Cuộc chiến bị chất vấn

DANH ĐỨC 28/10/2023 11:21 GMT+7

TTCT - Đến đầu tuần này, đã có ít nhất 600.000 người dân Gaza phải di tản, ít nhất 4.600 người thiệt mạng, 184 người bị bắt giữ, so với 1.300 người chết và 222 người bị bắt làm con tin bên phía Israel.

Chiến sự cứ thế mà tiếp tục vào ngày thứ 18 của cuộc chiến Gaza 2023 và con số thương vong của dân thường cứ tăng liên tục, bất chấp lời kêu gọi ngưng bắn nhân đạo của Giám đốc Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk: 

"Quá nhiều dân thường cả hai phía, gồm nhiều trẻ em, đã thiệt mạng... Trừ khi có điều gì đó thay đổi, những ngày tới sẽ chứng kiến thêm nhiều thường dân thiệt mạng vì tiếp tục bị bắn phá. Nhân đạo phải được đặt lên hàng đầu!".

Quy tắc chiến tranh

Trẻ em Palestine trên xe cứu thương, ngay sau vụ tấn công bệnh viện Al-Ahly ở Gaza ngày 17-10. Ảnh: Reuters

Trẻ em Palestine trên xe cứu thương, ngay sau vụ tấn công bệnh viện Al-Ahly ở Gaza ngày 17-10. Ảnh: Reuters

Ngừng bắn nhân đạo là sự tạm ngưng các hành động thù địch giữa các bên tham chiến, nhằm cho phép cung cấp viện trợ và hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở các khu vực xung đột, để họ được tiếp cận nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, nước uống và vật tư y tế. 

Dạn dày kinh nghiệm cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới, ông Turk nêu rõ điều kiện để cung cấp viện trợ nhân đạo: "Phải được cung cấp theo nhu cầu và không bị giới hạn bởi bất kỳ tiêu chí tùy tiện nào khác".

Ngoài ra còn có vấn đề số phận của những người dân đang bị cầm giữ: "Tất cả thường dân bị các nhóm vũ trang Palestine bắt giữ phải được thả ngay lập tức và vô điều kiện. Việc bắt giữ con tin bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm"; hoặc đang bị cúp nước, cúp điện: "Hành động của Israel nhằm không cho dân thường tiếp cận hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như một hình thức trừng phạt tập thể là vi phạm luật pháp quốc tế".

Những nhắc nhở các bên phải "tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về sự cần thiết, khác biệt và cân xứng, và thực hiện các biện pháp thận trọng" mà ông Turk nêu ra, là tuân theo quy tắc 15 - "Nguyên tắc thận trọng trong tấn công" - của Luật Nhân đạo quốc tế (IHL), theo đó "khi tiến hành các hoạt động quân sự, phải thường xuyên tránh gây thiệt hại cho thường dân". 

Quy tắc này đã được ấn định lần đầu trong Công ước The Hague (IX) năm 1907, và không ngừng được luật pháp quốc tế nhắc nhở và hoàn thiện cho tới nay.

Đây là điều mà tiếc thay, cả phe Hamas khi khởi sự, lẫn phe Irael khi trả đũa đều đã bất cần. Cơn "hồng thủy Al-Aqsa" của phe Hamas với 5.000 tên lửa từ Dải Gaza vào Israel trong vòng 20 phút quả là kinh thiên động địa, khiến dân thường thương vong, tài sản, nhà cửa đồ đạc hư hỏng; vụ nổ súng vào buổi khiêu vũ gần Dải Gaza khiến ít nhất 260 người thiệt mạng rõ ràng là không đếm xỉa gì đến "Nguyên tắc thận trọng trong tấn công" của IHL.

Ngược lại, các đợt không kích trả đũa của Israel cũng vi phạm rõ ràng nguyên tắc này dù họ tự bào chữa rằng họ đã cân nhắc "tính cần thiết" và "tính cân xứng" sau khi đối phương bắn tên lửa vào lãnh thổ của họ.

Thực tế phi nhân

Sở dĩ ông Turk phải nhắc nhở các bên là do không bên nào tuân thủ các nguyên tắc thận trọng trong chiến tranh. Sáng thứ ba 24-10, tờ Haaretz của Israel cho biết các máy bay chiến đấu đã tấn công hơn 400 mục tiêu quân sự ở Dải Gaza, bao gồm cả trụ sở hoạt động và khu vực tập hợp của Hamas. Lực lượng phòng vệ Israel cũng đã tiêu diệt ba chỉ huy phó Hamas trong đêm.

Tuy nhiên, một ngày trước khi ông Turk lên tiếng, 30 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia ở Gaza. Lực lượng phòng vệ dân sự ở Gaza cho biết các thi thể được tìm thấy dưới các tòa nhà bị đánh bom, hầu hết là phụ nữ và trẻ em (Al Jazeera 22-10). 

Quang cảnh trại tị nạn Jabalia. Ảnh: Pinterest

Quang cảnh trại tị nạn Jabalia. Ảnh: Pinterest

Đây không phải lần đầu trại này bị không kích. Trước đó, Tổ chức Ân xá quốc tế báo cáo rằng ngày 9-10, Israel đã không kích khu chợ trong trại, một trong những nơi sầm uất nhất ở Gaza. 

Trại Jabalia đông dân cư còn là nơi đặt ba trường học do Cơ quan Cứu trợ và việc làm của LHQ ở Cận Đông (UNRWA) điều hành cho người tị nạn Palestine. Một số trường học này đã được biến thành nơi trú ẩn cho hàng trăm gia đình phải di tản.

Không chỉ người tị nạn trúng bom đạn, nhân viên LHQ làm việc cho UNRWA cũng đã tử vong. Báo cáo đề ngày 23-10 của UNRWA cho biết có thêm 6 nhân viên của họ được xác nhận đã thiệt mạng, nâng tổng số người của LHQ đã chết lên thành 35 tính từ ngày 7-10. 40 cơ sở của UNRWA cũng bị hư hại. Được biết, UNRWA đang chăm lo cho gần 600.000 người phải di tản tại 150 cơ sở của họ khắp Dải Gaza.

Với số lượng người di tản như vậy, nơi trú ẩn trở thành vấn đề nhức nhối. Trung bình, các nơi trú ẩn hiện đang chứa khoảng 2,57 lần công suất thiết kế. Nơi đông nhất đã tiếp nhận số lượng người gấp 11 lần so với sức chứa thiết kế. Để hỗ trợ các gia đình phải di tản và giải quyết vấn đề thiếu bánh mì, UNRWA đang cung cấp bột mì cho các tiệm bánh địa phương để bán bánh mì cho các gia đình với mức giá trợ cấp.

600.000 người lánh nạn này cũng đặt ra nhiều bài toán y tế đau đầu với 22 trung tâm y tế dã chiến của UNRWA. Lấy ví dụ, số lượt thăm khám của họ ngày 22-10 chỉ là 4.062 người, bằng 1/3 so với bình thường. Thuốc men thì cực kỳ thiếu thốn, nhiều loại thiết yếu chỉ còn đủ dùng cho 5-15 ngày nữa. 

May mắn thay là trong khi Dải Gaza đang bị cắt nước máy, các giếng nước ở Jabalia, Khan Younis và Rafah vẫn hoạt động bình thường, với khoảng 11.000m3 được bơm từ 9 giếng nước mỗi ngày. Từ đó, xe tải vận chuyển nước đến các nơi tạm trú, nhưng số lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu của những người phải di tản.

Chiến tranh còn, thảm họa nhân đạo còn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận