Công nghệ, nghệ thuật hội tụ nơi bầu trời

TỊNH ANH 14/09/2023 06:21 GMT+7

TTCT - Với "sân khấu" rộng lớn nhưng ở đâu cũng có là bầu trời, nghệ thuật biểu diễn ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái (drone) không thiếu đất diễn, và sức sáng tạo với chúng là vô biên.

Ảnh: dronestories.com

Ảnh: dronestories.com

Nghệ thuật drone, hay còn gọi là trình diễn drone, là các màn biểu diễn ánh sáng trên bầu trời đêm, do các drone tự thắp sáng bằng đèn LED bay theo đội hình đồng nhất. Các drone này thường được thiết kế đặc biệt cho mục đích biểu diễn giải trí, rất nhẹ và có gắn đèn LED. 

Chẳng hạn, dòng drone Shooting Star do hãng Intel công bố năm 2016, được trang bị phần mềm tự động hóa cho phép các nghệ sĩ thiết kế hoạt ảnh trên không với hàng trăm thiết bị cùng lúc. Theo Intel, hệ thống của hãng rút ngắn thời gian thiết kế một màn trình diễn ánh sáng phức tạp từ vài tuần hay tháng xuống còn vài ngày.

Phần trình diễn với tổ đội bay gồm 1.824 drone của Intel, mỗi chiếc chỉ nặng 340g, lơ lửng trên sân vận động quốc gia Nhật Bản, xếp thành các dạng hình học phức tạp rồi lại mượt mà hóa thành biểu tượng ca rô xanh trắng của Tokyo 2020, được Ủy ban Olympic đánh giá là một trong những khoảnh khắc mãn nhãn nhất của lễ khai mạc kỳ thế vận hội này. 

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Đó vẫn chưa phải là màn biểu diễn drone đông đúc và hoành tráng nhất từng diễn ra. Tháng 9-2022, hãng drone Trung Quốc GreatHigh cho 5.164 thiết bị đồng diễn, liên tục xếp thành 88 hình dạng khác nhau trong suốt 26 phút 26 giây, lập hàng loạt kỷ lục thế giới về trình diễn drone (số drone, số hình tạo, thời gian biểu diễn).

Ngoài các hình ảnh nghệ thuật, văn hóa Trung Hoa, số drone này còn xếp thành một loạt logo của các doanh nghiệp - một cách quảng bá ngầm về một trong các dịch vụ mà HighGreat đang cung cấp: quảng cáo sáng tạo, ấn tượng khó phai, nếu khách hàng chịu chi. Một buổi trình diễn drone có thể có giá từ 500 đến 30.000 USD, tùy mức độ phức tạp, thời lượng và uy tín của đơn vị cung cấp, theo trang discoveryoftech.com.

Một tiết mục của HighGreat

Một tiết mục của HighGreat

Tất nhiên, trình diễn ánh sáng bằng drone không chỉ để quảng cáo. Tại nhiều nơi, biểu diễn drone đang dần thay thế pháo hoa trong những dịp hội hè, kỷ niệm. London đón năm mới 2021 bằng một màn biểu diễn drone ngoạn mục, Saudi Arabia cũng chọn "loại hình nghệ thuật mới nổi" này cho lễ khai mạc chuỗi sự kiện thể thao giải trí Riyadh Season - hàng trăm drone xếp hình vua Salman và thái tử Mohammed bin Salman trên nền trời đen thẫm.

Ảnh: Al Arabiya

Ảnh: Al Arabiya

Tương tự, trong dịp Quốc khánh Mỹ 4-7 vừa qua, nhiều thành phố đã thay tiết mục bắn pháo hoa truyền thống bằng các màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục bằng drone do lo ngại hỏa hoạn và tác động môi trường, theo CNN. 

Các màn pháo hoa náo nhiệt và luôn được chờ đón, nhưng chúng không thể tái sử dụng, lại còn gây ô nhiễm tiếng ồn và không khí. Biểu diễn drone là lựa chọn thay thế tốt vì yên lặng và "sạch" hơn. Mỗi drone là một chấm sáng trên nền trời, cùng nhau tạo thành hoạt ảnh và kể các câu chuyện - những thứ mà pháo hoa không thể làm được, theo Jeff Stein - người điều hành Công ty biểu diễn Drone Studios.

Trình diễn drone mừng Quốc khánh Mỹ năm 2023 ở Bay Arena (San Francisco), Ảnh: ABC7

Trình diễn drone mừng Quốc khánh Mỹ năm 2023 ở Bay Arena (San Francisco), Ảnh: ABC7

Giới nghệ thuật cũng không bỏ qua phương tiện thể hiện mới này. Tháng 6 vừa qua, DRIFT, một studio có trụ sở ở Amsterdam (Hà Lan), tri ân danh họa tài ba Vincent van Gogh bằng một màn trình diễn lạ lùng. 

Ngay tại bảo tàng mang tên ông, 200 chiếc drone vút lên bầu trời và "vẽ" lại bức họa nổi tiếng Đêm đầy sao. Bức tranh này nói riêng và các tác phẩm khác của van Gogh là nguồn cảm hứng không chỉ cho DRIFT. 

Tháng 4-2021, nhà sản xuất drone EFYI Group (Trung Quốc) kết hợp với Đại học Thiên Tân dùng 600 drone, mỗi chiếc nặng 1,3kg, kể lại cuộc đời van Gogh bằng cách dùng ánh sáng họa lại các bức tranh nổi tiếng nhất của ông trên nền trời - từ Đồng lúa mì và cây bách đến loạt Hoa hướng dương.

Màn trình diễn đặc biệt ở chỗ nó là một bộ phim hoạt hình chứ không phải chỉ xếp lần lượt thành các bức tranh. Đây là một thách thức về cả công nghệ lẫn nghệ thuật: để tạo thành hoạt họa, mỗi drone phải tạo được chuyển động 12 hình/giây, theo Zhao Shilei - giám đốc sản phẩm của EFYI Group.

Công nghệ, nghệ thuật hội tụ nơi bầu trời - Ảnh 6.

Trong bài viết cho tạp chí Rolling Stone, nhạc sĩ Larry Dvoskin hình dung về ứng dụng trình diễn drone trong âm nhạc: màn biểu diễn ánh sáng sẽ là cánh tay nối dài của phần âm thanh trên sân khấu. 

"[Drone] sẽ biến bài hát của tôi thành một trải nghiệm đa chiều, vượt xa sân khấu và hơn bất kỳ hiệu ứng ánh sáng hoặc video nào. Việc những chiếc drone trên bầu trời được lập trình theo nhịp độ, nhịp điệu, nội dung và cảm xúc của lời bài hát sẽ là một bước đột phá lớn đối với người sáng tạo" - ông viết.

Dvoskin cũng lạc quan về tương lai biểu diễn drone được ứng dụng rộng khắp: càng phổ biến, giá dịch vụ sẽ càng giảm. Một trong những rào cản chính là giấy phép sử dụng vùng trời và các quy định pháp lý liên quan.

Hào hứng nhưng cũng không nên quên những rủi ro kỹ thuật có thể xảy ra. Có thể lấy một ví dụ nóng hổi từ nước Úc. Trước trận đấu giao hữu bóng đá nữ giữa tuyển Úc và Pháp, nhằm chuẩn bị cho World Cup hồi tháng 7, chính quyền bang Victoria cấp phép cho buổi trình diễn drone kéo dài 10 phút với 500 thiết bị nhằm "thể hiện một loạt thông điệp và hình ảnh ủng hộ Matilda (biệt danh đội nữ Úc)". 

Rủi thay, đang trong đội hình thì hơn 100 drone gặp trục trặc kỹ thuật, "rụng" thẳng xuống sông, theo báo The Age. Không có thương vong về người nhưng cảnh sát phải huy động thợ lặn để trục vớt chỗ drone xấu số.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận