TTCT - Đêm thứ hai ngủ lại nhà, đứa cháu ôm tôi nói: “Con ghen tị với C. ghê, ước gì con làm con cô há! Khỏi cần đi học nhiều, con mệt quá trời!”. Tôi cười nhìn cháu, chỉ muốn nói là thương cháu rất nhiều... minh họa Ba mẹ cháu làm quần quật cả ngày ngoài chợ, chỉ để lo cho cháu đủ điều kiện học ở trung tâm Anh ngữ quốc tế, học nhạc ở một trường danh tiếng và học thêm nhiều môn khác. Ba mẹ cháu cũng bỏ thời gian đưa đón cháu mỗi ngày từ trung tâm này qua trung tâm khác, kín mít cả thứ bảy và chủ nhật. Để lo cho cháu đi học ở mức đó, ba mẹ cháu hi sinh cả những giờ nghỉ ngơi lẽ ra có thể dành cho chính mình - điều mà chính tôi cũng chưa làm được cho con mình. Có lúc tôi cảm thấy áy náy với con, cảm thấy con thiệt thòi hơn nhiều bạn bè khác. Gia đình neo người và có ba đứa con, tôi chưa thể chu toàn cho con như ba mẹ cháu đã làm. Có lúc tôi tự hỏi, liệu mình đã đủ trách nhiệm với con chưa? Có lúc tôi tự hỏi, nếu mình giàu có hơn, mình có cho con đi học từ sáng đến tối, luôn cả thứ bảy và chủ nhật, để cháu ước gì được học ít hơn như những đứa trẻ khác hay không? Từ ngày đưa con đến trường, bảy năm qua, tôi đã họp phụ huynh trên dưới 40 lần cho cả ba đứa con. Điều mà tôi quan tâm trong những lần đi họp này không phải là điểm số của con, mà là gương mặt, giọng nói, ánh mắt của thầy cô giáo chủ nhiệm. Tôi còn nhớ lần họp phụ huynh lớp 4 cho con gái, tôi chờ vãn bớt phụ huynh rồi mới lên chào thầy của con. Tôi nói: “Dạ chào thầy, nghe C. kể thầy thương tụi nhỏ lắm. Em cảm ơn thầy!”. Thầy khi biết tôi là mẹ của C. liền nói, như áy náy: “Em C. học giỏi, sáng lắm, mà các bạn trong lớp không bầu cho em, hơi tiếc cho C. chị ạ”. Tôi cười: “Dạ không, chuyện đó nhỏ, là chuyện của các em, được hay không cũng không có ảnh hưởng gì C. thầy à!”. Khi ra về, con gái tôi, người chứng kiến đoạn đối thoại đó, hỏi tôi: “Mẹ, có thật là mẹ thấy không sao không? Tại lớp con cơ chế tự bầu chọn, mà con không chơi với phe nào nên các bạn không chọn con”. Tôi quay sang nhìn cháu, hỏi: “Con buồn hả?”. Cháu lắc đầu nhè nhẹ, nói có hơi buồn xíu thôi. Tôi choàng tay qua vai con, xoa lên thái dương con, nói rằng ở đời, rồi con sẽ quen với điều này, không phải mình hay thì người ta công nhận, cũng không phải mình giỏi, tốt mà được nhiều người đánh giá cao. Mình học, hay sống, hay làm bất cứ điều gì, đều cần nhớ rằng mình biết điều này, mình chịu trách nhiệm về điều này, mình làm điều này trước hết là cho chính mình, và vì vậy mọi sự công nhận, dù đúng dù sai, dù sớm dù muộn, đều không phải là mục tiêu cuối cùng để con học hay làm việc. Nếu bạn con công nhận và bầu chọn cho con, điều đấy cũng tốt. Nếu bạn con không thấy thuyết phục, điều đó thật sự cũng không sao. Mẹ thật sự nghĩ vậy chứ không phải vì muốn thầy bớt áy náy mà nói vậy, con hiểu không? Con gái tôi dạ, từ đó không bao giờ nhắc về chuyện bầu bán nữa. Một lần khác, khi đi họp phụ huynh về, tôi buồn lắm. Cô giáo của con từ đầu buổi đến cuối buổi không nở một nụ cười. Cô toàn nói về kỷ luật nhà trường, chuyện đi đúng giờ, để xe đúng chỗ, các khoản phí phụ thu, chuyện học trò chểnh mảng học hành... Tôi ngồi nhìn mãi, mong nhìn thấy một nụ cười, một ánh mắt dịu dàng, hay một lời nhận xét về cá tính dễ thương của một bạn học trò nhỏ. Nhưng chỉ những con số, kỷ luật, răn đe hiện ra... Tôi tự hỏi, với sự nghiêm nghị cứng nhắc ấy, cô dạy gì cho con tôi? Vậy tôi ước mơ gì ở nhà trường và thầy cô, nơi tôi gửi gắm con mình? Tôi thật lòng mong thầy cô truyền thụ kiến thức cho con bằng tình thương. Tôi mong thầy cô nhìn các con bằng ánh mắt dịu dàng, cho các con cảm nhận một dòng chảy tình thương từ thầy cô sang các con. Tôi mong cái sai của con tôi được chỉ rõ bằng ngôn ngữ, được giải thích bằng các luận cứ thích hợp, và nếu có phạt, đó là cái phạt của tình thương, chứ không phải của nguyên tắc vô cảm. Tôi thực sự không quan tâm đến điểm số của con. Tôi cũng không cần con đạt học sinh giỏi hay xuất sắc. Tất cả những gì tôi yêu cầu con khi đi học đó là hiểu bài và sống hòa đồng với tập thể. Đó là lý do vì sao tôi không la mắng con nếu điểm thấp, và chỉ khen ngợi một cách vừa phải khi con đạt điểm cao. Nhưng tôi khen ngợi không tiếc lời khi con giúp đỡ bạn, chia sẻ những nỗi buồn với bạn của mình. Tôi khiển trách con nghiêm khắc khi con quan tâm nửa vời với bạn. Tôi dạy cho con bài học này: nếu việc gì cần hiểu thì phải hiểu cho cặn kẽ, nếu người nào cần giúp thì phải giúp cho tới nơi. Cuộc sống thật sự là một món quà, và chính con, không ai khác, là người quyết định về chất lượng và ý nghĩa của món quà đó. Việc học của con ngày hôm nay là để làm cho món quà đó trở nên phong phú hơn, để con cảm nhận món quà đó ở tầng sâu sắc nhất có thể. Và đó là vì chính con, vì trách nhiệm và cơ hội của con với món quà của mình. Tôi muốn nói với đứa cháu của mình rằng, một trong những lý do khiến ba mẹ cháu muốn cháu học nhiều như vậy là họ sợ. Chúng ta đều sợ một ngày kia khi chúng ta không còn trên đời nữa, hay khi chúng ta đã già đi, trở nên vô dụng rồi thì các con của chúng ta đã có thể tự lo lấy cho bản thân, tự sống một cuộc đời danh giá, sáng láng, tự chủ, đàng hoàng. Đó là nỗi sợ của tình thương và trách nhiệm. Họ phải chuẩn bị cho một tương lai con cái vắng mặt chính họ, nỗ lực đó không phải đáng trân trọng sao? Nhưng có một điều rất quan trọng là, trong quãng đời bất định này, chẳng thể biết trước thế giới mà các con thuộc về sẽ thay đổi ra sao trong vài chục năm tới. Liệu mớ kiến thức chúng ta dạy các con ngày hôm nay đã đủ cho chặng đường tiếp theo hay chưa? Chúng ta sẽ lấy điều gì làm trọng tâm để dạy con trẻ? Nghị lực vượt khó? Khả năng thích ứng với sự thay đổi? Ý thức và khả năng tự học? Phương pháp học hiệu quả? Tình thương và trách nhiệm với cộng đồng? Liệu người thầy trong thời đại Google, YouTube, Facebook và MOOC (khóa học trực tuyến miễn phí) và hàng ngàn ứng dụng học trực tuyến mỗi ngày... có khác với người thầy - sự lựa chọn duy nhất của học trò, hồi mấy chục năm về trước hay không? Và có một điều rất quan trọng khác nữa, liệu mớ kiến thức con đã được nhồi nhét vào hôm nay có giúp ích gì cho tâm hồn con hay không? Nó có làm tâm hồn con lớn lên, xanh um, rộng mở và phơi phới gió? Nó có làm con cất tiếng hát vang, mắt sáng long lanh, nụ cười rạng rỡ? Nó có làm con thức dậy với một ngày mới thật tuyệt diệu và tràn đầy lòng biết ơn? Nỗi sợ về một tương lai bất định có thể khiến chúng ta vô tình dựng khung rồi bỏ con mình vô vòng an toàn đó, nghĩ rằng khi đã xây được tháp ngà kiến thức vững chắc như vậy rồi, chắc con mình sẽ yên ổn thôi. Nhưng điều đó có ý nghĩa không nếu một ngày kia, con bạn muốn đổi một người mẹ khác?■ Khoe để làm gì? Mỗi năm đến hè lại thấy rộ lên phong trào “khoe”. Người khoe thành tích của con, người khoe con đậu đại học. Lại có người khoe bằng cấp, giấy khen các kiểu của chính mình. Mỗi status khoe như vậy trên Facebook kéo theo hàng trăm lời khen, và cả không ít những dè bỉu sau lưng. Người khoe được nhiều bạn bè, người quen vào ca ngợi và chúc mừng. Số lượt “like” tăng dần, tỉ lệ thuận với lượng dopamine trong não tiết ra khiến ta có cảm giác vui vẻ hạnh phúc vô cùng. Việc khoe này không chỉ để người khoe được vui vẻ vì hãnh diện, đôi khi còn nhằm mục đích “dằn mặt” hoặc để khẳng định giá trị với ai đó. Cùng với sự rộn ràng của những câu hỏi quan tâm là những than phiền chê bai trách móc thầy cô giáo và nhà trường theo kiểu vì “chúng nó” mà con chúng ta chỉ chừng này điểm. Lỗi là do “thằng” thầy đó dạy tệ quá, hoặc con chúng ta bị “con” cô giáo chủ nhiệm đì... Có thể thấy niềm vui của người này kéo theo nỗi đau buồn tủi nhục bất hạnh của người kia. Liệu có ông bố, bà mẹ nào vì không có gì để khoe bởi thành tích con mình thuộc diện trung bình hoặc kém đã cảm thấy đau, hay tức giận? Liệu có đứa trẻ nào sau đó bị mắng, bị đay nghiến hay trừng phạt vì đã làm mất sĩ diện của bố mẹ? Có nhiều đứa trẻ bản lĩnh đã tuyên bố thẳng với bố mẹ về việc không đồng ý cho bố mẹ khoe bảng điểm và thành tích lên mạng xã hội hoặc vào cơ quan khoe. Tuy nhiên nhiều trẻ không dám phản đối bố mẹ mà chỉ âm thầm xấu hổ với sở thích này của người lớn. Bạn tôi cũng theo phong trào “mùa khoe”: cô ấy chụp hình giấy khen học sinh giỏi của con, khoe lên mạng xã hội. Kết quả là con của cô ấy đã block mẹ luôn để mẹ đừng tag tên mình vào bài viết ấy. Cháu giải thích: “Con thấy xấu hổ với bạn bè và vì trong lớp có nhiều bạn giỏi hơn con nhưng bố mẹ bạn ấy không khoe”. Nếu thành thực hỏi bọn trẻ, bạn sẽ thấy có rất nhiều đứa trẻ không thích bị mang ra giữa “chợ phây” để trở thành tiêu điểm cho việc bàn ra tán vào hay ca ngợi để làm đẹp mặt cho bố mẹ. Còn những đứa trẻ hứng thú với việc khoe này thì sao? Thật khó mà tránh nguy cơ các em sẽ có tư tưởng tự mãn về bản thân và có thói quen hãnh tiến. Các em có thể sẽ bắt đầu xác định mục tiêu của việc học chính là giấy khen và bằng cấp. Mà căn bệnh xem trọng bằng cấp trong một thời gian quá dài ở Việt Nam vừa qua đã khiến rất nhiều người có đầy bằng cấp nhưng thiếu hụt về nhân cách hoặc kỹ năng và rồi thất bại khi ra đời. Việc học tập ở thế kỷ 21 không còn là nạp kiến thức vào đầy đầu, thu thập thật nhiều bằng khen và bằng cấp các loại nữa. Mục tiêu của việc học ở thế kỷ này là tạo ra một thế hệ có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, có tư duy phản biện và khả năng sáng tạo để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Học cách tư duy quan trọng hơn nạp kiến thức, bởi kiến thức sẽ nhanh chóng bị lạc hậu trong thế giới ngày nay. Tô Thụy Diễm Quyên Tags: Áp lực học hànhNiềm vui học tậpBệnh thành tíchĐổi mẹ
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường H.MI 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Ông Medvedev: Mỹ và các nước NATO đã tham gia hoàn toàn vào chiến sự Ukraine NGHI VŨ 23/11/2024 Ông Medvedev cáo buộc phương Tây đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga, cảnh báo Nga sẽ có đáp trả việc Ukraine không kích vào Nga.
Man City thua choáng váng 0-4 trước Tottenham HOÀI DƯ 24/11/2024 Rạng sáng 24-11, Man City hứng chịu thất bại gây sốc 0-4 trước Tottenham trên sân nhà ở vòng 12 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).