Con tôi chơi thể thao học đường tại Mỹ

HOÀI LÊ 02/07/2023 11:41 GMT+7

TTCT - Nhà báo Hoài Lê là một cây bút từng quen mặt trong lĩnh vực thể thao của báo Tuổi Trẻ những năm 1980 và 1990

Nhà báo Hoài Lê là một cây bút từng quen mặt trong lĩnh vực thể thao của báo Tuổi Trẻ những năm 1980 và 1990. Khi còn là trưởng ban TDTT Tuổi Trẻ, ông có nhiều bài báo về lĩnh vực thể thao học đường - lĩnh vực mà ở Việt Nam ai cũng thấy yếu, và suốt bao năm không thay đổi được bao nhiêu. Từ Mỹ, ông kể một câu chuyện về thể thao học đường.

Giải bóng chuyền học sinh, một sân chơi đúng nghĩa, không đặt nặng chuyện kỹ thuật, nhưng luật là phải tôn trọng nghiêm túc. Ảnh: H.L.

Giải bóng chuyền học sinh, một sân chơi đúng nghĩa, không đặt nặng chuyện kỹ thuật, nhưng luật là phải tôn trọng nghiêm túc. Ảnh: H.L.

Giáo dục thể chất là nội dung không thể thiếu trong học đường ở bất cứ quốc gia tiên tiến nào. Tuy nhiên tùy vào nhận thức, quan niệm và cả nguồn ngân sách, mỗi nước có cách đầu tư cho thể thao học đường khác nhau. 

Nếu so sánh, sẽ thấy sự khác biệt lớn khi tất cả các trường học ở Mỹ (từ tiểu học đến đại học) đều dành một diện tích khá lớn cho giáo dục thể chất. Trong khi ở VN, dù ai cũng nói về tầm quan trọng của thể thao học đường, nhưng nhìn vào sân chơi cho học sinh thì còn vô cùng khiêm tốn. 

Tuy nhiên trong bài viết này, tôi không muốn quay lại góc nhìn "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" ấy, mà chỉ đề cập đến một khía cạnh khác - chất lượng của giáo dục thể chất.

Ngợp từ một giải bóng chuyền

Đầu tháng 6, tôi có dịp dự một giải vô địch bóng chuyền dành cho tuổi học trò ở thành phố Chicago thuộc tiểu bang Illinois, Mỹ. Giải mang tên Junior National Volleyball Champion 2023 quy tụ gần 200 đội bóng của 7 lứa tuổi từ 12 đến 18 (dành cho nữ) và 3 lứa tuổi từ 12 đến 14 dành cho nam.

Giải được tổ chức tại trung tâm du lịch nổi tiếng của thành phố Chicago Navy Pier, nơi không chỉ có đại sảnh lớn đủ điều kiện để dựng nên 27 sân bóng chuyền, mà còn có hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi đi kèm. Phải nhắc đến chi tiết này để biết sức hút của giải đấu còn ở chỗ nó là cả một kỳ nghỉ dưỡng bổ ích của các cô cậu học sinh với gia đình họ.

Vào bên trong khu vực thi đấu mới thật sự choáng ngợp. Chắc chắn ở VN không có nhà thi đấu nào đủ lớn để dựng nên 27 sân bóng chuyền đủ tiêu chuẩn với đầy đủ bàn trọng tài, khu vực kỹ thuật của hai đội và ghế ngồi cho khán giả.

Cái hay của công tác tổ chức là tất cả các sân không có giờ trống, thi đấu liên tục từ 11h sáng đến 8h tối. Thử hình dung tiếng đập bóng, tiếng còi, tiếng reo hò cổ vũ ở 27 sân bóng sống động và kích thích đến mức nào. Cũng chính nhờ vậy, các VĐV nhí đã được trui rèn.

Căn cứ vào lứa tuổi, các VĐV đều là học sinh, nhưng xem màu áo, tôi không thấy tên trường mà thay vào đó là tên CLB. Và đây chính là điểm khác biệt của thể thao học đường ở Mỹ.

Tự nguyện và kỷ luật

Khi biết con tôi tham gia giải đấu này, nhiều bạn bè ở Mỹ điện thoại chúc cháu chơi vui vẻ và liền theo đó là câu nói: cho tụi nhỏ chơi thể thao tốn tiền quá nhưng lợi nhiều.

Ở Mỹ, giáo dục thể chất được xem là cách để trẻ tham gia các trò chơi vận động. Qua các hoạt động này trẻ phát triển và tự nguyện chọn cho mình một hoặc vài môn thể thao yêu thích.

Tất nhiên để theo đuổi đam mê cũng phải có điều kiện. Nhà trường chỉ là cái nôi hướng học sinh đến điều các em thích. Sau giờ học mỗi ngày, những đứa trẻ thích thể thao đều đến trung tâm thể thao của trường tập môn mà mình thích với thầy giáo. Nhưng muốn nâng cao, các em sẽ phải đến các CLB nơi đó có những hướng dẫn viên, HLV chuyên sâu.

Điều thú vị là hệ thống đào tạo này kết nối rất khoa học. Sau khoảng 3 tháng chơi ở trường là đến lượt các trung tâm thể thao khu vực (giống như cấp quận ở VN) mở khóa huấn luyện. Khoảng 3 tháng sau là các học viện chuyên sâu (academy) tuyển chọn.

Điểm giống nhau là muốn tham gia, học sinh đều phải có giấy xác nhận sức khỏe của bác sĩ và các khóa đều nhận đăng ký theo độ tuổi. Nhưng điểm khác nhau lớn nhất là kinh phí. Chơi thể thao ở trường không phải đóng tiền, nhưng ở CLB quận thì phí cho ba tháng vài trăm USD, còn phí cho khóa học ở học viện chuyên sâu lên đến hơn ngàn USD.

Một điểm chung cho tất cả các cấp thể thao này là ở chỗ người chơi ngoài thời gian được huấn luyện, còn phải thi đấu liên miên theo kiểu tuần tập 2 buổi, cuối tuần thì đấu. Cứ như thế cho đến hết khóa. Cấp quận còn thi đấu liên quận chớ cấp CLB chuyên sâu thì thôi rồi, đi thi đấu xuyên bang là chuyện thường.

Tất nhiên, để khuyến khích và nuôi dưỡng đam mê của con, cha mẹ ngoài việc dành thời gian còn phải tốn thêm một mớ tiền gồm vé máy bay, khách sạn cho con và cả cho mình.

Điểm khác biệt nữa của thể thao học đường ở Mỹ là sự tự nguyện và vai trò của gia đình. Có lẽ vì vậy mà chẳng thấy HLV nào hối thúc, các VĐV vẫn luôn có mặt đúng giờ. Thậm chí có nhiều đứa trẻ chỉ ngồi ghế dự bị, hoặc không được thi đấu, vậy mà không đứa nào chịu ở nhà.

Thể thao trí thức

Có một điều thú vị khi xem các trận đấu của bọn trẻ là không bao giờ thấy chúng phàn nàn việc bóng trong hay ngoài, lỗi dính tay hay chạm lưới. Đặc biệt xem các trận đấu của trẻ con tôi thấy trọng tài rất nghiêm trong việc bắt vị trí trên sân hay nhắc nhở kỹ việc thay người. 

Có nghĩa là đệm bóng, bắt bước một, chuyền hai sai là kỹ thuật. Kỹ thuật có thể sửa đổi, nhưng luật là luật, bất cứ lứa tuổi nào cũng phải tuân theo.

Anh Võ Lai, giảng viên một trường đại học ở Conecticut, cho biết thể thao học đường của Mỹ có sự ưu việt xuyên suốt từ cấp II lên đại học là đặc quyền dành cho những người có tài năng. 

Có nghĩa là cùng số điểm nhưng nếu biết chơi giỏi một môn thể thao, học sinh (hay sinh viên) sẽ được chọn đầu tiên. Thậm chí các môn học cũng được giảm nhẹ cho sinh viên thi đấu thể thao.

Vậy nếu họ chơi thể thao thi đấu nhiều, khi ra trường liệu có đủ kiến thức và kinh nghiệm để làm việc?

Với kỹ năng nền được huấn luyện bài bản (như đã nói ở trên), rất nhiều sinh viên thật sự có tài đã chọn cho mình con đường thể thao chuyên nghiệp. Đó cũng là lý giải về những VĐV trí thức của thể thao Mỹ.

Có thể còn nhiều điều để nói về thể thao học đường ở Mỹ, nhưng rõ nhất vẫn là môi trường học đường là nơi ươm tài năng cho thể thao quốc gia. Nhưng nếu đứa trẻ không có năng khiếu trời cho để trở thành VĐV thứ thiệt thì cũng chẳng sao, vì con đường học vấn vẫn song hành thênh thang.

Điều đó hoàn toàn khác với cách vận hành của bộ máy thể thao ở ta mà tôi đã sống và gắn bó cả cuộc đời lao động của mình với nghề viết thể thao: không thành tài trong thể thao thì hầu hết không biết làm gì.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận