Chúng ta đều là người tốt

DUY VĂN 07/01/2017 02:01 GMT+7

TTCT - Từ khi nào chúng ta lại trở nên như thế này? Hám lợi và khát thù, tin rằng chỉ cái ác mới diệt trừ được cái ác.

Hoa, nến và di ảnh bác sĩ Liza trước trụ sở “Giúp đỡ công bằng” mà bà làm giám đốc-KP
Hoa, nến và di ảnh bác sĩ Liza trước trụ sở “Giúp đỡ công bằng” mà bà làm giám đốc-KP


Trong 92 nạn nhân của vụ máy bay Nga Tu-154 gặp nạn trên biển Đen hôm 25-12 có một nhân vật đặc biệt: bác sĩ Liza (Elizaveta Petrovna Glinka).

Là chủ tịch tổ chức từ thiện Giúp đỡ công bằng và giám đốc hospice (bệnh viện dành cho người hấp hối) đầu tiên ở Kiev, bà được biết đến bởi những chuyến đi vào vùng chiến tranh (Donbass và Syria) đưa trẻ em thương tật hoặc bị bệnh hiểm nghèo về Nga điều trị, bất kể Nga và Ukraine đang bất hòa nghiêm trọng. TTCT trích dịch một số ghi chép trên trang cá nhân của bà - nơi có rất nhiều người Nga theo đọc.

Không vứt bỏ

Hôm nay chúng tôi nhận một bệnh nhân vô gia cư. Ông sống ngoài chợ, còn lâm bệnh khi nào, ở đâu... chỉ có thể đoán.

Ông ta uống rượu nhiều và không biết cuộc đời ông ta sẽ kết thúc thế nào nếu em ruột ông ta, hai bên đã 15 năm không gặp nhau, không vô tình đi chợ hôm đó. Người em khỏe mạnh nhận ra anh trai, đưa ông về nhà (anh ta sống ở Svyatoshino, vùng có hospice chúng tôi).

Ông ta tỉnh rượu, giặt giũ sạch nhất có thể, kiểm tra sức khỏe ở trung tâm ung bướu (ung thư phổi thời kỳ cuối) và đăng ký cư trú tại nhà em trai.

Xong họ đưa ông vào hospice. Tôi tin họ sẽ vứt bỏ ông, như nhiều người đã bị vứt bỏ ở hospice chúng tôi. Tôi đã ghi chú việc tổ chức chôn cất cho ông (lạy trời, vẫn còn chỗ).

Người em ngày nào cũng đến. Bảo, sẽ tự mình lo chôn cất.

Có thể trong chuyện này chẳng có gì đặc biệt, nhưng sự quan tâm đó làm tôi cảm động.

Tính cách ông ta, dĩ nhiên, đặc biệt. Nhưng ông ta thích chỗ chúng tôi.

Tôi viết điều này ra làm gì? Có lẽ tôi cần nghĩ tốt hơn về con người.

***

Bình oxy duy nhất ngày càng cạn. Trong số 14 bệnh nhân có ba người cần thở oxy (dẫu không thể kéo dài cuộc sống của họ thì cũng làm họ an tâm). Không thể mua được bình oxy ở Ukraine.

Raymond

Trong hospice chúng tôi có ba người. Bà mẹ Elena và hai con. Elena mới ngoài 40. Ung thư cổ tử cung.

Hai con gái, trai tuổi 20 và 23. Lúc nào họ cũng có mặt ở buồng bệnh cạnh người mẹ sắp qua đời. Con trai đẩy mẹ dạo chơi trên xe lăn và chỉ rời hospice vào tối muộn. Con gái tới vào sáng sớm, sau đó đi học, học xong lại trở vào.

Chẳng hiểu sao tôi chẳng bao giờ nghĩ tới Elena chỉ một mình - bà ta luôn hòa quyện với con cái mình, hay họ hòa quyện cùng bà. Những người con như những chú chim non mà có lẽ người ta hay dùng từ “con nít”.

Quả là trong họ có nét gì đó hoàn toàn con trẻ. Có thể là cách họ trò chuyện với mẹ, cách họ vui mừng khi bà có thể tự mình ngồi được vài phút.

Họ biết rõ chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Rõ ràng họ không tin hay hi vọng gì vào phép mầu. Mà làm gì có phép mầu. Ít ra là trong trường hợp này.

Họ không có cha, chỉ có bà ngoại. Tôi không gặp bà, bà nằm ở bệnh viện khác. Hai đứa con học ngành xã hội (cô con gái vẫn còn đi học), cậu con trai bà là vũ công balê.

Cậu múa ở nhà hát opera và balê. Không hiểu sao những đứa trẻ này luôn gợi trong tôi cảm nghiệm xót thương đeo đẳng. Họ nói “cảm ơn” và chào hỏi tất cả mọi người, mở và đóng cửa cho tất cả ai ra vào hospice trước hay sau họ. Họ luôn đồng ý với mọi chuyện và không bao giờ đòi hỏi điều gì.

Tôi biết họ rất khó khăn, nhưng họ chẳng bao giờ hỏi xin gì. Họ đã quen với thực tế rằng ở Ukraine điều đó không được phép khi chúng tôi phải giúp những ai không thể không giúp đỡ.

Chúng tôi, những nhân viên hospice, đã bị đánh bại trong cuộc chiến. Cả với bệnh tật và cả với sự tồn tại. Không chỉ chúng tôi, mà cả những bệnh nhân chúng tôi cũng chấp nhận điều đó. Thật vậy.

Có lần tôi đã đưa được tới buồng bệnh của họ một người rất giàu, người bày tỏ mong muốn giúp đỡ những ai khó khăn nhất. Đó là chọn lựa khó khăn. Cuối cùng tôi dẫn ông ta đến chỗ họ. Tôi nói thật với bà mẹ: “Hãy đề nghị ông ta làm điều gì đó cho con cái bà, ông ta sẽ giúp”.

Trả lời câu hỏi của tôi:

- Lenochka, bà muốn ngài N. giúp gì? Bà đáp: Con trai tôi sẽ múa bài “Raymond” vào ngày 28. Ông nhất định phải tới xem... Ông sẽ thích.

Tái bút: Tôi chẳng bao giờ có thể quên chuyện này.

Người tốt nhiều hơn

Ngày mai chúng tôi sẽ đi Donetsk, từ đó chúng tôi bay đi Syria, không bao giờ chúng tôi chắc rằng mình có thể sống sót trở về...”

(trích phát biểu chính thức cuối cùng của bác sĩ Liza ngày 8-12 tại Điện Kremlin, nơi bà được vinh danh vì những nỗ lực cứu giúp trẻ em)

Tất cả chúng ta sinh ra đều là người tốt. Tất cả.

Từ khi nào chúng ta lại trở nên như thế này? Hám lợi và khát thù, tin rằng chỉ cái ác mới diệt trừ được cái ác.

***

Sau ba năm làm việc cạnh bãi rác nhà ga, tôi đã thấy bao điều người ta có thể làm cho người khác.

Người cho một mẩu bánh mì. Kẻ khác lại thiêu sống một người ăn mày nằm ngủ trên ghế đá. Người thứ ba thuê những thiếu niên đánh một người vô gia cư thừa sống thiếu chết. Kẻ thứ tư chọc mắt một người ăn xin. Người thứ năm gọi bác sĩ và đưa anh ta vào viện.

Và cứ thế nhấp nháy trước mắt tôi những người tốt và những kẻ đáng sợ.

Ai nhiều hơn? Có lẽ là người tốt. Bởi như ở trên tôi đã nói, tất cả chúng ta sinh ra đều là người tốt.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận