Cuộc "đảo chính" của sách điện tử?

TỪ PHONG 01/12/2013 01:11 GMT+7

TTCT - Nếu tất cả những gì độc giả cần để đọc sách chỉ là một thiết bị giá rẻ như bữa ăn trưa, có thể cuốn lại nhét vào túi quần túi áo, và toàn bộ thư viện của con người sẽ nằm trên các máy chủ đặt đâu đó không ai rõ thì nhà xuất bản sẽ kiếm tiền bằng cách nào?



Cuối tháng 10 vừa qua, LG ra mắt chiếc điện thoại thông minh G Flex, với vi xử lý lõi tứ Snapdragon 800 tốc độ 2.26GHz của Qualcomm, 2GB bộ nhớ RAM và ổ cứng lưu trữ 32GB. Đây là một trong những chiếc điện thoại mạnh nhất hiện nay trên thế giới, nhưng điều làm nên sự khác biệt cho LG G Flex nằm ở chỗ nó không những có màn hình cong mà còn được trang bị các phụ kiện “cong”, bao gồm pin.

Sự ra đời của chiếc điện thoại này dường như đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của các thiết bị điện tử cá nhân, khi những chiếc máy sẽ trở nên gần gũi hơn với con người, không còn là những tấm nhựa và kim loại khô cứng, lạnh lẽo nữa mà có thể uốn cong được, có thể tự vá các vết trầy xước nhỏ, thậm chí có thể cuốn lại hoặc gập nhỏ như những tờ giấy. 

Sách giấy sẽ thành cổ vật?

Công nghệ hiện đại có những bước phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng của con người. Phải mất hàng triệu năm tiến hóa, con người mới phát minh ra được chữ viết và sau đó là các tài liệu độc bản được viết trên đá, da thú, tre trúc. Trước khi có chữ viết, kiến thức được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu qua truyền miệng và qua những người già trong bộ tộc. 

Sự ra đời của giấy đã đưa loài người lên những mức tiến hóa mới, khi kiến thức được phổ biến rộng rãi hơn. Và phải mất vài ngàn năm sau phát minh ra giấy, kiến thức mới tìm được chỗ lưu trữ cho mình trong các máy tính. Nhưng chỉ trong vòng vài chục năm ngắn ngủi, máy tính đã tiến hóa từ những thiết bị khổng lồ nặng hàng chục tấn và chiếm diện tích của vài tòa nhà trở thành các màn hình thông minh nằm gọn trong lòng bàn tay.

 “Các công nghệ mới luôn cần một khoảng thời gian nhất định để thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Nhưng xu thế áp dụng công nghệ mới là không thể đảo ngược”.

 Và Bill Gates, một trong những người đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, đã tuyên bố rằng đến trước khi chết, ông sẽ làm cho các cuốn sách in “trở thành cổ vật”. 

Rất nhiều người đã phẫn nộ khi nghe những lời nói ấy, thậm chí nhà văn Mario Vargas Llosa, người đoạt giải Nobel năm 2010, còn nói: “Ý tưởng của Bill Gates không phải là muốn kết liễu thứ văn học như ta hằng biết, song ông ta thật sự tin rằng máy tính có thể đảm nhiệm một cách hoàn hảo tất cả chức năng của một cuốn sách. Tôi tin điều đó đúng khi ta nói về thông tin, nhưng lại sai khi ta nói về văn học, vì việc đọc một tác phẩm văn học cần đến một góc riêng, một khoảng lặng thân thiết, điều đó sẽ không còn nữa khi chúng ta ngồi đối diện màn hình vi tính”.

Có thể Mario Vargas Llosa đúng khi nói về sách điện tử (ebook) dưới hình dung về một chiếc máy tính cá nhân cồng kềnh, có màn hình như chiếc tivi và CPU to bằng một cái tủ đầu giường. Nhưng rất có thể ông sẽ nghĩ lại nếu biết một ngày nào đó, các thiết bị đọc sách điện tử sẽ nhỏ gọn còn hơn cả sách giấy, thể hiện chữ viết bằng công nghệ mực in E-Ink giống hệt như sách giấy, thậm chí còn có thể uốn cong chẳng khác gì sách giấy.

Mặc dù những ưu điểm của ebook là không thể phủ nhận, từ việc rẻ tiền, có thể lưu trữ cả một thư viện khổng lồ với hàng chục ngàn cuốn sách, cho đến việc các văn bản trong nó có tính siêu liên kết, cho phép người đọc truy cập tức thời đến tất cả các nguồn dữ liệu liên quan, tuy nhiên nó vẫn chưa thay thế được sách giấy ngay lập tức là do vẫn còn rất nhiều người giữ quán tính đọc sách giấy, khăng khăng cho rằng sách giấy mang lại những cảm xúc “người” hơn là các máy đọc ebook, bất chấp thực tế giá sách giấy ngày càng đắt đỏ.

Điều này cũng không có gì lạ, trong 20 năm gần đây, chúng ta từng thấy những sự lật đổ công nghệ ngoạn mục. Các CD đã thay thế băng từ và đẩy đĩa than thành xa xỉ phẩm dành cho dân chơi audio cao cấp, và có lẽ cũng chỉ chừng chục năm nữa thì DAC (thiết bị chuyển đổi tín hiệu digital qua analog) và các máy tính cũng sẽ thay thế các đầu đọc CD đắt tiền.

Máy ảnh số đã đẩy lùi máy ảnh cơ vào các bảo tàng và bộ sưu tập cá nhân. Email đã giết chết thư tay. Điện thoại di động đã ép điện thoại để bàn vào thế sống dở chết dở. Và sách giấy cũng khó tránh số phận tương tự của các công nghệ đã lạc vào quá khứ, có lẽ đó cũng là một tất yếu lịch sử.

Phải chăng sự ra đời của công nghệ màn hình có thể uốn cong sẽ làm suy yếu đáng kể các luận điểm yếu ớt cuối cùng của những người bảo vệ sách giấy?

Vả lại, công nghệ cũ đôi khi được người dùng sử dụng như một hoài niệm liên quan đến những gì đẹp đẽ trong quá khứ của họ. Nhưng thế hệ trẻ, lớn lên trong một môi trường khác sẽ không chia sẻ được cảm xúc của người lớn. Họ đã không hiểu được cái thú “hành xác” của một người chụp ảnh đen trắng bằng máy ảnh cơ, sau đó lọ mọ cả đêm trong phòng tối để rửa ảnh.

Và dĩ nhiên họ cũng sẽ không hiểu được cái thú chất hàng ngàn cuốn sách cũ mèm bụi bặm trong nhà của cha ông. Họ sẽ tự nhủ tại sao phải làm thế khi Google đã để sẵn cho họ một thư viện ảo chứa được hàng trăm ngàn cuốn sách, bất kỳ lúc nào cũng có thể lấy xuống đọc bằng một cú búng tay? Rốt cuộc thì sách là để đọc hay chỉ để trang trí mà thôi?

Một định dạng sách điện tử mới


Văn học: Mạng và đời

Cùng sự phát triển của ebook và mạng Internet, ngày càng có nhiều nhà văn đưa sản phẩm của mình lên mạng và thành danh qua sự công nhận của cộng đồng mạng. Beth Reeks - nhà văn nữ người New Zealand, người tự đăng tiểu thuyết đầu tay The Kissing Booth của mình lên trang mạng Wattpad, thu hút được 19 triệu lượt xem trên mạng - vừa được Nhà xuất bản Random House liên hệ in sách.

Cô cũng được tạp chí Time đưa vào danh sách 15 người tuổi teen quyền lực nhất thế giới. Ở Việt Nam cũng đã có một số người viết thành công nhờ đưa tác phẩm của mình lên mạng như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Phong Việt; một số bản dịch cũng được đưa lên trang web cá nhân của các dịch giả.

Vào những năm chưa xa, khi nhà văn và dịch giả chỉ có kênh duy nhất để đưa tác phẩm của mình đến với độc giả thông qua các nhà xuất bản, thậm chí dịch giả cũng như một người làm công ăn lương cho nhà xuất bản, người ta rất khó đánh giá chất lượng các bản dịch do không có khả năng tiếp cận bản gốc và các tư liệu phân tích tác phẩm từ các nhà phê bình nước ngoài, và các từ điển cũng là những tài liệu quý hiếm.

Ngày nay, mạng xã hội cho phép tất cả mọi người bình đẳng một cách tương đối về khả năng đưa thông tin của mình đến cộng đồng. Một ngày lướt trên mạng có thể mang cho chúng ta những bài viết xuất sắc hơn rất nhiều so với di sản của một người viết không tồi ngày xưa.

Tuy nhiên, sự phát triển của ebook và văn học mạng cũng đặt ra không ít câu hỏi cho người yêu sách nói chung, các tác giả và nhà xuất bản nói riêng. Do không qua các quy trình biên tập chuyên nghiệp nên không ít tác phẩm văn học mạng vẫn còn khá nhiều lỗi chính tả và đôi khi sử dụng một thứ ngôn ngữ không chuẩn mực.

Không ít ebook có nội dung không phù hợp với văn hóa địa phương. Một số người chơi sách cũng không thấy vui vẻ khi những ấn bản quý hiếm được số hóa và phổ biến rộng rãi trên mạng. Nhưng biết đâu chính sự vô tư, bất vụ lợi của dòng văn học mạng được lan truyền miễn phí nhờ ebook lại đem văn học trở về thời kỳ lãng mạn của nó, khi viết lách là một nhu cầu tự thân, và thành công của một nhà văn sẽ được ghi nhận nhờ chính tác phẩm của họ chứ không phải vì kỹ nghệ PR như hiện nay.

Tiến hóa hay là chết?

Có lẽ đến giờ này các nhà xuất bản Việt Nam khó hình dung một tương lai không còn sách giấy tại Việt Nam. Nếu tất cả những gì độc giả cần để đọc sách chỉ là một thiết bị giá rẻ như bữa ăn trưa, có thể cuốn lại nhét vào túi quần túi áo, và toàn bộ thư viện của con người sẽ nằm trên các máy chủ đặt đâu đó không ai rõ thì nhà xuất bản sẽ kiếm tiền bằng cách nào?

Hệ thống kinh doanh sách giấy, với tất cả sự cồng kềnh về nhân sự, tốn kém vì hoa hồng đa cấp và chi phí in ấn rất cao, làm sao có thể cạnh tranh với các công ty cung cấp ấn bản điện tử? Rất nhiều nhà sách còn tồn tại được nhờ các hàng rào bảo hộ sẽ xoay xở thế nào trong một thị trường bình đẳng hơn?

Và nếu thật sự sách in sẽ chỉ là cổ vật trong tương lai, như Bill Gates vẽ ra cho chúng ta, thì vai trò quan trọng nhất của các nhà xuất bản sẽ là công tác biên tập, trình bày, giới thiệu sách, nói chung là các quy trình đảm bảo chất lượng ấn phẩm phải tạo được sự khác biệt so với những gì một cá nhân có thể làm được.

Nếu nhà xuất bản không có được đội ngũ biên tập giỏi, có kiến thức sâu rộng, có tâm và có tầm thì chẳng có lý do gì để tác giả hay dịch giả đưa tác phẩm của mình cho nhà xuất bản.

Thay vì thế, tác giả sẽ đưa thẳng sách lên bán trên mạng thông qua các công ty toàn cầu như Amazon, Smashwords... Nhưng để có được một đội ngũ biên tập viên có trình độ cao là việc thật sự không đơn giản, bởi ngay lúc sách giấy vẫn còn sống tốt như bây giờ mà nhiều nhà xuất bản vẫn liên tục đưa ra thị trường các tác phẩm chất lượng kém, các “thảm họa” dịch thuật với vô số lỗi không thể chấp nhận được cả với người đọc bình thường.

Có lẽ không nên tin rằng do đặc thù ngôn ngữ mà các công ty toàn cầu sẽ không thể thâm nhập thị trường sách Việt Nam. Internet đang xóa nhòa tất cả các biên giới văn hóa, và nếu không tự tiến hóa rất có thể một ngày nào đó, các nhà xuất bản Việt Nam sẽ phải ngậm ngùi nhìn cảnh Amazon hay một công ty toàn cầu nào đó chiếm thị phần tuyệt đối trong thị trường sách Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận