TTCT - Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) nổi tiếng như một nhà văn, nhà báo. Sáng tác và trước tác của ông bên cạnh những tác phẩm thuộc các thể loại văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, còn có những tác phẩm mang thuộc tính của văn học báo chí, tiêu biểu là thể tài phóng sự, như Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1935), Cơm thầy cơm cô (1936)... Phóng to Nhà văn Vũ Trọng Phụng - Ảnh tư liệu Bên cạnh những tác phẩm ký sự văn học như trên, Vũ Trọng Phụng còn viết không ít tác phẩm báo chí. Ông đã đăng bài trên những tuần báo: Phụ Nữ Tân Văn, Nhật Tân, Hải Phòng Tuần Báo, Loa, Tân Thiếu Niên, Tiến Hóa, Phụ Nữ Thời Đàm, Hà Nội Báo, Sông Hương, Tương Lai... Đây là một liệt kê tạm thời, bởi cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu dành riêng về hoạt động báo chí của Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng còn thật sự tham gia công việc tòa soạn của một số tờ báo. Việc ông Nguyễn Giang, chủ nhiệm Đông Dương Tạp Chí (La Revue Indochinoise), mời Vũ Trọng Phụng làm thư ký tòa soạn phần tiếng Việt của tạp chí này từ cuối năm 1937 đến giữa năm 1938 là sự việc dễ thấy (chức danh thư ký tòa soạn được in trên phần tiêu đề mỗi số báo). Với một số tờ dân dã hơn, Vũ Trọng Phụng cũng từng góp tay góp sức, dù dấu vết khó thấy hơn. Bước vào nghề văn nghề báo từ năm 1930, người mà Vũ Trọng Phụng, cùng với Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Vũ Trọng Can, Bùi Huy Phồn và một số cây bút khác, cộng tác mật thiết trong nghề báo là Lê Tràng Kiều (1912-1977). Mùa thu năm 1936, việc Mặt trận Bình dân Pháp thắng cử và nắm chính phủ ở chính quốc bắt đầu tác động đến các thuộc địa. Dư luận Đông Dương sôi nổi hẳn lên với phong trào "Đông Dương đại hội" nhằm hội họp thảo luận về những vấn đề cần đề xuất với phái đoàn điều tra sẽ được chính phủ bình dân phái sang. Tình hình ấy khiến ngay các tờ báo chuyên về văn chương cũng thay đổi. Hà Nội Báo của chủ bút Lê Tràng Kiều quyết định tăng thêm tám trang chuyên về thời sự xã hội; một loạt mục được đặt ra: bài xã thuyết và mục "Hà nội hà ngoại" do Lê Tràng Kiều viết, "Gió cuốn bụi đời" chuyên điểm thời sự nước ngoài do Lưu Thần (Lưu Trọng Lư) viết, "Đếm sỉa... người và vật" chuyên về thời sự văn hóa trong nước do Ngọa Triều (Vũ Trọng Phụng) viết. Với chừng trên 10 số báo trong bốn tháng, tính từ cuối tháng 9-1936 đến lúc Hà Nội Báo bị đóng cửa (sau số 55, ngày 20-1-1937), số trang ký Ngọa Triều không nhiều, song đây lại là một chùm bài cho thấy rõ thêm nhiều điều về nhà văn Vũ Trọng Phụng, về thái độ xã hội chính trị của ông. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, tại Thư viện Quốc gia Hà Nội có gần đủ một bộ 55 số Hà Nội Báo, nhưng chỉ còn ba số trên giấy, còn 52 số thì chỉ có trên microfilm, dạng phim âm bản. Khoảng năm 2003, Peter Zinoman, PGS khoa sử ÐH California ở Berkeley, Mỹ, trong chuyến nghiên cứu ở VN đã cùng ông đến gặp giám đốc Thư viện Quốc gia đề nghị mua một bản phim báo ấy và một vài tờ khác. Sau đó, P.Zinoman đem phim về nhập kho thư viện Trường Berkeley và đặt in ra dương bản gửi về cho ông, vì vậy nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có được một bộ photocopy Hà Nội Báo 1936-1937. Ông đã dùng để khảo văn bản tiểu thuyết Giông tố (sách "Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố" ra mắt năm 2007, do Nxb Tri Thức in). Gần đây nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lọc ra các tác phẩm báo chí của Ngọa Triều. ____________ Bỏ dân biểu do chính phủ cử là phải Mới đây trong buổi họp thường niên của Viện Dân biểu có nhiều ông xin bỏ hạng dân biểu do chính phủ cử ra đi. Bỏ đi là phải. Vì đã là dân biểu, đã là người thay dân mà sao lại do chính phủ cử ra được? Nếu thế thì phải gọi là chính phủ biểu mới được chứ? Bỏ đi! (Trích Ðếm sỉa... Người và vật, Hà Nội Báo, s. 44, 4-11-1936) "Có nên đuổi..." Mới đây ở Vinh có một ông lên diễn thuyết về thơ. Ông nêu ra một vấn đề: Có nên đuổi thi sĩ ra khỏi xứ ta không? Mới đầu ông nói về thơ Ðường và kết luận: Không! Rồi ông lại đọc những bài thơ của mấy nhà thi sĩ đương thời và kết luận: Có. Thành thử ra ông vừa đuổi mà vừa không đuổi thi sĩ. Thế thì biết lối nào theo ông? Âu là có một điều tiện hơn cả: là ta nên đuổi những con vật học nói dở ra khỏi diễn đàn. (Trích Ðếm sỉa... Người và vật, Hà Nội Báo, s. 41, 14-10-1936) ...Cấm, cấm và cấm... Kể ra thì "quan" Thượng thư bộ Lại Thái Văn Toản ngài ưa "cấm" thực. Kỳ trước chúng tôi đã thuật với độc giả việc ngài cấm mấy ông nghị không cho công kích mấy việc muối. Nhưng không những "quan" ngài cấm nói, ngài còn cấm viết nữa kia. Ngài sính cấm sách lắm. Ngài sính cấm đến nỗi không những ngài cấm những sách đã ra rồi mà có khi ngài cấm đến cả những quyển sách... chưa hề in bao giờ cả. Báo Nghe Thấy, [a] một tờ báo trẻ trung, hoạt động, ở Sài Gòn vừa rồi đăng ở mục "Mũi tên" một bài như sau này: Một quyển sách chưa viết bao giờ đã bị... cấm Quan Thượng thư bộ Lại Thái Văn Toản vừa rồi đã ký nghị định cấm nhân dân Trung kỳ không được thâu nhập, lưu hành, phát mại và tàng trữ cuốn Dân Việt Nam dưới những sự khủng bố (Le peuple annamite sous la terreur) của Trọng Miên. Quan Thượng nhà ta kể cũng chu đáo lắm. Vì cái nhan đề chỉ có rao trong báo Dân Quyền mà chưa có bao giờ đăng và cũng không bao giờ rao rằng sẽ in thành sách. Và còn ngộ nghĩnh hơn nữa là vì Dân Quyền vụt bị rút giấy phép nên Trọng Miên chưa hề viết một chữ nào. (Trích Ðếm sỉa... Người và vật, Hà Nội Báo, s. 44, 4-11-1936) Chính trị phạm được tha Vừa đây các báo hàng ngày đem cho ta một cái tin đáng được mừng bởi toàn quốc dân Việt Nam: tin một số đông chính trị phạm được ân xá. Những chính trị phạm ấy giam ở Sơn La, ở Vinh và nhất là ở Côn Ðảo, có đến hàng trăm người được tha về vụ này. Chắc là ai cũng sẽ ca tụng và biết cảm ơn cái lượng khoan hồng của chính phủ Bình dân Pháp. Nhưng có một điều chúng tôi còn muốn chính phủ Ðông Dương chú ý đến nữa, cho chính trị phạm được nhờ: ấy là sự bắt quản thúc. Những chính trị phạm được tha ra đều bị quản thúc, công việc làm ăn của họ bởi thế mà sinh ra khó khăn. Gia chi dĩ, những người thừa hành pháp luật - lý trưởng, chánh tổng, lính huyện... - lại còn thường làm khó dễ quá pháp luật đi nữa. Có người chính trị phạm đã phàn nàn: "Nếu tha chúng tôi mà bắt quản thúc thế này thì chúng tôi không biết làm gì mà sinh nhai được cả. Lặng thà cứ để ở tù lại còn ngày ngày được hai bữa cơm no". Câu phàn nàn thật là cay chua đau đớn. Vậy mong rằng chính phủ làm thế nào cho những người được "nhờ ơn" chính phủ ấy đừng phải chết đói. (Trích Ðếm sỉa... Người và vật, Hà Nội Báo, s. 44, 4-11-1936) Dân viện Bắc kỳ ...Ông Phạm Tá hỏi sở Lục lộ... Ông Phạm Tá hỏi ông chánh kỹ sư sở Lục lộ rằng: Ðê Mỹ Lộc năm nay vỡ như vậy thì ai chịu trách nhiệm và sở Lục lộ có cách gì trị được nước và giữ cho đê khỏi vỡ không? Ông Tá hỏi như vậy kể cũng là đứng đắn, là phải chăng lắm. Thế mà ông chánh kỹ sư sở Lục lộ nổi giận... không trả lời (cái nổi giận lời quá đi mất!). Thành thử ra... ông Ðổng lý Douguet thay mặt ông Thống sứ phải trả lời hộ. Ông ấy trả lời (hộ) rằng: Việc vỡ đê là tùy trời đất sóng gió mưa, nhà nước không thể ra lệnh cho các thứ ấy tuân theo được! Người ta vẫn bảo người Pháp có óc khôi hài. Câu trả lời trên này kể cũng khôi hài thực. Vì nếu không có gió mưa thì đã chẳng vỡ đê! ... Vẫn còn chuyện vỡ đê Ông chánh kỹ sư Lục lộ ra về. Nhưng không ra về được, vì lại có ông Hợi lại công kích về việc vỡ đê. Bực mình quá (đáng bực mình thực, vì chắc bây giờ bà vợ đẹp và những đồ ăn thơm ngon đang đợi ông ở trong nhà lầu kia, mà sao họ làm bận ông với việc đê này mãi!), bực mình quá, ông chánh kỹ sư bèn trả lời phắt (nguyên văn của báo thông tin hàng ngày) rằng: - Sở Lục lộ không chịu trách nhiệm gì cả. Ðê vỡ là do dân làm ra... Và tại các quan ở vùng ấy không chịu săn sóc! Lại thêm một đứa chịu trách nhiệm nữa là dân. Dân và quan lại hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc vỡ đê. Còn "Sở Lục lộ không chịu trách nhiệm gì cả" (!) Cứ kể ra thì chỉ có... trời chịu trách nhiệm mà thôi. Vì như ông Ðổng lý Douguet nói thế mà phải, "Vỡ đê là tại sóng, gió, nghĩa là tại trời cả". Hay nói thế này mới đúng hơn cả: "Vỡ đê là tại... đê vỡ". Nói như thế thì chắc mấy ông dân biểu phải cho là phải. Và nhất là ông chánh kỹ sư thì lại càng cho là phải lắm nữa. Trong khi vỡ đê như thế thì ông nghị Tiệp... Thì ông nghị Tiệp ta thán về việc sở Lục lộ bắt buộc các nhà bỏ thầu một điều rất ngặt. Ông nghĩ lợi riêng, hay nói cho đúng, lợi riêng của bọn thầu khoán các ông. Thấy nhiều ông nghị lần này sốt sắng về việc vỡ đê thế, tôi vụt nảy ra một ý rằng: Các ông ấy lần này quả là chú ý đến việc nước. Còn ông Tiệp thì ông chú ý đến việc thầu. Tags: Kỷ niệmNhà vănVũ Trọng Phụng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.