TTCT - Bạo loạn ngày 6-1 tại Điện Capitol cho thấy những thứ sản sinh ra từ các góc khuất nhất của Internet đã len lỏi được vào trung tâm của nền dân chủ Hoa Kỳ. Ảnh: TechCrunchHôm Giáng sinh vừa qua, Ali Alexander, một trong những người đứng đầu phong trào “Stop The Steal” (Ngăn việc đánh cắp cuộc bầu cử), đăng một video lên YouTube, kêu gọi mọi người đến thủ đô Washington DC, tiến thẳng vào Điện Capitol đúng ngày hoàn tất thủ tục xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Video được dựng trên nhạc nền chiến thắng, chèn thêm vào phát ngôn của ông Trump trong một cuộc vận động tranh cử: “Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc và chúng ta sẽ không bao giờ lùi bước. Chúng ta sẽ không đầu hàng”.Khi bạo loạn xảy ra, chỉ trong vòng 6 tiếng, có hơn 4,6 triệu lượt đề cập tình trạng bất ổn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ trên các trang mạng xã hội, đa số là những dòng bình luận, dòng trạng thái cổ vũ từ xa “thêm dầu vào lửa”, theo công ty phân tích dữ liệu Zignal Labs. 16.000 người đã xem cảnh bạo loạn được phát trực tiếp trong gần 30 phút trên trang Dlive từ tài khoản của người có biệt danh Baked Alaska. Ở phần bình luận, người xem liên tục kích động: “Đập bể cửa sổ”, “Treo tất cả lên đi”…“Cuộc tấn công này là kết quả của quá trình cực đoan hóa theo tư tưởng cực hữu đã diễn ra bền bỉ trên không gian mạng ít nhất là từ năm 2015 và sự bùng nổ của các thuyết âm mưu từ cuộc bầu cử 11-2020” - Emerson Brooking, học giả của tổ chức think tank Atlantic Council, nói với Bloomberg. The Washington Post thì bình luận, vụ việc cho thấy “những thứ sản sinh ra từ các góc khuất nhất của Internet đã len lỏi được vào trung tâm của nền dân chủ Hoa Kỳ”.Các góc khuất đó là những nền tảng ít kiểm duyệt như Gab, 4chan, Parler và Telegram, hay những “hội kín” trên Facebook; một người đã viết “Sẽ có một cuộc ĐẠI NỘI CHIẾN nếu Quốc hội để cuộc bầu cử này bị đánh cắp” trên một trong những nhóm có cùng tên “Joe Biden không phải tổng thống của tôi”. Những nội dung như thế thậm chí cũng được đăng tải trên các nền tảng chủ lưu, thông qua các video phát trực tiếp trên YouTube và tin nhắn trên Twitter, đều kèm theo hashtag #StopTheSteal.Ảnh: NBC NewsĐây là trường hợp mới nhất, và cũng đáng báo động nhất, về việc sự cực đoan trên không gian ảo có thể biến thành bạo động trong đời thực thế nào, sau những vụ đáng kể như cuộc biểu tình “Đoàn kết cánh hữu” ở Charlottesville (Virginia) năm 2017 hay vụ xả súng giáo đường Do Thái ở Pittsburgh (Pennsylvania) năm 2018.Việc khóa tài khoản của người sắp rời Nhà Trắng của các nền tảng công nghệ được giới phân tích cho là chỉ như muối bỏ bể, bởi không ít người ủng hộ Trump đã xây dựng được mạng lưới cộng đồng trực tuyến sâu rộng, từ đó có thể tiếp tục gieo rắc những hoài nghi và kích động sự hỗn loạn trong tương lai. Nhưng ngay cả khi để chuyện ông Trump sang một bên, cũng khó thể lạc quan rằng trong tương lai sẽ không có thêm các sự cố “cực đoan online, bạo loạn offline”.Roger McNamee, người cố vấn cho Mark Zuckerberg và là một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Facebook, cho rằng các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho cuộc bạo loạn vừa qua vì đã tạo ra các thuật toán ủng hộ ngôn từ thù ghét, thông tin sai lệch… với mục tiêu đặt lợi nhuận lên hàng đầu. McNamee cho rằng các nền tảng này biện minh rằng không muốn là “người phán xét sự thật”, nhưng khuếch đại nội dung độc hại là lựa chọn kinh doanh của các công ty hoạt động trên lĩnh vực Internet.Giáo sư Whitney Phillips từ Đại học Syracuse (Mỹ) cho rằng tin đồn thất thiệt, tin bạo lực ngày nay lan truyền nhanh trên các trang mạng xã hội “như cháy rừng”, còn công cụ “dập lửa” không theo kịp. Nhiều thông tin, hình ảnh, video bạo lực trực tuyến tồn tại trên Facebook đủ lâu cho hàng ngàn người xem và lưu lại mới bị phát hiện, thông báo cho đội kiểm duyệt nội dung gỡ xuống. Nhưng có gỡ cũng đã muộn, bởi thông tin đã bị sao chép và phát tán đi nơi khác. Vấn đề của các mạng xã hội là không có động lực để tăng kiểm duyệt thông tin, do lẽ toàn bộ mô hình kinh doanh của họ dựa vào việc người dùng có thể đăng những gì họ muốn mọi lúc, mọi nơi.■ Tags: FacebookMỹDonald TrumpTwitterBig TechTấn công Capitol
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.