Bản sơ yếu đầu năm

THANH THÚY 27/08/2013 20:08 GMT+7

TTCT - Ngày đầu năm học, lớp con trai tôi là lớp cuối cùng ra khỏi trường. Con trai thấy mẹ nói ngay: “Mới ngày đầu tiên mà thầy chủ nhiệm bắt tụi con viết nhiều quá chừng”. “Viết gì hả con?”. “Thầy sinh hoạt nội quy xong, kêu tụi con viết những quy định phải chấp hành, xong rồi viết nộp cho thầy sơ yếu lý lịch. Mà thầy hỏi nhiều lắm mẹ”.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

“Chắc là tên tuổi, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, nghề nghiệp... chứ gì?” - tôi gợi. Con trai hào hứng: “Nếu vậy nói làm gì! Thầy hỏi nhiều câu không giống những bản sơ yếu khác đâu. Thí dụ ngoài những câu như mẹ nói... thầy còn hỏi: Em có sống cùng cha mẹ không, nếu không sống cùng cha mẹ thì em sống với ai? Vì sao? Em có khó khăn, túng thiếu gì không? Em có nỗi oan ức nào không thể nói ra không? Em thích làm gì? Năng khiếu của em là gì?...”.

Tôi lặng đi một lúc. Rồi hỏi con: “Vậy con có nỗi oan ức nào không? Con có kể ra không?”. Con trai hồn nhiên: “Không có mẹ. Con chỉ nghĩ hoài mình có năng khiếu gì không. Cuối cùng con viết là con thích đánh cờ tướng...”. “Các bạn con thì sao?”. “Con đâu biết. Con lo viết phần của con. Nhưng con thấy mấy bạn cũng viết nhiều lắm... Nên lớp con mới ra cuối cùng đó”.

Câu chuyện của con làm tôi suy nghĩ suốt đường về. Con trai đã học tới lớp 9 và đây là buổi học đầu tiên mà giáo viên chủ nhiệm có thể làm con ấn tượng như vậy. Những câu hỏi của một bản sơ yếu... Dễ hiểu vì sao thầy hỏi các con đang sống với ai. Xã hội hiện nay đã khác xưa lắm rồi. Những gia đình truyền thống đang ngày càng mỏng manh.

Năm ngoái, khi đi họp phụ huynh, lớp của con có những bạn mà người đi họp phụ huynh không phải là cha mẹ. Có em được bà ngoại đi họp vì cha mẹ bỏ nhau, em sống cùng bà ngoại và mẹ đi làm ăn xa. Bà ngoại đến lớp không biết ngồi vào đâu mặc dù trên bàn đã viết tên từng em để phụ huynh ngồi vào chỗ con mình. Hỏi ra mới biết bà không biết chữ... Những cảnh đời như vậy đã khiến thầy bổ sung câu hỏi “em sống cùng ai”...

Nhưng còn “những nỗi oan ức”? Đúng vậy. Chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ có câu hỏi đó trong một bản sơ yếu đầu năm, nhưng khi mỗi gia đình có những câu chuyện mà không phải ai cũng có thể sẻ chia thì làm sao bạn biết mỗi đứa trẻ đến lớp mang theo những nỗi niềm nào?

Hôm qua, lúc chờ đón con, tôi bắt chuyện với một phụ huynh có con học cùng lớp con trai tôi. Chị nói: “Con mình may lắm đó, được thầy chủ nhiệm”. Chị cho biết ba năm trước con đầu của chị, năm nay vừa đậu đại học, cũng từng là học sinh lớp 9 được thầy chủ nhiệm, và kể:

"Chị biết không, ngày họp phụ huynh để thầy tư vấn chọn nguyện vọng cho các con mới biết thầy sâu sát tụi nhỏ thế nào. Chỉ cần phụ huynh nói tên học sinh và ba nguyện vọng chọn trường của cháu, thầy có thể nói ngay chọn lựa đó có đúng với sức học của em không, và nếu thay đổi thì nên như thế nào. Còn con mình, mình vừa nói tên và trường, thầy cũng nói ngay: Chọn vậy là đúng rồi, cứ yên tâm cho con đi thi. Năm nay may quá, thằng em lại được học thầy...”.

Tôi cũng mừng với chị. Mừng cho con tôi được vào lớp thầy chủ nhiệm. Nhưng không chỉ vậy. Trong niềm vui của tôi có “nỗi oan ức” mà thầy hỏi các trò vào ngày đầu năm. Tôi không biết có em nào kể cho thầy nghe chuyện của mình sau buổi học đầu tiên đó hay không, nhưng tôi biết là có một cánh cửa đã mở cho những mái đầu hồn nhiên. Cánh cửa trái tim của một Người thầy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận