COVID, vaccine và 3 chiếc bẫy

H. MINH 04/12/2022 16:45 GMT+7

TTCT - Trung Quốc sẽ vượt qua cuộc chiến chống COVID như thế nào không chỉ là câu hỏi với riêng nước này, mà là cả thế giới.

COVID, vaccine và 3 chiếc bẫy - Ảnh 1.

Ảnh: Foreign Policy

Ngày 28-11, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Hebestreit đưa ra một lời khuyên cho Trung Quốc: nước này nên bắt đầu sử dụng vaccine mRNA của phương Tây để tìm một lối ra cho đại dịch COVID-19.

Phát biểu ở một cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ Đức ở Berlin, ông Hebestreit nói Đức đã "lưu ý" tới tình hình Trung Quốc gần đây và đề xuất chính quyền Bắc Kinh giải quyết quan ngại COVID bằng vaccine mRNA do các công ty phương Tây như BioNTech/Pfizer và Moderna sản xuất, mà ông nói đã cho phép hầu hết các nước trên thế giới dỡ bỏ gần như tất cả hạn chế liên quan tới virus corona.

"Có lẽ sau ba năm đại dịch, có thể nói rằng châu Âu và Đức đã có nhiều kinh nghiệm trong triển khai vaccine mRNA", trang politico.eu dẫn lời ông Hebestreit, kèm theo lời khẳng định rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz "đã nói rõ" điều đó trong chuyến thăm hơn ba tuần trước tới Trung Quốc, nơi ông đã gặp cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. 

Trung Quốc hiện chưa cho phép sử dụng vaccine mRNA của phương Tây và vẫn sử dụng vaccine nội địa. Tổng số ca nhiễm mới ở nước này ngày 28-11 được ghi nhận là hơn 39.000.

Tình hình liên quan tới chính sách đối phó COVID, vắc xin, và triển vọng mở cửa trở lại ở Trung Quốc đã khiến trang tin hk01 ngày 27-11 bình luận về nguy cơ "bẫy Tacitus" với nhà chức trách. 

Người sáng lập Hk01 - trang tin Hong Kong ra mắt năm 2015 - là ông Yu Pun-hoi (Vu Phẩm Hải), cũng là người sáng lập và chủ tịch hai trung tâm nghiên cứu ở những đại học hàng đầu Trung Quốc: Trung tâm Quan hệ Trung - Mỹ (Đại học Thanh Hoa) và Trung tâm Nghiên cứu Trung Hoa (Đại học Bắc Kinh).

Còn "bẫy Tacitus" là ý tưởng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu nói tới năm 2014. 

Lúc bấy giờ, khi dự một hội nghị ở cơ sở của Đảng ủy huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam, ông Tập đã phát biểu: 

"Hiện tại, tình trạng xa rời quần chúng đột ngột nghiêm trọng hơn so với mười, hai mươi, hay ba mươi năm trước. Vấn đề là do đâu? Không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ. Theo tôi thấy thì chủ yếu là do đảng viên, cán bộ thiếu ý thức về tôn chỉ mục đích, cảm tình đối với quần chúng thay đổi, dẫn tới vấn đề về tác phong thái độ. Nếu quan điểm của quần chúng bị vứt bỏ, lập trường về quần chúng bị bóp méo, đường lối về quần chúng sai lạc, thì trong mắt quần chúng không còn chúng ta nữa. Thời cổ La Mã, học giả Tacitus đề xuất lý luận rằng một khi nhà nước đánh mất lòng tin của công chúng, thì cho dù có nói gì, làm gì đi nữa, xã hội vẫn sẽ đánh giá tiêu cực. Thuyết đó gọi là "bẫy Tacitus"" (Tân Hoa xã, 8-9-2015).

Đến năm 2016, lý luận này được đưa lên một tầm cao mới. 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc, như Nhân dân Nhật báo, tổng kết rằng từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập đã nói tới ba cạm bẫy mà Trung Quốc có thể rơi vào, mà ngoài bẫy Tacitus, còn có bẫy Thucydides và bẫy thu nhập trung bình.

Trong cuộc chiến chống COVID của Trung Quốc hiện giờ, theo Hk01, những nguy cơ của bẫy Tactitus đang bắt đầu xuất hiện. 

Trong tuần bắt đầu từ thứ hai, 14-11, khi các ca COVID mới tăng lên, số lượng chuyến bay nội địa đã giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc thua lỗ tất cả 74 tỉ nhân dân tệ (10,3 tỉ USD) trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Đi lại bằng tàu điện ngầm ở 10 thành phố lớn nhất Trung Quốc giảm 32%, theo Hãng tài chính Úc Macquarie. 

Doanh thu bán vé ở các rạp phim, một chỉ dấu quan trọng về hoạt động kinh tế, giảm 64%. Hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm trong tháng 11 khiến Bloomberg điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 3,5% xuống còn 3%.

Chính sách zero COVID không phải là hoàn toàn phi lý. Báo Anh The Economist chẳng hạn, thậm chí cho rằng "Kết thúc chính sách zero COVID của Trung Quốc có thể dẫn tới hỗn loạn" - tựa đề một bài viết ngày 28-11, với lời giải thích rằng tốc độ lây lan những ngày qua cho thấy một chính sách mở cửa hoàn toàn lúc này cũng nhiều rủi ro không kém, và không như phần còn lại của thế giới, "COVID thật sự vẫn là một vấn đề với Trung Quốc". 

Nhưng đồng thời, chính quyền trung ương vào ngày 11-11 cũng đã công bố 20 biện pháp nhằm giảm bớt từ từ những hạn chế liên quan tới COVID, như thôi cách ly người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm và giảm thời gian cách ly của du khách nội địa từ 7 ngày còn 5 ngày. 

Đây có thể là những giải pháp nhằm xoa dịu tình hình, đồng thời cũng để chuẩn bị cho một giai đoạn phong tỏa có thể dài hơn.

Nhìn ra bên ngoài, những biện pháp đối phó COVID này, cũng như vấn đề vaccine, chính là minh chứng cho cạm bẫy thứ hai với Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình từng nói: "bẫy Thucydides", theo tên sử gia Hy Lạp cổ đại đã phân tích cuộc chiến giữa hai thành bang Sparta và Athens để đi tới kết luận rằng một siêu cường lâu đời và một cường quốc mới nổi ắt sẽ phải đi tới đối đầu.

Tháng 9-2015, trong chuyến thăm Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Tập đã khẳng định thế giới ngày nay "không tồn tại bẫy Thucydides", điều được Nhân dân Nhật báo diễn giải là "phải tránh tình trạng ba người nói hổ, chớ nghi hàng xóm trộm rìu, đừng nhìn đối phương bằng cặp mắt thành kiến" (Nhân dân Nhật báo 18-5-2016). 

Đó đều là những thành ngữ Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề xây dựng lòng tin. Nhưng 7 năm sau, nếu nhìn vào phát biểu của ông Hebestreit ở trên, công cuộc chống COVID ở Trung Quốc hiện giờ chưa cho thấy lòng tin từ cả hai phía. 

Nếu Trung Quốc có thể cần thế giới trong vấn đề vaccine, thì thế giới cũng cần một nước Trung Quốc trở lại bình thường sớm nhất có thể.

Những điều đó liên quan mật thiết tới cạm bẫy thứ ba mà ông Tập đã nêu: "bẫy thu nhập trung bình". Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ kinh tế vượt bậc sau nửa thế kỷ cải cách mở cửa. 

Nhưng hành trình trở thành một nước phát triển thật sự vẫn còn rất dài, và họ càng chậm vượt qua cuộc khủng hoảng COVID, thì hành trình đó sẽ càng thêm khó khăn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận