Cứ tìm nơi chốn mới đến bao giờ?

TỊNH ANH 26/01/2021 20:10 GMT+7

TTCT - Thế giới vừa chứng kiến một đợt “di cư” khổng lồ, với hàng chục triệu người từ bỏ một ứng dụng thuộc “gia đình” Facebook để tìm bến đỗ mới vì lo ngại quyền riêng tư dữ liệu bị xâm phạm. Cuộc thiên di này không phải là đầu tiên, và chắc chắn cũng chưa phải cuối cùng.

Ảnh: Telegraph

Từ giữa tháng 1-2021, Signal và Telegram bỗng trở thành hai ứng dụng hot nhất thế giới, khi hàng chục triệu người dùng WhatsApp quyết định “chuyển nhà”, sau khi ứng dụng do Facebook sở hữu công bố thay đổi một số quy định về dữ liệu cá nhân.

Signal, ứng dụng cho phép gửi tin nhắn mã hóa hai chiều (e2e), nghĩa là ngoài người gửi và người nhận ra không ai có thể đọc được nội dung, có thêm 1,3 triệu người dùng chỉ trong ngày 11-1. Trong khi đó, Telegram - cũng là ứng dụng gửi tin nhắn bảo mật nhưng thường được sử dụng theo kiểu chat nhóm, chia sẻ nhiều nội dung không bị kiểm duyệt - tăng thêm 25 triệu người dùng chỉ trong 3 ngày, đưa tổng số người dùng lên hơn 500 triệu.

“Chúng ta có lẽ đang chứng kiến cuộc di cư kỹ thuật số lớn nhất lịch sử nhân loại” - Pavel Durov, nhà sáng lập và CEO Telegram, viết trên Telegram ngày 12-1.

WhatsApp bị hiểu lầm?

Nguồn cơn cớ sự là thông báo WhatsApp gửi người dùng hôm 6-1 về chính sách sắp được cập nhật; theo đó, người dùng sẽ phải đồng ý để Facebook thu thập dữ liệu từ WhatsApp, bao gồm số điện thoại của chính họ và bạn bè, vị trí… trước ngày 8-2, nếu không sẽ mất quyền truy cập tài khoản. 

Thông báo khiến người dùng nổi giận, châm ngòi cho làn sóng kêu gọi xóa WhatsApp và chuyển sang Signal hay Telegram. Những người dùng đang điên tiết vì WhatsApp còn nhận được lời khuyến khích khi tỉ phú công nghệ Elon Musk viết trên Twitter: “Hãy dùng Signal”.

WhatsApp cho rằng thông báo của họ đã bị cố ý diễn dịch sai lệch, vì bản chất của việc cập nhật chính sách lần này chỉ áp dụng cho các trao đổi liên quan đến kinh doanh trên WhatsApp. Chẳng hạn, khi một người mua trao đổi về dịch vụ khách hàng với nhà bán lẻ thông qua WhatsApp, cuộc trò chuyện đó, kèm theo thông tin thanh toán, có thể được lưu trên máy chủ của Facebook. Điều này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái của Facebook: nhà kinh doanh mở cửa hàng online trên Facebook và dùng WhatsApp để tương tác với khách hàng.

WhatsApp nhấn mạnh cập nhật trên không “làm tăng khả năng chúng tôi chia sẻ dữ liệu với Facebook”, và khẳng định mô hình hoạt động trước nay vẫn là mã hóa tin nhắn, không để lộ cho bất kỳ ai. Dù vậy, WhatsApp đầu tuần qua cũng thông báo hoãn việc áp dụng chính sách mới đến ngày 15-5, để người dùng có thêm thời gian thấu hiểu bản chất của vấn đề và nhấn “đồng ý” trước khi bị khóa tài khoản.

Eli Sapir, giám đốc điều hành hãng phân tích dữ liệu Apptopia, cho rằng việc người dùng lo ngại chuyện Facebook thu thập dữ liệu thông qua WhatsApp không có gì sai, song cần bình tĩnh hơn, vì thực tế WhatsApp bảo mật mã hóa tốt hơn Telegram. Theo Sapir, Signal có tính bảo mật cao nhất trong số 3 app.

Telegram và Signal không chỉ là lựa chọn thay thế hấp dẫn những người quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu bị xâm phạm, mà còn những người ủng hộ ông Donald Trump và quyết tâm tẩy chay Facebook, Twitter, sau khi tổng thống Mỹ bị hai nền tảng này khóa tài khoản vì bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1.

Tuy nhiên, không thể nói những người bỏ WhatsApp đều là người cực đoan. Theo Durov, trong số 25 triệu người dùng mới của Telegram (trụ sở ở Dubai), 94% đến từ châu Á, châu Âu, Mỹ Latin, Trung Đông và Bắc Phi. Đa số người dùng mới của Signal (trụ sở tại Thung lũng Silicon) cũng đến từ bên ngoài nước Mỹ.

Không lẽ “dời nhà” mãi?

“Chúng tôi đã chuyển từ ICQ sang MSN, rồi từ MSN sang WhatsApp. Đâu có khó để lại chuyển từ WhatsApp sang một app khác” - Nikkei Asian Review ngày 15-1 dẫn lời một cư dân mạng ở Hong Kong. ICQ và MSN là những công cụ nhắn tin qua Internet của 10-20 năm trước. Quan điểm này vừa cho thấy chuyện “di cư” là không khó trong thời hiện tại, vừa nêu lên vấn đề thực sự ở đây là không lẽ cứ phải “dời nhà” mãi?

Lokman Tsui, giáo sư Đại học Hong Kong, cho rằng cuộc di cư sang Signal phản ánh “các mối lo ngại ngày càng tăng về quyền riêng tư và bảo mật nói chung, và sự mất niềm tin vào WhatsApp và Facebook nói riêng”. 

Nhưng hãy nhìn lại, đời sống của hàng tỉ người khắp thế giới giờ hoàn toàn nằm trong tay các gã khổng lồ công nghệ hay Big Tech. Ta cứ phải chuyển từ chỗ này sang chỗ khác mỗi khi “có biến”, nhưng ai dám chắc rằng bến đỗ mới sẽ yên bình mãi mãi?

Theo trang Mashable, bảo mật e2e an toàn đến mức ngoài người gửi và người nhận tin nhắn, ngay cả máy chủ chứa các tin nhắn đó cũng không thể giải mã và đọc nội dung. Tương tự, khi hacker xâm nhập được vào trung tâm dữ liệu, dù các đoạn chat nằm gọn trong tay nhưng đều bất khả giải mã.

Tuy nhiên, theo bài viết trên Hãng thông tấn IANS (Ấn Độ) ngày 17-1, dù mã hóa e2e là cực kỳ an toàn, những điểm nằm trên đường tin nhắn đi từ người gửi đến người nhận, bao gồm bản thân các ứng dụng, hệ điều hành, WiFi công cộng, đám mây chứa dữ liệu và máy chủ vật lý trong đời thật, đều có khả năng bị khai thác. Nguy cơ lớn nhất là đánh cắp metadata (dữ liệu về dữ liệu, tức các thông tin liên quan) thay vì nội dung tin nhắn.

Chẳng hạn, hãng an ninh mạng Tenable hồi tháng 5-2020 công bố phát hiện một lỗ hổng trong Signal, cho phép kẻ xấu theo dõi vị trí của người dùng, chỉ bằng cách gọi vào số Signal của người đó, bất kể người nhận có lưu số của kẻ tấn công hay không. Điều này có thể nguy hiểm cho nạn nhân bị bám đuôi, các nhà tranh đấu hay nhà báo bị theo dõi, dù không có nội dung tin nhắn nào bị đọc trộm.

“Hãy nhớ rằng bảo mật chỉ là một thứ ảo ảnh và không có bảo đảm rằng Telegram hay Signal sẽ không bị hack trong tương lai” - IANS cảnh báo. Bài viết dẫn lời Pavan Duggal, một trong những chuyên gia luật không gian mạng hàng đầu Ấn Độ, cho rằng không có cái gọi là bảo mật toàn diện và tuyệt đối.

“Bảo mật là một khái niệm tương đối. Thứ an toàn hôm nay sẽ trở nên kém bảo mật vào ngày mai. Mù quáng dựa vào các nền tảng này là không đủ” - Duggal nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận