Courante

THUYMINH 03/01/2008 23:01 GMT+7

TTCT - Trích đoạn Những kẻ thiện tâm, chương 3, Courante. Sau một vụ bê bối, Maximilien Aue bị gửi đến Stalingrad đang trong trận kịch chiến với Hồng quân Liên Xô. Với nhiệm vụ thăm dò tinh thần binh lính, Aue cùng trợ tá Ivan ra chiến tuyến, đến chỗ một đơn vị người Croatia.

Phóng to
TTCT - Trích đoạn Những kẻ thiện tâm, chương 3, Courante. Sau một vụ bê bối, Maximilien Aue bị gửi đến Stalingrad đang trong trận kịch chiến với Hồng quân Liên Xô. Với nhiệm vụ thăm dò tinh thần binh lính, Aue cùng trợ tá Ivan ra chiến tuyến, đến chỗ một đơn vị người Croatia.

Tôi đến chỗ Ivan rồi đi ra, hít thở thật mạnh làn không khí lạnh giá. “Còn bây giờ?” - Ivan hỏi. Tôi suy nghĩ: nếu đã đến tận đây, tôi nghĩ, thì ít nhất cũng phải đi xem một trong các trạm tiền tiêu. “Chúng ta có đi được đến mặt trận không?”.

Ivan nhún vai: “Nếu anh muốn, sếp. Nhưng phải hỏi sĩ quan”. Tôi quay lại gian phòng lớn, viên sĩ quan chưa hề nhúc nhích, anh ta vẫn ngồi nhìn lò sưởi vẻ trống vắng. “Oberleutnant? Tôi có thể đi thị sát một vị trí phía trước của anh không?”. “Nếu ông muốn”. Anh ta gọi một trong số người của mình và ra lệnh bằng tiếng Croatia. Rồi anh ta nói với tôi: “Đây là Hauptfeldwebel Nisic. Anh ấy sẽ dẫn đường cho ông”. Đột nhiên tôi nảy ra ý mời anh ta một điếu thuốc, khuôn mặt anh ta sáng bừng lên và anh ta chậm rãi chìa tay ra để nhận.

Tôi lắc lắc bao thuốc: “Lấy thêm đi”. “Cám ơn, cám ơn. Chúc mừng Giáng sinh một lần nữa nhé”. Tôi cũng mời viên Hauptfeldwebel một điếu, anh ta nói: “Hvala” và cẩn thận cất nó vào một cái túi nhỏ. Tôi nhìn viên sĩ quan trẻ tuổi một lần nữa, anh ta vẫn cầm ba điếu thuốc lá trên tay, khuôn mặt rạng rỡ như mặt một đứa trẻ. Còn bao nhiêu thời gian nữa, tôi tự hỏi, mình sẽ trở nên giống anh ta? Ý nghĩ này làm tôi muốn bật khóc.

Tôi đi ra cùng viên Hauptfeldwebel, trước tiên anh ta dẫn chúng tôi ra phố, rồi đi theo những khoảng sân vào bên trong một nhà kho. Hẳn là chúng tôi đang ở trong phạm vi nhà máy; tôi không nhìn thấy tường, nhưng tất cả đều rối tung, đảo lộn, thường thì không thể nhận ra gì hết. Nền đất của nhà kho được đào xuống một cái rãnh mà viên Hauptfeldwebel bảo chúng tôi đi xuống. Bức tường ở phía đối diện lỗ chỗ vết đạn, ánh sáng và tuyết tràn tới với một luồng sáng xanh lục trong khoảng không gian trống vắng rộng lớn này; những đường hào phụ nhỏ tỏa đi từ đường hào chính để chạy đến các góc của nhà kho; chúng không đi thẳng và tôi không nhìn thấy ai cả. Chúng tôi đi thành hàng dọc bên dưới bức tường nhà kho, đường hào đi qua một cái sân và biến mất vào đống đổ nát của một tòa nhà hành chính xây bằng gạch đỏ. Nisic và Ivan cúi đầu bước đi, để đầu chỉ ngang với miệng hố, và tôi răm rắp bắt chước họ.

Trước mặt chúng tôi, tất cả đều yên lặng một cách kỳ lạ; đi xa hơn, ở phía bên phải, chúng tôi nghe thấy những loạt đạn ngắn. Bên trong tòa nhà hành chính tối om và còn bốc mùi hôi thối hơn cả trong ngôi nhà những người lính dùng để ngủ. “Đây” - Nisic bình thản nói. Chúng tôi đang ở trong một cái hầm, ánh sáng duy nhất rọi xuống từ những cửa hầm nhỏ hoặc từ những cái lỗ trên bức tường gạch. Một người đàn ông hiện ra từ bóng tối và nói với Nisic bằng tiếng Croatia. “Vừa có đụng độ. Bọn Nga muốn tiến vào. Chúng đã giết vài người” - Nisic dịch lại bằng một thứ tiếng Đức khá tồi. Anh ta thản nhiên giải thích cho tôi cách bố trí của trạm gác: moocchiê ở đâu, Spandau ở đâu, những khẩu súng máy ở đâu, tầm bắn của chúng bao nhiêu, đâu là những góc chết. Tôi không quan tâm lắm đến những điều này nhưng để yên cho anh ta nói; dù thế nào đi nữa tôi cũng không thực sự biết mình quan tâm đến điều gì.

“Thế còn loa tuyên truyền của chúng?” - tôi hỏi. Nisic nói với người lính: “Sau trận đánh chúng đã ngừng rồi”. Chúng tôi đứng im lặng một lúc. “Tôi nhìn sang bên chúng được không?” - cuối cùng tôi hỏi, hẳn là để tự tạo cho mình cảm giác đã đến đây vì một điều gì đó. “Đi theo tôi”. Tôi đi ngang qua cái hầm và trèo lên một cầu thang phủ đầy thạch cao và mẩu gạch. Ivan, khẩu tiểu liên kẹp dưới nách, đi sau cùng. Trên tầng, một hành lang dẫn chúng tôi đến một căn phòng, ở tận góc trong. Tất cả các cửa sổ đều được xây gạch hoặc đóng thanh gỗ bịt kín, nhưng ánh sáng vẫn lọt qua từ hàng nghìn lỗ thủng.

Trong phòng đầu tiên, hai người lính đang ngồi dựa lưng vào tường với một Spandau. Nisic chỉ cho tôi một cái lỗ bao quanh bởi các túi cát với những thanh gỗ đỡ bên dưới. “Ông có thể từ đây nhìn ra. Nhưng không được lâu quá. Những tay bắn tỉa của chúng giỏi lắm đấy. Có vẻ như là toàn phụ nữ”. Tôi quì gối xuống gần cái lỗ rồi chậm rãi thò đầu ra; cái khe khá hẹp, tôi chỉ nhìn thấy một khung cảnh đổ nát không ra hình thù gì, gần như là trừu tượng. Chính lúc đó tôi nghe thấy tiếng hét, phía bên tay trái, một tiếng hú dài, khàn đặc, rồi đột nhiên tắt ngấm. Rồi tiếng hét lại vang lên. Không có tiếng động nào khác và tôi nghe thấy nó rất rõ. Nó phát ra từ một thanh niên trẻ, và đó là những tiếng hét dài chói tai, trống rỗng đến đáng sợ; hẳn là anh ta bị thương ở bụng, tôi tự nhủ.

Nghiêng người sang, tôi nhìn thấy đầu và một phần nửa người trên của anh ta. Anh ta hét đến không còn hơi thở, dừng lại để lấy hơi, rồi lại tiếp tục. Không biết tiếng Nga tôi cũng hiểu được anh ta đang hét gì: “Mama! Mama!”. Thật không thể chịu được. “Cái gì vậy?” - tôi hỏi Nisic một cách ngu ngốc. “Đó là một trong những tay vừa nãy”. “Các anh không thể giết hắn à?”. Nisic nhìn tôi chằm chằm với một ánh mắt cứng rắn, đầy khinh miệt: “Chúng ta không có đạn để mà lãng phí”. Tôi ngồi dựa vào tường, giống như những người lính. Ivan đứng dựa vào cửa ra vào. Không ai nói gì. Bên ngoài, cậu thanh niên vẫn hú lên: “Mama! Ia ne khatchu! Ia ne khatchu! Mama! Ia khatchu domoi” và những từ khác nữa mà tôi không nghe hết được. Tôi lấy tay ôm đầu gối. Nisic, ngồi chồm hổm, tiếp tục nhìn tôi. Tôi muốn bịt tai, nhưng cái nhìn chăm chăm của anh ta làm người tôi cứng lại. Những tiếng hét của cậu thanh niên làm óc tôi đảo lộn, một cái xẻng ngoáy tìm trong một lớp bùn dày và dính, đầy sâu bọ và nhầy nhụa. Còn tôi, tôi tự hỏi, tôi có khóc gọi mẹ khi đến lúc không? Tuy nhiên, ý nghĩ về người đàn bà đó làm tôi thấy ngập tràn lòng hận thù và sự chán ghét.

Đã nhiều năm nay tôi không gặp lại bà ta, và tôi không muốn gặp bà ta; ý nghĩ phải gọi tên bà ta, cầu cứu bà ta với tôi là không thể hình dung được. Tuy vậy, tôi buộc phải ngờ rằng đằng sau bà mẹ ấy còn có một bà mẹ khác, bà mẹ của đứa trẻ mà tôi từng là, trước khi một điều gì đó đã tan vỡ không thể cứu chữa. Cả tôi nữa, hẳn vậy, tôi cũng sẽ lăn lộn và hú hét gọi người mẹ đó. Và nếu không phải là gọi bà, thì sẽ là gọi cái bụng của bà, cái có trước ánh sáng, thứ ánh sáng ban ngày bệnh hoạn, nhơ nhuốc.

“Lẽ ra ông không nên đến đây - Nisic nói một cách tàn nhẫn - Không được việc gì cả. Và nguy hiểm nữa. Thường xuyên xảy ra tai nạn”. Anh ta nhìn tôi chằm chằm với một cái nhìn hằn học công khai. Anh ta cầm lấy báng khẩu tiểu liên của mình, tay đặt trên cò súng. Tôi nhìn Ivan, anh ta cũng cầm khẩu súng của mình theo đúng cách đó, chĩa về hướng Nisic và hai người lính. Nisic quay theo hướng ánh mắt của tôi, nhìn khẩu súng của Ivan, khuôn mặt anh ta, rồi nhổ xuống đất: “Tốt nhất là ông về đi”. Một tiếng nổ khô khốc làm tôi nhảy dựng lên, một tiếng nổ nhỏ, chắc là một quả lựu đạn. Những tiếng hét dừng một lúc, rồi lại tiếp tục, đơn điệu, mệt mỏi.

Tôi đứng dậy: “Phải. Dù sao thì tôi cũng phải quay về trung tâm. Muộn rồi”. Ivan bước tránh ra để chúng tôi đi qua rồi theo sau, mắt vẫn không rời khỏi hai người lính, cho đến khi đã vào trong hành lang. Chúng tôi lại đi theo đường hào lúc trước, không ai nói một lời nào; đến ngôi nhà nơi đại đội trú ngụ, Nisic rời khỏi tôi mà không buồn chào. Tuyết đã ngừng rơi và bầu trời quang đãng, tôi nhìn thấy trăng, trắng và phồng lên trên nền trời đang tối lại rất nhanh. “Tối thế này có về được không?” - tôi hỏi Ivan. “Có. Thậm chí còn nhanh hơn. Một tiếng rưỡi thôi”. Hẳn là chúng tôi sẽ có thể đi theo các đường tắt. Tôi cảm thấy trống rỗng, già nua, lạc lõng. Xét cho cùng, viên Hauptfeldwebel đã nói đúng.

Trong khi bước đi, ý nghĩ về mẹ tôi quay trở lại một cách dữ dội, đảo lộn và va đụng trong đầu tôi như một con mụ đàn bà say rượu. Đã từ lâu, tôi không có những suy nghĩ như vậy. Khi tôi nói chuyện này với Partenau, ở Crimée, tôi chỉ nói đến các sự kiện, những gì ít có ý nghĩa nhất. Lúc này, đó là một tổ hợp ý nghĩ khác, cay đắng, căm ghét, nhuốm màu nhục nhã. Khi nào thì nó đã bắt đầu? Ngay từ khi tôi sinh ra ư? Có nhẽ đâu tôi chưa bao giờ tha thứ cho bà ta vì đã sinh ra tôi, cái quyền cao ngạo vô lý mà bà ta tự giành lấy cho mình vì đã sinh ra tôi?

Thật kỳ cục, tôi dị ứng kinh khủng với sữa chảy ra từ vú bà ta; như chính bà ta sau này đã kể lại cho tôi, nhẹ bỗng như không, tôi chỉ toàn mút sữa bình, và tôi nhìn đứa em gái sinh đôi của mình bú sữa với một cái nhìn tràn ngập cay đắng. Tuy nhiên, hồi còn nhỏ, chắc hẳn là tôi cũng phải yêu bà ta, giống như tất cả bọn trẻ con yêu mẹ mình. Tôi vẫn còn nhớ mùi vị êm dịu và đầy nữ tính trong phòng tắm của bà ta, khiến tôi bị nhấn chìm trong một niềm vui sướng trì độn, như một cuộc quay về với cái bụng đã mất, hẳn đó phải là, nếu nghĩ kỹ, một hỗn hợp của hơi ẩm phòng tắm, những loại nước hoa, xà phòng, có thể là cả mùi bộ phận sinh dục và có thể cả mùi cứt của bà ta nữa; ngay cả khi bà ta không để tôi vào chỗ tắm cùng, tôi vẫn không mệt mỏi ngồi trên bồn cầu, gần bà ta, đầu óc lơ mơ.

Rồi tất cả đã thay đổi. Nhưng chính xác thì là lúc nào, và tại sao? Tôi chưa bao giờ trách bà ta vì sự biến mất của bố tôi: ý nghĩ đó chỉ xuất hiện sau này, khi bà ta hiến thân cho cái tay Moreau đó. Thế nhưng ngay cả trước khi gặp ông ta, bà ta đã bắt đầu cư xử theo cách làm tôi nóng máu. Liệu đó có phải là vào thời điểm cha tôi bỏ đi không? Rất khó nói, nhưng có vẻ như là sự đau đớn đã làm bà ta phát điên.

Một tối, ở Kiel, bà ta đã một mình vào một quán cà phê dành cho dân vô sản, gần bến tàu, và đã uống say bí tỉ, xung quanh là cả đống người lạ, các công nhân bốc dỡ, thủy thủ. Thậm chí còn có khả năng là bà ta đã ngồi lên một cái bàn và kéo jupe lên để phơi bộ phận sinh dục của mình ra. Dù thế nào đi nữa, mọi việc đã biến thành vụ bê bối và con mụ tư sản bị tống ra ngoài đường, ngã vào một vũng nước. Một người cảnh sát đã đưa bà ta về nhà, run rẩy, xộc xệch, váy ướt nhẹp; tôi nghĩ mình đến chết vì xấu hổ. Còn nhỏ như thế - chắc lúc đó tôi khoảng mười tuổi - mà tôi đã muốn đánh bà ta, và thậm chí bà ta còn không có khả năng tự vệ, nhưng em gái tôi đã can thiệp: “Anh thương lấy bà ấy đi. Bà ấy buồn. Bà ấy không đáng nhận sự nổi giận đó của anh đâu”. Phải rất lâu tôi mới bình tĩnh lại được. Nhưng ngay cả vào lúc đó hẳn là tôi vẫn chưa căm ghét bà ta, chưa, tôi chỉ cảm thấy bị làm nhục. Sự căm ghét hẳn là sau này mới tới, khi bà ta quên đi chồng mình và hi sinh những đứa con để trao thân cho một người xa lạ. Tất nhiên cái đó không ngày một ngày hai mà thành, có nhiều bước trên con đường đó.

Moreau, như tôi đã nói, không phải là một con người tệ hại, và thoạt đầu ông ta đã có những nỗ lực lớn để được chúng tôi chấp nhận; nhưng đó là một kẻ thiển cận, bị cầm tù trong những quan niệm tư sản và tự do thô thiển của mình, nô lệ của ham muốn mà ông ta dành cho mẹ tôi, người nhanh chóng tỏ ra còn có nhiều nam tính hơn ông ta; như thế, ông ta tự nguyện trở thành kẻ đồng lõa với những lầm lỗi của bà ta. Rồi xảy đến thảm họa lớn kia, sau đó tôi bị gửi đến trường; cũng có những xung đột khác có tính truyền thống hơn, như xung đột nổ ra khi tôi học xong trung học.

Tôi sắp thi xong tú tài, cần phải có một quyết định cho những gì sau đó; tôi muốn học triết học và văn chương, nhưng mẹ tôi từ chối thẳng thừng: “Con cần có một nghề nghiệp. Con tin là chúng ta sẽ sống mãi được bằng lòng tốt của người khác à? Sau đó thì con có thể làm tất cả những gì con muốn”. Và Moreau chế giễu: “Gì cơ? Làm nghề gõ đầu trẻ ở một thị trấn heo hút nào đó trong mười năm à? Văn sĩ ba xu, chết đói chết khát? Cháu không phải là Rousseau, con trai ạ, thực tế hơn đi nào”. Chúa ơi, sao mà tôi căm ghét họ đến vậy. “Cháu phải có sự nghiệp cái đã. Rồi sau đó, cháu có thể viết thơ vào những lúc rảnh rỗi, đó là việc của cháu. Nhưng ít nhất thì cháu sẽ kiếm đủ tiền để nuôi gia đình”. Chuyện đó kéo dài một tuần; chạy trốn cũng chẳng ích gì, tôi sẽ bị tóm lại, như khi tôi định bỏ đi hoang. Phải nhượng bộ.

Hai người bọn họ quyết định cho tôi vào Trường tự do khoa học chính trị, từ đó tôi sẽ có khả năng xâm nhập một trong các cơ quan lớn của nhà nước: hội đồng nhà nước, thẩm kế viện, tổng cục thanh tra tài chính. Tôi sẽ là một thầy ký của nhà nước, một ông quan, một thành viên của tầng lớp tinh hoa, họ hi vọng như thế. “Sẽ khó khăn đấy - Moreau giải thích với tôi - cháu sẽ phải chiến đấu hết mình”. Nhưng ông ta có nhiều quan hệ ở Paris, ông ta sẽ giúp tôi. A, mọi chuyện đã không diễn ra như họ muốn: những viên quan của Pháp giờ đây đang phục vụ cho đất nước của tôi; và tôi, tôi đã rơi vào đây, trong đống đổ nát lạnh giá của Stalingrad, hẳn là để chấm dứt tất cả.

Em gái tôi thì có nhiều may mắn hơn: đó là một phụ nữ, và những gì nàng làm có tầm quan trọng thấp hơn; đó sẽ chỉ là những thứ điểm xuyết làm vừa lòng người chồng tương lai của nàng. Người ta để mặc nàng tự do đến Zurich học môn tâm lý học cùng một ông bác sĩ nào đó tên là Carl Jung, kể từ khi đó đã bắt đầu khá nổi.

(1) Cấp bậc của Quân lực Đức (Wehrmacht), tương đương với thượng sĩ nhất.

(2) Một loại súng bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ Thế chiến thứ nhất, trước tiên trong không quân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận