TTCT - 27 cánh buồm khổng lồ trắng muốt của tàu Sørlandet đã hiện ra trên vùng biển Việt Nam những ngày cuối tháng 8 vừa qua. Tàu Sørlandet đóng năm 1927, dài 57m (chiều dài kể cả xà buồm mũi 65m), chiều cao cột buồm 35m với 27 cánh buồm tổng diện tích 1.240m2. Tàu có 70 học viên và 15 thủy thủ-sørlandet.org Chiếc tàu buồm huấn luyện này - di sản đặc biệt của người dân quốc gia biển Na Uy và nay là một trong những con tàu cổ xưa nhất còn sót lại - cập cảng Sài Gòn ngày 29-8, đón những vị khách Việt Nam tham dự sự kiện đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy. Gần 90 năm qua, tàu Sørlandet đã tiếp đón trên 1 vạn sinh viên, học sinh, sĩ quan hàng hải trên toàn thế giới lên tàu để học tập. Đó là con tàu đầu tiên tiếp nhận học viên phụ nữ. Với người dân của quốc gia biển cả Na Uy, con tàu di sản này có một ý nghĩa lớn lao, một biểu tượng quốc gia, gắn với cuộc đời của ông chủ con tàu Olaf Skjelbred (1854-1939), người đã đi lên từ đói nghèo. Thế là ngoài một Na Uy giàu có bậc nhất thế giới với chi trả phúc lợi xã hội vô cùng hào phóng, một Na Uy với “Ngôi nhà búp bê” của Henrik Ibsen vĩ đại mà nghệ sĩ Lê Khanh ao ước suốt 25 năm để được vào vai Nora, một Na Uy với “Khúc hát của nàng Solveig” da diết của Edvard Grieg gắn với câu chuyện “Lẵng quả thông”, đây là dịp ta biết tới một Na Uy giàu từ biển cả, trước hết vì có những con người của biển được đào luyện từ tấm bé. Một lớp học trên tàu-sørlandet.org Từ phụ bếp trở thành thuyền trưởng Mồ côi cả cha lẫn mẹ vào năm 13 tuổi, Skjelbred làm chân bồi bếp trên những con tàu nhỏ tại bến cảng quê hương Egersund, một cảng nhìn xuống biển Bắc, cách thủ đô Oslo hơn 400km. Vào năm 1875, Skjelbred lãnh bằng thuyền trưởng ở tuổi 21, sau những ngày cật lực vừa lao động kiếm sống vừa học nghề. Ba năm sau, chàng thuyền trưởng trẻ tuổi đủ tiền mua chiếc tàu Neutral nhỏ bé (chỉ có 263 BRT) và sau gần 20 năm rong ruổi trên biển, năm 1894 Skjelbred lên bờ, điều hành công ty vận tải biển và công nghiệp đóng tàu. Đó là thời kỳ phát triển hàng hải như vũ bão, khi chuyển từ tàu buồm sang máy hơi nước, từ gỗ sang đóng tàu vỏ thép và Skjelbred đã trở thành một ông chủ tàu lớn nhất Na Uy một thời. Vào những năm cuối đời, ông muốn dành tài sản của mình cho công việc từ thiện. Điều ông quan tâm hàng đầu là giáo dục, vì vậy ông lập Viện đào tạo “Sørlandets Skoleskib” năm 1917. 10 năm sau, con tàu buồm huấn luyện Sørlandet ra đời tại xưởng đóng tàu “Høivolds Mek. Verksted”, thành phố Kristiansand. “Sørlandet” trong tiếng Na Uy là “vùng phía nam của đất nước”. Ông chủ hãng muốn dành con tàu cho các cháu tuổi teen (từ 14-16 tuổi) vì cho rằng cuộc sống trên biển sẽ là người thầy dạy dỗ tốt nhất cho thế hệ trẻ, qua kinh nghiệm của chính ông. Trong chuyến đi đầu tiên từ cảng phía nam lên thủ đô Oslo, con tàu hoàn toàn chạy buồm này có hai vị khách đặc biệt: nhà vua Haakon và hoàng tử Olav. Là vị vua đầu tiên của nước này sau khi tách khỏi Thụy Điển, Haakon tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoàng gia Anh, hoàng tử Olav cũng là người của biển - 10 năm sau, anh sẽ giữ vị trí đô đốc của hải quân nước này. Ngay trong năm 1927, con tàu đã đưa 90 học viên trẻ tuổi sang London (Anh). Vào năm 1933, nó đã vượt Đại Tây Dương sang Mỹ tham dự hội chợ quốc tế tại Chicago. Sørlandet trở thành điểm thu hút đặc biệt của gian hàng Na Uy trong hội chợ. Tìm hiểu, học hỏi trên tàu Mất mát trong Thế Chiến II Trong Thế chiến I, Na Uy là một nước trung lập. Quốc gia này tìm cách tuyên bố trung lập trong Thế chiến II nhưng đã bị các lực lượng Đức xâm lược ngày 9-4-1940. Na Uy không hề chuẩn bị trước cho một cuộc tấn công bất ngờ như vậy của Đức, nhưng các cuộc kháng cự quân sự vẫn diễn ra trong hai tháng, lâu hơn bất kỳ một quốc gia nào khác bị người Đức xâm lược, ngoại trừ Liên Xô. Phát xít Đức chiếm đóng Na Uy trong 5 năm trời, luôn gặp sự kháng cự mãnh liệt của phong trào kháng chiến mà linh hồn là nhà vua Haakon. Mặc dù gia đình hoàng gia và chính phủ phải di tản sang Anh nhưng cuộc kháng chiến vẫn được chỉ đạo sát sao, đội thương thuyền của Na Uy (đứng thứ tư thế giới) trở thành một lực lượng vận chuyển đắc lực cho Đồng minh giành nhiều thắng lợi. Công ty tàu biển Na Uy Nortraship đã nằm dưới sự điều khiển của Đồng minh trong suốt cuộc chiến, tham gia mọi chiến dịch từ việc sơ tán Dunkerque tới cuộc đổ bộ vào Normandie. Biểu tượng vương miện cùng chữ H (viết tắt tên nhà vua Haakon) được các lực lượng kháng chiến sử dụng như sự thể hiện đoàn kết dân tộc quanh một người con vĩ đại nhất của dân tộc Na Uy trong thế kỷ 20. Sørlandet không may đã bị phát xít bắt giữ ngay những ngày đầu tiên vì là con tàu không máy, không tự di chuyển được, phụ thuộc vào gió. Chúng đã dùng con tàu làm căn cứ cho đội tàu ngầm và nơi giam giữ các chiến sĩ Xô viết. Tàu đã bị trúng bom của Đồng minh và chỉ được khôi phục vào năm 1948. 10 năm sau, nó được lắp máy để giúp cho yêu cầu đào tạo đang trở nên mạnh mẽ cùng với việc phát triển kinh tế sau thế chiến. Hai thập kỷ đầu tiên, nền kinh tế này chủ yếu nhờ vào hàng hải, từ đầu những năm 1970 chủ yếu dựa vào khai thác và chế biến lượng lớn dầu mỏ tại biển Bắc và biển Na Uy, tất cả đều cần có những con người của biển. Nhiều khóa học của hàng hải dân sự, hải quân hoàng gia, dầu khí... được tổ chức trên tàu buồm Sørlandet... Nhưng lịch sử thăng trầm, một thời gian sau con tàu xuống cấp trầm trọng, ngừng hoạt động và rơi vào tay một ông chủ tư nhân. Vào năm 1977, người chắt nội của ông chủ tàu Olaf tên là Christian Skjelbred đã quyết định mua lại con tàu đã 50 tuổi này để hiến tặng cho Hội đồng thành phố Kristiansand như để tiếp nối con đường thiện nguyện mà cụ nội của mình đã vạch ra từ nửa thế kỷ trước, cũng là để tri ân biển cả vì Christian cũng là một ông chủ tàu biển thành đạt. Con tàu được quản lý theo kiểu “nhà nước và dân cùng làm”, nó thuộc sở hữu của một “Quỹ những người bạn của tàu Sørlandet” mà hội phí hằng năm cho hội viên cá nhân là 150 NOK (tiền kron Na Uy, tương đương 400.000 đồng) và hội phí các đơn vị tổ chức là 750 NOK (2 triệu đồng) cùng tiền tài trợ từ nhà nước. Con tàu cổ xưa này cũng là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử mà nó tham gia. Năm 1982, nó thăm thú 60 bãi biển dọc bờ Na Uy. Năm 1986, tàu vượt Đại Tây Dương tham dự lễ kỷ niệm 100 năm tượng thần Tự do tại New York. Để phù hợp các công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tàu tính lại dung tích là 499 gt, trang bị thêm máy điều hòa, sửa chữa đại tu liên tục từ năm 2003-2007. Suốt bốn tháng trong năm 2014, tàu vào ụ tàu tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thay vỏ thép (trước đây tán rivê), cải tạo lại chỗ ngủ và học tập của sinh viên. Trong hành trình đến Việt Nam, khởi hành từ thủ đô Oslo chín tháng trước đây, dưới sự điều hành của thuyền trưởng Sture Erichsen, tàu qua Bồ Đào Nha và Morocco, vượt Đại Tây Dương, qua biển Caribê, vượt Nam Thái Bình Dương tới Indonesia, qua Singapore và Hong Kong trước khi trở về quê nhà. Tay lái tàu Sørlandet-sørlandet.org Một tinh thần biển truyền thống Terry Davies - giám đốc điều hành chương trình của A+ World Academy, tức Học viện tầm cỡ nhất thế giới - cho biết con tàu đã đưa học sinh của mình ra thế giới với 22 cảng đã ghé thăm, 19 quốc gia của 5 châu lục đã qua, với hơn 16.000 hải lý biển cả phía sau lưng... nhằm rèn luyện các học viên trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm. Trên tàu, học viên được rèn luyện từ sự nhạy cảm với các nền văn hóa, ngôn ngữ, các quan hệ xã hội khác nhau, nhận biết được tính đa dạng của các giá trị nhân bản thông qua các giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt, khơi dậy óc sáng tạo, tạo nên niềm ham thích học tập, rèn luyện các kỹ năng làm việc độc lập cũng như trong nhóm... Họ được thực hành như những người đi biển cổ xưa với boong tàu ngổn ngang dây nhợ để sao cho hơn 1.000m2 buồm hoạt động mượt mà, đưa con tàu vượt qua sóng gió bão táp. Tay lái tàu to lớn, có đường truyền dẫn qua một hộp gỗ với dòng chữ nổi bật “Sørlandet”, bên cạnh tấm hải đồ điện tử của Hãng Furuno chỉ mở ra khi cần thiết. Người đi biển vẫn chủ yếu dựa vào các thiết bị truyền thống như la bàn, kính phần sáu... như trong thời đại kỷ nguyên vàng của buồm cách đây hơn một thế kỷ. Sau những giờ lao động và học tập mệt mỏi, học viên sinh hoạt trên sạp tàu, mỗi người có riêng một cái rương chứa đồ giản dị như cha ông của họ đã từng đi biển. “Bà đầm già” đi biển này, với chiếc chuông đồng khắc tên tàu và năm sinh 1927 cho chúng ta hiểu hơn về một quốc gia giàu có bậc nhất lại cũng là một xứ sở tiêu xài rất tiết kiệm. Quả chuông ghi năm sinh con tàu-sørlandet.org Na Uy đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, với những giúp đỡ thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải và dầu khí. Năm 2004, nhà vua Harald tới thăm Việt Nam (năm ngoái là bà Thủ tướng Na Uy Erna Solberg). Là con cháu của hai vị khách hoàng gia tham dự chuyến đi đầu tiên của tàu Sørlandet năm 1927, Harald tiếp nối trọn vẹn tinh thần biển của dân tộc Na Uy. Anh từng là một vận động viên thuyền buồm liên tục tham dự các kỳ Olympic tại Tokyo năm 1964, Mexico City năm 1968, Munich năm 1972. Mặc dù chỉ là biểu tượng trong một nước quân chủ lập hiến, gia đình hoàng gia này đã nêu một gương sáng về tinh thần ái quốc, lối sống giản dị, gần dân và đặc biệt là khát khao yêu biển, dẫn dắt dân tộc này chinh phục biển và có trách nhiệm với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, vấn đề quyền con người. ■ Tags: Con tàu cổ xưaTàu SørlandetTàu buồm Nauy
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Xuân Son giúp tuyển Việt Nam tiến gần chức vô địch ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 02/01/2025 Tối 2-1, tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Nguyễn Xuân Son tỏa sáng để giúp tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan 2-1.
Báo Thái: Mọi việc chưa kết thúc, hẹn gặp lại Việt Nam ở Rajamangala! QUỐC THẮNG 02/01/2025 Sau thất bại 1-2 trước Việt Nam tại Việt Trì, báo chí Thái Lan cho rằng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc với Voi chiến và "Hẹn gặp lại Việt Nam ở Rajamangala" để rửa hận.
HLV Thái Lan: Xuân Son mang đến khác biệt cho tuyển Việt Nam NGUYÊN KHÔI 02/01/2025 Phát biểu sau trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 thua đội tuyển Việt Nam 1-2, HLV Masatada Ishii cho rằng tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son là khác biệt lớn nhất của Việt Nam.
Video: Xuân Son solo đẳng cấp từ giữa sân lập cú đúp trước Thái Lan THANH ĐỊNH 02/01/2025 Nguyễn Xuân Son có pha độc diễn từ giữa sân hoàn tất cú đúp cho riêng bản thân trước tuyển Thái Lan tối 2-1, trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 trên sân Việt Trì.