“Các tổng thống chỉ đi trễ, chứ không bị ốm"

DUY VĂN (TRÍCH DỊCH) 18/01/2017 17:01 GMT+7

TTCT- Sếp lễ tân Điện Kremlin, Vladimir Shevchenko - người từng phụ trách công tác lễ tân qua các trào tổng thống Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin và Vladimir Putin - hé lộ những câu chuyện “bếp núc ngoại giao” thú vị. TTCT trích giới thiệu cùng bạn đọc một bài báo mà Hãng tin Lenta.ru đưa vào danh mục những bài báo hay nhất năm 2016.

Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Liên bang Nga năm 1994-RIA Novosti
Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Liên bang Nga năm 1994-RIA Novosti

Bó hoa nhỏ của nữ hoàng Anh

Lenta.ru: Trong cuộc gặp thượng đỉnh G20 mới đây, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã quên đưa tay ra trước cho Tổng thống Nga V. Putin bắt. Trên báo chí, chi tiết này thậm chí đã bị thổi lên thành xìcăngđan. Nghi thức xã giao quy định phụ nữ phải là người đưa tay ra trước có áp dụng cả trong giới chính khách?

- Tôi phải nói trước rằng thật không đơn giản khi bình luận về một sự kiện mà tôi không chứng kiến. Nhưng dĩ nhiên, quý bà phải là người đưa tay ra trước cho dù có ở vị thế nào.

Theo tôi biết, bà May có kinh nghiệm ngoại giao, nhưng đó là lần đầu tiên bà xuất hiện ở vị thế nguyên thủ. Tôi nghĩ ở đây có lẽ do hồi hộp, cũng có thể do việc chuẩn bị chưa tốt của người phụ trách lễ tân.

Lẽ ra ông ấy phải báo trước cho lãnh đạo rằng bà sẽ phải đối mặt với những quy ước quốc tế nào. Đôi khi chúng ta đổ lỗi cho các nguyên thủ vì những sơ suất mà quên rằng đó có thể là lỗi của đội ngũ ông ta.

Ông từng viết rằng Nữ hoàng Elizabeth II trong trường hợp này thường cầm một bó hoa nhỏ trên tay.

- Ít ra trước đây đã là như thế. Tất cả đều muốn đến gần nữ hoàng, bắt tay. Trong trường hợp nữ hoàng muốn, bà sẽ tự đưa tay ra trước.

Năm 1994, nữ hoàng đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên cũng là cuối cùng của mình tới Nga. Và bộ phận lễ tân của hoàng gia chuẩn bị chuyến thăm rất cẩn thận. Cứ mỗi sáu tuần họ lại đến làm việc. Một nhóm rất đông, đều đã lớn tuổi. Và trong những ngày đó, bó hoa trên tay của nữ hoàng được thay đổi nhiều lần trong ngày.

Lễ tân khác với nghi thức xã giao ở điểm nào?

- Chúng ta thường nhầm lẫn vì hai khái niệm này nằm ở điểm giao nhau. Các nhà báo cũng có khi viết không chính xác. Nhưng họ cứ thế mà in và chẳng bao giờ xin lỗi.

Tôi không muốn nhận xét rằng không chỉ ở nước ta văn hóa giao tiếp báo chí đã thay đổi, mà cả ở người Mỹ cũng vậy. Chẳng hạn, lần đầu tiên tôi thấy báo chí nghiệt ngã thế với sức khỏe của nhà lãnh đạo tương lai.

Ông Vladimir Shevchenko-Lenta.ru
Ông Vladimir Shevchenko-Lenta.ru

 Ông muốn nói đến ứng viên (tổng thống) của Đảng Dân chủ Hillary Clinton à?

- Dĩ nhiên, bà ấy rất khó khăn - là phụ nữ ở tuổi gần 70 và cuộc vận động ác liệt như thế. Nhưng chính bà ấy cũng có lỗi.

Nếu anh cảm thấy không khỏe, tốt hơn nên dừng sự kiện lại. Không nên ra bục diễn thuyết và ho, với lấy ly nước và ngất. Boris Nhikolaievich (Yeltsin) sau bốn cơn đột quỵ cũng chẳng khỏe mạnh gì. Nhưng khi nào ông ta thấy không ổn, chúng tôi cố hạn chế tiếp xúc với báo giới.

Còn chính ông cũng nói: “Tôi ra đó làm gì, trông sẽ không đường hoàng”. Mỗi con người đều có quyền ốm yếu chứ.

Nhưng vì sao đó mà ở nước Nga không được phép nói về việc nguyên thủ bị ốm. Nó ngay lập tức có thể gây ra một loạt cảm xúc, từ hoảng loạn đến hả hê.

Ở nước ta chẳng hiểu sao có thái độ kỳ lạ thế. Chúng ta đối với các lãnh đạo của mình không được nhân hậu lắm. Tôi đã và sẽ còn nói: nhiều thứ tùy thuộc vào đội ngũ của nguyên thủ. Đấy, chẳng hạn nếu ông ta trễ, cần phải lập lịch trình sao cho ông ta có thể đến đúng giờ.

Ông đang nói về Tổng thống Putin (xem box) đấy sao? Lấy một thí dụ gần đây, ông Putin đã gặp giáo hoàng La Mã trễ giờ. Nhưng hôm đó thật sự là bị kẹt xe, xe buýt chở nhà báo cũng bị trễ vài giờ đồng hồ. Sơ suất đó là của ai?

Tổng thống V. Putin nổi tiếng trễ giờ đến độ tờ The Independent (Anh) đã thống kê “kỷ lục” muộn của ông. Theo đó, người phải chờ ông lâu nhất là bà Angela Merkel (4 tiếng 15 phút), còn “ít” nhất là Nữ hoàng Elizabeth II (14 phút).

Giải thích lý do chậm trễ, một số người cho rằng đó là “trò chơi tâm lý” của ông, do ông chẳng bao giờ muộn giờ ở các cuộc họp báo hay phỏng vấn.

Số khác nói ông muốn chứng tỏ uy quyền, trong khi một nhà báo Nga tiết lộ ông Putin luôn “kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các sự kiện, đào sâu mọi thứ” trước những cuộc gặp cấp cao.

- Đó là một lỗ hổng. Có thể là sơ sót của người Ý. Họ tính giờ đi trên đường, nhưng mọi việc lại không như thế.

Thời của tôi mọi thứ rất đơn giản: chúng tôi cùng các nhân viên trong đội cảnh vệ đích thân đi qua tất cả các tuyến đường, tất cả các ngã rẽ, tính thời gian dự phòng nếu xảy ra ùn tắc hay những bất ngờ khác.

Boris Nhikolaievich không bao giờ đi trễ và không thể hiểu tại sao ai đó khác có thể muộn giờ. Điều đó làm tôi căng thẳng ghê lắm...

Có lần xảy ra chuyện thế này. Ở London, cuộc gặp với giới doanh nhân với sự hiện diện của thủ tướng và thành viên hoàng gia, công nương Anna. Ngột ngạt, chúng tôi đóng bộ lễ phục đứng chờ. 5, 10, rồi 15 phút trôi qua. Vẫn không thấy công nương.

Chuyện gì xảy ra? Phía bên công nương vẫn im lặng. Và rồi cuối cùng công nương chạy tới, gây náo động, xin lỗi. Hóa ra vì chính công nương lái xe, chạy quá tốc độ, bị cảnh sát chặn lại lập biên bản nên đến muộn.

Một câu chuyện không thể tưởng tượng được ở Nga. Đấy, ông có cái đồng hồ đeo tay với những con số to như thế. Ông cố tình chọn nó à?

- Đây là quà tặng. Chúng ta có Nhà máy đồng hồ Moskva số hai rất bảnh. Mà Boris có thói quen hay tháo đồng hồ đang đeo và tặng cho ai ông ấy thích.

Vì thế trong cặp của tôi luôn thủ sẵn năm chiếc. Chúng được làm riêng, có in hàng chữ: “Từ tổng thống thứ nhất của Liên bang Nga”. Thời đó các đồng hồ cơ của chúng ta là tốt nhất. Chẳng kém hàng Thụy Sĩ. Tôi nói nhé, họ còn mua đồng hồ của chúng ta, tháo vỏ và sản xuất dưới thương hiệu của họ.

Nhân tiện, nói về quà tặng. Thời gian gần đây chúng ta hay tặng vũ khí: năm ngoái tổng thống Ai Cập được tặng súng tiểu liên Kalashnikov, còn thủ tướng Nhật nhận kiếm samurai - katana. Ai chọn những quà tặng nguy hiểm thế, bộ phận lễ tân à? Đúng thế.

Nói chung, chọn quà phù hợp là một công việc rất mất thời gian và tinh tế. Thời của tôi có hai người phụ trách việc này. Một người trong số họ biết rất rõ các họa sĩ chúng ta, và chính ông ta cũng vẽ rất đẹp. Khi đó chúng tôi dựa vào các ngành thủ công của mình - gốm sứ Gzhel, tranh trang trí trên gỗ, đồ sứ Dulyovo, ở Rostov thì có đồ vàng bạc chạm khắc, còn ở Tula có ấm samovar và vũ khí. Chúng ta tặng Nữ hoàng Elizabeth ấm samovar, thật, nấu bằng than - một bản sao giống hệt ấm samovar của Lev Tolstoy.

Khi bắt đầu chuẩn bị một chuyến thăm, chúng tôi cùng với Bộ Ngoại giao tìm hiểu sở thích của các nguyên thủ. Một việc khá nguy hiểm, bởi nhiều người cũng theo kiểu này.

Tôi đã tới ba trung tâm của ba tổng thống Mỹ: Bush cha, Reagan và Clinton. Và ở quỹ quà tặng tôi thấy hàng lô mũ, nón cao bồi, gậy đánh golf. Yeltsin được tặng hàng trăm vợt tennis và máy giao bóng. Putin từng được tặng võ phục judo, còn Medvedev - thiết bị điện tử.

Cần tìm kiếm những điểm chính trong tiểu sử mỗi nhân vật. Khi lần đầu tiên tới thăm Jacques Chirac, chúng tôi nhắm vào việc thời trẻ ông ấy từng dịch Pushkin.

Lúc ấy chúng ta vừa xuất bản tuyển tập 30 quyển của nhà thơ, chúng tôi tặng ông ấy trọn bộ. Chirac đã rất vui mừng! Còn Bill Clinton và cây kèn saxophone của ông ấy, chúng tôi nặn từ gốm sứ Gzhel, bạn phải thấy phản ứng của ông ấy!

Ông ấy là người giàu tình cảm, chộp lấy và thậm chí không dám giao cho vệ sĩ cầm tay bức tượng nhỏ ấy. Còn Helmut Kohl thì thật tình, chúng tôi tặng đá.

Tổng thống Putin đã hai lần gặp Đức giáo hoàng Francis ở Vatican -RIA Novosti
Tổng thống Putin đã hai lần gặp Đức giáo hoàng Francis ở Vatican -RIA Novosti

 Đá à?

- Đá quý Ural: chưa qua xử lý, dưới dạng chế phẩm. Ông ấy là nhà sưu tập. Và khi sang thăm ông ấy, chúng tôi đã gặp những “đá cuội” ấy của chúng ta.

Mới đây, Ngoại trưởng Lavrov đãi các nhà báo vodka. Ông John Kerry đang phát pizza thì ngoại trưởng chúng ta lấy ra mấy chai rượu. Chúng ta luôn mang rượu theo à?

- Tại sao không chứ? Người nước ngoài rất thích các thức uống của chúng ta, đặc biệt là vodka chất lượng. Bây giờ ta có nhiều loại, còn thời chúng tôi luôn có sẵn một bộ thế này trong một cái ống: vodka Moskoskaya, Stolichnaya hay Posolskaya và một hộp trứng cá nhỏ, trị giá 3 rúp. Ống quà như thế luôn được hoan nghênh!...

Chính khách hiện đại - những người nhỏ bé?

Ông từng làm việc với Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin rồi Vladimir Putin. Làm việc với ai ông thấy thoải mái hơn?

- Thế nào là thoải mái? Thoải mái là khi anh chẳng làm gì cả. Còn tôi làm nhiều thứ, và tôi cảm thấy thú vị với tất cả. Với Gorbachev là vì chúng ta bắt đầu xây dựng nền lễ tân, trước đó chúng ta không có khái niệm này.

Câu hỏi đặt ra là ở Liên Xô, ai là người cao cấp nhất, tổng bí thư hay chủ tịch Xô viết tối cao? Nhưng chúng tôi đã không kịp triển khai - Liên Xô tan rã.

Thời Boris Yeltsin, những năm đầu tiên chúng tôi có tới 17, 18 chuyến công du, không kể tuyến SNG. Cuộc sống của tôi trôi qua thế này - về tới nhà, vợ tôi đã chuẩn bị vali cho chuyến đi kế tiếp, tôi bỏ quần áo cũ ra, thay quần áo mới, xách vali và lại đi.

Nói về người Mỹ... Ông đã biết ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton nhiều năm. Bà ấy gây cho ông ấn tượng thế nào?

- Bà ấy rất cứng rắn, một người khép kín. Margaret Thatcher nổi tiếng là “bà đầm thép”, nhưng khi gặp gỡ bà ấy còn có nụ cười ấm áp. Bà Clinton thì không...

Nhưng chồng bà ấy, ông Bill, lại là người khác hẳn. Ông đối với Boris Yeltsin như với người đồng chí già, họ cách nhau 15 tuổi. Chúng tôi đón ông ấy năm 1992... Khi ông ấy ngồi bắt chéo chân kiểu Mỹ và gãi vớ mình, Yeltsin không hiểu, hỏi: “Sao thế, Bill, giày chật à? Vậy đổi giày đi, chân tôi lớn hơn một chút”. Sau đó Clinton không làm thế nữa...

...Ai trong số các nguyên thủ nước ngoài, hiện nay hay trong quá khứ, gây ấn tượng sâu đậm nơi ông nhất?

- Không thể so sánh các chính khách hiện đại với quá khứ. Đấy, anh thử xem: Mitterrand, Thatcher, Chirac, Giang Trạch Dân, Hashimoto. Họ đúng là những nhân vật thú vị với hành trang lớn. Còn giờ chỉ có những con người nhỏ bé.

Trong số các lãnh đạo hiện nay tôi chẳng chọn ra được ai. Có thể có Tập Cận Bình và Narendra Modi - nhưng đó là trường phái Trung Hoa và Ấn Độ. Họ không đi lại như con thoi. Có thể có Silvio Berlusconi, ông ấy và Romano Prodi là những người thú vị nhất. Nhưng có thể đó chỉ là lời càm ràm già lão của tôi thôi.

Các chính khách hiện đại giống các diễn viên, họ coi thường lễ tân.

- Không nên buộc họ vào lễ tân. Họ là những nhân vật đặc biệt. Một thế hệ như thế...■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận