Con cá trong giỏ và chiếc cần câu

KHÁNH LINH 19/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Mười năm qua, mỗi năm có đến hơn 600.000 người làm công ăn lương khi chấm dứt công việc đã dứt khoát nhận lại tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần bất chấp việc cơ quan phụ trách vấn đề này nhiều lần đưa ra phân tích hơn thiệt để chứng minh việc đóng tiếp BHXH là cần thiết, để sau này mỗi tháng được nhận lương hưu - khoản tiền có thể không lớn nhưng vô cùng hữu ích cho tuổi già.

Con số này phải được xem là nghiêm trọng khi nó tương đương 50% số người tham gia mới BHXH mỗi năm.

Bài toán BHXH

Đã có nhiều tranh cãi về tính thực dụng hay ngắn hạn có phần thiếu tính toán của quyết định nhận “một cục” của phần lớn người lao động. Với phép tính cộng và nhân đơn giản, chúng ta có thể tính ra một ví dụ tương đối và đã theo hướng lạc quan:

Một người làm công ăn lương và đóng BHXH đầy đủ 20 năm sẽ nhận được 45% thu nhập dùng làm căn cứ để đóng BHXH - tính bình quân của 6 năm cuối - nếu thời điểm bắt đầu tính là từ năm 2000. 

Với một lao động có thu nhập ở thời điểm hiện tại trên 20 triệu, số tiền lương căn cứ đóng BHXH trung bình sẽ rơi vào 8 - 9 triệu. Số lương hưu người lao động có thể nhận được sẽ là 45% x 9 triệu = 4 triệu đồng/tháng. (Nếu muốn tỉ lệ lương hưu ở mức tối đa - 75%, người lao động sẽ phải làm thêm 10 năm, lúc đấy con số tương đối của lương hưu sẽ xấp xỉ 8 - 9 triệu).

 
 Ảnh: Financial Times

Còn nếu ngay bây giờ, người làm công chọn phương án nhận một lần, số tiền họ sẽ nhận được sẽ là từ 250 - 400 triệu đồng. 

Con số để cân nhắc sẽ là: 3 - 4 triệu/1 tháng kể từ bây giờ hay có 250 - 400 triệu trong tài khoản, tức tương đương khoảng 50 - 100 tháng lương hưu?

Có nhiều yếu tố để dẫn đến lựa chọn lĩnh một lần hay để dành lĩnh lương hưu. Bài viết này chỉ xin đề cập đến số người lao động có thu nhập trung bình và thấp, và lý do tại sao họ chọn phương án lĩnh một lần.

Yếu tố đầu tiên là thu nhập căn cứ để đóng BHXH thấp, cộng thêm thời gian và mức tăng khoản thu nhập này thường chậm - 3 năm một lần và mỗi lần chỉ vài trăm ngàn. Điều này được đảm bảo qua cơ sở pháp lý là mức lương tối thiểu mà Nhà nước ban hành và được giới chủ tận dụng.

Sự chấp nhận mức lương tối thiểu mà Nhà nước áp đặt cần nhìn nhận dưới góc độ nhân văn. Đấy là sự chịu đựng của người lao động để tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn nhất cho quốc gia trong 20 - 30 năm đầu mở cửa: nhân công giá rẻ. 

Bạn có nhớ mức lương tối thiểu năm 2000 của Việt Nam là bao nhiêu: 180.000 đồng - tương đương khoảng 620.000 đồng so với mức giá cả hiện tại. Con số này bằng 1/6 mức lương tối thiểu thực tế hiện giờ ở khu vực FDI.

Khi thu nhập căn cứ để đóng BHXH thấp như hiện tại, mức tối thiểu đóng là chưa tới 5 triệu đồng, tức có thể tồn tại mức lương hưu rơi vào khoảng 2,5 triệu/tháng. 

Đó là mức lương hưu khó tạo động cơ cho người lao động từ chối việc lĩnh “một cục”, bởi đấy là số tiền đáng kể - không ít hơn 6 tháng lương - nếu số thời gian làm việc trên 5 năm. 

Nếu cần một số tiền đủ lớn để về lại quê sinh sống - định hướng chung của hầu hết lao động ăn lương mức thấp và trung bình khi đổ ra các đô thị lớn - thì lĩnh một lần rõ ràng là hợp lý.

Yếu tố thứ hai là các bất lợi khi chuyển đổi công việc.

Người lao động chuyển đổi công việc thường rơi vào hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là rủi ro mất việc bởi lý do cá nhân hoặc doanh nghiệp phá sản. Ở trường hợp này, họ mất một khoảng thời gian từ vài tháng đến nửa năm cho công việc mới, và khi tìm được công việc mới, khả năng cao là mức lương để tính BHXH của họ lại quay về mức tối thiểu ban đầu, dù thu nhập thực tế sau khi chuyển việc của họ không giảm hay thậm có tăng đi nữa.

Ở trường hợp thứ hai, người lao động tìm được một công việc tốt hơn và chuyển việc. Nếu đấy là công ty tư nhân thì đa số sẽ cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh thu nhập có thể cao hơn hẳn trước đây, nhưng thu nhập căn cứ để đóng BHXH thường sẽ thấp hơn. Bản thân giới chủ doanh nghiệp tư nhân có động cơ và những cách thức hợp pháp để làm như vậy.

Ngay chính nhiều chủ doanh nghiệp - người hầu như không sống nhờ vào lương - cũng có lương, cũng đóng BHXH, nhưng là ở mức trung bình, ví dụ 10 triệu đồng/tháng trong khi mức trần của Nhà nước là gần 30 triệu. 10 triệu này trở thành mức trần tối đa cho toàn bộ công ty mà không cần một văn bản, chính sách nội bộ nào cả.

Tiền lương, năng suất và chức phận của cơ quan BHXH

Thực tế, ít người lao động nào trong lĩnh vực tư nhân khi chuyển việc để ý đến những chi tiết này, họ chỉ cần tổng thu nhập của họ trên thực tế đã cao hơn trước kia. 

Điều này khác với người làm công hay biên chế trong khu vực nhà nước, khi thu nhập căn cứ đóng BHXH của họ gần như là tuần tự nhi tiến, chỉ tăng chứ không giảm. 

Đấy cũng là một lý do quan trọng được giải thích bằng khái niệm “công việc ổn định” khiến nhiều gia đình ở các đô thị hành chính hướng cho con em vào khu vực Nhà nước khi chọn nghề.

Sự đứt gãy khi chuyển đổi công việc, tích lũy thu nhập thấp dẫn đến một sự thật dễ thấy trong thời kỳ dịch giã năm rồi: chỉ cần vài tháng không có thu nhập là người làm công ăn lương sẽ rơi ngay vào tình trạng thiếu thốn. 

Nếu cùng lúc đấy họ đang gánh thêm một khoản nợ ngân hàng cho căn hộ hay mảnh đất mua trả góp thì tình cảnh còn bức bách hơn nhiều.

Cộng thêm các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát dẫn đến đồng tiền mất giá hay sự thay đổi chính sách kéo dài thời gian lao động trước khi được lĩnh lương hưu và cả nỗi lo về sự vận hành của quỹ BHXH, tất cả khiến người lao động có thu nhập trung bình trở xuống, nhất là ở các đô thị công nghiệp, rất dễ lựa chọn phương án rút hết BHXH cho sự tồn tại đến khi có việc làm mới, cho số tiền lãi phải trả ngân hàng đến hạn, bất chấp mọi phân tích thiệt hơn trên lý thuyết.

Chỉ đến khi đến gần 50 tuổi, nhìn lại quỹ thời gian và sức khỏe của mình, nhiều người mới nhận ra quyết định đấy là không thực sự sáng suốt. 

Nhưng lúc đấy thì đã không còn thời gian để sửa sai. Mà thực ra, khả năng để thay đổi lựa chọn trong quá khứ cũng khó thực hiện bởi cái vòng luẩn quẩn: thu nhập thấp - không có tích lũy - hạn chế các lựa chọn dài hạn hợp lý - không có lựa chọn dài hạn hợp lý nên không thoát ra được mức thu nhập thấp, và cứ thế.

Nghịch lý giữa lợi thế nhân công giá rẻ - dù là một lợi thế không đáng mong muốn - kéo dài của Việt Nam và câu chuyện đảm bảo thu nhập về già của người lao động là một nan đề mà cơ quan đầu mối giải quyết là là Bộ Lao động - thương binh và xã hội. 

Việc nâng lương tối thiểu hay bỏ luôn khái niệm này là một yêu cầu của nhiều vùng địa phương.

Tuy nhiên, để cân đối lợi ích giữa giới chủ và người lao động, không phải yêu cầu nào tưởng như hợp lý cũng có thể dễ dàng được chấp thuận. Nó phải bắt nguồn từ một nguyên lý đơn giản được áp dụng ở bất cứ quốc gia nào: mức tăng thu nhập phải thấp hơn tốc độ tăng của năng suất lao động.

Trong khi chờ sự bứt phá của toàn bộ đất nước để đẩy năng suất lao động nhằm nâng cao được tiền lương cơ bản, việc khả thi hơn trong ngắn hạn là giúp người lao động biết việc lựa chọn giải pháp rút tiền một lần hay để dành lại là một bài toán tài chính thực sự phức tạp phải được giải quyết ngay từ khi họ còn trẻ. 

Con cá trong giỏ nhìn có thể to, nhưng cái giá sẽ là một chiếc cần câu dù khiêm tốn nhưng vô cùng hữu ích trong tương lai.

Để lan truyền được nhận thức này, cần sự truyền thông, huấn luyện một cách nghiêm túc, chứ không thể đợi đến khi người lao động đứng trước ngưỡng cửa phải lựa chọn khẩn cấp thì các tổ chức xã hội mới lên tiếng, lúc đó e mọi việc đã trễ. 

Nói rõ hơn, chừng nào cơ quan BHXH có động lực làm việc như các công ty bảo hiểm tư nhân trong việc thuyết phục khách hàng thì mới có hy vọng nhìn thấy sự chuyển biến nhận thức của người lao động về việc rút BHXH một lần. 

Ngành BHXH cần coi việc này là một KPI để phục vụ khách hàng của mình, chứ không phải chỉ là công tác “động viên - tuyên truyền” mang hơi hướm Nhà nước phụ mẫu như từ trước tới giờ.

Giá trị tạo ra GDP trung bình của một người Việt Nam chưa bằng 1/4 so với một người Trung Quốc. Tương tự, so sánh năng suất lao động của các quốc gia ASEAN - theo báo cáo cuối năm 2020 của hội nghị SLOM (Senior Labour Officials Meeting) - cho thấy năng suất lao động của nhân công Việt Nam đứng sau cả Philipines và Indonesia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận