TTCT - Số phận của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ trong bốn năm tới phụ thuộc vào việc ai được lòng tổng thống. Nhiều công ty bắt đầu có chính sách "hướng Trump". Ảnh: ReutersTrong nhiều năm, thủ đô Washington DC là nơi các lãnh đạo công nghệ cố gắng tránh xa, trừ khi bị Quốc hội triệu tập để điều trần. Mọi thứ sẽ rất khác trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Donald Trump. Không đợi tới ngày ông Trump chính thức nhậm chức 20-1, các hãng công nghệ đã "trải thảm đỏ" cho ông ngay khi có kết quả bầu cử hồi tháng 11-2024.Sự sốt sắng của MetaNgày 7-1, Meta tuyên bố sẽ ngừng chương trình kiểm chứng thông tin (fact check) do bên thứ ba thực hiện trên Facebook và Instagram, đồng thời sẽ đề xuất nhiều nội dung chính trị hơn cho người dùng trên các nền tảng này. Trong phát biểu chính thức, CEO Mark Zuckerberg thừa nhận khi bỏ kiểm chứng thông tin sẽ có nhiều nội dung "không tốt" hơn, song cho rằng đó là sự đánh đổi cần thiết. "Chúng tôi sẽ bỏ sót nhiều nội dung xấu hơn, nhưng cũng giảm số lượng bài đăng và tài khoản bị gỡ nhầm" - Zuckerberg nói.Từ năm 2016, Meta đã đầu tư hàng tỉ đô la, huy động hàng ngàn nhân sự và sử dụng nguồn lực công nghệ khổng lồ để giải quyết các vấn đề liên quan đến kiểm duyệt nội dung. Các đối tác - gồm nhiều hãng tin lớn, trang kiểm chứng Snopes và các tổ chức được Mạng lưới kiểm chứng thông tin quốc tế (IFCN) chứng nhận - được trả tiền để rà soát các bài đăng có khả năng sai lệch hoặc gây hiểu lầm trên Facebook và Instagram, rồi quyết định có cần gắn nhãn cảnh báo hoặc gỡ bỏ hay không.Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các biện pháp trên thực sự giúp người dùng bớt tin vào thông tin sai lệch và giảm tần suất chia sẻ các nội dung này. Trái lại, các nhóm bảo thủ không hài lòng với việc Meta kiểm duyệt nội dung. Chính vì thế tuyên bố "quay lại tự do ngôn luận" hôm 7-1 được ông Trump và các đồng minh của ông nhiệt liệt chào đón. Trên Fox News, Trump nói Meta "đã tiến một chặng đường dài" và "đang thể hiện xuất sắc".Mark Zuckerberg tại lễ nhậm chức của ông Trump. Ảnh: AFPMeta sẽ thay thế chương trình kiểm chứng bằng tính năng "ghi chú cộng đồng" - đúng sai do người dùng quyết, tương tự như X của Elon Musk. Giới phân tích cho rằng các thay đổi sắp tới là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Meta đang tái định vị để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. "CEO Zuckerberg… cố gắng lấy lòng chính quyền Trump sắp tới, cho thấy ông sẵn sàng tới mức nào để được tổng thống đắc cử ưng thuận" - The Guardian bình luận.Từ tháng 11-2024 tới nay, không big tech nào hành động công khai để lấy lòng tổng thống đắc cử tích cực bằng Meta. Trước khi tuyên bố ngưng hệ thống kiểm chứng thông tin, Zuckerberg cũng bổ nhiệm ba người đàn ông da trắng vào hội đồng quản trị Meta. Trong số này có doanh nhân Dana White - CEO tập đoàn võ thuật thể thao UFC và là bạn thân của ông Trump.Trang Axios bình luận với quyết định này, Zuckerberg đã "tiến xa hơn về phía MAGA", tức cùng ông Trump "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Hội đồng quản trị Meta hiện chỉ còn 23% nữ (3/13 thành viên), so với 44% (4/9) trước đây. 7 trong số 10 thành viên nam đang là tỉ phú.Ngoài những thay đổi trên, Zuckerberg đã dùng bữa tối với Trump tại Mar-a-Lago - khu nghỉ dưỡng của ông ở Palm Beach (Florida), vào tháng 11, rồi quyên góp 1 triệu USD với danh nghĩa Meta để hỗ trợ lễ nhậm chức tổng thống sắp tới.Những thay đổi ở Meta khác xa với những gì từng diễn ra - khi Facebook "cấm cửa" Trump trong hai năm với lý do kích động bạo lực sau vụ bạo loạn 6-1-2021 tại Điện Capitol, và tích cực chống thông tin sai lệch. Và những cú xoay chóng mặt đó không chỉ diễn ra ở Meta.Va chạm văn hóaGiống như Zuckerberg, một số "ông trùm" công nghệ Mỹ khác cũng thúc đẩy mối quan hệ thân thiết với chủ mới của Nhà Trắng. CEO Apple Tim Cook và nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cũng đến gặp ông Trump ở Mar-a-Lago. Ngoài Meta, quỹ tổ chức lễ nhậm chức của ông liên tục nhận được quyên góp 1 triệu đô la từ những cái tên lớn khác: Microsoft, Amazon, Google, Amazon, Lockheed Martin và hai cá nhân Cook và Sam Altman (OpenAI), theo CBS.Jensen Huang, CEO hãng chip Nvidia (trụ sở chính ở Santa Clara, California) chưa gặp Trump, nhưng rất sẵn lòng nếu được mời. "Tôi sẽ rất vui được gặp ông ấy, chúc mừng ông ấy, và làm mọi điều có thể để giúp chính quyền này thành công" - Huang nói với Bloomberg.Các công ty công nghệ đã sẵn sàng thoát khỏi nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Đặt các cuộc điều tra chống độc quyền thời ông Biden cạnh tương lai tự do ngôn luận và giảm bớt quy định mà ông Trump và đội ngũ thân cận hứa hẹn, không nói cũng biết big tech thấy cái nào hấp dẫn hơn.Các hãng công nghệ đang xếp hàng để giành được sự ưu ái từ tổng thống đắc cử, hy vọng có một khởi đầu mới với ông Trump. Nói khởi đầu mới vì Trump và các big tech có lắm thù xưa. Trump từng kiện Google và Meta năm 2021 với cáo buộc kiểm duyệt nội dung và cáo buộc Jeff Bezos không đóng thuế doanh nghiệp và lợi dụng tờ The Washington Post (Bezos mua lại năm 2013) cho lợi ích cá nhân. Bezos kiên quyết phủ nhận các cáo buộc và gọi hành vi của Trump là "không phù hợp với tư cách của một ứng cử viên tổng thống" vào năm 2016.Dàn tỉ phú công nghệ tại lễ nhậm chức của ông Trump: Vợ chồng Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Sundar Pichai (Google), và Elon Musk. Ảnh: ReutersTheo tờ The Economist, khi các hãng công nghệ muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai cùng Trump, về lý thuyết, điều này có thể mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Tuy nhiên, làm được trong thực tế hay không lại là chuyện khác.Vấn đế nằm ở chỗ ngành công nghệ và phong trào MAGA hiểu tuyên bố "Nước Mỹ trên hết" theo những cách khác nhau. "Trong khi phong trào MAGA hy vọng phục hồi quá khứ, với sự trở lại thời kỳ hoàng kim của ngành sản xuất, ngành công nghệ lại hướng về tương lai. Giới công nghệ muốn đẩy nhanh tiến độ và phá vỡ các cấu trúc xã hội, và điều đó chỉ khiến thế giới mà MAGA khao khát càng lùi xa hơn vào dĩ vãng" - The Economist giải thích.Phong trào MAGA lo sợ rằng người nhập cư lấy mất việc làm của người Mỹ; trong khi ngành công nghệ muốn thu hút nhân tài tốt nhất, bất kể quốc tịch. Công nghệ có xu hướng tự do, nghi ngờ vai trò của chính phủ; MAGA lại ghét quyền lực doanh nghiệp. Cả hai nhóm đều coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng trong khi MAGA cho rằng thương mại quốc tế đang bóc lột và lừa gạt nước Mỹ, ngành công nghệ lại hưởng lợi từ dòng chảy tài năng, vốn và khách hàng quốc tế.Giới công nghệ cũng có thể tự chuốc lấy thất bại khi nhìn mọi thứ theo góc kỹ thuật, trong khi thực tế đó là chính trị, thứ họ có rất ít kinh nghiệm. Tệ hơn, khi giành được sự chú ý của tổng thống, các "ông trùm" công nghệ có thể bị cám dỗ để tìm kiếm đặc quyền. "Một sự kết hợp giữa xung đột nội bộ, triển khai sai lầm và tư lợi có thể dẫn đến phản ứng dữ dội, gây tổn hại cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump" - The Economist bình luận.Mỹ có thể sẽ chứng kiến một vụ "va chạm văn hóa", như cách gọi của tờ tạp chí Anh, khi giới công nghệ xoay quanh tổng thống, song mọi thứ không nhất thiết diễn ra theo chiều hướng xấu. Trong một kịch bản lạc quan hơn, các phe phái trong đội ngũ của Trump có thể cân bằng, bổ trợ cho nhau - thay vì làm suy yếu lẫn nhau - để cuối cùng mang lại kết quả tích cực cho nước Mỹ. Các lãnh đạo công nghệ có thể giúp MAGA bớt cực đoan về bảo hộ và nhập cư, và ngược lại, giới quan chức sẽ khéo léo hiện thực hóa các ý tưởng cải cách thông minh từ ngành công nghệ.The Economist cho rằng thị trường chứng khoán có thể đóng vai trò điều hướng, giúp đạt sự thỏa hiệp này. Ông Trump rất nhạy cảm với biến động giá cổ phiếu và không muốn làm tổn hại đà tăng trưởng vốn đang mạnh mẽ sau khi ông tái đắc cử. Thị trường chứng khoán, như một thước đo tức thời về mức độ tin tưởng của nhà đầu tư vào kinh tế Trumponomics, có thể ảnh hưởng đến các quyết định của ông. Nếu vậy, chính quyền có thể tìm ra các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Việc ngành công nghệ xuất hiện ở Washington đầy rủi ro, nhưng cũng có thể mang lại phần thưởng lớn, ít nhất là theo lý thuyết. Tác động toàn cầuDanh sách những người bị ảnh hưởng bởi các quy định mới của Meta có thể rất dài: người nhập cư, người chuyển giới, nạn nhân của bắt nạt và quấy rối trực tuyến, đối tượng của các thuyết âm mưu kiểu QAnon trong tương lai, và đơn giản là người dùng Facebook cùng Instagram muốn tiếp cận thông tin đáng tin cậy.Trong khi các thành viên Đảng Cộng hòa phần lớn hoan nghênh thông báo chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của Meta, nhiều nhóm giám sát công nghệ đã chỉ trích quyết định này, cảnh báo về nguy cơ bùng phát thông tin sai lệch, theo The New York Times.Nicole Gill, giám đốc điều hành của tổ chức Accountable Tech, cho biết quyết định này là "một món quà dành cho Donald Trump và các phần tử cực đoan trên toàn cầu". Bà cảnh báo Meta đang mời gọi "làn sóng thù hận, thông tin sai lệch và thuyết âm mưu", những thứ từng châm ngòi và thúc đẩy vụ tấn công vào Điện Capitol năm 2021.Valerie Wirtschafter, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, cảnh báo những thay đổi ở Meta "có khả năng làm môi trường thông tin trở nên tồi tệ hơn". Facebook có 3 tỉ người dùng thường xuyên mỗi tháng trong năm 2024, còn Instagram có 2,5 tỉ. Các thay đổi chính sách của Meta vì thế sẽ ảnh hưởng đến hàng tỉ người khắp thế giới cứ không chỉ riêng nước Mỹ. Tags: Công nghệ
TP.HCM yêu cầu cán bộ không du xuân kéo dài, ảnh hưởng công việc THẢO LÊ 22/01/2025 UBND TP.HCM ban hành chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Ông Trump lên kế hoạch đánh thuế 10% hàng nhập khẩu Trung Quốc, không phải 60% TRẦN PHƯƠNG 22/01/2025 Ông Trump dự kiến áp thuế với Liên minh châu Âu. Đồng thời, mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể áp dụng từ tháng sau.
Công an điều tra vụ một phụ nữ bị lột đồ và lăng mạ trên mạng M.V 22/01/2025 Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang điều tra vụ người phụ nữ bị đánh đập, lột đồ và có dấu hiệu bị lăng mạ trên mạng xã hội.
Một thập kỷ vẫn dang dở, đường Lương Định Của bao giờ về đích? CHÂU TUẤN 22/01/2025 Là tuyến huyết mạch nối nút giao An Phú với trung tâm TP.HCM, nhưng gần một thập kỷ qua đường Lương Định Của vẫn chưa thể hoàn thành vì mặt bằng và thủ tục điều chỉnh.