Động vật cũng giãn cách xã hội

LÊ MY 01/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Loài người đã và đang bất đắc dĩ giãn cách xã hội, gác lại những chuyến viếng thăm, từ bỏ những tiếp xúc gần gũi với người thân và bè bạn nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19. Lối sống giãn cách này có lẽ chẳng mấy “thuận tự nhiên” với chúng ta, nhưng nó lại là một bản năng sinh tồn phổ biến trong thế giới động vật.

Tôm hùm gai Caribe sẵn sàng “giãn cách” khi phát hiện đồng loại bị bệnh. Ảnh: Scientific American
Tôm hùm gai Caribe sẵn sàng “giãn cách” khi phát hiện đồng loại bị bệnh. Ảnh: Scientific American

Lối sống bầy đàn giúp nhiều loài động vật dễ dàng săn mồi, giữ ấm và tránh kẻ thù, nhưng nó cũng tạo điều kiện thuận lợi để bệnh truyền nhiễm bùng phát. Khi không thể phát triển vaccine như con người, chính hành vi giãn cách giúp các quần thể động vật tồn tại qua dịch bệnh.

Những cá thể thực hiện tốt việc giãn cách thường có nhiều khả năng sống sót và duy trì nòi giống. Con cái của chúng sẽ thừa hưởng bản năng giãn cách xã hội khi đối mặt với bệnh tật. Các nhà sinh thái học gọi đây là “miễn dịch hành vi”.

Chấp nhận mạo hiểm vì sức khỏe

Tại một rạn san hô cạn ở Florida Keys (Mỹ), một con tôm hùm gai Caribe trở về mái nhà nhỏ hẹp của mình sau một đêm chén no nê bọn nhuyễn thể, và phát hiện một vị khách lang thang cùng loài. Là loài vật có tập tính xã hội, tôm hùm gai thường không ngại chia sẻ những khe đá với nhau, có khi tập hợp sôi nổi đến 20 thành viên.

Thế nhưng, kẻ mới đến có gì đó không ổn - nó đang nhiễm bệnh. Con tôm hùm khỏe mạnh quyết định làm người ra đi, quay lại đại dương mênh mông và tránh xa virus chết chóc, mặc dù thật khó để tìm được một chỗ ở mới giống như chiếc hang hiện tại, vốn bảo vệ nó khỏi những kẻ săn mồi.

Chuyện về con tôm hùm gai nói trên được hai tác giả Dana M. Hawley và Julia C. Buck kể trong bài viết về chuyện giãn cách xã hội ở động vật trên tạp chí Scientific American ngày 1-8. Các tác giả dẫn một nghiên cứu vào những năm 2000 do Donald Behringer (Đại học Florida, Mỹ) dẫn đầu cho thấy khả năng phát hiện và tránh xa các cá thể cùng loài bị nhiễm bệnh là chìa khóa quyết định sự tồn tại của loài tôm này trước PaV1 - loại virus có thể kết liễu hơn một nửa số nạn nhân của nó.

Để củng cố phán đoán trên, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm sau: cho phép những con tôm hùm gai khỏe mạnh chọn giữa một chiếc hang nhân tạo còn trống và một chiếc hang đã “có chủ”.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Nature năm 2006, nhóm nghiên cứu cho biết: những con tôm hùm khỏe mạnh vốn thích giao lưu và chọn chiếc hang của những đồng loại không mang mầm bệnh. Ngược lại, chúng hết sức tránh xa nơi ở của những con tôm nhiễm virus, mặc dù điều đó đồng nghĩa với sự cô đơn.

Loài tôm này thậm chí không cần nhìn thấy “đối phương” để biết có cần tránh xa hay không vì có thể nhận biết những dấu hiệu hóa học trong nước tiểu của những cá thể nhiễm bệnh. Khi nhóm nghiên cứu dùng keo để “khóa” cơ quan bài tiết nước tiểu của những con bị bệnh, hành vi giãn cách cũng biến mất.

Để bảo vệ bản thân trước mầm bệnh, tôm hùm gai sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đáng kể khi sống đơn lẻ, như việc bị kẻ thù tấn công. Giãn cách xã hội ở những loài vật sống bầy đàn, dù chỉ là tạm thời, đòi hỏi sự hi sinh những lợi ích vốn có của lối sống tập thể.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2015, nhóm của Behringer đã sử dụng mô hình toán học để chứng minh rằng tuy rủi ro là thế, song biện pháp giãn cách có thể ngăn chặn sự bùng phát của virus và vì thế duy trì quần thể tôm hùm.

Hi sinh vì cộng đồng

Trong thế giới tự nhiên, tuổi già là một thứ xa xỉ mà rất ít sinh vật có thể chạm đến. Thông thường, cái chết đến từ những kẻ săn mồi hoặc ký sinh trùng. Trong trường hợp thứ hai, những cá thể sắp chết có thể trở thành một mối đe dọa lớn cho đồng loại của chúng.

Trong môi trường ẩm ướt, đông đúc của một chiếc tổ bất kỳ, các bệnh nhiễm trùng có thể lây lan mãnh liệt như những trận cháy rừng. Một số loài sẽ chủ động “hi sinh bản thân để bảo vệ gia đình khổng lồ của mình” - Andrea Townsend, một nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Hamilton (Mỹ), nói trên tạp chí khoa học Science.

Điều này đặc biệt đúng trong các quần thể côn trùng, khi mỗi cá thể có quan hệ huyết thống rất chặt chẽ với nhau - hơn cả mối quan hệ giữa con người trong gia đình. Chẳng hạn, một con kiến thợ thuộc loài Temnothorax unifasciatus có thể sống cả đời bên cạnh hàng triệu đồng loại, nhưng sẽ chết trong cô độc bất kể vì lý do gì, theo một nghiên cứu công bố năm 2010 của Jürgen Heinze và Bartosz Walter thuộc Đại học Regensburg (Đức).

Metarhizium anisopliae là loại nấm ký sinh chết chóc đối với loài kiến này. Phải mất vài ngày sau khi vật chủ bỏ mạng, bào tử nấm mới xuất hiện và tiếp tục truyền nhiễm. Đến thời điểm đó, những con kiến mắc bệnh đã rời tổ và bỏ đi xa. Những ẩn sĩ tí hon không bao giờ cố gắng trở về nhà, cũng không cố gắng liên lạc với “người thân”. Chúng ngừng tìm kiếm thức ăn và nước uống. Nếu bị (con người) bắt trở lại tổ, chúng sẽ chủ động bỏ trốn một lần nữa.

Còn những thành viên khỏe mạnh trong bầy đàn sẽ hành động như thế nào khi có dấu hiệu của dịch bệnh? Theo một thí nghiệm trên loài kiến vườn của nhóm nghiên cứu Đại học Bristol (Anh) công bố năm 2018, những con kiến khỏe mạnh cũng giảm tương tác xã hội đáng kể và có sự thay đổi hành vi phụ thuộc vào vai trò của chúng trong tổ.

Những con kiến thợ không bị nhiễm nấm đã giữ khoảng cách với bầy đàn bằng cách dành nhiều thời gian làm việc ngoài tổ hơn. Điều này giúp chúng không vô tình lây bệnh cho các thành viên quan trọng nhất của tổ, bao gồm kiến chúa và lực lượng kiến “y tá” chuyên chăm lo chuyện hậu cung.

Nhóm kiến “y tá” thì di chuyển các con non vào sâu trong tổ và tránh xa nhóm kiến thợ. Lũ kiến đã dựa vào đâu để phát hiện nấm và phản ứng nhanh chóng như vậy vẫn còn là ẩn số với chúng ta. Thế nhưng, chiến lược giãn cách này đã phát huy hiệu quả, nên tất cả kiến chúa và hầu hết các “y tá” vẫn còn sống sót đến cùng trong thí nghiệm này.

Các nhà dịch tễ học sử dụng những nghiên cứu như trên để hiểu hơn về cách dịch bệnh lây lan trong thế giới muôn loài, kể cả con người. Như nhiều loài động vật, con người có một lịch sử tiến hóa trải dài gắn với những căn bệnh truyền nhiễm.

Khác với động vật, con người hiện đại có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc chiến sống còn chống lại dịch bệnh, như khả năng thông tin toàn cầu trong chớp mắt, các nền tảng giao tiếp trực tuyến và những vũ khí miễn dịch ưu việt như vaccine. Thế nhưng, đứng trước một đại dịch khó lường như COVID-19, điều đầu tiên chúng ta có thể làm là học hỏi và bắt chước thiên nhiên.

“Đối với tôi, bài học kinh nghiệm lớn nhất là giãn cách xã hội thật sự có tác dụng. Bất cứ khi nào chúng ta thấy một hành vi đã và đang tiến hóa lặp đi lặp lại ở các loại động vật khác nhau, đó là tín hiệu cho thấy: mặc dù việc giãn cách xã hội có cái giá của nó, nhưng lợi ích rõ ràng nhiều hơn những hi sinh” - Dana Hawley, nhà sinh vật học tại Đại học Blacksburg (Mỹ), nói với tạp chí Science.

Dù vậy, loài người chúng ta sẽ chẳng thể nào bỏ mặc người đang ốm đau hay để ai đó ra đi trong cô độc. Chỉ cần giúp người đồng nghiệp sổ mũi hắt hơi của bạn rời phòng làm việc và an tâm ở nhà.■

Càng yếu thì càng lo

Một số quần thể động vật lại có chiến lược giãn cách linh hoạt, có lẽ được chi phối bởi khả năng miễn dịch của từng cá thể. Cá bảy màu là một ví dụ.

Trong nghiên cứu công bố năm 2019 của Jessica Stephenson thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ), lần lượt từng con cá khỏe mạnh được thả vào một bể cá nằm giữa 2 chiếc bể khác. Một bể được để trống và bể còn lại thì chứa 3 con cá bị nhiễm loại giun Gyrodactylus turnbulli.

Nhiều con cá bảy màu đã bơi đến gần chiếc bể có cá, một hành vi không bất ngờ vì đây là loài có tập tính xã hội. Tuy nhiên, một vài con cá trống đã cố gắng tránh xa những con cá bị bệnh. Nguyên nhân được phát hiện sau đó: chúng dễ bị nhiễm giun hơn những con còn lại. Như vậy, những cá thể có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ thể hiện hành vi giãn cách mạnh mẽ - một điều hợp lý trong quy luật tiến hóa.

Đôi khi giãn cách không phải là thượng sách

Vẫn có những loài động vật lựa chọn duy trì một vài mối quan hệ xã hội nhất định, ngay cả khi điều đó làm tăng nguy cơ truyền nhiễm. Khỉ mặt chó với khuôn mặt đầy màu sắc nổi bật là minh họa cho chiến lược sống còn này.

Là loài linh trưởng có tập tính xã hội cao, chúng sinh sống trong các bầy đàn từ hàng chục đến hàng trăm cá thể ở các khu rừng mưa nhiệt đới của vùng xích đạo châu Phi. Chúng thường xuyên chải chuốt cho nhau để giữ vệ sinh và thắt chặt các mối quan hệ xã hội. Nhưng chúng sẽ điều chỉnh hành vi chải chuốt của mình để tránh những thành viên đang mang mầm bệnh, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances năm 2017.

Tuy nhiên, đôi khi loài khỉ mặt chó bỏ qua yêu cầu giãn cách xã hội giữa bệnh dịch, khi những con khỉ vẫn tiếp tục chải chuốt một số họ hàng thân thuộc đang bị nhiễm ký sinh trùng nặng, đồng thời lại né tránh các thành viên bị bệnh khác trong đàn, theo kết quả một nghiên cứu khác.

Trong một bài trên tạp chí Biology Letters, các nhà nghiên cứu cho rằng những “liên minh” mạnh mẽ và vô điều kiện giữa những thành viên họ hàng có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài ở các loài linh trưởng. Với khỉ mặt chó, những con cái có đời sống xã hội mạnh mẽ nhất thường bắt đầu sinh sản sớm hơn và có thể có nhiều hậu duệ hơn trong vòng đời của chúng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận