Có những hoa hồng không phải để tặng…

HÀ QUANG MINH 05/02/2017 16:02 GMT+7

TTCT - Sống, suy cho cùng, mỗi Tết cứ vắt tay lên trán nằm nghĩ về con gà để nhận ra rằng thật ra hiểu biết, tri thức quan trọng đấy nhưng cái nhân bản, cái từ tâm mới là cái đáng quý hơn nhiều.

Tranh: Thành Chương
Tranh: Thành Chương

Hoa hồng, biểu trưng của tình yêu, đặc biệt là hoa hồng màu đỏ, thật thắm, cánh như nhung. Cái điều ấy có lẽ trong ngàn người thì phải đến ngàn lẻ một người đều biết.

Và khi nhận hoa hồng đỏ, một bông thôi, duy nhất, ắt hẳn người được nhận phải run người vì hãnh diện, nhất là khi đó là lần nhận hoa hồng đỏ đầu tiên trong đời.

Kể cả không yêu đối phương đi nữa, được đối phương run rẩy trao cho bông hồng đỏ cô đơn, cái niềm hãnh diện kia rực rỡ lắm lắm.

Nhưng mà cũng có kẻ không một chút nào muốn nhận bông hồng đỏ cô đơn, biểu trưng của ái tình kia. Kẻ ấy phải là con gà, nhất là con gà trống...

Nói vậy là hiểu. Vì nói vui thôi mà. Sao tự dưng lại có chuyện yêu đương tình ái với con gà trống bao giờ. Nhưng nói vậy cũng để nhắc con gà gần với đời sống con người đến mức nào.

Chuyện con gà “khỏa thân” nằm trên nóc tủ, ngậm bông hồng đỏ, chắc trong ngàn người, ngàn lẻ một người đều hiểu. Ấy là con gà cúng, cái thức chẳng thể nào thiếu trong mỗi dịp giỗ chạp của người Việt.

Sực nhớ chừng hơn chục năm trước, có anh nhạc sĩ Hải Phòng tên Nguyễn Tuấn viết bài hát duyên không thể tả, gọi là bài Tiếng gáy thời gian. Cả bài từ đầu đến cuối chỉ một vần “à” và xoáy quanh cái gọi là “con gà”.

Rạng sáng nghe tiếng con gà, giờ giữa trưa cũng con gà

Choạng tối nghe tiếng con gà gáy vang vang

Ngày cưới tôi, cũng con gà, một chõ xôi với con gà

Mẹ rước cô tóc đuôi gà kết duyên tôi...

Này khách xa đến chơi nhà, chị gái tôi bắt con gà

Ngồi xuống nâng chén cay nồng nghĩa tâm giao

Rằm Tết nao cũng con gà, nằm giữa mâm cắm hoa đỏ

Thành kính dâng lễ ông bà đã xa xa... cõi xa xa...

Cái bài nghe bình dị, dí dỏm thế mà lại nhắc nhở cái thứ gần gũi kinh khủng với người Việt. Đúng là khách đến nhà, chẳng biết làm gì, thôi thì ra chợ kiếm con gà. Mâm cao cỗ đầy, mâm vơi cỗ nhạt gì cũng phải có con gà.

Tết nhất lại càng phải có gà. Rồi rước chàng gà lên đấy, lột sạch phục trang chàng ra, tặng chàng bông hồng đỏ, ngậm lấy cái bông ấy, rồi tôi mang chàng cúng cụ.

Bây giờ đời sống vật chất người Việt cũng khác rồi, không còn cái thời ăn con gà mà phải giấu hàng xóm, lông gà lông vịt gì đem bán được hết. Ấy vậy mà giữa cái thời miếng ăn không còn ám ảnh thì gà cũng không thể nào bị loại khỏi đời sống đế vương của nó trên mâm cỗ, dù người ta có thể cúng nào heo sữa quay, cúng cả tôm hùm Alaska nhập khẩu.

Bởi thế tiệm bán gà cúng lúc nào cũng làm ăn được hết. Bởi ăn gà thì dễ, nhưng luộc con gà cúng cho đẹp không phải ai cũng làm được.

Viết đến đây lại quên chưa thực hiện lời hứa mở hàng cho cô bạn quen, cô diễn viên Lê Khánh. Lẫy lừng sân khấu như thế, vừa bước ra một cái khỏi... cánh gà là khán giả đã cười tóe khói như gà gáy trưa ngay, vẫn phải quay về với cái nghiệp giá trị tăng thêm là “chuyên cung cấp gà cúng”.

Đời sống công nghiệp mà. Nhiều người bây giờ nói chuyện tung cánh như đại bàng, oai hùng thiên hạ như diều hâu, nhưng mà bảo cắt tiết con gà thì chịu chết.

Nhà quê mà gửi lên biếu con gà, lập tức hai vợ chồng gọi xe ôm: “Chú mang ra chợ thuê họ làm giùm con” ngay lập tức. Sự nghiệp gà qué cứ giao cho nhân dân, còn chúng tôi, chúng tôi lo bảo vệ hòa bình thế giới.

Nói chuyện con gà mới thấy những cái nhỏ ấy lại chả nhỏ chút nào. Đấy là không nói chuyện cắt tiết gà nhé, chỉ nói chuyện văn hóa gia cầm của thế giới thôi là ta đủ thấy bể học rộng kinh khủng dường nào.

Trên thế giới, đức tin chia nhiều nhánh, nhiều dòng. Có đức tin thì chối thịt heo, có đức tin lại chừa thịt bò, nhưng hình như chẳng có đức tin nào cấm ăn thịt gà cả.

Thế nên con gà nói riêng và gia cầm nói chung gần gụi với loài người lắm, gần đến thân thiết, thân theo kiểu càng thân càng dần cho đau, thân thiết với gà, yêu thương gà nên phải để gà ngấm vào máu của mình qua đường thực quản vậy.

Trời Tây có con gà Tây quay ăn tiệc đêm Giáng sinh, có con ngỗng quay ăn tiệc Phục sinh, chẳng khác gì ta cúng con gà trống ngậm hoa hồng ngày giỗ chạp, lễ Tết vậy. Và nói về con gà Tây cũng ối điều lý thú, điều tưởng vớ vẩn mà hóa ra là cả một sở học bề dày đằng sau.

Chẳng là con gà Tây tiếng Anh là turkey. Mà Turkey lại là tên của một quốc gia, tức là anh Thổ Nhĩ Kỳ. Ây da. Tại sao gà của anh Tây mà lại gọi là gà của anh Thổ?

Thực tế vào khoảng thập niên 1540, thịt gà Guinea đã được nhập vào châu Âu từ Madagascar qua đường Thổ Nhĩ Kỳ bởi những thương lái Cận Đông. Nguyên ủy của giống gà ấy vốn ở Bắc Mỹ, được dân Aztec thuần hóa, rồi được thực dân Tây Ban Nha giới thiệu rộng khắp ở Âu châu từ trước đó khoảng hai thập niên.

Nhưng vốn dĩ thực dân Tây Ban Nha chuyển gà ấy từ Bắc Mỹ về châu Âu lại trung chuyển chủ yếu qua hai đường là các cảng biển Thổ Nhĩ Kỳ và các hải cảng ở Bắc Phi, vốn đang bị đô hộ bởi đế chế Ottoman. Thế là người Anh gọi giống gà ấy là “gà Thổ”, trong khi dân Thổ Nhĩ Kỳ lại gọi giống ấy là hindi, xuất xứ từ cụm từ Pháp poulet d’inde (thịt gà Anh điêng).

Đầu tiên, người Anh còn lịch sự dùng từ Turkey coq (nửa Anh nửa Pháp), nhưng sau rồi dân Anh gọi là Turkey cho ngắn gọn. Và đến năm 1575 thì món gà Tây ấy đã thành món chính cho tiệc đêm Giáng sinh truyền thống kiểu Anh.

Đấy, chỉ có cái tên của một giống gà thôi mà đã thấy mọi sự không hề đơn giản chút nào rồi, huống hồ gì những chuyện phức tạp khác nữa. Nhắc đến cái tên ông gà Tây lại sực nhớ chuyện người Việt cãi nhau như mổ bò xoay quanh một đồng đội gia cầm của ông gà là ông đà điểu. Cái vụ ấy thế mà thú phết, Tết nhất ngồi nhắc lại, nhấm ly rượu, gặm cái đùi gà có khi lại rôm rả phải biết.

Chẳng là con đà điểu, trong tiếng Anh, có thêm một định nghĩa là con camel bird, tức là con chim lạc đà, bên cạnh từ ostrich. Sở dĩ có cái từ ấy là bởi trong tiếng Hi Lạp cổ, con đà điểu Ả Rập (ở bán đảo Ả Rập) được dân Hi Lạp gọi tên là strouthokamelos, có nghĩa là “cú lạc đà” với hàm ý to như lạc đà mà lại giống con chim cú.

Con ấy có sống ở ngoài tự nhiên ở xứ Việt Nam bao giờ đâu. Thế nên mọi sự biết về nó đều du nhập từ hải ngoại mà vào. Và tên tiếng Hán Việt của nó, ngày sơ khởi, được các cụ nhà mình dịch là “đà điểu”, chiết tự ra là “đà” (lạc đà) và “điểu” (chim).

Bởi thế cái ông soạn sách nào đấy cho thiếu nhi lại định nghĩa hơi vội là “đà điểu là con lạc đà”. Lẽ ra nếu ông gõ thêm chữ “chim lạc đà” thì đã không ai nói gì. Đời, thiếu “chim” cái, phiền lắm...

Luận từ chuyện con gà cúng đến con gà Tây, đến con điểu to như con lạc đà theo cách nhìn của người cổ đại mới thấy cuộc đời này có những thứ bình dị mà hóa ra hiểu được nó phải là sở học, làm được nó phải là kỹ nghệ. Như luộc con gà sao cho đẹp, cho mướt, chặt miếng thịt gà sao cho nuột để mâm cỗ Tết nhìn bắt mắt đã khó vô ngần.

Thế nên chê bai nhau chỉ vì vài cái tiểu tiết, tưởng là cái thường thức mà ai cũng phải biết nhiều khi lại sai lầm; khen nhau vì vài cái tiểu tiết, khi mà mình và người được khen thật ra cũng chưa tận cùng của sự biết nhiều khi lại là giết nhau.

Nó cũng như cho nhau cái bông hồng đỏ cô đơn, không phải để tỏ tình, mà coi nhau như con gà, cho bông hồng với hàm ý “tôi mang bạn đi cúng”, theo đúng tinh thần Facebook bây giờ là “khen cho chết”, “like cho chết” vậy. Cái đó là cái không từ tâm, không tình người.

Mà sống, suy cho cùng, mỗi Tết qua cứ vắt tay lên trán nằm nghĩ về con gà để nhận ra rằng thật ra hiểu biết, tri thức quan trọng đấy, nhưng cái nhân bản, cái từ tâm mới là cái đáng quý hơn nhiều, là cái mà ai cũng cần phải có để đáp ứng được nhu cầu làm người của chính mình...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận