Bệnh truyền nhiễm ngày càng khó lường

T. MINH (Q.5, TP.HCM) 06/08/2011 22:08 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng xuất hiện nhiều hơn và gây tử vong cao hơn. Liệu có phải do virut lờn thuốc hay còn vì nguyên nhân nào khác?

Phóng to
Bác sĩ khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng - Ảnh: Minh Đức

Những năm gần đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cả về số lượng ca lẫn số trường hợp vào sốc nặng và tử vong. SXH hiện nay không còn là “độc quyền” của trẻ em nữa khiến việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn hơn.

Sự xuất hiện của chủng virut có độc tính cao lý giải cho tình trạng có đông người mắc bệnh tay chân miệng, nhiều tử vong và nhiều địa phương bị ảnh hưởng.

Mới đây, cả châu Âu rúng động vì Escherchi coli, vi khuẩn gây hội chứng tán huyết tăng urê máu dẫn đến suy thận và tử vong. Hàng chục người dân châu Âu (đa số là người Đức) chết vì E.coli trong mùa hè này. Điều đáng nói là vi khuẩn E.coli có mặt khá lâu trên Trái đất và có mặt khắp nơi, nhưng ít khi chúng tấn công và gây bệnh cho người, nếu có cũng chỉ gây tiêu chảy nhẹ.

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang hoành hành ở nước ta với số người bệnh, tử vong và địa phương có dịch đều tăng đột biến so với năm trước. Theo Bộ Y tế, bảy tháng đầu năm 2011 dịch tay chân miệng đã tăng 4,4 lần so với cùng kỳ 2010, trung bình mỗi tuần có 1.800-2.200 ca mắc mới được ghi nhận, gần 60 trường hợp đã tử vong. Khác với những năm trước, bệnh TCM năm nay có những biến chứng nặng như nhiễm trùng thần kinh, viêm cơ tim, suy thận... Tỉ lệ tử vong rất cao và điều đặc biệt nữa là người lớn cũng bị TCM.

Ở những ca bệnh SXH nặng, vào sốc sớm, hay SXH trên người lớn, đã phát hiện virut dengue type 3 thay vì type 1 và 2 như trước đó. Như vậy, có thể thấy rằng sự xuất hiện chủng virut mới đã làm SXH trở nên nặng hơn và phức tạp hơn trong vài năm trở lại đây.

Chủng virut E.coli O 104:H4 ở châu Âu vừa qua là chủng mới xuất hiện lần đầu tiên (chủng E.coli có từ trước đến giờ thuộc chủng E 157:H7). Chủng mới này có độc tính cao do tiết ra nhiều độc tố shiga hơn. Độc tố shiga được hấp thu vào máu và bắt đầu tấn công thận và các mạch máu, dẫn đến hội chứng tán huyết tăng urê máu, hậu quả là làm giảm tiểu cầu, xuất huyết nặng, suy thận cấp. Điều đáng quan tâm là chủng virut mới này không thể điều trị bằng những loại kháng sinh hiện có.

Các kết quả xét nghiệm cho thấy virut gây bệnh TCM năm nay là subtype B2, thuộc enterovirus 71. Lâu nay ở nước ta virut gây bệnh này là subtype C (1,4 và 5), thuộc enterovirus 71, “hiền” hơn so với subtype B2. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virut gây bệnh TCM, ngay cả đối với các chủng virut “hiền” thuộc subtype C. Sự xuất hiện của chủng virut có độc tính cao lý giải cho tình trạng có đông người mắc bệnh TCM, nhiều tử vong và nhiều địa phương bị ảnh hưởng.

Sự xuất hiện những chủng virut, vi trùng mới có độc tính, độc lực cao và bất trị hơn đã làm quy mô những bệnh truyền nhiễm này lớn hơn, diễn tiến khó lường và dĩ nhiên khó khống chế hơn.

Đột biến để tạo ra loài mới là đặc điểm vốn có của sinh vật. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể làm thời gian tạo ra loài mới nhanh hơn. Chúng ta đang sống trong cùng một hệ sinh thái mà sự sống của một loài có ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhiều loài khác và ngược lại. Một khi thế cân bằng này bị phá vỡ, cuộc sống của các loài, trong đó có con người, bị đe dọa.

Chính cuộc sống tiêu thụ quá mức, hủy hoại môi sinh, lạm dụng thuốc, hóa chất... và biến đổi khí hậu đã làm sớm phát sinh những loài gây hại cho con người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận