Coi hát đầu năm

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 26/01/2012 22:01 GMT+7

TTCT - Ngày còn nhỏ, dịp đầu năm tôi thường được mẹ tôi dẫn đi coi hát. Như nhiều người gốc Bắc khác, bà cũng thích nghe cô Út Bạch Lan, danh ca Út Trà Ôn ca qua radio nhưng coi hát thì là Đoàn Kim Chung - “Tiếng chuông vàng thủ đô” (*), chắc do nỗi nhớ quê nhà.

Phóng to

Một chương trình biểu diễn của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam tại hí viện Black Diamond, Copenhagen

Hồi nhỏ tôi thấy đi coi cải lương vui hơn coi phim. Nếu coi phim Ấn Độ ở rạp Nam Quang thì dễ chịu, đến những đoạn ca múa, màn ảnh đang đen trắng bỗng chuyển sang màu sắc rực rỡ, con nít đứng lên vỗ tay rào rào. Còn khi đi coi phim “Tây” như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Quả bong bóng đỏ hay Vô gia đình thì khi vô rạp cứ phải ngồi im thin thít.

Rạp cải lương náo nhiệt hơn hẳn, tiếng đào kép đờn, ca, nói lối xen với tiếng quạt máy quay vù vù, tiếng người nói chuyện, cắn hạt dưa lách tách, các bà già nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng lại có tiếng con nít khóc ré. Đứa nào coi hát chán thì ra chạy nhảy dọc lối đi. Tuồng tích thì có đủ tuồng ta, tuồng Tàu, tuồng Nhật, tuồng Tây - còn gọi là tuồng “hương xa”, đào kép mặc đồ như trong phim Ba chàng ngự lâm quân mà ca vọng cổ mùi mẫn.

Nhưng tới Tết và những ngày đầu năm thì Đoàn Kim Chung năm nào cũng diễn tuồng tàu Lục quốc phong tướng với Mạnh Lệ Quân kỳ nữ. Tuồng tích hầu như ai cũng thuộc nằm lòng. Diễn viên năm nào cũng thế, tuồng Mạnh Lệ Quân thì cô Kim Chung vai Mạnh Lệ Quân và thừa tướng Lịch Quân Ngọc, cô Bích Hợp là Tô Ánh Tuyết, kép Huỳnh Thái vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa... vậy mà khán giả vẫn kín rạp. Bọn con nít như tôi thì cứ được đi coi hát, thấy quần áo mũ mãng xanh xanh đỏ đỏ là thích rồi, diễn tuồng gì cũng được.

Có năm tôi theo cha đi xem hát bội ở đình Phú Nhuận, diễn tuồng San hậu, Giang tả cầu hôn. Sân khấu hát bội đầu năm có không khí trang nghiêm cộng với tiếng đàn, trống, phèng la đinh tai khiến bọn trẻ con thấy hơi sờ sợ. Có đứa phải núp sau lưng người lớn khi thấy những ông tướng mặt đen mặt đỏ, tô vẽ vằn vện, đôi mắt xếch ngược đảo liên hồi xuất hiện trên sân khấu. Tôi nghe đào kép ca mà chẳng hiểu gì, chỉ thấy thích cảnh các ông tướng đi một chân hay múa đao múa kiếm.

Lớn hơn một chút, có lần tôi hỏi mẹ tôi sao năm nào cũng là những tuồng tích ấy thì bà giải thích là đầu năm đi xem tuồng có đám cưới, thi đậu trạng nguyên, có đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa để được may mắn cả năm. Hóa ra đi coi hát không phải chỉ để cho vui!

Bẵng đi một thời gian giờ thì lại nghe nói làng điện ảnh Việt Nam có “mùa phim Tết”. Có người nói rằng đầu năm ai nấy rảnh rỗi nên bất kể phim hay dở, cứ vui vui là có khán giả. Tuy nhiên trong thời đại của Internet thì chuyện giải trí quá dễ dàng, việc gì phải cất công đến rạp và tốn tiền mua vé, nếu không phải là một bộ phim hay?

Có lẽ những người trẻ hiện nay cũng như thế hệ trước, đầu năm xem một bộ phim vui như gửi vào đấy ước mơ về một năm mới với những điều tốt đẹp. Cũng như những lời chúc xuân hằng năm, có những lời chúc mà ai cũng biết rằng sẽ không bao giờ thành sự thật nhưng người ta vẫn chúc, vì muốn cho nhau niềm vui nho nhỏ đầu năm hơn là vì thói quen.

Từ khi định cư ở nước ngoài, những ngày đầu năm tôi thường mở đĩa ca nhạc xuân cho có không khí Tết. Nhưng đúng như nhiều người đã nói, chỉ ở Việt Nam mới có Tết, cho dù khi tôi còn ở nhà thì ba ngày tết chỉ để dọn dẹp nhà cửa và ngủ bù cho những ngày làm việc cật lực trước đó. Có năm cũng có đủ bánh chưng, bánh tét, dưa món, giò lụa giò thủ, báo xuân, mứt gừng mứt bí từ nhà gửi sang, nhưng ba ngày tết vẫn chỉ là thời gian để chạnh nhớ về những cái tết nơi quê nhà.

Nhưng năm nào được xem đoàn văn nghệ từ bên nhà sang biểu diễn phục vụ thì lại khác.

Các đoàn thường chỉ chừng hơn chục người, với vài ca sĩ, nhóm múa và ban nhạc dân tộc. Chương trình biểu diễn do vậy không hoành tráng, hấp dẫn như những show ca nhạc tổ chức trong nước hay trong băng Thúy Nga Paris nhưng tất cả kiều bào tham dự đều có mặt đúng giờ, ăn mặc đẹp, nhiều chị còn cẩn thận mặc áo dài cho dù là giữa mùa đông buốt giá.

Cũng là những điệu múa, bài hát quen thuộc về mùa xuân, nhưng khi nhìn những tà áo dài trên sân khấu xứ người, nghe những âm thanh của bầu, nhị, sáo, thập lục, t’rưng, krông pút, đinh năm... tự nhiên thấy như mình đang được chìm trong không khí tết thân quen, có mùa xuân ấm áp đâu đây và quê nhà như đang gần, rất gần. Có lẽ những nghệ sĩ trong đoàn cũng không biết rằng họ đã đem lại cho nhiều người cả một trời xuân!

__________

(*) Sau là Đoàn Kim Chung 1, thuộc Công ty Kim Chung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận