Cuộc chiến lịch sử của Đảng Bảo thủ Anh

NHẬT ĐĂNG 18/07/2022 15:30 GMT+7

Biến cố Thủ tướng Boris Johnson từ chức một lần nữa cho thấy lề lối chính trị độc đáo ở Anh.


Cuộc chiến lịch sử của Đảng Bảo thủ Anh - Ảnh 1.

Ông Boris Johnson từ chức sau ba năm nắm quyền thủ tướng. Ảnh: Getty Images

Chưa bao giờ tình hình nước Anh rối ren như hiện nay. Hàng loạt cuộc biểu tình và đình công xảy ra suốt nhiều tháng liền. Trên mặt báo, những câu chuyện chính trị được khai thác triệt để. Vấn đề kinh tế vĩ mô như nợ công, vật giá leo thang hay bất bình đẳng thu nhập được đề cập song song tin tức giật gân về bê bối tiệc tùng và lạm dụng tình dục của giới chính trị gia.

Cao trào xuất hiện khi ông Johnson từ chức, mở ra cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng cầm quyền Bảo thủ - người sẽ nghiễm nhiên là thủ tướng tương lai. Danh sách những ứng viên sáng giá nhất nhanh chóng được lập. 

Hơi bất ngờ khi người được dự đoán chiến thắng - Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace - tự rút lui, khiến cuộc đua giờ trở nên rất mở và gay cấn với hàng chục cái tên, bao gồm bà Penny Mordaunt (Quốc vụ khanh chính sách thương mại, Bộ Thương mại quốc tế), Ngoại trưởng Liz Truss, cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và người thay thế ông sau đó, Nadhim Zahawi.

Những "cảm tử quân"

48 tiếng trước lúc Johnson thông báo từ chức bên ngoài phố Downing, gần 60 quan chức cấp bộ trưởng đã rời văn phòng như một cách gây áp lực tối đa cho sự kiện ấy. Nhanh gọn, quyết đoán, không ngại làm kẻ đi đầu, người Anh chưa bao giờ ngần ngừ trước những quyết định gây sốc, với một vẻ phớt tỉnh Ăng-lê cố hữu.

Mọi chuyện bắt đầu từ cú "nhổ neo" cách đây 6 năm, khi Anh quyết rời Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, "cảm tử quân" đầu tiên là cựu thủ tướng David Cameron, người đã cam kết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Một chiến thắng sít sao cho phe Brexit, và Cameron bay ghế.

Báo chí cánh tả ở Anh, như Guardian, vốn theo đuổi các giá trị EU, công kích Brexit dữ dội. Quyết định ra đi chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt khi tác động trực tiếp và ngắn hạn rất dễ thấy và dễ hiểu hơn những vấn đề ý thức hệ hay một tương lai "Nước Anh toàn cầu" (Global Britain). Việc mất tự do đi lại hay không được ưu đãi thuế quan ở châu Âu là tức thời, trong khi xây dựng lại bản sắc hay tự do hành động là chuyện còn ở thì tương lai.

Câu hỏi cuối cùng là nước Anh sẽ ra sao khi rời EU - lấy lại vị thế siêu cường và phát triển rực rỡ, hay đối diện tương lai ảm đạm và hỗn loạn (như bây giờ)? Cái khó của đảng cầm quyền là chứng minh rằng họ đúng khi quyết định Brexit, và luật chơi là khá rõ ràng: nhà lãnh đạo nào không đưa được con tàu Britannia-Brexit tới miền đất hứa, người đó sẽ phải ra đi. 

Năm 2019, bà Theresa May là vị thủ tướng Brexit đầu tiên trả giá sau 3 năm loay hoay. Ông Johnson được chọn với quyết tâm tiếp tục con đường Brexit, nhưng cũng không thể làm hết nhiệm kỳ.

Brexit vốn đã trở ngại càng thêm khó khăn khi COVID-19 ập tới. Kinh tế Anh lâm vào cảnh chao đảo đã được dự đoán, nay bị bồi thêm một đòn nữa. Một lần nữa, người Anh buộc phải thể hiện cá tính của những kẻ tiên phong. Trong lúc nhiều nước còn nhìn nhau để ra quyết định kiểm soát COVID-19, các trận đấu ở Giải ngoại hạng Anh lại chật kín người và chẳng ai đeo khẩu trang.

Ai làm nên lịch sử?

Brexit và COVID-19, hai sự kiện lịch sử, là cú đánh úp vào Đảng Bảo thủ. Giữa thế gọng kìm, Chính phủ Anh đã chọn canh bạc mở cửa sớm từ mùa hè năm ngoái, chấp nhận hứng chịu chỉ trích nặng nề của truyền thông và các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, hệ lụy của nó thì không thể cứu vãn.

Tờ Telegraph khẳng định các đợt phong tỏa là thủ phạm gây ra lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã chạm mốc 6,2% trong tháng 2, trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Bản thân Johnson cũng bị báo chí nghi vấn là lấy chuyện Ukraine để chuyển áp lực ra bên ngoài. 

Theo CNBC, ông Johnson ra đi khi lạm phát tại Anh ở mức 9,1% trong tháng 5, cao nhất 40 năm qua. Lạm phát dẫn tới chi phí sinh hoạt tăng lên, và biểu tình. Hồi tháng 4, kinh tế Anh rơi vào suy thoái, lần đầu tiên GDP giảm 2 tháng liên tiếp kể từ khi đại dịch xảy ra. 

Nửa cuối năm nay, tình hình được dự báo còn khó khăn hơn, điều đồng nghĩa nhiệm vụ then chốt cho chính quyền mới sẽ là bài toán kinh tế.

Đó là lý do các ứng viên hiện đều có điểm chung là cam kết cắt giảm thuế. Về lý thuyết, giảm thuế sẽ kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng dẫn tới thâm hụt ngân sách và tăng nợ công. Bài toán này rất rắc rối trong dài hạn bởi Anh còn phải đối diện khó khăn từ Brexit và hồi phục kinh tế hậu đại dịch.

Đảng Bảo thủ đã hành động rất nhanh trong việc gây áp lực để Johnson từ chức nhằm cứu vãn uy tín của đảng. Tuy nhiên, trách nhiệm đặt lên người thay thế sẽ vô cùng nặng nề. 

Đó phải là người đủ mạnh để vượt qua nghịch cảnh hiện nay và cả để chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2025, tức 3 năm nữa. Bà May (2016-2019) và ông Johnson (2019-2022) đều mất ghế sau khoảng 3 năm, và ứng viên sắp tới sẽ hi vọng không vướng chu kỳ 3 năm này.

Trong hàng ngũ ứng viên hiện tại, ông Sunak có thể xem như một "cảm tử quân" tiếp theo của Đảng Bảo thủ. Ông được dự đoán đủ khả năng làm thủ tướng hiện giờ, nhưng khó thắng vào năm 2025. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận