tích khiến tôi suy nghĩ nhiều và điều này cũng khiến tôi bị mất ngủ.

... và ngoài đời thường. Ảnh: NVCC

... và ngoài đời thường. Ảnh: NVCC

Cô gái không phổi

VĐV Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1995) tại Bắc Giang trong một gia đình thuần nông có tám anh chị em, cô là thứ bảy. Cô được phát hiện qua các cuộc thi thể thao học đường. Năm 15 tuổi, Oanh được triệu tập vào đội tuyển điền kinh Bắc Giang, 2 năm sau cô lên tập trung đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Văn Sỹ. Nguyễn Thị Oanh đã hai lần được bầu chọn là VĐV tiêu biểu số 1 của thể thao Việt Nam vào năm 2019 và 2022. Tại SEA Games 32 Campuchia vào tháng 5 tới, Nguyễn Thị Oanh tiếp tục là con át chủ bài của điền kinh và thể thao Việt Nam. Với chiều cao chỉ 1,5m nhưng nỗ lực của Oanh là không tưởng, đó là lý do khiến cô được gọi là "bé hạt tiêu" hay cô gái "không phổi".

VĐV số 1 Việt Nam nhận lương 7 triệu đồng/tháng

Mới đây, bạn tham dự hai giải marathon (42km) và đều giành chức vô địch. Bạn có định chuyển sang cự ly marathon sau khi giải nghệ?

- Khi tập những bài sức bền cho nội dung hiện tại của tôi thì tôi đã tập những bài 20 - 30km, 30 - 36km rồi. Tôi mới thử chạy marathon xem sao, còn có chuyển hẳn sang đấu marathon sau này hay không tôi chưa biết.

Là VĐV số 1 của thể thao VN, mỗi tháng Oanh được nhận bao nhiêu tiền lương?

- Theo quy định của Nhà nước, mỗi tháng tôi được nhận 7 triệu tiền lương. Với khoản lương ít ỏi này tôi phải khéo léo chi tiêu, nếu không là không đủ. Ngoài ra, hằng năm khi có huy chương, tôi có được thưởng một khoản theo quy định của Nhà nước. Số tiền này tôi dùng để phụ giúp bố mẹ ở quê và chi tiêu cho việc học đại học và sau đại học những năm qua tại Trường đại học TDTT Bắc Ninh.

Có nhiều địa phương săn đón mời Oanh về đầu quân, vì sao Oanh không đi khi mà chế độ đãi ngộ của Bắc Giang quá thấp?

- Tôi rất buồn về chế độ đãi ngộ dành cho VĐV như tôi quá thấp, không tương xứng với khó khăn, vất vả mà chúng tôi phải trải qua. Ngoài 7 triệu đồng/tháng tiền lương ở đội tuyển quốc gia thì tôi không có khoản lương nào khác từ địa phương. 

Thỉnh thoảng trước mỗi giải đấu tôi xin được thêm một ít tiền của địa phương để mua thuốc bổ. Địa phương cũng có một chút thưởng nóng cho tôi mỗi khi tôi có thành tích. Dù tỉnh nghèo nhưng tôi không muốn ra đi vì không thoải mái. Bắc Giang là quê hương của tôi, các thầy tôi cũng ở đó.

Nhiều VĐV dành tiền thưởng xây nhà cửa cho cha mẹ, Oanh thì thế nào?

- Gia đình tôi vẫn ở nhà cũ chứ chưa xây lại mà chỉ sửa sang. Năm 2019, tôi từng có ý định xây nhà cho bố mẹ, nhưng chắc vì thương con nên bố mẹ tôi không đồng ý, muốn tôi để dành tiền lo học và tập luyện. Bố mẹ tôi ở quê vẫn làm ruộng, nếu tôi về quê vào vụ mùa thì tôi cũng giúp bố mẹ đi cấy gặt.

Oanh định làm gì sau khi giải nghệ?

- Giờ còn sức tôi sẽ tiếp tục thi đấu để khám phá giới hạn bản thân, đóng góp thành tích cho đội tuyển. Nhưng một thời điểm nào đó tôi cũng sẽ không còn sức để chạy nữa. Tôi đã được vào biên chế năm 2019 tại ngành thể thao Bắc Giang, năm 2023 này tôi sẽ nhận bằng thạc sĩ. Sau này khi giải nghệ, tôi hy vọng mình có thể chuyển sang công tác huấn luyện.

Phụ nữ ai cũng thích làm đẹp

Ngoài thể thao, Oanh có đam mê gì khác không?

- Nhiều người nhìn vào thì nghĩ tôi tẻ nhạt, bởi cuộc sống của tôi gần như chỉ xoay quanh thể thao chứ không có gì khác. Dù vậy, tôi cũng tìm cách để cân bằng cuộc sống. Những lúc rảnh, tôi dành thời gian lướt web, đi mua sắm với bạn bè mặc dù những đồ tôi mua cũng toàn đồ thể thao như quần áo, giày để phục vụ việc tập luyện và thi đấu. Tôi thích đi ăn uống nhưng cũng chỉ ăn những gì tốt cho việc tập luyện.

Lúc mệt mỏi, Oanh làm gì?

- Khi mệt mỏi, căng thẳng, tôi muốn đi sơn móng. Tôi thích cảm giác ngồi yên nhìn người ta vẽ cho mình bộ móng tay, móng chân thật đẹp. Khi sơn xong, nhìn vào những chiếc móng được sơn vẽ đó tôi rất thích và thấy có thêm động lực để lại tiếp tục tập luyện. Tôi tìm cách tạo niềm vui cho mình, như vậy khiến tôi cảm thấy rất dễ chịu.

Tập luyện quanh năm ở ngoài trời, nữ VĐV như Oanh làm cách nào để giữ gìn nhan sắc?

- Do đặc thù môn của tôi phải tập luyện quanh năm ở ngoài trời, mùa đông thì đỡ nhưng mùa hè thời tiết nắng nóng nên chúng tôi phải bôi kem chống nắng quanh năm. Một ngày thường phải bôi 2-3 lần để bảo vệ da khỏi cháy nắng, ung thư da. Mua loại kem chống nắng nào phù hợp với cơ thể, không bị cay mắt, không bị dây màu lên đồ tập, hợp túi tiền cũng không đơn giản. Kem chống nắng có lẽ là loại mỹ phẩm tôi dùng nhiều nhất.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận