Con người làm gì với vật nuôi ?

LÊ QUANG 22/06/2019 18:06 GMT+7

TTCT - Về mặt nào đó Robinson Crusoe trên hoang đảo có một cuộc sống khá đơn giản, nhàn hạ và hạnh phúc với một con vẹt, một con chó, vài ba con dê lấy sữa và thịt. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa xuất hiện trên đảo hoang. Hôm nay chúng ta đối đầu với nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá, kể cả khi cái giá đó là sự sống của thế giới động vật quanh ta.

Gà trống con mới nở rơi từ băng chuyền vào bao tải, chuẩn bị đến tủ hơi ngạt. -Ảnh: behemla-animals.org
Gà trống con mới nở rơi từ băng chuyền vào bao tải, chuẩn bị đến tủ hơi ngạt. -Ảnh: behemla-animals.org

Năm 2013, bang Nordrhein-Westfalen (Đức) cấm các lò ấp trong bang tiêu hủy gà trống mới nở. Hai cơ sở bị áp lệnh cấm liền kiện lên Tòa án hành chính bang và tạm thời thắng kiện, cụ thể là cho đến khi tìm được giải pháp kỹ thuật mới, họ được phép dùng hơi ngạt hay máy băm để giết hết gà trống cũng như một cơ số gà mái thuộc loại tăng trọng chậm - khoảng 45 triệu con mỗi năm!

Quốc hội Thụy Sĩ hàng xóm cũng buộc phải đợi phương pháp xác định hữu hiệu giới tính gà trong trứng rồi mới có thể cấm giết gà trống, từ nay đến đó mỗi năm 3 triệu con gà mới nở bị ném vào tủ thán khí.

Ảnh:
Ảnh: Gà trống con bị giết hàng loạt.

Sống công nghiệp, chết công nghiệp

Khi người ta không đủ ăn, chẳng ai nghĩ đến bảo vệ động vật. Chúng là nguồn cung cấp đạm hai chân hay bốn chân, sinh ra để duy trì thực đơn tương đối nghèo nàn cho giống “sinh vật thượng đẳng” là con người. Thực ra không khó hiểu.

Ngày nay nạn đói không còn là bóng ma ám ảnh nhân loại nữa. Con người chú ý hơn đến những con vật xung quanh, ưu ái chúng hơn. Những người bạn thân thiết được thuần hóa từ vài ngàn năm như chó mèo được ưu tiên trước hết, rồi đến lượt bò ngựa vốn được dùng làm sức kéo, sau rốt là gà vịt, dê cừu, vốn bị coi là kém “thông minh” hơn, sau cùng là cá mú, côn trùng.

Không phải vì thế mà chúng thoát khỏi số phận vào nồi, nhưng ít nhất thì thân phận động vật ở các quốc gia phát triển cũng có phần sáng sủa hơn. Điều 1 Luật bảo vệ động vật của CHLB Đức nêu rõ: “Không có lý do hợp lý trí thì không ai được làm động vật đau đớn và tổn hại”.

Nội dung cuộc tố tụng như sau: có một loại gà mái khỏe đẻ trứng và một loại khác tăng trọng nhanh, nhất là phần thịt ức, trong khi nuôi gà trống tốn kém hơn và không năng suất bằng. Do đó hàng triệu con gà trống mới nở vài tiếng đồng hồ bị loại ra, trôi qua băng chuyền, rơi vào một cái máy băm để biến thành thức ăn chó mèo hay trong vườn bách thú.

Khi các tổ chức bảo vệ động vật Đức đệ đơn xin chấm dứt hành vi hoàn toàn mang tính thương mại đó, các bậc tòa án xử đi xử lại, cân nhắc giữa mục tiêu Luật bảo vệ động vật và lợi ích kinh tế, rồi quyết định tiếp tục cho phép giết gà trống mới nở, coi đó như một cấu thành mặc định của quá trình sản xuất trứng thịt cho xã hội.

Từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp Đức cũng như Bộ Kinh tế Thụy Sĩ đưa ra một số công nghệ hiện đại để phân biệt giới tính của gà trong trứng, ví dụ máy soi cộng hưởng từ, nhằm tránh phải giết gà mới nở. Ngoài ra số gà bị cho vào tủ hơi ngạt ngày càng chiếm tỉ lệ đông hơn, có lẽ vì cái máy nghiền gà còn sống kia gây ra một liên tưởng khá bạo liệt!?

Nhưng công nghệ đó chưa hoàn hảo và có lẽ còn khá đắt, do đó tòa án buộc phải nới lệnh: cấm thì cấm, nhưng nếu vi phạm thì cũng... không sao. Nghĩa là, rốt cuộc chính khung luật pháp cũng phụng sự lợi ích của nền kinh tế, không được làm hại đến khả năng cạnh tranh của các thành phần kinh tế.

Nước Áo thử đi theo đường khác: họ giữ gà trống để nuôi, nhưng tăng giá trứng bù vào. Một gói 6 quả trứng ở siêu thị Merkur giá 3,19 euro chứ không phải 3,09 euro như ở nơi khác. Chuỗi Coop của Thụy Sĩ làm theo ngay nhưng nghe chừng lỗ. Bản chất ham rẻ của người tiêu dùng không dễ thay đổi ngày một ngày hai.

Các tổ chức bảo vệ quyền động vật dự đoán còn hai năm cho đến khi đạt được lệnh cấm tuyệt đối việc tiêu hủy gà trống mới nở, nhưng chính họ cũng không đưa được ra giải pháp kỹ thuật nào.

Máy vắt sữa tự động Rotolactor. Ảnh: agriland.ie
Máy vắt sữa tự động Rotolactor. Ảnh: agriland.ie

Quay trở lại luật bảo vệ động vật

Thực ra con người là một động vật đạo đức giả. Và nó viết ra luật cũng chỉ để biện minh cho lợi ích của chính mình. Xem điều 1 đã nêu trên, ta thấy ngay một cái chân sói mang tên “lý do hợp lý trí”. Nó là gì vậy? Ta sẽ có nhiều đáp án khác nhau, tùy vào người được hỏi.

Người nuôi gà không thích gà trống, vì nó không nhanh béo mà cũng chẳng đẻ trứng.

Nhà lập pháp thì há miệng mắc quai, vì từ thập kỷ 1950 họ cho phép nuôi gà công nghiệp theo hai hướng duy nhất: gà thịt và gà đẻ. Nói cách khác, vì một bàn ăn phè phỡn với giá cả vừa phải, con người đã nhắm mắt lờ đi bản thể nguyên thủy của giống gà.

Gà nhà hôm nay, cả ở châu Âu, được thuần hóa từ giống Gallus gallus tức gà rừng lông đỏ của châu Á, biến thành Gallus gallus domesticus. Nó ấp một mớ trứng thành gà con, nuôi chán chê rồi mới đẻ tiếp, mỗi năm tổng cộng 20 trứng. Gà công nghiệp hôm nay được hoặc bị tối ưu hóa qua bao nhiêu thế hệ để biến thành một máy đẻ công suất cao, mỗi con mỗi năm cung cấp cho con người 300 trứng.

Cái giá phải trả là gà công nghiệp có vòng đời cực ngắn, chúng chịu nhiều stress trong chuồng chật hẹp, bị rối loạn tâm lý cao độ, liên tục viêm ống dẫn trứng và khớp đùi, thịt bở bùng bục và có mùi bột cám trộn cá... Cuộc cách mạng nông nghiệp với vô số hệ quả tích cực như ngũ cốc cao sản, gia súc siêu thịt... phải trả giá bằng những sản phẩm quái dị và chưa biết bao giờ chấm dứt.

Ánh sáng le lói cuối đường hầm đến từ phương pháp Seleggt, xác định giới tính bằng tia laser khi quả trứng đã ấp được 8-9 ngày trong tủ ấp. Trứng chứa gà trống sẽ bị làm thức ăn cho động vật vì luật thực phẩm Đức không cho người ăn trứng lộn. Tuy nhiên các nhà khoa học đang cãi nhau, liệu ở ngày thứ 9 phôi gà có cảm thấy đau đớn vì tia laser không, và nói cho cùng thì đây cũng là một dạng tiêu hủy động vật vì lợi tức, chỉ sớm hơn chút ít!

Tóm lại là cứ đợi.

Ảnh:
Ảnh:

Câu hỏi đạo đức

Theo tính toán thuần túy số học, nếu nông nghiệp hoạt động ở mức độ như hôm nay trái đất này sinh ra đủ lương thực và thực phẩm cho 10 tỉ người. Vậy các vấn đề đang được tranh cãi hôm nay như chăn nuôi công nghiệp, biến đổi gen thực phẩm, lạm dụng hóa chất chỉ mang tính đạo đức.

Xin bám hờ vào một nhận định của thiên tài Einstein để gây hấn: “Có hai thứ vô tận là vũ trụ và ngu dốt của con người. Về vũ trụ thì tôi không chắc lắm”. Lịch sử mấy ngàn năm văn minh cho thấy con người không thèm học từ những thất bại đã có mà tiếp tục đầu độc không ngừng nghỉ hành tinh của mình.

Để chứng tỏ hàng chục triệu con gà bị băm nát sau khi ra đời không phải là ngoại lệ hi hữu, xin kể tiếp về một con vật kiêm nạn nhân gần gũi với ta.

Trẻ con đô thị ngày nay thường tin rằng sữa đến từ bịch bìa cứng trong siêu thị, chứ không phải vắt ra từ vú bò.

Loài bò rừng Bos primigenius được con người thuần hóa trước đây 10.000 năm ở Trung Đông. Từ xưa nay bò cần sữa để cho bê bú, như mọi động vật có vú trên đời. Cơ thể bò nguyên thủy được tạo hóa nặn ra để cung cấp lượng sữa vừa đủ là 8 cân mỗi ngày.

Ở đây ta thấy có sự song song với gà công nghiệp: bò sữa hôm nay sản xuất mỗi ngày 50 cân, và thành phần của nó cũng được con người “lập trình” lại: 50 lít sữa chứa 1,6kg chất đạm, 2 cân chất béo và 2,4 cân đường. Thống kê ở EU cho biết năm 2009 mỗi con bò sữa mỗi năm bị vắt ra trung bình 6.700 cân sữa (dĩ nhiên có sự chênh lệch: Bulgaria 2.200 cân và Đan Mạch 8.400 cân).

Từ 20 năm nay lượng sữa được khai thác tăng liên tục: năm 1990 còn là 4.700 cân, năm 2000 đã 6.100 cân, và 2007 ngót 7.000 cân. Wisconsin và Idaho (Hoa Kỳ) lập thành tích choáng với 9.750 cân trong năm 2001, chỉ chịu thua Israel với 12.000 cân/bò/năm.

Bây giờ buộc phải lặp lại một điều bí mật khá đơn giản mà học sinh phổ thông đã được học: bò chỉ có sữa khi đẻ ra bê! Vậy con người đã khai thác sữa cả năm, bằng cách cướp con bê khỏi mẹ nó để giành lấy sữa cho mình.

Khỏi phải nhắc đến áp lực tâm lý đối với con bò mẹ đột nhiên mất con và bầu vú tức sữa. Chưa hết, con người còn liên tục thụ tinh nhân tạo để bò luôn ở tình trạng mang thai, nói cách khác là liên tục tiết ra sữa.

Vẫn chưa hết: Hoa Kỳ đem lại cho nhân loại nhiều phát minh hoành tráng, trong đó có công trình Rotolactor của một kỹ sư mang tên Henry W. Jeffers hồi 1913. Cỗ máy vắt sữa bò này thoạt tiên được lắp ở New Jersey.

Nó là một cái mâm quay khổng lồ, đủ chỗ đứng cho 50 tới 100 con bò sữa. Các vòi hút chân không được lắp vào vú bò sau khi xịt nước tắm, sau đó mâm quay một vòng đúng 12,5 phút. Sữa chảy qua hệ thống ống sang phòng bên, được cân, làm lạnh, đóng bình và dán nhãn.

Đây là kỹ thuật vắt sữa bò nhanh nhất và hữu hiệu nhất trong lịch sử chăn nuôi. Không những thế, không ở thời điểm nào sữa bò tiếp xúc với bàn tay người và không khí, góp phần tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Chiếc Rotolactor có thể vắt mỗi ngày ba lần, tổng cộng 1.680 con bò sữa ở Nhà máy sữa Walker-Gorrdon và cho ra xưởng 26.000 lít sữa. Về nguyên tắc, kỹ thuật Rotolactor được áp dụng ở khắp nơi hôm nay.

Khỏi phải kể thêm là những con bò đốm đen trắng trên đồng cỏ xanh mướt chỉ để chụp ảnh quảng cáo. Thực tế những con bò mẹ đứng chen vai thích cánh trên nền chuồng bêtông, sừng bị đốt hoặc cắt (không thuốc tê!) để khỏi chành chọe nhau. Đàn bê mà lẽ ra được uống sữa mẹ thì được cho ăn thức ăn thay thế và nhanh chóng nối đuôi nhau đến lò mổ.

Và chúng ta, chúng ta vào siêu thị, mua mấy bịch sữa với sự yên tâm vì khuất mắt trông coi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận